Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 10
Mười giờ, hắn và Dorothy rời nhà, tay trong tay đi dưới bầu trời nắng chan hòa, lung linh như thủy tinh trong âm thanh réo gọi, cười đùa của đám sinh viên đồng lớp. Ba cô gái mặc đồng phục diễu hành đang len lỏi đi qua; một cô đánh xập xõa với cái dùi bằng gỗ; hai cô kia mang bảng cổ động cho cuộc tranh giải bóng rổ sắp đến.
- Anh còn đau không? – Dorothy hỏi vì vẻ mặt nhăn nhó của hắn.
- Đau chút thôi.
- Anh thường bị đau nhức như thế à?
- Không. Em đừng bận tâm – Hắn nhìn đồng hồ tay – Em không lấy phải thằng thương phế binh làm chồng đâu mà lo – Gịong hắn lừng khừng.
Hắn và nàng bỏ lối đi chính, đi vào bãi cỏ.
- Lúc nào mình sẽ đi đến đó hả anh? – Nàng siết nhẹ tay hắn.
- Chiều nay, khoảng bốn giờ.
- Sao không đi sớm hơn hả anh?
- Sớm để làm gì?
- Để tranh thủ thời gian. Năm giờ họ nghỉ việc.
- Không mất thì giờ lắm đâu. Mình chỉ điền vào mẫu hôn thú, sau đó một vị chức sắc nào đấy làm lễ kết hôn cho mình luôn.
- Tốt hơn là em nên mang theo giấy khai sinh.
- Ừ, đúng đó.
Nàng nhìn hắn, giọng bỗng trở nên đứng đắn, đôi má ửng hồng vì thẹn. – “Con bé chẳng có vẻ gì là dối trá cả” – Hắn thầm nghĩ.
- Anh có ân hận vì thuốc không công hiệu không hả anh? – Nàng lo lắng hỏi.
- Không! Chẳng có gì phải ân hận cả.
- Anh không cường điệu chứ? Công chuyện sẽ thế nào đây?
- Ờ mình sẽ lo liệu, em à. Anh chỉ muốn thử xem vậy thôi. Tựu trung là chỉ lo cho em.
Mặt nàng đỏ hơn. Hắn quay đi, bối rối trước vẻ hồn nhiên, ngây thơ trong trắng của nàng. Hắn lại nhìn nàng, trông nàng tươi thắm, không gợn một nét ưu tư, băn khoăn nào nữa trên khuôn mặt. Nàng ôm lấy cánh tay hắn, nhí nhảnh nói:
- Không sao đến lớp được. Em trốn học vậy.
- Hay đấy. Anh cũng cúp luôn. Em hãy ở lại với anh.
- Anh nói sao?
- Ở lại với anh rồi đến tòa thị chính luôn. Trọn ngày hôm nay, em phải ở với anh.
- Không được đâu, anh. Làm sao em ở cả ngày được. Em phải về cư xá lo thu xếp áo quần… Anh không sửa soạn vali hả?
- Anh đã để vali ở khách sạn khi xuống giữ phòng.
- Aên mặc đẹp nghe anh. Em thích nhìn thấy anh trong bộ áo quần màu xanh nước biển đó.
Hắn cười.
- Vâng! Xin tuân lệnh, thưa phu nhân. Dẫu sao cũng phu nhân vui lòng dành cho tôi một ít phút được ở cạnh phu nhân, kể từ giờ phút này.
- Mình sẽ làm gì? – Nàng nũng nịu hỏi.
- Anh cũng chưa biết làm gì đây – Hắn và nàng thung dung băng qua bãi cỏ – Có lẽ mình đi dạo chơi. Xuống bờ sông chẳng hạn.
- Với đôi giày này à? – Nàng nhấc bàn chân lên, đôi giày bằng da mềm, nhẹ – Đau chân chết. Giày đâu có đế, anh!
- Ô kê – Hắn nói – Không đi nữa.
- Em đề nghị thế này – Nàng đưa tay chỉ nhà Nghệ thuật phía trước mặt – Mình vào đó nghe nhạc.
- Có là điên. Một ngày đẹp trời thế này lại rúc vào đó.
Hắn chợt im lặng vì thấy nàng bỗng nhiên không cười nữa. Nàng nhìn sang phía bên kia nhà Nghệ thuật, nơi có cái tháp nhọn của đài truyền thanh KBRI vượt cao hẳn lên bầu trời.
- Mới đây em đã gặp bác sĩ rtong nhà Hành chính – Gịong nàng nghèn nghẹn.
- Lần này thì khác chứ – Bỗng hắn đứng khựng.
- Có chuyện gì thế?
- Dorrie, em có lý đấy. Tại sao mình phải đợi đến bốn giờ kia chứ? Mình đến đó ngay bây giờ.
- Anh nói sao? Đi ngay bây giờ? – Nàng ngạc nhiên.
- Ừ, ngay sau khi em đã thu xếp mọi việc. Em về cư xá chuẩn bị đi. Em có gì phản đối không?
- Ôi, em đồng ý cả hai tay. Em muốn đi ngay.
- Chốc nữa anh sẽ gọi em, nói cho em biết anh sẽ đón em tại đâu.
- Vâng, vâng – Nàng rướn người lên hôn hắn cuồng nhiệt – Em yêu anh, em yêu anh vô cùng – Nàng thì thào.
Hắn nheo mắt, nhìn nàng, cười.
Nàng vội vã rảo bước, quay đầu lại nhìn hắn, nụ cười vẫn giữ trên môi.
Hắn nhìn theo Dorothy, rồi đưa mắt nhìn về cái tháp sừng sững bên kia nhà Hành chính ở Blue River, tòa nhà mười bốn tầng cao nhất thành phố.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 11
Hắn đi đến nhà Nghệ thuật, vào phòng điện thoại ngay dưới dốc cầu thang. Gọi đến phòng chỉ dẫn, hắn xin số điện thoại của văn phòng kết hôn.
- Văn phòng kết hôn đây.
- Văn phòng mở cửa đến mấy giờ, thưa ông?
- Đến mười hai giờ trưa. Mở cửa lại lúc một giờ cho đến năm giờ ba mươi chiều.
- Từ mười hai giờ đến một giờ thì đóng cửa?
- Đúng thế.
- Cám ơn ông – Hắn bỏ máy xuống, lấy đồng xu khác ấn vào điện thoại, quay số cư xá đại học. Khi tiếng u u vọng lên từ đầu dây bên kia, hắn không nghe tiếng trả lời. Bỏ ống nghe xuống, hắn lấy làm thắc mắc không hiểu tại sao giờ này Dorothy chưa về.
Đi như thế, lẽ ra con bé phải có mặt ở phòng rồi! Không còn tiền lẻ, hắn đi ra ngoài, sang phía bên kia khu đại học, vào một quán ăn nhỏ đổi lấy tiền lẻ rồi nhìn trân tráo cô gái đang đứng gọi điện thoại. Cô gái gọi xong, hắn bước vào căn phòng còn thoảng mùi nước hoa, đóng cửa. Lần này có tiếng Dorothy trả lời.
- Ai gọi đấy?
- Anh đây. Sao em lâu về thế. Cách đây vài phút anh có gọi cho em.
- Trên đường em dừng lại để mua một đôi găng tay – Giọng nàng tràn đầy hạnh phúc.
- Vậy à? Này em, bây giờ là mười giờ hai mươi lăm. Đến mười hai giờ em chuẩn bị xong chưa?
- Em định tắm…
- Vậy thì mười hai giờ mười lăm.
- Ô kê!
- Em không báo cho nhà trường biết em đi nghỉ cuối tuần?
- Phải báo anh à. Anh biết nội quy đấy.
- Nếu thế, em phải cho nhà trường biết nghỉ cuối tuần ở đâu, phải không?
- Đúng thế.
- Rồi sao nữa?
- Em phải ghi địa chỉ: New Washington House. Nếu bà giám đốc hỏi, em sẽ giải thích.
- Em này, đợi đến chiều rồi khai báo cũng được. Dẫu sao mình cũng phải quay về đây. Mình phải ghé lại khu nhà goòng. Mình phải đến đó.
- Sao vậy anh?
- Họ bảo chỉ được đăng ký sau khi làm lễ thành hôn.
- Em sợ về cư xá trễ không kịp lấy vali.
- Kịp chán. Làm xong mọi thủ tục, mình đến khách sạn ăn trưa. Từ nhà Hành chính đến đó cũng gần.
- Vậy báo cho nhà trường biết bây giờ luôn thể. Em thấy có gì khác đâu.
- Xem kìa, Dorrie. Anh nghĩ nhà trường đâu đến nỗi điên khùng để một sinh viên nội trú thoát đi lấy chồng. Bà giám đốc sẽ bằng mọi cách để làm chậm lại công chuyện của chúng ta, bà muốn rõ ba em đã hay biết chuyện này hay chưa. Bà ta sẽ lên lớp em đấy, sẽ tìm cách khuyên chờ đến cuối học kỳ. Bà giám đốc nào cũng phải xử sự như thế.
- Thôi được. Sau hẵng hay.
- Thế chứ. Mười hai giờ ba mươi, anh đợi em ở đại lộ Đại học.
- Sao lại đợi ở đó?
- Em đi ra bằng cửa hông của cư xá, phải không? Với va li và không xin phép?
- Ừ nhỉ, em không nghĩ đến điều đó. Anh này, sao giống một cuộc đào tẩu thế?
- Y hệt như xinê.
Nàng cười như nắc vẻ.
- Mười hai giờ mười lăm nhé!
- Đúng hẹn. Mình sẽ xuống phố lúc mười hai giờ ba mươi.
- Chào chú rể.
- Chào cô dâu.
Hắn ăn mặc chải chuốt, bộ áo quần hải quân màu xanh nước biển, giày tất màu đen, áo sơ mi trắng, chiếc cà vạt kiểu Ý to bản có những hình hoa huệ óng ánh. Tuy nhiên lúc ngắm mình trong gương, hắn nhận thấy cà vạt quá sặc sỡ, sẽ khiến mọi người chú ý đến, nên hắn thay chiếc cà vạt màu ngọc nhạt hơn. Hắn soi gương một lần nữa khi đã khoác áo vét vào; hắn muốn tạo một nét mặt tự nhiên, không ai để ý. Có những khi đẹp trai quá cũng là một điều bất lợi. Vì đến chỗ đông người, hắn buộc lòng phải đội mũ rộng vành, bẻ cụp xuống che khuất một phần khuôn mặt. Hắn cẩn thận đội mũ lên để khỏi làm rối tóc.
Mười hai giờ lém năm phút, hắn đã có mặt tại chỗ hẹn. Phía bên kia là hông cư xá. Mặt trời ngay trên đỉnh đầu, không khí oi nồng, nóng bức. Trong bầu không khí chói chang, âm thanh những cánh chim vỗ cánh, những bước chân, những bánh xe ghiến trên mặt đường, nghe là lạ như thể những tiếng động đó vọng lại từ một bức tường bằng thủy tinh rtong suốt. Hắn đứng nhìn cửa hàng bán vũ khí, quay lưng về phía cư xá.
Mười hai giờ mười lăm, qua kính phản chiếu của cửa hàng hắn thấy cửa bên hông cư xá mở và dáng dấp Dorothy hiện ra. Lần đầu tiên nàng đến đúng hẹn. Hắn quay người lại. Nàng đưa mắt nhìn quanh, chưa nhận ra hắn. Một tay mang găng cầm ví, tay kia xách va li bọc vải màu đỏ. Hắn giơ tay lên vẫy, nàng nhìn sang, môi nở nụ cười. Nàng đợi cho dòng xe thưa lại mới băng qua lằn vạch trắng đi về phía hắn.
Nàng thật đẹp. Bộ áo quần màu xanh lục, chiếc khăn quàng lụa lấp lánh quanh cổ, giải nơ cũng màu xanh lục lất phất trên mái tóc vàng. Hắn cười chào nàng, đưa tay xách va li khi nàng đến bên hắn.
Một chiếc tắc xi chạy trờ đến, giảm tốc độ khi chạy ngang qua chỗ hai người. Dorothy đưa mắt nhìn hắn, dò hỏi. Nhưng hắn lắc đầu.
- Nếu muốn tiết kiệm, mình phải tập dần ngay bây giờ.
Hắn nhìn về phía đại lộ Đại học. Trong ánh sáng nhấp nhóa, một chiếc xe buýt đang chạy đến gần.
Dorothy nhìn như muốn nuốt chửng cảnh vật quang nàng, như thể lâu nay nàng bị giam hãm trong nhà hàng tháng rồi vậy. Bầu trời xanh ngắt. Khu đại học trải dài dọc theo đại lộ, yên tĩnh, râm mát. Vài sinh viên đang bách bộ thung dung; một vài người nằm dài trên thảm cỏ xanh mượt.
- Ôi! – Dorothy bỗng thốt lên – Trưa nay khi quay về đây thì mình đã có gia đình!
Xe buýt phanh rít, dừng lại. Hắn và Dorothy bước lên, ngồi quay lưng với bác tài, nhìn về đàng sau. Hắn và nàng trao đổi đôi câu, rồi mỗi người chìm trong dòng tư tưởng của mình. Nếu ai đó tình cờ để ý, chẳng hiểu hai người đi chung với nhau hay là đi riêng rẽ.
Tầng thứ tám ở bên dưới đã giao lại cho văn phòng thành phố quận Rockwell, là cơ quan trung ương của Blue River. Sáu tầng còn lại cho các luật sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo sư thuê và một ít cho tư nhân mở cửa hàng buôn bán. Cấu trúc của tòa nhà là sự lẫn lộn giữa lối kiến trúc mới và cũ, là sự đối chọi giữa xưa và nay, giữa hai tầng lớp thủ cựu và cấp tiến ở Iowa. Một giáo sư dạy trường đại học kiến trúc ở Stodard đã liên tưởng nó với một sự trụy thai trong kiến trúc. Sự so sánh dí dỏm đó đã khiến các sinh viên cười một cách ý nhị.
Nhìn từ trên xuống, tòa nhà để lộ ra một ô vuông vắn, trống rỗng như thể đã bị một chiếc máy bay khổng lồ nào đó bổ nhào xuống khoét thủng đi. Nhìn từ bên ngoài, dãy nhà tầng thứ tám đến tầng mười hai chồng chất lên nhau khiến cho nhà như bị trùng thấp hẳn xuống. Đường nét của tòa nhà thô kệch, cứng cỏi; những khung cửa sổ vẫn còn ghi hẳn lối kiến trúc nhạt nhẽo của Hy Lạp, cánh cửa bằng đồng gắn kính co rút lại giữa những thân cột khổng lồ với những đầu cột uốn cong hình nhánh lúa. Trông tòa nhà như một con quái vật, nhưng khi Dorothy quay đầu nhìn lên, thẳng tắp trước mũi xe, trông nó giống như một giáo đường cổ xưa.
Đúng mười hai giờ ba mươi, khi hắn và nàng băng qua, bước lên những bực thềm, đẩy cửa bước vào hành lang nền lát đá hoa, tòa nhà đông nghẹt toàn người là người; người thì tranh thủ đi ăn trưa; người thì hối hả đến nơi hẹn; người thì đứng đợi chờ. Tiếng nói chuyện, tiếng đế giày kéo lê trên nền nhà, tất cả tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn, nhức óc vang vang dưới vòm mái nhà cong.
Hắn đi sau nàng vài bước, đến văn phòng quản lý dọc bên hành lang.
- Xin lỗi, đây có phải văn phòng kết hôn không? – Dorothy hỏi, đưa mắt đọc cái biển treo trên cửa, vừa lúc hắn đến bên cạnh nàng. Hắn nhìn cái biển, dửng dưng như không biết nàng có mặt ở đó.
- Đây rồi – Dorothy reo lên mừng rỡ – Văn phòng kết hôn, số 604.
Hắn đi về phía thang máy trước mặt, đối diện với cửa chính quay tự động. Dorothy rảo bước theo hắn. Nàng đưa tay nắm bàn tay hắn đang xách chiếc va li của nàng. Hắn giả vờ như không nhận thấy cử chỉ ấy của nàng vì hắn vẫn không đổi va li sang tay kia.
Một trong bốn thang máy để cửa mở, một nửa số khách đang đứng đợi bên trong. Khi đến bên thang máy, hắn khẽ nhích lui một bước nhường Dorothy vào trước. Một người đàn bà đứng tuổi theo liền phía sau, hắn đợi bà ta vào xong rồi mới vào theo. Cử chỉ lịch sự của hắn khiến bà ta rất bằng lòng, vì trong cái giây phút vội vã này, đấy là một cử chỉ rất hiếm. Bà mỉm cười chào hắn nhưng thất vọng khi thấy hắn vẫn không lấy mũ xuống. Bà đứng chắn giữa hắn và Dorothy nên Dorothy phải nhón chân lên nhìn qua đầu bà ta để nhoẻn miệng cười với hắn. Hắn khẽ nhếch môi cười như cười với ai đó, chứ không phải với nàng.
Đến tầng sáu, hắn và Dorothy ra khỏi thang máy, cùng với hai người đàn ông khác, cũng đang xách va li và hấp tấp đi dọc theo hành lang.
- Anh, đợi em với chứ – Nàng gọi nhỏ, giọng vui vẻ khi cánh cửa thang máy vừa khép lại.
Nàng ra sau cùng, hắn ra trước. Hắn rẽ sang trái, đi cách nàng hai ba thước, như thể quanh hắn chẳng còn ai ngoài mình hắn. Nàng đuổi kịp, cầm tay hắn, liếng thoắng. Hắn quay đầu nhìn lui, vẻ mặt bối rối. Đưa mắt nhìn về phía sau nàng, hắn thấy hai người đàn ông kia đến cuối hành lang, rẽ bên trái và khuất bóng.
- Anh chạy đi đâu thế? – Giọng nàng giận dỗi.
- Xin lỗi em – Hắn nói – chú rể quá hồi hộp!
Hắn và nàng đi men theo hành lang, tay nắm tay, vòng theo phía trái. Dorothy nhẩm đọc những chữ số trên cửa mỗi lần đi qua: 620, 618, 616,… Phải ngoặt sang trái một lần nữa mới đến phòng số 604, ở mãi phía sau ô vuông của tòa nhà, bên kia thang máy. Hắn thử mở cửa. Cửa khóa. Hắn và Dorothy đọc bảng ghi giờ làm việc trên kính cửa kính mờ đục. Dorothy càu nhàu, thất vọng.
- Khỉ thật – Hắn nói – Lẽ ra anh phải gọi điện thoại hỏi họ trước. – Dorothy cáu kỉnh – Xuống dưới kia đợi, anh.
- Đông người quá – Hắn làu bàu – Anh có ý kiến thế này.
- Anh nói đi.
- Ta lên sân thượng vậy. Hôm nay trời tuyệt đẹp. Anh cuộc với em ở trên đấy mình có thể nhìn xa hàng dặm.
- Họ có cho mình lên không đã chứ?
- Không ai ngăn cản thì mình cứ lên – Hắn xách va li – Nào, em hãy nhìn thế giới một lần cuối, cái nhìn của một người còn độc thân.
Nàng cười e ấp. Hắn và nàng vòng lại phía thang máy. Vài giây sau họ nhìn thấy trên cửa có ngọn đèn nhỏ chớp chớp sáng một mũi tên sơn màu trắng chỉ hướng lên phía trên.
Lần nữa, trong lúc ra khỏi thang, hắn và nàng bị tách xa nhau vì những người chen chúc vội vã kia. Đứng nơi hành lang, hắn và nàng đợi cho những người ấy hối hả rẽ ở khúc quanh hoặc hấp tấp bước vào các phòng, sau đấy Dorothy mới thúc giục hắn:
- Đi cho rồi, anh – Gịong nàng thầm thì như thể nàng như thể nàng đang âm mưu đồng lõa với hắn. Nàng đang dấn mình vào một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm.
Đi hết nửa vòng trong tòa nhà, hắn và nàng đến cạnh phòng số 1042 và nhìn thấy một cánh cửa có biển đề: Cầu thang. Họ đẩy cửa bước vào. Tiếng cửa khẽ rít lên phía sau lưng. Hắn và nàng đứng ở chỗ bệ thang, những nấc thang bằng kim loại đen đen dẫn lối lên, xuống. Tia nắng từ khung trời đẫm hơi sương xuyên vào phòng. Họ leo lên. Tám bậc thang, rẽ lối, rồi tám bậc thang bữa. Cánh cửa bằng đồng đỏ sẫm chắn ngang mắt. Hắn thử nắm cửa.
- Cửa khóa thì phải?
- Không đâu.
Hắn kê vai vào cửa, đẩy.
- Coi chừng lấm bẩn quần áo, anh – Cánh cửa cách rìa độ một tấc. Rìa cửa nhô ra khiến hắn khó có thăng bằng để lấy sức xô cửa ra.
- Xuống dưới kia đợi đi anh – Dorothy đề nghị – Cửa khóa ở bên trong rồi?
Hắn nghiến chặt hàm răng. Chân trái tì mạnh nơi rìa cửa, hắn ra sức đẩy. Tiếng cửa nhẹ kêu, tiếng dây xích loảng xoảng. Mảnh da trời xanh ngắt đập vào mắt hắn, mắt hắn nhấp nhóa vì từ trong bóng tối chợt ra ngoài ánh sáng. Có tiếng đập cánh của chim câu.
Hắn nhấc va li lên, bước qua gờ cửa, lại để va li xuống, đẩy rộng cửa. Đứng sang bên, đưa tay mời Dorothy, tay kia chỉ ra mái nhà thênh thang, cử chỉ của hắn nom như cử chỉ của người hầu bàn chọn cho khách quí chỗ ngồi sang trọng nhất. Hắn hơi khom người, miệng điểm nụ cười tươi nhất của hắn:
- Xin cô nương nhẹ bước vào…
Nắm bàn tay hắn, nàng ung dung bước ngang qua gò cửa, đặt chân lên mái nhà rải đầy hắc ín.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 12
Hắn đã bình tâm trở lại. Có một lúc hắn hầu như hốt hoảng vì không mở được cánh cửa, nhưng trong khoảnh khắc nó phải khuất phục trước sự quyết tâm, và sức mạnh đôi vai hắn. Giờ đây hắn đã vững tin. Mọi việc sẽ hoàn hảo. Không một sơ hở. Không một ai xen vào. Hắn biết rõ điều đó. Chưa bao giờ hắn cảm thấy thỏa mãn như thế kể từ khi – lạy Chúa – kể từ khi còn ở nhà trường đến nay.
Hắn sẽ mở cửa he hé, đề phòng lúc rời khỏi nơi này, hắn sẽ không gặp một trắc trở nào. Tất nhiên lúc đó hắn phải gấp rút, nhanh nhẹn. Hắn khẽ cúi người xuống để có thể xê dịch va li sang một bên, đồng thời tay kia có thể đẩy cửa đóng lại. Hắn có cảm tưởng cái mũi bị lệch đi do cử chỉ vừa rồi của hắn. Hắn mũ xuống để trên va li. “Ôi, mình phải tính toán đủ thứ chuyện trên đời. Việc chẳng ra gì như cái mũ này đây cũng gây ra bao phiền toái – Cô gái bị xô ngã và một cơn gió thổi mạnh hay một sức mạnh vô tình nào đây khiến cái mũ rơi xuống cạnh thi hài cô gái. Thế là ai kia cũng phải lao mình theo cái mũ tai quái ấy thôi”. Nhưng với hắn, chuyện đó không thể xảy ra. Hắn đã tiên liệu, đã tính toán kỹ lưỡng. Chỉ có bàn tay Thượng đế hay một sức mạnh vô hình nào đấy – giả dụ vậy thôi – mới có thể phá hỏng kế hoạch của hắn. Hắn đã không bỏ sót một chi tiết nào – dù vụn vặt – trong chương trình hành động của hắn. Hắn vuốt mái tóc – “Giá lúc này mình có cái gương soi”.
- Lại đây xem cái này anh! – Dorothy gọi hắn. Hắn xoay người nhìn. Dorothy đứng cách hắn vài thước, lưng quay về phía hắn, ví kẹp dưới nách, hai tay để trên bao lơn ở mép mái nhà, thành cao đến thắt lưng. Hắn đến bên nàng.
- Cái gì đàng kia? – Nàng hỏi hắn.
Họ đang ở phía sau của tòa nhà, mặt hướng về phía nam. Thành phố trải dài trước mắt, rạng rỡ trong ánh nắng ban trưa.
- Nhìn kìa – Dorothy reo lên, tay chỉ một đốm xanh đàng xa tít.
- Khu đại học đó – Hắn để tay lên vai nàng. Bàn tay mang găng trắng với lên nắm lấy tay hắn.
Khi nàng đưa lên đây, hắn dự định phải hành động chớp nhoáng, không chần chừ một tích tắc nào hết. Nhưng bây giờ chẳng cần gì phải vội, hãy chậm rãi, ung dung, lúc thuận lợi sẽ ra tay. Suốt tuần này, đầu óc hắn lúc nào cũng bận rộn, không một giây ngơi nghỉ. Nhưng có phải chỉ một tuần này đâu – hàng năm trời đằng đẵng rồi. Khi còn ở trung học, hắn đã sống trong trạng thái căng thẳng, với những lo toan, với những mặc cảm. Bây giờ không có gì phải vội, không có gì phải hấp tấp. Hắn nhìn mái đầu đang tựa sát vào ngực hắn, làn tóc vàng óng ả đầy sức sống, hắn nhè nhẹ thổi vào mái tóc, vài sợi tóc lất phất bay. Nàng ngoảnh đầu nhìn hắn, nụ cười tràn trề hạnh phúc.
Lúc nàng quay lại đưa mắt nhìn quang cảnh, hắn nhính người lên phía trên một chút, tay vẫn đặt trên vai nàng, nhoài người ra ngoài nhìn xuống bên dưới. Dưới kia mái ngói cửa hàng đỏ au, ban công giống như hình vỏ nghêu gác ngang qua tòa nhà. Đó là đỉnh mái nhà của dãy nhà sau của tầng lầu thứ mười hai. Từ trên nhìn xuống thấy hết bốn phía của nó. “ Không được rồi – hắn nghĩ thầm, lượng tính – Chỉ rơi xuống hai tầng thôi sao? Không bảo đảm”. Hắn đưa mắt quan sát mái nhà đang đứng.
Khoảng đất trên mái nhà rộng chừng một trăm năm mươi feet vuông (1), một bờ thành bằng đá trắng vây quanh hầm thông gió vuông vắn độ ba mươi feet ngay giữa mái nhà. Một hồ chứa nước bên trái. Phía bên phải, tháp KBRI cao chót vót như một cái tháp Eifel nho nhỏ. Trước mặt hắn chếch qua bên trái là lối đi vào cầu thang có mái che nghiêng nghiêng phía trước.
Bên kia hầm thông gió, phía bắc của tòa nhà, cơi lên một hình chữ nhật khá lớn, mái che hệ thống máy của thang máy. Khắp mái nhà những ống khói, những ống quạt gió trông như những đập ngăn nước lũ phủ đầy hắc ín.
Để Dorothy đứng đấy một mình, hắn đi sang phía bờ thành hầm thông gió. Hắn chồm người nhìn qua. Bốn thành tường tuột dài xuống mười bốn tầng ở phía dưới, nơi góc tường chất đầy thùng sắt và thùng gỗ. Hắn đảo mắt tìm kiếm một lúc trên nền mái nhà, rồi cúi gập người nhặt lấy một hộp diêm nhạt nhòa vì những trận mưa. Hắn ném hộp diêm ra khỏi bờ thành, nhìn nó rơi, rơi và chìm lỉm dưới tít mù bên dưới. Hắn nhìn bức tường quanh hầm thông gió. Ba phía có cửa sổ. Phía còn lại xây bít kín. Địa điểm thuận lợi cho công việc của hắn: phía nam hầm thông gió. Chỗ này gần ngay cầu thang. Hắn vỗ vỗ lên mặt thành, đôi môi mím lại, trầm ngâm. Bờ thành cao hơn dự đoán của hắn.
Dorothy đến phía sau ôm lấy cánh tay hắn.
- Nơi đây thật vắng vẻ, yên tĩnh, hả anh? – Nàng nói nhỏ.
Hắn lắng nghe. Thoạt tiên có cảm tưởng nơi đây im lặng nhưng sau đó mới nghe tiếng rì rầm ù ù trên mái nhà, tiếng động của những động cơ thang máy, tiếng cánh quạt rù rù, tiếng gió thổi vi vu trên những sợi dây cáp của tháp truyền thanh…
Hắn và nàng chầm chậm đi quanh hầm thông gió, đi qua mái che hệ thống thang máy. Trong khi đi, Dorothy lấy tay nhẹ phủi chỗ bẩn trên vai áo của hắn do kê vai đẩy cửa lúc nãy. Ở phía rìa mép mái nhà hướng bắc, họ nhìn thấy con sông phản chiếu cả bầu trời cao vời vợi trong dòng nước xanh thẫm như màu xanh trên những bản đồ vẽ hình sông biển.
- Anh có thuốc đấy không?
Hắn cho tay vào túi. Tay đụng bao thuốc, nhưng nghĩ sao hắn lại rút tay không ra khỏi túi.
- Chẳng có điếu nào cả. Em có không?
- Để em xem. Hình như em bỏ đâu đây – Nàng sờ soạng trong ví, gạt hộp phấn, sáp sang bên – Có thuốc đây anh – Nàng lấy mỗi người một điếu. Hắn bật diêm châm thuốc cho nàng và hắn, nàng bỏ bao thuốc vào ví tay.
- Dorrie, anh muốn nói với em điều này… - Nàng đang ngửa mặt nhả khói lên không, lắng nghe – Về các viên thuốc…
Nét mặt nàng bỗng trắng nhợt, nhìn hắn, miệng nuốt nước bọt, hỏi:
- Cái gì hả anh?
- Anh mừng thuốc đã không công hiệu – Hắn tươi cười – Anh mừng thực sự.
Nàng nhìn hắn, chưa hiểu.
- Anh mừng à?
- Rất mừng. Khi gọi dây nói cho đêm qua, anh có ý định bảo em đừng uống thuốc nữa. Nhưng em đã uống mất rồi. “Nào thú tội đi, con khốn kiếp – hắn chửi thầm – mày phải thổ lộ, phải nhận tội. Tao phải giết mày!”.
Giọng nàng run run như sợ hãi, như mừng vui.
- Cái gì khiến anh thay đổi ý định? Tại sao thế? Anh rất…
- Anh không rõ. Anh đã suy nghĩ kỹ. Anh cũng băn khoăn, nôn nóng trong việc cưới hỏi như em vậy – Hắn ngước mắt nhìn thấy đôi má nàng hồng hào lại, ánh mắt sáng ngời lên. – Hơn nữa, anh nghĩ hành động thế là có tội.
- Anh nghĩ vậy thật sao anh? – Giọng nàng như nghẹt thở – Anh mừng thật sao anh?
- Tất nhiên. Anh đã không nói nếu anh không nghĩ thế.
- Ôi lạy Chúa!
- Chuyện gì thế, Dorrie?
- Anh… em nói anh đừng… đừng giận nhá. Em… em không uống thuốc.
Hắn làm ra vẻ ngạc nhiên. “Đến giờ rồi đấy mày ạ – hắn nghĩ”.
- Anh có nói là anh sẽ làm việc vào ban đêm và em thấy rõ chúng ta có thể xoay sở cuộc sống một cách tốt đẹp. Do đó… Em biết làm thế là không đúng, là cãi lời anh – Nàng ngừng, đưa mắt nhìn hắn – Anh không giận em, phải không anh? – Gịong nàng trở nên khẩn khoản – Anh có hiểu em không?
- Hiểu, bé yêu của anh. Anh không hề giận. Anh đã nói với em anh vui mừng vì thuốc không hiệu nghiệm.
Nàng mỉm cười nhẹ nhõm:
- Em thấy bứt rứt trong người vì đã dối trá với anh. Em đã nghĩ không bao giờ nói cho anh nghe điều ấy được… Em thật không ngờ.
Hắn lấy khăn tay chậm nước mắt cho nàng, những giọt nước mắt hối hận và hạnh phúc.
- Dorrie, em đã làm gì với những viên thuốc?
- Em ném mất rồi – Nàng cười bẽn lẽn.
- Ở đâu em? – Hắn hỏi như vô tình, vừa bỏ khăn tay vào túi trước ngực.
- Nhà vệ sinh.
Đấy là điều hắn cần nghe. “Lý do nó còn sống là thế. Khốn kiếp”. Hắn ném mạnh điếu thuốc, lấy chân dẫm nát. Dorothy hít hơi cuối cùng rồi cũng ném đi.
- Ôi – Nàng kêu lên sung sướng – Em hạnh phúc quá!
- Ừ, cuộc đời quả thật tuyệt diệu – Hắn đồng tình.
Hắn nhìn xuống hai điếu thuốc trên sàn, đót thuốc của nàng còn dính son môi, của hắn thì không. Nhặt mẩu thuốc của mình lên, hắn lấy tay bẻ gãy để cho thuốc rơi ra, rồi vo tròn giấy thuốc ném qua bờ thành.
- Trong quân đội, bọn anh thường làm thế – Hắn phân trần. Nàng nhìn đồng hồ tay: một giờ kém mười.
- Đồng hồ của em hơi nhanh – Hắn nói, liếc nhìn đồng hồ nơi tay hắn – Còn đến mười lăm phút. Hắn nắm tay nàng, kéo nàng đi.
- Anh đã nói với bà chủ nhà chưa?
- Cái… à, à xong rồi – Họ đi qua cái mái che hệ thống thang máy – Thứ hai đến, em dọn đồ ở chỗ em về được rồi.
Dorothy nhoẻn miệng cười hớn hở.
- Bọn con gái ở cư xá sẽ ngạc nhiên lắm, anh nhỉ? – Hắn và nàng đi sang phía bờ thành hầm thông gió – Anh xem liệu bà chủ nhà có đồng ý nới rộng thêm chỗ ở cho mình không?
- Anh nghĩ bà ta sẽ bằng lòng thôi.
- Em sẽ bỏ lại một ít đồ dùng không cần thiết lắm và những đồ dùng mùa đông, trên rầm thượng cư xá. Chẳng có đồ đạc gì nhiều lắm đâu.
Hắn và nàng đi đến cửa phía nam của hầm thông gió. Hắn dựa lưng vào bờ thành, đưa tay ra sau bấu vào thành, nhảy nhót lên ngồi, hai chân bám chặt vào thành tường.
- Đừng ngồi thế! Nàng kêu lên, giọng đầy sợ hãi.
- Sợ cái gì – Hắn nói, đưa mắt nhìn mặt thành – rộng đến ba tấc. Cũng như em ngồi trên ghế đá vậy thôi. – Hắn lấy tay vỗ vỗ chỗ ngồi bên phía trái hắn – Ngồi lên em.
- Không, em sợ lắm – Nàng lắc đầu từ chối.
- Nhát như thỏ.
Dorothy rờ mép thành.
- Quần áo em… - Nàng ngập ngừng. Hắn rút chiếc khăn tay ra, trải rộng trên mặt thành đá.
- Thế chứ – Hắn âu yếm choàng tay qua ôm eo nàng. Nàng quay đầu ra sau vai nhìn – Em đừng nhìn xuống, sẽ chóng mặt, em à.
Hắn để cái ví của nàng phía tay phải hắn. Cả hai ngồi nói năng gì. Tay nàng vẫn còn bám vào thành tường. Sau lưng phía cầu thang một đôi chim đang nhè nhẹ đi ra, nhìn hai người e dè, dấu chân của chúng mờ mờ in trên mặt hắc ín.
- Anh gọi điện thoại hay là viết thư cho mẹ anh?
- Anh chứ tính.
- Em sẽ viết thư cho chị Ellen và ba em. Chuyện này khó nói qua điện thoại lắm.
Tiếng cánh quạt kêu lạch cạch. Lát sau, hắn bỏ tay đang ôm eo nàng ra, rồi đặt trên bàn tay đang bấu vào mép thành của nàng. Tay kia hắn cũng chống lên mặt tường và nhanh nhẹn nhảy xuống. Trước khi nàng có thể làm như hắn thì hắn đã vội quay phắt lại, đối diện với nàng, bụng hắn tựa vào hai đầu gối của nàng, hai tay cầm lấy hai tay nàng. Hắn cười nhìn nàng đắm đuối. Nàng cười lại. Hắn đưa mắt nhìn xuống bụng nàng:
- Bà mẹ nhỏ bé của anh!
Nàng cười e thẹn.
Bàn tay hắn lần đến đầu gối nàng, chụm lại nơi đấy, những ngón tay dưới chiếc váy mơn man làn da mát rượi của nàng.
- Mình đi xuống dưới, anh.
- Chốc nữa thôi, em yêu. Mình còn nhiều thì giờ lắm.
Aùnh mắt hắn chạm phải ánh mắt nàng. Hắn đăm đăm nhìn nàng trong khi hai tay của hắn chuyển dần dần xuống bắp chân nàng. Trong tầm nhìn, hắn vẫn thấy đôi bàn tay nàng bám vào thành tường.
- Aùo em thật đẹp – Hắn tán tỉnh, nhìn cái nơ bằng lụa nơi cổ áo nàng – Aùo mới hả em?
- Đâu có, cũ mèm rồi.
Hắn nhìn có vẻ dò xét.
- Cái nơ của em bị lệch sang một bên – Hắn thấy một bàn tay rời khỏi thành tường, đưa lên sửa thắt nơ – Không được. Em càng làm nó lệch hơn nữa – Hắn bảo nàng. Lại một bàn tay nữa rời khỏi mép tường.
Như con rắn hổ mang, hai tay hắn thoắt nhanh nhẹn nắm lấy gót chân nàng, giật mạnh chân nàng ra, hất lên cao. Trong tích tắc kinh hoàng, bốn mắt chạm nhau, một tiếng kêu thét bậc ra khỏi cổ họng nàng. Lấy hết sức, hắn nắm hai chân tê dại của nàng đẩy mạnh, xô nàng qua khỏi bờ thành. Tiếng thét đau thương, hãi hùng của Dorothy dội lại nơi nhà thông gió tựa hồ như sợi dây điện rực đỏ lên. Hắn nhắm nghiền mắt. Tiếng thét nhỏ dần, nhỏ dần, lịm đi rồi tắt ngấm. Có tiếng loảng xoảng nhẹ vang, hắn chợt nhớ những thùng sắt, thùng gỗ chất đầy bên dưới.
Hắn mở choàng mắt ra, thấy chiếc khăn tay gió thổi cuộn bay nhè nhẹ trên mái nhà trát đầy hắc ín. Hắn vội đến nhặt lên, rồi chạy bổ về phía cầu thang, tay chộp lấy chiếc mũ và va li; tay xô mạnh cánh cửa, lấy khăn lau nắm cửa như hắn đã từng làm. Bước vào. Đóng cửa. Lau nắm cửa bên trong. Quay lưng vụt chạy.
Hắn trượt nhanh trên những nấc thang bằng kim loại màu đen, va li chạm vào chân, mu bàn tay cháy bỏng trên thành cầu thang. Tim hắn nhảy thình thịch như muốn bung ra khỏi lồng ngực vạm vỡ của hắn, những bức tường múa may khiến hắn chóng mặt. Cuối cùng hắn đã ở nơi sàn thang máy thứ bảy. Hắn ôm trụ cầu thang, hơi thở hổn hển, dồn dập. Ý nghĩ “thư giãn sự căng thẳng của cơ thể” nhảy múa trong đầu hắn. Đấy là lý do tại sao hắn phải chạy như thế – thư giãn sự căng thẳng của cơ thể, chứ không phải là hắn sợ hãi. Hắn không sợ! Hắn điều hòa hơi thở. Để va li xuống, hắn vuốt lại cái mũ đã nhàu nát trong tay lúc chạy. Hắn đội mũ lên, tay hơi run run. Hắn nhìn bàn tay, lòng bàn tay lấm bẩn vì gót chân giày… Lấy khăn lau tay rồi nhét vào túi, sửa lại áo quần ngay ngắn, rồi hắn xách va li, mở cửa bước vào hành lang.
Mọi cửa đều mở toang. Người người chạy ùa, đổ xô về các khung cửa sổ nhìn về phía hầm thông gió. Những người bán hàng, mặt mày hớt hải, những cô thư ký tay còn ôm chồng hồ sơ, những người đàn ông tay áo xoắn lên, mắt đeo kính, hàm răng ghiến chặt, mặt xanh như tàu lá. Hỗn loạn. Hắn tiến về phía thang máy, bước chân bình thản, đôi lúc đứng dừng lại khi người nào đấy đâm bổ về hắn, rồi hắn lại tiếp tục đi như một người nhàn tản, thờ ơ mọi chuyện. Ngang qua những va8n phòng, hắn đưa mắt nhìn vào bên trong, thấy những tấm lưng đang nhoài ra ngoài cửa sổ, tiếng nói rì rào, đầy xúc động.
Hắn đến phòng thang máy. Đợi. Một thang máy đang trồi lên. Hắn đến bên cửa. Một vài người nhỏ to trao đổi tin tức cho nhau, cái giá lạnh nơi thang máy loãng ra vì những tấm lưng mạnh mẽ.
Nơi đây toát lên một vẻ bình thường dễ chịu. Hầu hết mọi người từ bên ngoài vào, không ai bận tâm đến sự huyên náo quanh mình. Nhẹ vung vẩy va li, hắn băng ngang qua khu hành lang rộng lát đá hoa, bước vào cuộc sống, hòa mình vào sự náo nhiệt của một buổi trưa oi ả. Khi hắn theo những bậc thềm trước tòa nhà xuống đường, hai người cảnh sát băng băng đi lên. Hắn ngoái đầu lại nhìn, thấy hai bộ đồng phục khuất sau cánh cửa xoay. Xuống hết bận thềm, hắn dừng lại, nhìn đôi tay lần nữa. Bàn tay chắc nịch. Không một chút run rẩy. Hắn bỗng muốn cười lên. Nhìn cánh cửa xoay, hắn tự hỏi có gì nguy hiểm không nếu hắn trà trộn vào đám đông hiếu kỳ để nhìn nàng… Nhưng hắn bỏ ý định đó.
Một chiếc xe buýt chạy trên tuyến đường Đại học đang trờ đến. Hắn sải hai bước đến góc đường, nơi xe buýt dừng lại khi đèn đỏ. Vung người nhảy lên thềm xe ngoài cửa, bước lên, bỏ tiền vào hộp. Qua cửa sổ, hắn đứng nhìn đường phố. Một xe cứu thương ụ còi inh ỏi vụt lướt qua. Chiếc xe màu trắng nhỏ dần, cắt ngang đường, đậu trước thềm nhà Hành chính. Hắn không thấy gì nữa.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 13
Buổi cổ động tranh giải bóng rổ bắt đầu lúc chín giờ tối hôm đó tại một khu đất trống cạnh sân vận động trường, nhưng cái tin một sinh viên nội trú tự tử (như báo Clarion đã tường thuật: nạn nhân rơi từ trên tầng cao xuống) đã khiến cho buổi cổ động trầm hẳn lại. Trong ánh lửa chập choạng, các sinh viên, đặc việt là nữ sinh viên, trải cha8n lên nền đất, tụm lại bàn tán xôn xao. Người dìu dắt đội bóng và các thành viên trong ban cổ động không làm cách nào cho buổi vận động sôi nổi hào hứng lên được. Họ đốc thốc các nam sinh viên đổ thêm dầu, ném thùng gỗ, bìa thêm vào; ngọn lửa bốc cao tưởng chừng như đống củi bổ nhào xuống nhưng rất may không có chuyện gì xảy ra. Tiếng reo hò chìm lắng lại khi tên các vận động viên của đội bóng nhà trường được xướng lên.
Chưa lần nào tham dự các cuộc cổ động trước đây, nhưng lần này hắn hăm hở tham gia. Hắn đi trên con đường tối đen trên tay ôm một thùng bìa lớn.
Trưa nay hắn đã dọn sạch chiếc va li của Dorothy, giấu áo quần của nàng dưới tấm nệm giường trong phòng hắn. Dù hôm nay thời tiết ấm áp, hắn cũng khoác lên người áo măng tô sau khi đã nhét trong túi áo nào là chai lọ, nào là đồ trang điểm. Hắn ra khỏi phòng với chiếc va li mà hắn đã xé bỏ cái nhãn ghe địa chỉ của Dorothy ở New York và ở Blue River. Hắn xuống phố và ký gửi tại kho hàng ở trạm xe buýt cuối cùng. Từ đấy hắn đi bộ đến cây cầu trên đường Morton. Ở đó hắn ném chìa khóa, và số chai lọ xuống dòng nước đục ngầu. Hắn mở nút chai ra để nước tràn vào, để chúng khỏi nổi lềng bềnh trên mặt nước. Trên đường về nhà, hắn tạt vào một cửa hàng bán tạo hóa chọn mua một thùng bìa không, đã bạc màu, gập bằng lại.
Hắn ôm thùng bìa, đến nơi tụ tập cổ động viên và chen lấn vào giữa những khuôn mặt chập chờn trong ánh lửa lung linh rtong màn đêm… Hắn len qua những cái chăn, những đôi chân mặc quần jean, đến khoảng đất trống nơi đống lửa đang bập bùng cháy.
Hơi nóng và ngọn lửa hừng hực trong khu đất hắt ra. Hắn đứng nhìn đăm đăm ngọn lửa một chốc. Bỗng người dìu dắt đội bóng và người lãnh đạo việc cổ động từ bên kia khu đất chạy sang.
- Đây, chính cậu này – Họ gào to lên rồi giật mạnh tấm bìa trên tay hắn.
- A – Người dẫn dắt đội bóng la lớn, đưa cao thùng bìa được ép bằng phía trên – không phải thùng không!
- Sách… sách cũ.
- A, tuyệt cú mèo – Người hướng dẫn đội bóng nhìn những người đang vây quanh – Coi chừng! Coi chừng đấy! Đốt sách nhé! – Một số sinh viên bỏ dở câu chuyện, nhìn người dìu dắt đội bóng và một người khác đang cầm hai đầu thùng đong đưa qua lại hướng về đống lửa đang ngùn ngụt cháy.
- Ném lên trên chóp nhé – Người kia hét to – Nào… Đừng lo anh bạn. Không trật đâu. Đốt sách là một biến cố quan trọng đấy nhé. Một! Hai! A lê hấp!… - thùng bìa vụt bay lên, rơi bịch ngay trên chóp, những đốm lửa bắn tung tóe. Mọi người vỗ tay reo hò, tán thưởng.
- Aø thằng Ali đến kia rồi, có mang theo kiện hàng nữa chứ – Người kia lại la lên, mừng rỡ, tuôn chạy sang phía bên kia, người dìu dắt đội bóng chạy liền sau.
Hắn nhìn thùng bìa cháy đen, lửa đã liếm khắp các phía. Bất chợt đống lửa chao đảo làm những tàn lửa bắn vung vãi. Một tàn lửa rơi cạnh hắn, hắn nhảy bật ra đàng sau. Những đốm lửa bám vào ống quần của hắn, hắn lấy tay phủi liên hồi, bàn tay vung vẩy trong ánh lửa hừng cháy.
Khi phủi xong, hắn ngước mắt nhìn xem thùng bìa còn trên đó không. Vẫn còn nguyên. Lửa đang liếm lên phía trên. “Giờ thì những thứ đựng trong ấy đã cháy ra tro” – Hắn nghĩ.
Trong thùng bìa hắn bỏ sách bào chế, sách của công ty Kingship Copper, giấy tờ và đồ dùng của Dorothy trong va li: một ít đồ dùng chuẩn bị đi hưởng tuần trăng mật, chiếc áo dài mặc đi dự tiệc, khăn tay, đôi giày vải, áo ngủ còn thoảng mùi nước hoa của nàng… Vĩnh biệt!
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 14
CLARION – LEDGE, BLUE RIVER, thứ sáu 28-4-19…
MỘT SINH VIÊN NỘI TRÚ TỪ LẦU RƠI XUỐNG CHẾT. CÁI CHẾT THẢM KHỐC CỦA CON GÁI TRÙM TƯ BẢN ĐỒNG TẠI TÒA HÀNH CHÍNH.
Dorothy Kingship, mười chín tuổi, sinh viên năm thứ hai trường đại học Stoddard, đã chết ngày hôm nay vì ngã hoặc nhảy từ tầng lầu thứ mười bốn của tòa nhà Hành chính. Nạn nhân là một cô gái tóc vàng xinh đẹp, gia đình ở New York, con gái út của Leo Kingship, chủ tịch công ty King ship Copper.
Vào lúc mười hai giờ năm mươi tám phút trưa nay, công nhân trong tòa nhà bỗng nghe một tiếng thét rùng rợn và một sự va chạm dữ dội. Tiếng thét phát xuất từ hầm thông gió trên tầng mười bốn. Họ liền đổ xô chạy đến bên bên cửa sổ và nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm méo mó của một thiếu nữ. Bác sĩ Harvey C. Hess, ở số 57 khu Woodbridge, lúc ấy cũng có mặt trong hành lang đã đến nơi xảy ra tai nạn ngay sau đó. Bác sĩ xác nhận nạn nhân đã chết.
Cảnh sát đã đến và đã tìm thấy cái vì màu hồng trên mặt thành tường cao khoảng một thước. Trong ví có một tờ giấy khai sinh, một thẻ ghi danh ở đại học Stoddard – nhờ thế mới truy ra được tông tích nạn nhân. Cảnh sát còn tìm thấy một mẩu thuốc mới hút còn dính sáp môi của nạn nhân, do đó cảnh sát đã đến kết luận là nạn nhân đã ở trên mái nhà vài phút trước khi nhảy xuống kết liễu cuộc đời.
Rex Cargill, người phụ trách thang máy, nói với cảnh sát rằng ngay trước khi xảy ra thảm kịch, anh đã đưa cô gái đến tầng sáu hay bảy gì đấy anh không nhớ chính xác lắm. Một người phụ trách khác – Andrew Vecci, cho biết anh đã đưa một thiếu nữ ăn mặc giống như nạn nhân lên tầng 14 nhưng không rõ là cô gái vào thang máy từ tầng lầu thứ mấy.
Viện trưởng đại học Stoddard – Clack D. Welch – cho biết cô Kingship là một sinh viên khá xuất sắc. Các nữ sinh viên cư xá còn đang bàng hoàng vì cũng không biết rõ nguyên nhân nào đã dẫn đến cái chết của bạn mình – “Chẳng ai biết rõ chị ấy lắm” – Một nữ sinh viên tuyên bố.
CLARION – LEDGE, BLUE RIVER, thứ bảy 29-4-19…
CÁI CHẾT CỦA NỮ SINH VIÊN NỘI TRÚ LÀ VỤ TỰ TỬ – NGƯỜI CHỊ CỦA CÔ GÁI NHẬN ĐƯỢC BỨC THƯ
Cái chết của Dorothy Kingship, sinh viên đại học Stoddard, đã rơi từ mái nhà của tòa Hành chính vào trưa hôm qua là một vụ tự tử. Cảnh sát trưởng Eldon Chesser đêm qua đã khẳng định với các nhà báo như thế. Một lá thư viết tay không có chữ ký được xác nhận là của nạn nhân đã gởi đến người chị – cô Ellen Kingship, sinh viên đại học Caldwell, Wisconsin. Mặc dù nội dung lá thư không được công bố, cảnh sát trưởng Chesser vẫn kết luận đó là một trường hợp tự tử có chủ ý. Lá thư đã được gửi đi từ thành phố này, dâu bưu điện ghi lúc 6 giờ 30 sáng hôm qua.
Vừa nhận được thư, Ellen Kingship đã thử liên lạc với em bằng điện thoại. Sau đó điện thoại đã chuyển sang cho ông viện trưởng đại học Stoddard. Ông đã báo tin buồn cho cô. Ellen tức tốc đến Blue River ngay đêm qua. Leo Kingship, cha của nạn nhân, cũng sẽ đến đây nay mai bởi vì máy bay của ông bắt buộc phải đáp xuống Chicago, do thời tiết xấu.
NGƯỜI CUỐI SÙNG NÓI CHUYỆN VỚI NẠN NHÂN: NẠN NHÂN TRONG TRẠNG THÁI KHỦNG HOẢNG THẦN KINH.
Tường thuật của LAVERN BREEN
“Chị ấy cười mãi khi ở trong phòng của tôi. Tôi nghĩ chị ấy đang hạnh phúc vì một chuyện gì đó, nhưng bây giờ tôi mới hiểu đó là triệu chứng khủng hoảng thần kinh của chị. Lúc đó lẽ ra tôi phải nhận ra mới phải vì tôi rất sành khoa tâm lý.
Đấy là lời tường thuật của cô Anndbelle Koch, sinh viên năm thứ hai đại học Stoddard, về thái độ của Dorothy Kingship hai giờ trước khi chết.
Cô Koch, sinh ở Boston, là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp. Hôm qua cô phải ở lại phòng vì cảm sốt. “Dorothy gõ cửa phòng tôi vào lúc mười một giờ kém mười lăm. Tôi đang nằm trên giường thì chị ấy vào, tôi hơi ngạc nhiên bởi vì chúng tôi không thân lắm. Như tôi đã nói, chị ấy cười hoài và đi quanh trong phòng. Chị ấy mặc áo choàng tắm. Chị ấy muốn hỏi mượn tôi cái thắt lưng của bộ quần áo xanh lục. Tôi cũng xin nói la hai chúng tôi có hai bộ áo màu xanh lục giống nhau. Tôi mua ở Boston, chị ấy mua ở New York, nhưng hai bộ giống nhau như khuôn đúc. Đêm thứ bảy vừa qua, vô tình hai chúng tôi cùng mặc đi ăn tối. Hai chúng tôi đều thấy ngường ngượng thế nào ấy. Chị ấy ngại ngần hỏi mượn thắt lưng của tôi vì theo chị ấy nói thắt lưng của chị ấy đã bị hỏng. Thoạt tiên tôi do dự vì đấy là bộ áo mới mua để mặc vào mùa xuân. Nhưng sau thấy chị ấy tha thiết muốn mượn nên tôi phải chỉ ngăn kéo cho chị ấy. Chị cảm ơn rối rít và ra khỏi phòng” – Nói đến đây cô Koch ngừng, sửa cặp kính mắt – “ Và đây mới là điều lạ lùng. Sau này khi cảnh sát đến phòng chị ấy để tìm lá thư gì đó, họ tìm thấy cái thắt lưng của tôi trên bàn học của chị. Tôi nhận ra thắt lưng đó vì cái khuy màu vàng ở cuối bị chợt. Tôi đã lấy làm tiếc vì đấy là bộ áo quần đắt tiền nhất của tôi. Hiện nay cảnh sát vẫn còn giữ chiếc thắt lưng ấy. Tôi rất băn khoăn về hành động của Dorothy. Chị ấy giả vờ đến mượn thắt lưng vì chị đâu có dùng nó. Chị ấy đã mặc bộ áo quần anh lục của chị… khi sự việc cảy ra. Cảnh sát đã xem xét chiếc thắt lưng, khóa nịt của chị và thấy không hư hỏng gì. Hình như đó là một điều bí ẩn.
Sau này tôi mới vỡ lẽ, chị hỏi mượn thắt lưng chỉ là một cái cớ, cái cớ để trò chuyện với tôi. Có thể khi trải bộ áo mới của mình ra, chị ấy sực nhớ đến tôi vì ai cũng biết tôi đang nằm liệt giường vì cảm sốt, nên làm như vào mượn thắt lưng. Giá lúc đó, tôi thông minh nhận ra việc đó thì chắc chắn tôi có thể gợi cho chị thổ lộ tâm sự và hẳn đã không xảy ra cớ sự…”
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần I - Chương 15
Hắn thấy sáu tuần cuối cùng của năm học thật tẻ ngắt, vô vị. Hắn đã chờ đợi sự xôn xao trong khu đại học sẽ kéo dài do cái chết của Dorothy như làn chớp sáng của tên lửa trong không gian nhưng sự kiện đó lắng xuống quá nhanh. Hắn dự đoán sẽ còn nhiều chyện xoay quanh cái chết đó trong sinh hoạt ở đại học, trên báo chí và rất đỗi tự hào là người am tường hơn ai hết về cái chết đó nhưng thay vào đấy – chẳng có gì xảy ra nữa. Mọi người hầu như quên ngay câu chuyện của Dorothy. Ba ngày sau cái chết của nàng, câu chuyện bỗng hướng về việc phát hiện hàng tá thuốc cần sa ở một cư xá nào đấy. Báo chỉ loan một tin rất ngắn việc Leo Kingship đến Blue River và đó là lần cuối cùng tên ông ta xuất hiện trên báo chí ở đây – trên tờ Clarion – Ledge. Không một dòng đá động đến việc xét nghiệm tử thi, không một chữ đụng đến việc Dorothy có thai, mặc dù khi một cô gái chưa chồng tự tử và chưa tìm ra nguyên nhân thì công việc đầu tiên cảnh sát phải làm là tiến hành một cuộc điều tra. Hẳn Leo Kingship đã tốn không ít tiền để bịt miệng báo chí.
Hắn cũng lấy làm mừng. Nếu có sự điều tra nào, dứt khoát hắn sẽ bị cảnh sát gọi đến thẩm vấn. Nhưng không. Thẩm vấn cũng không thấy đâu. Nghi ngờ cũng không có. Nghĩa là sự việc đã cho trôi qua, đã cho vào quên lãng. Ngoại trừ cái thắt lưng mà cô Koch nào đó đã đề cập đến. Hắn thắc mắc vô cùng. Tại sao Dorothy lại mượn cái thắt lưng kia? Có thể Dorothy muốn tâm sự với ai về chuyện đám cưới chăng? Có thể Dorothy suy nghĩ thế nào đấy nên thôi chăng? Lạy Chúa! Hoặc cái thắt lưng của nàng hư thật nhưng đã cho sửa lại rồi cũng nên? Tuy nhiên gì đi nữa, vấn đề cũng không quan trọng. Câu chuyện của cô gái tên Koch chỉ tô vẽ thêm, củng cố thêm kế hoạch hoàn hảo, tuyệt vời của hắn. Hắn nghĩ giờ đây hắn có quyền thong dong đi trong cuộc đời, mỉm cười với thiên hạ, có quyền tự thưởng cho hắn một chai rượu Champagne. Nhưng trái lại, thay vào đó là nỗi cánh chường, buồn thảm, tuyệt vọng. Hắn cũng không rõ lý do tại sao thế?
Tâm trạng rã rời ấy lại trở nên trầm trọng hơn khi hắn về lại Menasset vào đầu tháng sáu. Hắn lại về nơi đây, nơi mà mùa hè nào cô gái kia đã tàn nhẫn báo tin người tình của cô đã hồi hương, nơi mà mới đây hắn đã lẩn trốn chia tay với người tình góa bụa đó. Cái chết của Dorothy là phương sách tự vệ của hắn. Toàn bộ kế hoạch của hắn cũng không mang lại cho hắn một chút sự thanh thản nào trong tâm hồn.
Với mẹ hắn, hắn cũng thấy không còn chịu đựng được nữa. Thư từ qua lại với trường học chỉ còn giới hạn bằng những bưu ảnh hàng tuần. Mẹ hắn cứ quấy rầy hắn mãi bằng những câu hỏi: “Con có chụp hình với các cô gái con quen biết không? (Với hy vọng đấy là những cô gái đẹp nhất hắn theo đuổi). Con có tham gia câu lạc bộ này, con có sinh hoạt câu lạc bộ kia không? (Với hy vọng hắn là chủ tịch của một câu lạc bộ). Con xếp hạng thứ mấy trong môn triết, môn tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha? (Với hy vọng hắn dẫn đầu các môn học đó)”. Một ngày kia hắn không sao giữ được bình tĩnh nữa.
- Mẹ phải biết con đâu phải là ông vua trên cõi đời này chứ! – Từ căn phòng hắn đã hét lên giận dữ.
Hắn nhận làm việc trong dịp hè; một phần hắn cần tiền, một phần ở nhà suốt ngày với bà mẹ khiến hắn đâm ra bực bội. Tuy vậy công việc cũng không giúp hắn rũ bỏ những ưu phiền, chán nản trong hắn. Hắn làm việc tại cửa hàng bán kim chỉ, đồ dùng ở đó thiết kế hiện đại, tối tân. Quầy hàng bằng kính gắn chặt với những miếng đồng bóng nhoáng.
Vào trung tuần tháng bảy, hắn bắt đầu trút bỏ được tâm trạng chán chường kia. Hắn vẫn còn giữ những mẩu báo viết về cái chết của Dorothy, cất trong một hộp sắt được khóa cẩn thận để trong phòng ngủ của hắn. Có một lần hắn đem ra đọc lại, buồn cười về lời khẳng định của viên cảnh sát trưởng khù khờ Chesser, về sự dài dòng của cái cô có tên là Koch ấy.
Hắn bới tìm phiếu mượn sách ở thư viện và xin cấp cái gì mới. Hắn đọc ngấu ghiến quyển Nghiên cứu các vụ giết người của Pearson; Giết vì tư lợi của Bolitho; bộ sách Những vụ giết người ở địa phương. Hắn đọc Landru, Smith, Pritchard, Crippen. Những người đã từng thất bại trong lĩnh vực mà hắn đã thành công. Dĩ nhiên đó là những thất bại trong sách vở. Thượng đế phải biết còn có biết bao nhiêu là sự thành công trên đời chứ. Tuy thế vẫn còn có những thất bại ê chề.
Đến bây giờ hắn vẫn còn nghĩ đến những gì đã xảy ra ở tòa nhà Hành chính: Cái chết của Dorothy! Nhưng giờ hắn đang nghĩ đến “Kẻ đã giết Dorothy”.
Đôi lúc hắn nằm trên giường đọc đôi bài tường thuật trên báo chí, trong sách, những phỏng đoán kéo đến xâm chiếm cả đầu óc hắn. Hắn thường thức dậy, ngắm mình trong gương. Hắn nghĩ: “Thôi đừng bận tâm đến “Tên sát nhân” nữa”. Có một lần hắn la lớn: “Mày hãy quên cái thằng giết người đó đi”. Nói cho cùng ta vẫn chưa giàu có. Ồ, ta mới hai mươi bốn tuổi, còn trẻ chán!
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần II - Chương 1
Ngày 5 tháng 3 năm 19…
Kính thưa bác Kingship,
Cháu nghĩ bác sẽ thắc mắc không hiểu cháu là ai, trừ phi bác nhớ đã đọc thấy tên cháu trên báo chí. Cháu là cô gái cho Dorothy, con gái bác, mượn thắt lưng. Cháu là người cuối cùng chuyện trò với Dorothy. Cháu thật tâm không muốn gợi lại nỗi đau khổ này nơi bác nhưng cháu có câu chuyện cần phải thưa với bác.
Như bác biết, Dorothy và cháu có bộ áo quần màu xanh lục rất giống nhau. Chị ấy đến phòng cháu mượn cái thắt lưng. Cháu đã cho chị ấy mượn; về sau cảnh sát đã tìm thấy (hoặc cháu nghĩ là như thế) thắt lưng đ1o ngay trong phòng Dorothy. Cảnh sát giữ cái thắt lưng hơn một tháng rồi mới hoàn trả lại cho cháu. Thời gian đó quá trễ nên mùa vừa qua cháu không mặc bộ đồ ấy.
Mùa xuân đang trở lại, hôm qua cháu đem bộ đồ ra mặc thử. Thật vừa vặn, thưa bác. Nhưng khi mang thắt lưng vào, cháu rất đỗi ngạc nhiên vì đấy lá cái thắt lưng của Dorothy. Bác biết không, thắt lưng nới rộng đến hai khuy, cháu không sao mang vừa được.dorothy mảnh khảnh, cháu càng mảnh khảnh hơn. Thú thật, cháu rất gầy. Tuy nhiên chắc chắn là cháu không sút cân vì cháu mặc bộ áo rất vừa vặn như đã thưa với bác ở trên. Thắt lưng của Dorothy, bác ạ. Khi cảnh sát giao lại cho cháu, thoạt tiên cháu nghĩ đó là thắt lưng của cháu bởi vì khóa nịt bị tróc sơn như cái của cháu. Sự trùng hợp đó cháu nghĩ chắc là vì cả hai cùng do một nơi sản xuất ra.
Vì một lý do nào đấy Dorothy không thể mang cái thắt lưng của mình nên phải mượn của cháu, dù thắt lưng của chị ấy không hư hỏng tí nào. Cháu thật không hiểu nổi. Lâu nay cháu cứ cho là Dorothy muốn nói chuyện với cháu nên viện cớ như vậy.
Bây giờ đã biết đó là thắt lưng của Dorothy thì cháu không thể nào mang được. Không phải cháu tin dị đoan đâu, thưa bác; nhưng nói cho sùng nó không phai của cháu, nó thuộc về Dorothy đáng thương. Cháu đã định ném đi nhưng thấy làm thế là không phải. Cháu xin gửi lại cho bác trong gói hàng riêng và bác giữ hoặc sử dụng thế nào đó tùy bác.
Bộ áo quần xanh lục kia cháu vẫn mặc vì năm nay ở đây các cô gái đều mang thắt lưng to bản làm bằng da cả.
Cháu xin kính chào bác.
Thư của Leo Kingship gởi cho Ellen Kingship
Ngày 8 tháng 3 năm 19…
Ellen con,
Ba mới nhận được thư của con. Ba xin lỗi không trả lời cho con sớm hơn được vì công việc ở công ty quá bề bộn.
Hôm qua là thứ tư, Marion đến đây ăn cơm tối với ba. Trông chị con không được khỏe lắm. Ba đưa thư của Koch cho chị con xem và Marion đề nghị gởi thư này cho con. Con hãy đọc thư này trước, sau đó đọc thư của ba.
Marion nói với ba rằng con lúc nào cũng bị dày vò dằn vặt kể từ khi Dorothy qua đời đến nay vì con nghĩ chính sự bô tâm của con là nguyên nhân gây ra cái chết của Dorothy. Cau chuyện kể của Koch, cũng theo Marion, khiến con tưởng lầm rằng con là người Dorothy tha thiết muốn tâm sự và nếu như con không xô đuổi thì em con đã không đến nỗi hành động dại khờ như thế.
Ba tin Marion đúng bởi vì những gì chị con nói có thể giải thích được thái độ và nỗi lòng sâu kín của con.
Trong những ngày tháng tư vừa qua, con vẫn bướng bỉnh không chịu chấp nhận cái chết của Dorothy là một trường hợp tự tử, dù bức thư là một bằng chứng hiển nhiên không sao chối cãi được. Con có cảm tưởng con phải gánh lấy một phần trách nhiệm nếu em con quyên sinh nên những tuần trước đây con đành phải chấp nhận sự thật như vậy và con cũng đành chấp nhận những dằn vặt tư tưởng của con.
Bức thư của Koth đã làm vấn đề trở nên rõ ràng. Dorothy, với lý do gì đấy không biết, đến gặp Koch và mượn thắt lưng. Dorothy không sống trong một tâm trạng tuyệt vọng đến nỗi phải cần có một người tâm sự, nhưng em con đã quyết tâm thực hiện điều mà em con muốn làm. Chẳng có lý do gì để con tin rằng nếu hai chị em con không hục hặc nhau vào mùa Giáng sinh thì con là người Dorothy muốn gặp trước hết. (Con cũng đừng quên Dorothy là người gây sự với con trước và em con đang mang tâm trạng u uẩn buồn rầu). Về thái độ nhạt nhẽo bất cần của Dorothy thì ba nhắc con nhớ chính ba đã đồng ý để Dorothy đến đại học Stoddard hơn là đại học Caldwell, vì không muốn em con sống dựa vào con quá đáng. Vẫn biết nếu Dorothy theo con lên đại học Caldwell, có thể tấm thảm kịch đã không xảy ra. Nhưng chữ “Nếu” là chữ lớn nhất trên đời, Ellen con ạ. Hình phạt đó đối với Dorothy có thể quá nghiêm khắc, nhưng chính Dorothy đã muốn chọn hình phạt như vậy. Ba không có trách nhiệm, con cũng không có trách nhiệm gì cả. Không ai chịu trách nhiệm hết trừ em con ra.
Ba mong rằng việc hiểu lầm về thái độ ban đầu của Dorothy mà Koch cho biết sẽ rũ bỏ được nơi con mặc cảm tội lỗi và con sẽ không tự buộc tội mình nữa.
Ba của con.
Tái bút: Ba viết tay hơi khó đọc. Thư riêng nên ba không thể đọc cho thư ký viết.
Thư của Ellen Kingship gửi cho Bud Corliss
Ngày 12 tháng 3 năm 19…
(tám giờ sáng)
Anh Bud yêu mến,
Hiện em đang ngồi trong toa xe với lon Côca côla (vào giờ này – thật kinh khủng!), với cây bút và giấy, cố gắng viết đừng run tay vì con tàu lắc lư và cố gắng diễn đạt cho thật rõ ràng nếu không nói là cho thật bình tĩnh – như giáo sư Mulholland thường nói – lý do nào đã thúc đẩy em đi Blue River.
Em rất tiếc trận đấu bóng rổ tối nay, nhưng em tin Connie và Jane sẽ sẵn sàng thay thế chỗ em và anh có thể tưởng tượng là em vẫn có mặt trong hai hiệp đấu ấy.
Bây giờ trước hết, cuộc hành trình này hoàn toàn không phải là do bốc đồng đâu anh nhé! Suốt đêm qua, em đã suy nghĩ nát óc. Anh sẽ nghĩ là em đang tìm cách trốn chạy qua Cairo, thủ đô của Ai Cập. Thứ hai: Em sẽ không mất bài vở bởi vì đã có anh đi ghi bài đầy đủ cho em rồi, và dẫu sao em cũng không đi lâu quá một tuần. Hơn nữa, có khi nào người ta đánh hỏng sinh viên cuối cấp thi ra trường chỉ vì lý do cúp cua không? Thứ ba: Em sẽ không lãng phí một giây phút nào vì em biết em phải làm gì và khi biết như thế thì nhất định em sẽ không chậm trễ được.
Vậy chẳng có gì để phản đối cả phải không anh? Anh hãy để em giải thích vì sao em ra đi như thế này. Trước hết, em nói những điều em biết cho anh nghe.
Sáng thứ bảy, em nhận được thư của ba em. Anh biết đấy, đầu tiên Dorothy rất muốn đến đại học Caldwell nhưng em phản đối và kể từ đó em luôn luôn giữ vững ý kiến của em. Sau khi Dorothy chết, em cứ tự tra vấn em xử sự như thế có phải vì vô tư hay không. Cuộc sống ở gia đình rất tù túng, một phần do tính quá nghiêm khắc của ba em, một phần thì Dorothy bám víu vào em quá đáng, dù lúc đó em chưa nhận ra điều ấy. Cho nên khi vào đại học Caldwell, em thực sự đã sống buông thả. Ba năm đầu tiên ở đó, em là một cô gái kinh khủng lắm. Anh sẽ không nhận ra em được đâu. Như em đã nói, em không rõ là khi em ngăn chặn Dorothy theo em lên đại học Caldwell là cốt để cho Dorothy tập sống tự lập hay là để cho bản thân em được rảnh tay rảnh chân sống tự do thoải mái, vì ai cũng biết Caldwell là nơi ai muốn làm gì thì làm.
Việc phân tích của ba em (có thể với sự góp ý của chị Marion) về thái độ của em trước cái chết của Dorothy là chính xác. Em không muốn chấp nhận đó là một trường hợp tự tử bởi vì như thế có nghĩa là em phải gánh chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên ngoài những lý do tình cảm trên, em có những lý do để nghi ngờ về cái chết của Dorothy. Chẳng hạn lá thư Dorothy gửi cho em. Đúng là nét chữ của em ấy – em không phủ nhận điều này – nhưng xem ra không phải là giọng điệu của Dorothy. Nghe nó kệch cỡm rỗng tuếch thế nào: - “Chị yêu quí của em” – trong khi trước kia Dorothy thường viết cho em: “Chị Ellen thân mến”. Em có nêu lên chi tiết này với cảnh sát nhưng họ cho đó là điều tất nhiên vì Dorothy viết thư với tâm trạng căng thẳng và khủng hoảng, không thể có giọng điệu bình thường như mọi lần được. Sự kiện Dorothy đem giấy khai sinh theo cũng khiến em thắc mắc nhưng cảnh sát vẫn giữ lập luận như trên: Người tự tử thường bận tâm về việc làm thế nào để người ta nhận diện mình được. Cần gì phải thế vì lúc nào Dorothy cũng có thẻ sinh viên đại học Stoddard kia mà. Nhưng cảnh sát chẳng mảy may xem xét đến ý kiến của em.
Em đành chịu. Cuối cùng phải chấp nhận Dorothy đã tự tử chết và tự trách mình. Câu chuyện của Annabelle Koch là một lý lẽ đanh thép. Mô típ của cái chết ấy càng khiến cho em cảm thấy có trách nhiệm thêm vì một cô gái có một chút hiểu biết sẽ không khi nào tự hủy mình khi đang có thai nghén, không bao giờ, em nghĩ thế, trừ phi các cô gái đó không còn một nơi nào để nương tựa. Sự việc Dorothy có thai chứng tỏ nàng đã bị một kẻ nào đó phụ bạc – chính hắn! Em rất biết rõ Dorothy, nàng rất coi trọng vấn đề luyến ái và không phải là một cô gái dễ sa đọa. Sự kiện Dorothy có thai cho thấy nàng vô cùng yêu hắn và đã có ý định kết hôn với hắn.
Đầu tháng mười hai, trước khi chết, Dorothy viết thư cho em kể rằng nàng có một người bạn trai cùng học lớp tiếng Anh với nhau. Nàng thường đi chơi với hắn. Đó là một sự thật. Dorothy hứa sẽ nói hết cho em nghe vào dịp nghỉ Giáng sinh đó… Nhưng suốt những ngày nghỉ, bọn em gây gổ nhau. Cho nên bọn em không có dịp để tâm sự. Khi quay về lại trường, những bức thư bọn em gởi cho nhau chỉ là những bức thư thăm hỏi chiếu lệ. Vì thế em không biết được tên hắn. Những gì em biết về hắn chỉ thu gọn trong lá thư kia, rằng hắn cùng học một lớp tiếng Anh, rằng hắn khá đẹp trai, hơi giống Len Vernon – là chồng của người chị họ – điều ấy có nghĩa là người yêu của Dorothy cao lớn, tóc nâu, mắt màu xanh…
Em có nói với ba em về hắn, hối thúc ba em tìm xem hắn là ai và phải trừng trị hắn. Ba em không đồng ý với lý do chẳng lấy gì làm bằng chứng chính hắn đã xuống tay hạ thủ Dorothy rồi lẩn trốn. Dorothy tự tử là vì những tội lỗi do chính nàng gây ra. Thế rồi ba em im luôn.
Mãi đến thứ bảy vừa rồi, em nhận được thư của ba em kèm theo lá thư của Koch. Nhưng lá thư đó chẳng có tác dụng gì như ba em mong đợi, bởi vì như em nói, câu chuyện kể của Koch không dính dáng, liên hệ gì đến những nỗi buồn của em. Tuy nhiên em bắt đầu đặt những câu hỏi: nếu thắt lưng còn tốt, tại sao Dorothy lại đi nói dối để mượn thắt lưng của Koch? Tại sao Dorothy không dùng cái thắt lưng của mình? Ba em không thắc mắc chuyện đó: nó có những lý do riêng của nó. Nhưng em lại muốn biết những lý do gì? Dorothy đã gợi nơi em ba vấn đề cầm phải tìm hiểu. Chúng cứ lẩn quẩn trong đầu óc của em. Thế này:
1.Vào lúc mười giờ mười lăm sáng hôm đó, Dorothy đã mua một đôi găng tay màu trắng đắt tiền trong cửa hàng phía bên kia đường cư xá. (Chủ tiệm đã báo cáo việc này cho cảnh sát khi nhìn thấy ảnh Dorothy trên báo). Trước tiên Dorothy hỏi mua một đôi tất nhưng chúng quá lớn nàng mang không vừa nên mới mua găng tay và đã trả một đô la năm mươi xu. Khi chết Dorothy còn mang chúng. Tuy nhiên trong ngăn kéo của bàn học trong phòng Dorothy lại có một đôi găng tay bằng vải rất đẹp mà chị Marion đã tặng vào dịp Giáng sinh. Tại sao Dorothy không dùng đôi găng tay đó?
2. Dorothy là một cô gái rất kén chọn trong việc ăn mặc. Khi chết, nàng mặc bộ áo quần màu xanh lục, bên ngoài lại khoác áo choàng bằng lụa trắng có nơ hình con bướm cũ kỹ, xấu xí không hợp với bộ áo xanh lục kia. Hơn nữa nơi tủ áo lại có áo khoác bằng lụa còn mới toanh rất hợp thời, tại sao Dorothy không mặc chiếc áo này?
3. Dorothy mặc bộ áo quần màu xanh lục, trong lại mặc quần lót màu trắng và nâu. Chiếc khăn tay thì lại sặc sỡ, màu sắc chẳng hài hòa tí nào cả. Còn ít ra mười chiếc khăn tay khác, cái nào cũng trông hợp với cái áo màu xanh lục, tại sao Dorothy không chọn những khăn tay đó?
Ngay lúc Dorothu chết, em đưa vấn đề này với cảnh sát. Họ bác bỏ toàn bộ những gì em đề cập đến. Nạn nhận bị quẫn trí! Thật là buồn cười khi đòi hỏi nạn nhân phải ăn mặc như mọi ngày. Em có nói sự trùng hợp này là điều khó thấy nơi Dorothy. “Đó là điều tất nhiên – họ nói – vì nạn nhân đang sống trong tình trạng không được bình thường lắm. Họ kết luận – cô không có kinh ngiệm về những sự việc như thế này đâu!”.
Lá thư của Koch lại là bằng cứ thứ tư. Thắt lưng của Dorothy còn tốt, tại sao nàng lại đi mượn thắt lưng của Koch kia chứ? Tại sao? Em phải tìm cho ra lẽ. Có một sự tương phản kỳ lạ trong cách ăn mặc của Dorothy. Nguyên nhân nào?
Cả đêm thứ bảy, em trằn trọc mãi vì những câu hỏi này. Anh đừng hỏi rằng em muốn chứng minh cái gì đây. Em có cảm tưởng các sự việc kia có một mối ràng buộc chặt chẽ với nhau. Em cần phải tìm hiều trạng thái tinh thần của Dorothy những ngày đó ra sao. Em giống như một người bệnh đang đau răng cứ thích lấy đầu lưỡi ấn mạnh vào cái răng đau ấy.
Em phải viết cho anh hàng chục lá thư mới kể hết được những diễn tiến quá trình suy nghĩ của em, lý luận của em trong việc tìm kiếm mối liên hệ giữa các sự kiện đã bị bác bỏ kia. Em phải đánh giá lại toàn bộ dữ kiện, xét lại mọi kết luận, dù đó là kết luận của ai chăng nữa. Thậm chí em còn lấy những mảnh giấy rồi ghi lên đó nào là khăn tay, găng tay, áo choàng, thắt lưng và ghi chú những hiểu biết của em về mỗi vật, tìm hiểu ý nghĩa của từng vật. Nhìn bên ngoài, chúng không mang một ý nghĩa nào hết. Kích thước, tuổi tác, quyền sở hữu, giá cả, màu sắc, phẩm chất, nơi mua sắm – không một ý nghĩa nào xuất hiện trên bốn vật của bản danh sách đó cả. Em xé bỏ rồi đi ngủ. Không thể cho đó là một vụ quyên sinh được.
Một giờ sau đó, bỗng một ý nghĩ bất ngờ đến trong đầu em. Em sững sờ ngồi bật dậy, nghe lạnh toát cả người. Chiếc áo lỗi thời đôi găng tay mua sáng hôm đó, cái thắt lưng của Koch, khăn tay… Cái thì cũ, cái thì mới, cái màu xanh, cái thì mượn…
Em muốn tin đấy là một sự tình cờ, ngẫu nhiên thôi. Nhưng tự thâm tâm em không sao tin như thế.
Dorothy đến nhà Hành chính, không phải vì đó là tòa nhà cao nhất ở Blue River mà đến đấy với mục đích làm lễ thành hôn. Dorothy mặc cái thì mới, cái thì cũ, cái mượn, cái thì màu xanh, cái thì màu trắng… Ôi đứa em gái lãng mạn đáng thương của em!
Đem theo giấy khai sinh, Dorothy muốn chứng minh là nàng đã trên mười tám tuổi. Và không ai đi đến đấy một mình bao giờ. Dorothy chỉ có thể đi với một người – tác giả của cái bào thai đó, người nàng đã gắn bó từ lâu, người Dorothy đã yêu tha thiết – cái gã tóc nâu, mắt xanh, đẹp trai cùng học trong lớp tiếng Anh với nàng. Hắn đã đưa Dorothy lên tận mái nhà. Em quả quyết sự việc là vậy.
Về phần bức thư kia thì sao? Chỉ viết thế này – “Em mong chị tha thứ nỗi buồn phiền em đã gây ra. Em không thể làm gì khác được” – Đâu là ý định tự tử chứ? Dorothy chỉ muốn nói đến việc kết hôn của nàng! Dorothy biết ba em không bao giờ chấp nhận hành động hấp tấp nông nổi đó. Nhưng Dorothy không thể làm gì khác hơn được nữa vì đã có thai. Cảnh sát rất đúng khi cho rằng giọng điệu lừng khừng ấy là triệu chứng tâm trạng của một người đã manh nha ý muốn tự vẫn.
Cái thì mới, cái thì cũ… cũng đủ lý do để em bắt tay tiến hành điều tra nhưng những chứng cứ đó chưa đủ vững mạnh để thuyết phục cảnh sát mở lại hồ sơ của vụ án, nhất là họ vẫn còn thành kiến với em – một cô gái quái gỡ đã làm cho họ bực mình trong năm vừa qua. Anh biết không đó là sự thật. Cho nên em phải truy lùng hắn và sẽ hành động như thám tử Sherlock Homes của Conan Doyle. Khi nào em phát hiện ra một việc gì đấy để hỗ trợ cho những nghi ngờ của em, một chứng cứ hùng hồn nào đó để cảnh sát phải lưu ý đến thì em hứa rằng em sẽ đi thẳng đến họ ngay. Em đã xem nhiều phim trong đấy vị nữ anh hùng đã kết tội tên sát nhân trong chính căn phòng cách âm của hắn và tên sát nhân nói rằng: “Đúng, tao đã làm việc đó nhưng mày sẽ không còn sống để kể câu chuyện ấy đâu”. Anh đừng lo cho em, đừng có nôn nóng và cũng đừng viết thư cho ba em vì ba em sẽ rùm beng lên. Có thể em thật ngu ngốc và bốc đồng khi dấn thân vào câu chuyện theo cách này nhưng làm sao em có thể ngồi khoanh tay chờ đợi trong khi em biết phải làm gì và biết chẳng còn ai khác làm việc đó ngoài em ra.
Tàu đang vào địa phận của Blue River, từ cửa sổ em có thể nhìn thấy nhà Hành chính.
Trong nội ngày hôm nay em sẽ gửi thư này, em sẽ cho anh biết em ở đâu và làm những gì. Cho dù Stoddard có lớn hơn gấp mười lần Caldwell chăng nữa, em cũng biết em sẽ bặt đầu từ đâu. Hãy cầu chúc cho em được may mắn nghe anh…
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần II - Chương 2
Viện trưởng Welch là một người to phục phịch, đôi mắt màu xám tro tròn như hai hạt cúc áo gắn trên khuôn mặt hồng hào láng lẩy. Ông thích mặc áo quần bằng vải phờlamơn màu đen. Văn phòng của ông mờ mờ tối, trông giống như một tu viện, tường gỗ màu đen; ngay chính giữa phòng là một cái bàn lớn với kệ sách được trình bày một cách tỉ mỉ.
Sau khi tắt máy dùng để liên lạc với các văn phòng khác, viện trưởng đứng lên, nhìn về phía cánh cửa lớn. Ông phải tạo một vẻ mặt trịnh trọng cho thích hợp với hoàn cảnh vì người khách của ông đang chịu một cái tang đau đớn – cái chết của sinh viên nội trú trường đại học của ông. Những tiến chuông đúng ngọ nghe nghèn nghẹn từ xa tít vẳng vào phòng. Cửa mở và Ellen bước vào.
Khi Ellen khép cửa, đến gần bàn giấy, viện trưởng, với vẻ tự mãn của một người thương xuyên tiếp xúc với giới trẻ, đã đánh giá và nhận xét về nàng. Nàng rất gọn gàng, ông thích thế. Khá đẹp, mái tóc hung hung cùng với màu mắt, nụ cười tự tin phảng phất một quá khứ đau thương và cái nhìn cương quyết. Có thể không thông minh lắm, nhưng cần cù… chịu khó. Aùo khoác ngoài và áo dài cùng màu xanh đậm, một sự trái ngược dễ chịu, tương phản với vẻ lòe loẹt sặc sỡ của hầu hết sinh viên ở đây. Bên ngoài trông Ellen có vẻ căng thẳng nhưng bên trong có thể không phải là thế.
- Chào cô Kingship – Ông nói nhỏ, gật đầu ra hiệu chỉ ghế mời khách.
Cả hai ngồi xuống. Hai bàn tay nung núc chặp vào nhau, viện trưởng nhìn Ellen và nói:
- Ông cụ vẫn thường chứ?
- Cám ơn thầy, ba em vẫn thường – Giọng nói của nàng trầm trầm đượm vẻ mệt nhọc.
- Tôi đã hân hạnh được gặp ông cụ… năm trước đây. – Ông dừng lại một chốc – Tôi có thể giúp gì được cho cô?
Nàng khẽ nhích người ra sau ghế.
- Gia đình em – ba em và em – muốn nhận diện một người, một sinh viên học ở đây. – Viện trưởng nhíu mày tỏ vẻ quan tâm một cách kín đáo – Cậu ta đã cho Dorothy mượn một số tiền khá lớn cách vài tuần trước khi cô ấy chết. Dorothy có viết thư nói cho em biết việc này. Tình cờ bắt gặp tập ngân phiếu của Dorothy, vào tuần trước đây, em chợt nhớ lại sự việc đã xảy ra. Qua tập ngân phiếu đó, chẳng thích gì về việc thanh toán món nợ mà Dorothy đã vay mượn người sinh viên kia. Gia đình em nghĩ cậu ta hẳn là rất khó xử nên không tiện khai báo.
Viện trưởng gật đầu tỏ vẻ hiểu biết.
- Có điều là… - Ellen ngập ngừng – em không nhớ tên cậu ta. Nhưng Dorothy cho biết cậu ta cùng học lớp tiếng Anh vào mùa thu và là một thanh niên tóc vàng. Gia đình em nghĩ thầy có thể giúp gia đình tìm ra cậu sinh viên đó. Số tiền quá lớn… - Ellen hít mạnh vào.
- Tôi hiểu – Viện trưởng nói, hai tay bóp chặt vào nhau như thể xem đôi bàn tay mình to lớn đến đâu, môi nở nụ cười, nhìn Ellen – Có thể giúp cô được đấy – Ông nói với tác phong nhanh nhẩu của một người quen sống trong quân đội. Ông làm ra vẻ trịnh trọng, mở máy gọi cô thư ký – Cô Platt!
Một người đàn bà xanh xao mở cửa bước vào phòng. Ông gật đầu chào cô rồi ngả người ra sau ghế, nhìn thẳng vào bức tường phía sau đầu Ellen như thể ông đang thảo ra một chiến lược gì vậy.
- Cô hãy lấy hồ sơ của Dorothy Kingship, học kỳ mùa thu năm 19… Xem thử cô ấy học khóa Anh văn nào và có danh sách sinh viên ghi danh khóa học đó không. Cô mang hết hồ sơ của nam sinh viên có tên trong danh sách đó – Ông nhìn sang cô thư ký – Cô nghe rõ chứ?
- Vâng, thưa ông viện trưởng.
Ông bắt cô thư ký lặp lại những dặn dò của ông.
- Tốt.
Cô thư ký đi ra.
- Nhanh lên nhé – Viện trưởng nói với theo khi cánh cửa đã khép lại. Quay sang Ellen, ông mỉm cười tự mãn. Ellen mỉm cười đáp lại.
Dần dần cử chỉ của một quân nhân mất đi, ông trả lại con người bình thường như mọi khi. Ông hơi chồm người về phía trước, những ngón tay khẽ nhịp lên mặt bàn.
- Chắc chắn cô không đến Blue River chỉ vì việc này chứ?
- Vâng đúng thế. Em đến thăm một người bạn.
- Thế chứ.
Ellen mở xách tay.
- Em xin phép được hút thuốc?
- Cô cứ tự nhiên. – Ông đẩy cái gạt tàn bằng thủy tinh sang phía nàng – Tôi cũng hút đấy chứ – Viện trưởng vui vẻ nói. Ellen đưa thuốc mời nhưng ông từ chối. Nàng lấy hộp diêm màu trắng có in dòng chữ mạ đồng Ellen Kingship rồi châm thuốc hút. Viện trưởng nhìn hộp diêm, dáng trầm ngâm.
- Thái độ hiểu biết về vấn đề tiền bạc của cô thật đáng khen – Ông vừa nói vừa cười – Nếu như tất cả những người chúng tôi tiếp xúc đều hiểu biết như thế thì quý hóa biết bao – Ông nhìn vào cái mở thư bằng đồng – Hiện nay chúng tôi đang bắt đầu cho xây dựng một phòng tập thể dục và một nhà chơi. Một vài người hứa giúp đỡ nhưng đã không giữ lời.
Ellen lắc đầu có vẻ thông cảm.
- Có lẽ ông cụ sẽ vui lòng góp phần – Viện trưởng cân nhắc – Như một hành động để tưởng nhớ người em gái của cô.
- Em rất được hân hạnh được đề nghị với ba em.
- Thế thì tốt quá. Chắc chắn chúng tôi sẽ không quên lòng hảo tâm đó – Ông đặt cái mở thư về chỗ cũ – Những đóng góp như vậy thường được giảm thuế, theo tôi hiểu – Ông nói thêm.
Vài phút sau, cô thư ký bước vào ôm theo chồng hồ sơ rồi để chúng trước mắt ông viện trưởng.
- Năm mươi mốt sinh viên học tiếng Anh – Cô báo cáo – Khóa sáu có mười bảy nam sinh viên.
- Tốt.
Khi cô thư ký rời khỏi phòng, viện trưởng sửa ghế ngồi lại, tay xoa xoa vào nhau, lại trở về phong cách một quân nhân. Ông mở tập hồ sơ, rút giấy tờ ra cho đến khi nhìn thấy mẫu đơn ghi danh có dán ảnh ở trên góc.
- Tóc màu đen – Ông nói rồi để tập hồ sơ bên phía trái của ông.
Khi ông xem xong thì có hai chồng hồ sơ không đều nhau ở trên bàn trước mặt ông.
- Mười hai người tóc màu đen và năm người tóc nhạt – Viện trưởng nhận xét.
Ellen chồm người về đằng trước.
- Một lần Dorothy nói với em là cậu ta rất đẹp trai…
Viện trưởng lấy chồng hồ sơ có năm cái tất cả, rồi mở hồ sơ nằm trên cùng.
- George Speiser – Ông nói ra chiều nghĩ ngợi – Nếu cô cho cậu Speiser này là đẹp trai… - Ông đưa hồ sơ qua cho Ellen. Khuôn mặt trong ảnh cằm lép, đôi mắt sắc sảo. Nàng lắc đầu ý nói không phải cậu ta. Aûnh thứ hai là một sinh viên mặt mày hốc hác, mang đôi kính dày cộm. Người thứ ba, ba mươi lăm tuổi, tóc không phải màu nâu. Đôi tay nàng đặt trên ví thấm đầy mồ hôi. Viện trưởng mở hồ sơ thứ tư – Gordon Gant. Cái tên đó cô nghe có quen không? – Ông trao lá đơn xin ghi danh cho Ellen. Người này tóc nâu, khá đẹp trai, đôi mắt sâu lộ vẻ thông minh nằm dưới đôi lông mày rậm đen, quai hàm chắc nịch, nụ cười tự tin.
- Em nghĩ chính là cậu này – Ellen nói.
- Hoặc cũng có thể la Dwight Powell? – Viện trưởng hỏi, tay bên kia cầm hồ sơ thứ năm. Người thanh niên trong ảnh này cằm vuông, ánh mắt nghiêm nghị, màu mắt xanh.
- Thế nào? Ai đây? – Ông hỏi lần cuối cùng.
Ellen bước ra khỏi khu học chính, một tay cầm ví, tay kia cầm mảnh giấy ông viện trưởng đưa, đứng tần ngần ở bậc thêm trên cùng, nhìn làng đại học u ám dưới bầu trời ủ ê.
Hai người… Điều này sẽ làm công việc của nàng chậm lại một chút, thế thôi. Chỉ có việc xem trong hai người đó ai là hắn… rồi sau đấy theo dõi… thậm chí nếu cần phải giáp mặt với hắn – dĩ nhiên mình phải giả danh là một người khác chứ không thể xưng tên Ellen Kingship được. Phải coi chừng ánh mắt sắc như dao và những câu trả lời rào đón của hắn. Aùn mạng thì phải có dấu vết. (Chắc chắn đó là một vụ sát nhân, không thể trật được!).
Mình phải dấn thân vào hang cọp. Nàng nhìn mảnh giấy nơi tay:Gordon Gant, 1312, đường 26 khu tây và Dwight Powell, 1520 đường 35 khu tây.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần II - Chương 3
Ellen ăn trưa trong một quán ăn nhỏ ở phía bên kia đường Đại học. Thật ra nàng chẳng còn bụng dạ nào để ăn uống vì đầu óc đang bận tính toán tìm phương kế hành động. Bắt đầu như thế nào đây? Đi dò hỏi những người biết hắn? Nhưng bắt đầu từ đâu? Theo dõi hắn, tìm hiểu hắn qua bạn bè của hắn? Đi gặp những người năm vừa qua đã quen biết hắn? Mình cần phải có thời gian. Mình phải ở lại Blue River một thời gian khá lâu. Tuy nhiên mình có nên gọi dây nói cho bố biết không? Những ngón tay nàng gõ gõ lên bàn một cách bứt rứt. Ai là người biết rõ về Gordon Gant và Dwight Powell? Gia đình của họ chăng? Hoặc họ từ đâu đến thì bà chủ nhà hay bạn bè của họ có thể biết? Phải mạnh dạn đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, đến gặp thẳng bạn bè của họ.
Nhưng dẫu sao cũng không được lãng phí thì giờ, mình phải nhớ rõ điều đó. Nàng cắn môi dưới, tay vẫn tiếp tục gõ nhịp trên mặt bàn.
Một lúc sau, nàng đặt ly cà phê còn một nửa lên bàn, đứng dậy và đi về phía phòng điện thoại. Nàng ngần ngừ một chốc rồi lật từng trang nơi quyển điện thoại niên giám. Không có số điện thoại của Gant, cũng không có địa chỉ của Powell ở đường 35. Điều đó chứng tỏ cả hai không có điện thoại, đoán vậy thôi, hoặc là cả hai đang sống chung với gia đình.
Nàng gọi Phòng chỉ dẫn và biết được số điện thoại của số nhà 1312 đường 26 khu tây – số điện thoại 2 – 2014.
- Alô, ai gọi đó? – Một giọng nói khô đặc của người miền tây vang lên trong máy.
- Thưa có anh Gordon Gant ở đấy không ạ? – Gịong nói của Ellen líu lại. Đầu dây bên kia bỗng im lặng.
- Bà con gì với cậu Gant hả?
- Dạ không. Bạn anh ấy thôi. Anh ấy có ở nhà không thưa bà?
- Không! – Câu trả lời cụt ngủn, lạnh lùng.
- Thưa, bà là ai?
- Chủ nhà.
- Khi nào anh ấy về?
- Cậu ấy về khuya lắm – Giọng bà ta nhanh nhẩu tỏ vẻ khó chịu. Ellen nghe tiếng máy đầu kia dằn mạnh xuống. Nàng nhìn ống nghe câm lặng, rồi lặng lẽ gác máy. Khi nàng quay lại chỗ ngồi thì ly cà phê đã nguội lạnh.
Hắn đi suốt ngày. Mình có nên đến đó không? Câu chuyện ngắn ngủn vừa qua với bà chủ nhà cho thấy Gant có thể là người yêu của Dorothy. Hoặc nếu loại trừ khả năng đó thì chính là Powell. Mình phải đến gặp bà chủ nhà… nhưng với lý do gì đây?
Úi chà, bất cứ lý do gì, miễn sao bà chủ nhà đừng nghi ngờ mình. Hành động liều lĩnh đó sẽ gây ra những nguy hiểm gì? Tất nhiên Gant sẽ nhận ra ngay sự giả mạo ấy khi bà chủ nhà thuật lại câu chuyện cho hắn nghe. Nếu Gant không phải là tên sát nhân, trong trường hợp này hãy để cho hắn thắc mắc về người lạ mặt đã mạo danh là bạn hay người thân thích của hắn. Nếu Gant là người yêu của Dorothy thì cứ để cho hắn băn khoăn về người lạ đi điều tra về hắn. Nếu hắn đã giết Dorothy thì hắn sẽ cảm thấy bị đe dọa vì sự xuất hiện của cô gái kia. Tuy nhiên sự lo sợ của hắn chẳng ảnh hưởng gì đến kế hoạch của mình, vì sau đó mình đích thân đến làm quen với hắn, hắn sẽ không ngờ mình chính là cô gái đã đi điều tra bà chủ nhà. Nỗi bất an từ phía hắn thậm chí sẽ có lợi nữa là khác vì sống trong trạng thái căng thẳng như vậy, hắn có khả năng để lộ bộ mặt tội ác của hắn ra. Ồ hắn cũng có thể trốn khỏi thành phố khi hắn thấy không còn lối thoát nữa – sự việc này sẽ giúp mình thuyết phục được cảnh sát nhận ra những nghi ngờ mình nêu lên là đúng. Họ sẽ điều tra và tìm ra bằng chứng…
Mình phải đi thẳng vào trọng tâm của công việc. Làm như thế có mạo hiểm lắm không? Suy nghĩ kỹ, mình thấy hành động như thế là quá hợp lý.
Ellen nhìn đồng hồ tay: một giờ năm phút. Mình không thể đến ngay lúc này bởi vì mình vừa mới gọi điện thoại. Bà chủ nhà có thể liên kết hai sự việc lại với nhau và sẽ nghi ngờ mình tức khắc. Nghĩ thế, Ellen đàng ngồi lại. Bắt gặp cái nhìn của cô hầu bàn, nàng gọi thêm một ly cà phê nữa.
Lúc hai giờ kém năm, Ellen vào dãy nhà số 1300 ở đường 26 khu tây. Đường vắng lặng, tẻ ngắt với những ngôi nhà hai tầng quét vôi màu vàng, phía trước là những bãi cỏ cháy úa. Một vài chiếc xe hiệu Ford và Chevvie đậu dọc theo khúc quanh, chiếc thì theo thời gian thì cũ đi, chiếc thì sơn lại nguệch ngoạc vụng về cho có vẻ mới hơn. Không một chiếc nào ra hồn cả, Ellen cố gắng đi chậm lại, làm như không có gì phải vội lắm. Bước chân nhẹ vang lên trong bầu không khí tĩnh mịch hiu quạnh đó.
Gordon Gant ở nhà số 1312, ngôi nhà thứ ba kể từ góc đường vào. Nhìn căn nhà sơn màu mỡ gà một lát, Ellen theo con đường lát đá chạy ngang qua bãi cỏ đến thẳng cổng chính. Nơi đây nàng đọc tấm biển gắn trên hòm thư treo ở cột trước nhà: Bà Mina Arguette. Nàng đế cửa hình cánh quạt, hít mạnh hơi, thu hết can đảm bấm chuông. Bên trong tiếng chuông reo vang. Nàng hồi hộp chờ đợi. Có tiếng bước chân, rổi cửa mở và một người đàn bà cao lớn, gầy, mái tóc bạc lòa xòa trên trán xuất hiện. Đôi mắt đỏ và trơn ướt. Chiếc áo xuềnh xoàng mặc ở nhà rộng thùng thình trên đôi vai gầy guộc. Bà ta đưa mắt nhìn Ellen từ đầu đến chân.
- Cô hỏi gì? – Giọng nói khô khốc của người miền trung tây trong điện thoại lúc nãy.
- Thưa, bà là bà Arquette? – Ellen rụt rè hỏi.
- Phải – Bà ta bỗng nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng không đều đặn.
Ellen cười đáp lễ.
- Cháu là em họ của Gordon gant.
Đôi lông mày mỏng dính khẽ nhíu lại.
- Em họ của cậu ấy ạ? – Bà hỏi với vẻ ngạc nhiên.
- Vậy ra anh ấy không nói cho bà biết là hôm nay cháu có mặt ở đây?
- Ồ không. Cậu ấy có bao giờ nói chuyện đó đâu.
- Lạ nhỉ. Cháu có viết thư báo tin là cháu sẽ đi ngang qua đây. Cháu đang trên đường đến Chicago và chủ ý đi đường này để thăm anh. Chắc anh ấy quên…
- Cô gửi thư cho cậu ấy khi nào?
- Hôm kia, vào ngày thứ bảy – Ellen ngập ngừng nói.
- Thế à! – Nụ cười lại thoáng hiện ra trên môi bà ta – Cậu Gordon rời nhà từ tảng sáng và thư đến sớm nhất cũng phải mười giờ hơn. Có lẽ thư của cô còn ở trong phòng của cậy ấy.
- Ồ…
- Hiện giờ cậu ấy đi vắng…
- Cháu có thể vào đợi một chốc được không ạ? – Ellen vội cắt ngang câu nói của bà – Từ nhà ga cháu đã đón xe nhầm. Cháu phải đi bộ qua mười dãy nhà, thưa bà.
Bà Arquette khẽ lui vào trong một bước.
- Cô cứ tự nhiên. Mời cô vào.
- Cảm ơn bà – Ellen bước qua ngưỡng cửa, vào một hành lang thoảng mùi ẩm mốc khó chịu, rồi đến cánh cửa đóng kín, đèn mờ mờ sáng. Có một cầu thang ở phía bên phải. Phía bên trái một lối dẫn vào phòng khách hình như ít được sử dụng đến.
- Bà Arquette! – Một tiếng gọi lớn từ phòng sau vang lên.
- Tôi đến ngay đây – Bà Arquette trả lời, quay sang Ellen – Cô vui lòng ngồi dưới nhà bếp nhé?
- Dạ có sao đâu – Ellen vui vẻ nói. Hàm răng không đều đặn của bà Arquette lại hé lộ ra. Nàng theo thân hình đồ sộ kia xuống nhà bếp, thắc mắc tại sao một người vui tính thế này lại có giọng điệu cáu kỉnh khi nói điện thoại như vậy.
Nhà bếp cũng được sơn màu vàng sẫm như ở phía ngoài của ngôi nhà. Ở giữa phòng có kê một cái bàn bằng đá cẩm thạch màu trắng ngà, một người đàn ông đứng tuổi ngồi đó, đang rót rượu vào một cái ly cũ kỹ.
- Giới thiệu cới cô, ông Fishback ở cạnh nhà tôi – Bà Arquette nói – Chúng tôi đang chơi cờ chữ (anagrams).
- Ráp chữ đấy – Ông Fishback nói thêm vào, ngước đôi mắt mang kính lên nhìn Ellen.
- Đây là cô… - Bà Arquette bỏ lửng.
- Gant ạ – Ellen vội nói tên mình.
- Cô Gant, em họ của cậu Gordon.
- Chào cô – Ông Fishback mỉm cười – Cậu Gordon rất dễ mến. Này, bà Arquette. Đến phiên của bà đấy.
Bà Arquette ngồi xuống đối diện với ông.
- Mời cô ngồi – Bà nói và chỉ chiếc ghế còn trống - Cô nghe nhạc không?
- Dạ không, xin cám ơn bà – Ellen nói, ngồi xuống. Nàng cởi áo khoác ngoài và vắt trên thành ghế.
Bà Arquette nhìn một lô chữ cái đang lật ngửa trong chiếc hộp gỗ vuông màu đen.
- Cô từ đâu đến – Bà hỏi Ellen.
- Dạ, từ California.
- Tôi chẳng hề biết là cậu Gordon lại có gia đình ở miền tây.
- Dạ đúng thế. Cháu chỉ đến California để thăm bạn bè. Cháu ở miền đông.
- Aø ra thế! – Bà Arquette nhìn ông Fishback – Bác tiếp tục đi đi. Tôi chịu. Không có nguyên âm thì chịu chết thôi.
- Phiên tôi, phải không? – Ông hỏi, bà gật đầu. Với nụ cười đắc thắng, ông chộp lại những chữ cái đang lật ngửa ra đó – Bà thua rồi, bà Arquette ạ – Ông reo lên hớn hở – C-R-Y-P-T:Crypt. Hầm mộ. Ông đẩy các chữ cái lại với nhau và thêm từ đó vào những từ đã được xếp trước mặt ông.
- Không công bằng – Bà Arquette phản đối – Bác đã có thời gian suy nghĩ khi tôi bận ra ngoài.
- Thắng là thắng – Ông Fishback la toáng lên. Ông lật ngửa hai chữ cái nữa rồi đặt chúng vào thẳng hàng với những chữ kia.
- Ôi thua rồi – Bà Arquette lầu bầu, bực dọc, ngả người ra sau ghế dựa.
- Anh Gordon mấy hôm nay thế nào, thưa bà? – Ellen bắt đầu gạ gẫm.
- Khoẻ như trâu – Bà Arquette trả lời – Bận như con vụ. Nào là công chuyện ở trường, nào là lo chuẩn bị chương trình.
- Chương trình gì thế, thưa bà?
- Cô không biết cậu ấy phụ trách chương trình gì sao?
- Lâu nay cháu không nhận được tin gì của anh cả.
- Cậu ấy phụ trách chương trình đã ba tháng nay rồi – Bà ngồi thẳng người dậy, vẻ mặt tự hào – Cậu ấy giới thiệu và phê bình âm nhạc. Cậu ấy gọi là Người Quảng Cáo Nghệ thuật. Đêm nào cũng thế, trừ ngày thứ bảy, từ lúc 8 giờ cho đến 10 giờ qua đài KBRI.
- Ồ tuyệt quá! – Ellen thốt lên thán phục.
- Vâng, cậu ấy nổi tiếng như cồn – Bà tiếp tục nói và lật ngửa một chữ cái khi ông Fishback hất đầu ra hiệu với bà – Cách đây hai tuần người ta đã phỏng vấn cậu ấy trên báo. Các nhà báo tới rần rật và đủ mọi thứ trên đời. Các cô gái – thậm chí cậu ấy chẳng hề quen biết – liên tục gọi điện thoại tới. Toàn là sinh viên trường đại học Stoddard cả. Các cô bằng mọi cách tìm ra điện thoại, rồi gọi đến cốt chỉ nghe giọng nói của thần tượng của mấy cô thôi. Cậu ấy chẳng thích dây dưa gì với các cô khỉ gió đó. Vì thế tôi lại là người phải đứng ra trả lời những cú điện thoại xuẩn ngốc đó. Khổ thân tôi, muốn điên lên được – Bà Arquette cau mày nhìn bàn cờ – Bác tiếp tục đi, bác Fishback.
Ellen đưa tay nhẹ vuốt cạnh bàn.
- Anh Gordon có còn đi chơi với cô bạn gái mà anh đã kể cho cháu nghe hồi năm ngoái nữa không, bà Arquette?
- Cô nào mới được chứ?
- Cô gái tóc vàng, thấp và xinh lắm. Trong một vài lá thư, anh Gordon có nhắc đến cô ta nữa.
- Tôi sẽ kể cô nghe – Bà Arquette nói – tôi không thích chõ mũi vào đời tư của cậu ấy, cậu ấy đi với cô nào tôi cũng chẳng bận tâm. Trước khi Gordon phụ trách chương trình, mỗi tuần chỉ ba hoặc bốn, năm lền cậu ấy ra ngoài, nhưng tuyệt nhiên cậu không bao giờ đưa các cô về đây. Không phải tại vì tôi yêu cầu như thế. Tôi chỉ là chủ nhà. Cậu cũng không bao giờ đả động gì đến các cô hết. Những cậu khác trước kia ở đây thì thường hay kể tôi nghe về các bạn gái của họ, vì các cậu thời đó trẻ hơn. Các cậu bây giờ chững chạc hơn nhiều và theo tôi họ cũng khá lớn tuổi, họ không ba hoa như mấy cậu kia. Cậu Gordon thì ít khi lắm. Không phải tôi muốn xoi mói nhưng tôi thường nhận xét về mọi người. – Bà lật thêm một chữ cái khác – Cô gái đó tên gì? Cô nói tên tôi nghe thử, may ra tôi biết cậu ấy còn liên hệ với cô ta không, bởi vì thỉnh thoảng cậu ấy dùng điện thoại cạnh cầu thang kia, tôi ở trong phòng khách nên buộc lòng phải nghe cậu ấy chuyện trò.
- Cháu không nhớ tên cô ta. Nhưng năm vừa rồi, anh Gordon thường đi chơi với cô ta. Bà thử nói vài tên Gordon hay nhắc đến, xem cháu có nhận ra được không.
- Ừ, để thử xem – Bà Arquette vừa cố nhớ lại, vừa sắp xếp các chữ một cách máy móc – Một cô tên Louella, tôi nhớ tên này vì nó trùng với tên em dâu tôi. Cô khác tên là… - Đôi mắt ươn ướt của bà nhắm lại, tập trung… Barbara. Không phải, đó là năm trước, năm cậu ấy học năm thứ nhất. Xem nào, Louella… - Bà lắc đầu, thất vọng – Còn nhiều nữa, tôi không sao nhớ hết nỗi.
Trận cờ vẫn âm thầm tiếp diễn. Cuối cùng Ellen nói thẳng – Cô ta tên là Dorothy thì phải?
Bà Araquette hất đầu về phía ông Fishback.
- Dorothy… - Mắt bà nhíu lại – Không phải, nếu là tên Dorothy thì hiện giờ cậu ấy không còn liên hệ nữa. Không nghe Gordon nói đến tên này lần nào, tôi bảo đảm với cô như vậy. Dĩ nhiên cậu ấy thỉnh thoảng gọi dây nói ra ngoài tỉnh và những lúc ấy cậu đến cuối góc phòng kia để nói.
- Nhưng năm vừa rồi Gordon vẫn đi với Dorothy?
Bà Arquette nhìn lên trần nhà.
- Tôi không rõ lắm… tôi không nhớ ai tên là Dorothy, mà cũng không cần phải nhớ một ai khác, nếu cô hiểu tôi muốn nói gì rồi, phải không?
- Dottiem thưa bà? – Ellen cố thử một lần nữa.
Bà Arquette đắn đo một chốc, rồi nhún vai không nói gì cả.
- Đến phiên bà đấy! – Fishback bực mình nhắc.
Tiếng con cờ di động nhè nhẹ khi bà xê dịch chúng.
- Cháu nghĩ anh đã cắt đứt liên hệ với cô ta vào tháng tư năm vừa qua vì thời gian này anh không hề nói gì đến cô ta nữa. Khoảng cuối tháng tư, anh cháu có vẻ bị khủng hoảng, lo lắng, căng thẳng… - Ellen nhìn bà Arquette thăm dò.
- Không có đâu. Tháng đó cậu Gordon đau một trận kịch liệt, nằm mãi trên giường rên hừ hừ suốt. Tôi đã trêu chọc cậu vì chuyện ấy đấy. – Ông Fishback hớp một ngụm rồi nhìn cờ – Bà lại thua nữa – Ông nói lớn và xếp chữ F-A-N-E: Fane.
- Bác nói cái gì đấy? Fane à? Làm gì có chữ đó. – Bà Arquette quay sang Ellen hỏi – Cô có bao giờ nghe chữ Fane này không?
- Tốt hơn bà đừng cãi lẽ với tôi – Ông Fishback lải nhải. – Tôi không biết nghĩa nhưng tôi biết chắc là có chữ đó. Tôi đã gặp một lần rồi – Quay sang Ellen, ông nói – Mỗi tuần tôi ngấu nghiến ba quyển sách, đọc đều đặn như cái đồng hồ, cô ạ.
- Fane! – Bà Arquette khịt khịt mũi.
- Thế thì bà tra từ điển đi.
- Tự điển bỏ túi làm gì có từ đó. Mỗi lần tôi bắt bẻ bác một từ nào là bác lại bảo tra từ điển.
Ellen nhìn chữ đó.
- Anh Gordon hẳn có tự điển – Ellen thốt lên và đứng dậy khỏi ghế – Cháu xon đi lấy tự điển, nếu bà cho cháu biết phòng của anh Gordon.
- Đúng, đúng – Gịong bà Arquette dứt khoát – Chắc chắn cậu Gordon có tự điển. Cô ngồi xuống, tôi đi lấy cũng được.
- Bà cho phép cháu đi với. Cháu muốn xem căn phòng anh ra sao. Anh nói căn phòng xinh lắm.
- Mời cô theo tôi – Bà Arquette nói, rồi xăng xái đi ra khỏi nhà bếp. Ellen vội vã nối gót theo chân bà.
Giọng ông Fishback nói với theo:
- Bà sẽ thấy. Tôi biết nhiều từ hơn bà, dù bà có sống lâu đến trăm năm đi nữa.
Hai người bước lên cầu thang bằng gỗ màu đen, bà Arquette đi trước, miệng lầm rầm cáu kỉnh. Ellen theo bà bước qua cửa ngay bên trên cầu thang.
Các bức tường trong phòng được trang trí bằng những giấy in hoa sáng sủa. Giường bọc nệm màu xanh, tủ áo quần, ghế dựa, bàn viết… Sau khi lấy quyển từ điển, bà Arquette đến đứng bên kia cửa sổ lật từng trang tìm kiếm. Ellen đến trước tủ, đọc các tên sách để trên đầu tủ. “Biết đâu mình sẽ bắt gặp một quyển sổ tay hay nhật ký gì đó” – Ellen nghĩ thầm. An outline of history, Radio Announcement’s handbook of Pronunciation, A History of American Jazz, Three Murder Novels…
- À đây rồi – Bà Arquette reo lên, lấy ngón tay trỏ chặn lên trang giấy của quyển tự điển đang mở – Fane có nghĩa là cái tháp nhà thơ – Bà giận dữ gập tự điển lại – Lão học được chữ này ở đâu thế?
Ellen khẽ chồm người qua bàn trên đó có ba cái thư. Bà Arquette để từ điển vào chỗ cũ, đưa mắt nhìn Ellen.
- Cái thư không ghi địa chỉ của người gởi hẳn là của cô đấy? – Bà nhận xét.
- Vâng, đúng thế. Hai thư kia có ghi địa chỉ, một của New Week, một của đài tiếng nói Quốc gia.
Bà Arquette đã đứng nơi cửa.
- Đi xuống chứ? – Bà giục.
- Vâng.
Họ xuống thang gác và chậm rãi vào nhà bếp. Ông Fishback đang ngồi đợi. Vừa chợt thấy vẻ nhân nhượng của bà Arquette, ông bật cười khằn khặt. Bà ném cái nhìn đầy tức tối về phía ông.
- Chữ đó có nghĩa là nhà thờ – Bà nói và ngồi phịch xuống ghế. Ông Fishback cười khà khà mãi.
- Thôi, cười mãi thế. Tiếp tục lại cho rồi – Bà xẳng giọng cay cú. Ông Fishback lật ngửa hai chữ mới.
Ellen bỗng thấy lạnh. Bà đưa mắt nhìn đồng hồ ở trên tủ lạnh bên cạnh cửa.
- Hai mươi giờ – Bà nói – tiết cuối cùng hết vào lúc hai giờ. Trong chốc lát cậu ấy sẽ có mặt ở đây.
Ellen không biết nói sao. Hình ảnh khuôn mặt của bà Arquette hất lên khiến nàng cảm thấy gai gai cả người.
- Bà… bà nói với cháu là anh ấy mãi đến khuya mới về kia mà… - Cuối cùng nàng nói có vẻ ấm ức.
Bà Arquette cảm thấy như bị xúc phạm.
- Tôi… có nói với cô như vậy đâu. Trời đất, nếu không đợi cậu ấy, sao cô lại ngồi đây nãy giờ?
- Điện thoại…
Bà chủ nhà há miệng, ngạc nhiên.
- Thế ra là cô đấy à? Cô gọi vào khoảng một giờ phải không?
Ellen gật đầu một cách thảm hại.
- Sao cô không nói cho tôi biết chính là cô chứ? Tôi cứ ngỡ là một cô sinh viên ngu ngốc nào đấy. Bất cứ ai gọi mà không xưng tên thì bao giờ tôi cũng trả lời là cậu ấy đi vắng. Thậm chí ngay lúc đó có cậu ấy ở nhà chăng nữa. Cậu ấy nhờ tôi trả lời như thế. Vẻ niềm nở trên khuôn mặt bà biến mất. Đôi mắt vô hồn, đôi môi mỏng dính mím lại cau có, nghi ngờ – Nếu cô biết cậu ấy đi suốt ngày, cớ sao cô lại đến đây? – Giọng bà hỏi chậm rãi, dò chừng.
- Cháu… muốn gặp anh. Anh nói nhiều chuyện…
- Thế sao cô còn hỏi tôi về những thứ chuyện kia? – Bà đứng lên.
Ellen với tay lấy áo khoác ngoài. Thoắt một cái, bà Arquette chộp lấy cánh tay của Ellen, những ngón tay bấu chặt vào da thịt khiến nàng đau nhói.
- Bà bỏ tay cháu ra…
- Tại sao cô lại rình mò trong phòng Gordon hả?
Khuôn mặt bành bạch nhìn sát vào mặt Ellen, đôi mắt trợn tròn nhìn nàng ánh lên nét giận dữ, làn da mặt xù xì đỏ bừng lên.
- Cô muốn lấy cái gì ở trong phòng? Cô lấy cái gì trong lúc tôi xoay lưng lại hả?
Phía sau nàng có tiếng sột soạt, giọng của ông Fishback đầy vẻ kinh ngạc:
- Tại sao cô ta lại muốn ăn cắp đồ của anh cô ta?
- Ai bảo cô ta là em họ của cậu ấy chứ? – Bà Arquette bắt bẻ.
Ellen đang tìm cách dứt ra khỏi bàn tay của bà.
- Bà bóp tay cháu đau quá.
Đôi mắt lờ đờ nhíu lại.
- Tôi không xếp cô vào bọn con gái khốn kiếp kia muốn tìm kiếm mọt vật kỉ nịêm hay gì đấy của cậu Gordon. Nhưng tại sao cô đặt nhiều câu hỏi như thế?
- Cháu là em họ của gordon. Cháu nói thật mà – Ellen cố nói với giọng bình tĩnh – Bây giờ cháu muốn đi. Bà không có quyền giữ cháu ở lại đây. Cháu sẽ gặp anh ấy sau.
- Có phải gặp cậu Gordon ngay bây giờ. Cô phải ở đây đến khi cậu ấy về – Bà đưa mắt nhìn qua vai Ellen – Bác Fishback, hãy chặn cửa sau lại. – Bà nhìn ông đi về phía đó rồi bỏ tay Ellen ra. Bà nhanh nhẹn đến khóa cánh cửa, đứng khoanh tay trước ngực, gằn giọng:
- Tôi phải tìm cho ra lẽ mới hả giận.
Ellen lấy tay xoa chỗ bà Arquette bấu lúc nãy. Nàng nhìn người đàn ông và người đàn bà đang đứng án ngữ ở hai đầu nhà bếp – Ông Fishback với đôi mắt mang kính nhấp nháy một cách bứt rứt, bà Arquette nét mặt nhăn nhó, giận dữ, lạnh lùng.
- Các người không có quyền làm thế? – Ellen nhặt cái ví rơi trên sàn nhà lên, lấy áo choàng vắt qua tay – Hãy để cháu đi.
Giọng nói của nàng cương quyết nhưng cả hai người vẫn đứng yên. Họ nghe có tiếng cửa đóng và tiếng bước chân lên cầu thang.
- Cậu Gordon – Bà Arquette lớn tiếng gọi – Cậu Gordon.
Tiếng chân dừng lại.
- Chuyện gì thế, bác Arquette?
Bà chủ xoay người chạy về phía phòng khách. Ellen đưa mắt nhìn ông Fishback. Nàng khẩn khoản:
- Bác để cháu đi. Cháu có làm gì trái quấy đâu.
Ông khẽ lắc đầu từ chối.
Nàng đứng bất động, nghe giọng nói hổn hển đầy vẻ kích động của bà Arquette vọng lại ở phía sau lưng nàng. Những tiếng bước chân tiến đến gần cửa, giọng nói lớn dần.
- Cô ta hỏi mãi về cậu, về những cô gái cậu đã quen năm vừa qua. Cô đánh lừa tôi để đưa cô ta vào phòng của cậu. Cô ta đứng nhìn sách và thư từ ở trên bàn… - Giọng nói của bà oang oang dội khắp nhà bếp – Đấy, cô ta đấy.
Ellen quay người về đàng sau. Bà Arquette đứng bên trái cạnh bàn, tay chỉ về nàng kết tội. Gant đứng dựa vào khung cửa, người cao lớn, vững chắc trong chiếc áo màu lục đậm cổ cao, sách cầm trong tay. Hắn nhìn nàng một hồi lâu, môi mỉm cười, đôi lông mày hơi nhíu lại. Hắn rời khung cửa, bước vào nhà bếp, để sách trên tủ lạnh, mắt vẫn không rời Ellen.
- À cô em họ Hester. – Hắn bỗng nói, đôi mắt nhấp nháy như dò xét, đánh giá – Cô lớn nhanh quá, trông lạ hẳn.
Rồi đi vòng quanh bàn, hắn đến bên cạnh đặt tay lên vai nàng, mừng rỡ nhẹ hôn lên má nàng.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Ngày tham gia: 11/07/2012 12:21 Bài viết: 2146 Đến từ: Tiềng giang
Cái Hôn Của Tử Thần II - Chương 4
Sao… cậu… cô ta em cậu thật à? – Bà Arquette trố mắt, ngạc nhiên.
- Bác Arquette thân mến – Hắn đi vòng qua bên trái Ellen – bọn cháu cùng một cội rễ đấy – Hắn vỗ nhè nhẹ lên vai Ellen – Phải không, Hester?
Nàng nhìn hắn với đối mắt ngớ ngẩn, miệng há hốc, lạ lùng rồi nhìn bà Arquette đứng bên trái bàn, nhìn về phía phòng khách, nhìn cái áo khoác ngoài, ví cầm nơi tay…
Bỗng nhiên nàng bổ người về phía tay phải, vòng qua bàn, chạy ra cửa theo lối dẫn vào phòng khách, nghe sau lưng tiếng bà Arquette ơi ới thất thanh.
- Cô ta trốn chạy – và tiếng chân của Gant chạy thình thịch phía sau.
- Em cháu bị đau bệnh thần kinh, bác Arquette à.
Ellen đẩy tung cánh cửa, chạy như bay ra khỏi ngôi nhà, cảm thấy những ngón chân nhói đau trên con đường trải đá. Đến lề đường, nàng rẽ qua phía phải, cố bươn bả đi, chiếc áo ngoài vung văng trên cánh tay – Lạy Chúa, mọi việc thế là hỏng bét – Răng ghiến chặt, nước mắt lăn trên má nóng hổi. Gant đuổi theo kịp nàng, sải chân ung dung đi bên cạnh. Nàng ném cái nhìn giận dữ vào cái mặt nhăn nhở cười đáng ghét kia, rồi nhìn thẳng về đằng trước. Nàng thấy giận mình và giận hắn một cách vô cớ.
- Không nói một lời tâm tình nào cả sao? – Hắn nói – Cô không có nhiệm vụ phải nhét vào tai tôi một lời hẹn hò hay một điều gì khác à? Hay là vì một tên đàn ông mặc áo quần ấm mùa đông màu đen nào đó săn đuổi suốt ngày nên cô phải vào nhà gần nhất để lẩn tránh?
Nàng vẫn đi nhanh, lạnh lùng khôngười nói năng gì.
- Cô đã đọc truyện của Saint chưa? Tôi đọc thường xuyên. Lão Simon Templar lúc nào cũng gặp những giai nhân có thái độ thật quái gở. Một hôm, một trong những giai nhân ấy nửa đêm bơi đến thuyền của lão ta, và nói rằng cô ta là một tay đua bỏ cuộc. Lão đành phải giao cho điều tra viên của hãng bảo hiểm. Này cô em họ Hester, anh thật tình muốn biết… - Hắn bất chợt chộp lấy cánh tay Ellen.
Nàng vùng ra. Họ đến một đại lộ náo nhiệt, xe tắc xi chạy lên xuống như mắc cửi. Nàng giơ tay vẫy, một chiếc xe vòng lại theo hình chữ U, trờ tớ.
- Tôi chỉ cốt đùa chơi – Ellen nói lí nhí – Xin lỗi, tôi làm thế vì đánh cuộc đấy.
- Chà chà, giống như cố gái trên chiếc du thuyền Saint đã kể – Nét mặt của hắn bỗng nghiêm trang lại – Cứ cho là đùa cũng được, nhưng tại sao hỏi về đời tư bẩn thỉu của tôi như thế?
Chiếc tắc xi dừng lại. Ellen cố sức mở cửa nhưng hắn đã lấy tay chằn cửa.
- Xem kìa, cô em họ của tôi, đừng để bị lừa phỉnh bởi cái nghề phê bình âm nhạc của tôi. Tôi không có ý định…
- Xin anh… - Nàng hổn hển kéo mạnh cửa.
Người tài xế tắc xi lò đầu ra, nhìn hai người, đánh giá tình hình.
- Này ông… - Người tài xế nói, giọng có vẻ đe dọa.
Gant đành thở dài, bỏ tay ra. Ellen mở cửa, chui vào rồi đóng mạnh cửa. Nàng ngồi thu mình trong góc trên ghế nệm bọc da mềm mại. Đứng bên ngoài, Gant khom người nhìn qua cửa kính như thể muốn ghi khắc những đặc điểm khuôn mặt nàng. Ellen quay mặt nhìn hướng khác.
Đợi đến khi xe rời khỏi khúc quanh, nàng nói cho tài xế nơi nàng đến.
Mười phút sau Ellen đã có mặt ở New Washington House nơi nàng đã đăng ký trước khi gọi điện thoại cho viện trưởng Welch. Ngồi trên xe trở về khách sạn, môi cắn chặt, hút vội một điếu thuốc và cay đắng thầm trách mình, Ellen cố thư giãn sự căng thẳng vẫn còn lửng lơ đến bây giờ, sự căng thẳng kéo dài kể từ khi Gant chưa xuất hiện cho đến khi hắn về với thái độ bông đùa, chớt nhả. “Cô em họ Hester”. Ôi, mình đã làm hỏng việc! Mình đã mất đi mọt nửa vốn liếng nhưng bù lại chẳng nhận được gì. Vẫn chưa biết một tí ti gì về hắn. Hắn có phải là tên đã ám hại Dorothy không? Nếu bây giờ mình truy lùng Powell và biết rằng Powell không phải là thủ phạm thì rõ ràng thủ phạm chính là Gant. Mình không nên quay về Caldwell bởi vì – lần nữa vẫn là một chữ NẾU to tướng – nếu Gant đã giết Dorothy thì hắn đã đề phòng cảnh giác, đã biết mặt mình, đã biết mình là ai qua những gì mình hỏi bà chủ nhà. Hắn sẽ sẵn sàng ra tay lần thứ hai. Mình không thể liều lĩnh chơi trò đùa đó nữa. Tốt hơn là mình nên sống trong sự nghi ngờ hơn là chết trong sự xác tín.
Lối thoát thứ hai là mình đi thẳng đến cảnh sát nhưng mình nói gì với họ đây ngoài những điều mình đã trình bày trước kia. Chắc chắn họ sẽ trịnh trọng và lịch sự mời khéo mình ra khỏi cơ quan.
Ôi, bước khởi đầu của mình quá đẹp!
Căn phòng - với những bức tường màu nâu nhạt, đồ đạc cùng một màu như thế, sạch sẽ thoáng mát – trông giống như một bánh xà phòng bọc giấy đang để trong phòng tắm bên cạnh. Cái nổi bật trong không gian này là chiếc va li lủng lẳng tấm thẻ ghi địa chỉ ở Caldwell để ở dưới cái giường đôi.
Treo áo ngoài vào tủ, Ellen ngồi xuống bên cạnh bàn gần cửa sổ. Nàng lấy trong ví ra cây bút và lá thư đang viết lở dở cho Bud. Nhìn sững địa chỉ trên phong bì chưa dán lại, Ellen tự hỏi có nên kể cho Bud nghe về sự thất bại của nàng vừa qua và về sự gặp gỡ với viện trưởng Welch không. Không,… không nên…, nếu Powell quả thật là tên sát nhân thì câu chuyện liên quan Gant chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Không hiểu tại sao mình tin chính là Powell, chứ không phải là Gant. Không phải vì thái độ cởi mở của gant mà mình nghĩ thế. Hắn đã nói gì nhỉ? “Đừng để tôi bị lừa gạt bởi cái nghề phê bình âm nhạc của tôi. Tôi không có ý định chơi trò…”.
Bỗng có tiếng gõ cửa, Ellen vội đứng lên.
- Ai đó?
- Tôi mang khăn mặt đến – Giọng nói của một người đàn bà vọng vào.
Ellen đi ngang qua phòng nắm lấy quả nắm cửa.
- Xin lỗi tôi không mặc áo quần. Hãy để ngoài đó cho tôi.
- Vâng.
Nàng đứng đợi một chốc, nghe tiếng bước chân bất chợt đi ngang qua và tiếng rầm rầm của thang máy xuống phòng khách. Bàn tay cầm nắm cửa ướt đẫm. Cuối cùng nàng cười thầm chế nhạo sự hốt hoảng của mình, rồi từ từ mở cửa.
Gant đứng đó, vai tựa vào khung cửa, một tay đặt lên mái tóc hoe vàng.
- Chào cô em họ Hester – Hắn cười – Tôi đã nói rồi, tôi cực kỳ tò mò.
Ellen vội đóng cửa lại nhưng bàn chân chắc nịch của hắn đã chặn dưới đấy.
Hắn nheo mắt ranh mãnh.
- Vui thật. Tôi đã bám riết theo xe – Hắn đưa tay vẽ một vòng ngoằn ngoèo rtong không – giống y hệt một động tác trong chuyện phim của hãng Warner Brothers. Anh tài xế bị một đòn bất ngờ hơi đau nhưng anh ta khó lòng từ chối món tiền thưởng kia, cô em họ à. Tôi nói với anh ta rằng cô bỏ gia đình chạy trốn.
- Cút đi – Ellen giận dữ – Tôi sẽ gọi ông quản lý.
- Nào, Hester – Hắn không cười nữa – Tôi có thể bắt giữ cô vì tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp hoặc đã mạo danh họ hàng hoặc đại để cái gì giống như thế. Sao cô không mời tôi vào chuyện gẫu một chốc? Nếu sợ mấy nhân viên trực khách sạn dị nghị thì cứ mở toang cánh cửa ra – Hắn khẽ đẩy cửa, buộc Ellen phải lui một bước – Thế chứ – Hắn nói và ung dung bước vào phòng. Hắn nhìn người nàng, lộ vẻ thất vọng – “tôi không mặc áo quần”, cô nói thế, lẽ ra tôi phải biết cô là chúa nói láo – Hắn đến ngồi lên thành giường – Có gì đâu mà cô run lên dữ vậy. Tôi sẽ không ăn thịt cô đâu mà sợ.
- Anh muốn gì?
- Một lời giải thích.
Nàng mở tung cánh cửa ra vào và vẫn đứng nguyên trên lối đi như thể đây là căn phòng của hắn còn nàng là khách.
- Việc đó… việc đó đơn giản thôi. Tôi thường theo dõi chương trình của anh…
Hắn nhìn va li.
- Nghe ở Wisconsin à?
- Chỉ cách một trăm dặm. Chúng tôi nghe đài KBRI. Thật đấy.
- Hãy nói tiếp.
- Tôi nghe chương trình của anh và rất thích… Tôi đến Blue River, nhân tiện tìm gặp anh…
- Và khi gặp tôi thì cô bỏ chạy?
- Thế anh đã hành động như thế nào? Không phải vô cớ mà tôi xử sự theo cách ấy? Tôi đóng vai cô em họ của anh bởi vì tôi… tôi muốn có một vài thông tin về anh. Anh ưa loại gái nào…
Tay xoay cằm có vẻ nghi hoặc, hắn đứng lên.
- Làm cách nào cô lại có số điện thoại của tôi?
- Trong cuốn niên giám sinh viên.
Hắn đi đến chân giường, sờ chiếc va li.
- Nếu cô học ở Caldwell, làm thế nào cô có quyển niên giám của đại học Stoddard?
- Một người bạn gái đưa cho tôi?
- Ai?
- Annabelle. Chị ấy là bạn tôi.
- Annabelle… - Hắn đã nhận ra cái tên này.
Hắn đảo mắt nhìn Ellen nghi ngờ.
- Này, cô nói thật đấy chứ!
- Thật chứ sao không thật? – Ellen nhìn xuống hai bàn tay của nàng – Tôi biết hành động như thế thật là lố bịch, nhưng vì quá thích chương trình của anh… - Khi nàng ngước mắt nhìn lên thì hắn đã đứng bên cạnh cửa sổ.
- Một trong những điều xuẩn ngốc nhất là…
Bỗng nhiên hắn nhìn đăm đăm về phía hành lang ở bên kia nàng, đôi mắt hắn nhấp nháy. Nàng quay ngoắt lại. Chẳng có gì đáng nhìn cả. Nàng quay lại thì hắn đang nhìn về phía cửa sổ, lưng quay về phía nàng.
- Hester – Hắn nói – Những điều cô nói là lời giải thích cho qua chuyện thôi. – Hắn xoay người lại, bỏ tay ra khỏi túi áo khoác – Một lời giải thích tôi sẽ nhớ mãi.
Hắn liếc mắt nhìn cửa phòng tắm đang mở.
- Cô cho phép tôi sử dụng phòng tắm một lát nhé? – Ellen chưa kịp trả lời thì hắn đã xồng xộc đi vào phòng tắm, khép cửa lại. Tiếng khóa bật tách lên.
Nàng đứng ngây ra nhìn cánh cửa, thắc mắc không biết hắn có tin nàng không. Hai đầu gối nàng run run. Hít một hơi thật mạnh, nàng đi ngang qua phòng đến bàn lấy điếu thuốc ở ví ra. Nàng đánh hai que diêm mới châm được điếu thuốc, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, tay lăn lăn cây bút ở trên cái bàn trống, chỉ có cái ví của nàng trên đó. Bàn trống… lá thư… lá thư gửi cho Bud! Lúc nãy Gant đứng gần bàn và tìm cách đánh lừa nàng quay nhìn hành lang, sau đấy hắn nhìn về phía cửa sổ, rồi khi quay lại thì bỏ tay ra khỏi túi áo…
Giận dữ, nàng đấm cửa phòng tắm thình thịch.
- Hãy đưa lá thư đây! Hãy trả lại lá thư cho tôi!
Vài phút trôi qua, giọng nói trầm trầm của Gant dội ra.
- Sự hiếu kỳ của tôi vẫn chưa được thỏa mãn, nhất là khi nó lại do những người mạo danh là bà con của tôi và do những câu chuyện có vẻ xinê quá gây nên.
Ellen đứng trong ô cửa, một tay chống vào khung cửa, một tay cầm áo khoác, nhìn cánh cửa nhà tắm vẫn đóng im ỉm, rồi lại nhìn hành lang, mỉm cười một cách ngớ ngẩn với những người khác tình cờ đi ngang qua. Nhân viên trực khách sạn hỏi nàng có cần gì không, nàng lắc đầu.
Sau cùng Gant bước ra. Hắn gấp lá thư cẩn thận bỏ vào lại bì thư và để lên bàn.
Thấy vẻ mặt như sắp chạy trốn của Ellen, hắn cười một cách lúng túng.
- Như bà nội tôi nói, mỗi khi ai gọi lana Turner (1) thì nữ tài tử này trả lời – “Xin lỗi, ông nhầm số điện thoại”.
Ellen không nhúc nhích.
- Tôi chẳng hề quen biết Dorothy – Hắn thú nhận – Tôi có chào nàng một hai lần gì đó. Trong lớp còn có những cậu trai tóc vàng khác. Tôi thậm chí chẳng biết têm em cô mãi cho đến khi ảnh nàng đăng trên báo. Giáo viên chỉ điểm danh bằng cách nhìn số ghi trên ghế chỗ ngồi, chẳng bao giờ gọi tên. Tôi không biết tên nàng.
Ellen vẫn bất động.
Chỉ cần hai sải chân, hắn đến cạnh bàn cầm quyển Thánh kinh lên. Hắn đặt tay phải lên cuốn sách.
- Tôi xin thề trên quyển Thánh kinh này rằng tôi chưa từng đi chơi với em gái của cô hoặc nói một lời nào đó với nàng… hoặc bất cứ điều gì… - Hắn đặt quyển sách lại chỗ cũ – Thế nào?
- Nếu Dorothy đã bị giết – Ellen nghẹn ngào – tên đó, tên đã giết nàng, sẽ thề trên hàng chục quyển Thánh kinh. Và nếu nàng ngỡ là nó yêu nàng thì quả thật tên đó là một kịch sĩ đại tài.
Gant ngước mắt nhìn lên trời và hai tay chéo vào nhau đưa ra trước mặt.
- Thôi được – Hắn buồn rầu – Tôi sẽ lặng lẽ ra về.
- Tôi mừng thấy anh biết đó là trò đùa.
Hạ tay xuống, hắn nói một cách thành khẩu.
- Tôi xin lỗi, nhưng thật khó xử cho tôi, để cô tin tôi rằng…
- Anh chẳng cần phải làm thế – Ellen nói – Anh có thể đi đi.
- Còn có những cậu trai tóc vàng khác trong lớp – Hắn nhấn mạnh. Hắn búng tay cái tách như thể phát hiện ra điều gì mới lạ – Có một gã thường đi chơi với Dorothy. Cằm giống như Cary Grant (2), cao lớn.
- Dwight Powell phải không?
- Đúng, đúng! – Hắn bỏ lửng câu nói – Hắn có tên trong danh sách của cô?
Ellen ngần ngừ một chốc rồi nhè nhẹ gật đầu.
- Thôi, chính là hắn rồi – Gant quả quyết.
Nàng nhìn hắn nghi hoặc. Hắn vung tay.
- Xong. Tôi đầu hàng. Cô sẽ thấy. Chính là Powell. Hắn đi về phía cửa, Ellen bước lui về phía hành lang. – Tôi chỉ có ý định ra về như lời cô đề nghị. – Gant cao giọng nói và bước vào hành lang.
- - Cô nên cho tôi biết tên thật của cô nếu cô không muốn tôi vẫn tiếp tục gọi cô là Hester.
- Ellen.
Gant hình như miễn cưỡng phải ra về.
- Cô định sẽ làm gì bây giờ?
Nàng nhìn hắn, một lúc sau nàng mới lên tiếng.
- Tôi cũng chưa biết.
- Nếu cô muốn đột nhập vào nhà Powell, cô đừng chơi trò như trưa nay nữa nhé. Hắn không phải loại người dễ đùa giỡn đâu!
Ellen gật đầu. Gant nhìn nàng từ đầu đến chân.
- Đúng là nữ thám tử – Hắn đăm chiêu – Không biết tôi có còn sống để thấy cô đạt được ý nguyện không.
Hắn định ra về nhưng rồi quay lại.
- Cô không cần ai giúp đỡ, phải không?
- Không, cám ơn anh – Đứng trong lối đi, Ellen nói – Tôi xin lỗi nhưng…
Gant nhún vai, mỉm cười.
- Tôi nghĩ tôi chưa xứng đáng để cô tin. Chúc may mắn.
Hắn quay lại đi dọc hành lang xuống lầu. Ellen bước lại vào phòng, chầm chậm khép cửa.
…Bây giờ là bảy giờ ba mươi, anh Bud, em đang thư thả ngồi trong một căn phòng rất xinh xắn tại khách sạn New Washington House – em vừa ăn cơm tối xong và chuẩn bị đi tắm rồi ngủ sau một ngày khá bận rộn…
Em đã ở gần trọn một buổi trưa trong phòng đợi của ông viện trưởng. Cuối cùng em đến gặp ông và bịa ra câu chuyện Dorothy thiếu nợ của một thanh niên tóc vàng cùng học một lớp Anh văn với nàng. Sau khi lục tìm hồ sơ và xem xét những tấm ảnh trên đơn ghi danh, cuối cùng em đã hướng sự chú ý vào một người – Dwight Powell, ở 1520 đường 35 khu tây. Em sẽ truy nã hắn vào sáng mai.
Anh nhĩ sao về bước đầu tiên và hiệu quả như thế? Đừng bao giờ đánh giá sai khả năng của phụ nữ?
Yêu anh,
Ellen
Lúc tám giờ, Ellen thay áo quần, rồi mở đài KBRI. Một giọng nói trầm trầm êm ái vọng ra, giọng nói của Gant dội khắp căn phòng – “… Một chương trình ca nhạc của Gordon Gant như thường lệ. Bản nhạc đầu tiên hôm nay là một bản nhạc cũ, xin gửi đến cô Hester Homels ở Wisconsin…”.
Từ radio, khúc nhạc mở đầu xa vắng vang ra, dần dần nhỏ lại rồi một giọng ca nữ ngọt ngào:
Hãy gài áo lại
Khi trời lộng gió
Và cẩn thận nhé em
Em của riêng anh…
Mỉm cười, Ellen đi vào buồng tắm. Những bức tường lát đá ô vuông dội lại tiếng róc rách chảy trong bồn tắm. Nàng cởi bỏ quần lót và treo áo ngủ lên móc bên cạnh cửa. Trong thoáng im lặng bất chợt đó, từ phòng bên thoảng sang giọng hát khàn đục.
Em chớ đùa với rắn, ooh, ooh, ooh
Em chớ đùa với trăn, ooh, ooh, ooh
Em chớ đùa với cọp, ooh, ooh, ooh.
Ghi chú:
(1) Lana Turner: nữ tài tử Mỹ nổi tiềng những năm 1950.
(2) Cary Grant: nam tài tử nổi tiếng của Mỹ.
_________________ Hãy thank bài viết nếu bài viết có ích
Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 113 khách
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này. Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này. Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này. Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.