Nhưng ngay cả những đoạn văn đơn giản nhất nếu cứ vào tai này lại ra tai kia nhanh như chớp thì nó vẫn không đọng lại trong đầu bạn được.
Tôi vốn dĩ là thằng bé không giỏi tập trung. Bao giờ ngồi học, tâm trí tôi cũng bị lãng đi bởi một chuyện gì đó, bất cứ là chuyện gì.
Tôi nhớ lúc tôi học bảng chữ cái. Thật là khốn khổ, khốn nạn!
Cô giáo dạy tôi:
- O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, ơ là thêm râu.
Lúc nghe những câu vần vèo đó, tôi không tìm cách phân biệt các mẫu tự mà cứ liên tưởng đến cái mũ của chú Nhiên, một cái mũ nhọn màu xanh sẫm bằng vải nỉ dày có chóp nhọn. Loại mũ đó bây giờ không còn ai đội, cũng chẳng ai buồn sản xuất nữa nhưng hồi đó nó là một kỳ quan đối với bọn nhóc mũi thò lò như tôi.
Tôi rất thèm được đội lên đầu chiếc mũ của chú Nhiên, đội một tẹo thôi rồi trả lại cũng đã vô cùngsung sướng. Tất nhiên chú Nhiên thấy chuyện đó chẳng có gì nghiêm trọng: tôi đội chiếc nón bảo bối đó trước tia nhìn chằm chằm của chú, nếu muốn nghịch phá tôi cũng chẳng có cơ hội.
Rồi tôi nghĩ đến ông ngoại con Tí sún. Tôi nghĩ đến chòm râu của ông. Chòm râu của ông chẳng có chút gì giống giấu ơ. Nó dài và thẳng, và rậm rạp, mỗi khi ăn phở ông phải dành riêng một tay để vén râu cho khỏi ướt.
Tôi nghĩ ngợi lung tung, liên tưởng đủ thứ và khi cô giáo chỉ tay vào chữ ơ và hỏi tôi đây là chữ gì thì tôi cà lăm:
- Thưa cô đây là chữ... chữ...
Tôi biết cái chữ cô giáo hỏi là chữ ô hoặc chữ ơ, nhưng nó đích thực là ô hay ơ thì tôi không quả quyết được. Trong đầu tôi lởn vởn hình ảnh chú Nhiên và ông ngoại con Tísún nhưng người nào là ô người nào là ơ thì tôi quên béng.
Thấy tôi lúng búng hàng buổi, cô giáo thương tình:
- O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, còn chữ gì là có râu?
Tôi mừng quýnh:
- Thưa cô chữ ơ ạ.
Một nhà thông thái nào đó đã dùng từ mặt để chỉ con chữ. Mặt chữ - một cách nói tuyệt vời.
Chuyện đầu tiên của học trò vỡ lòng là làm quen với mặt chữ, sau đó phải nhớ mặt chữ. Giống như làm quen với người nào đó và nhớmặt họ.
Hai mươi bốn chữ cái là hai mươi bốn gương mặt mà bất cứ đứa trẻ nào cũng buộc phải làm quen trước khi ý thức rằng đây là nhữnggương mặt sẽ đi theo mình suốt đời.
Đó không phải là một đòi hỏi phứctạp nhưng với đầu óc vẩn vơ như tôi thì làm thế nào phân biệt được và gọi đúng tên từng người trong hai mươi bốn mặt người mới quen đó lại là một điều quá sức.
Bao giờ cũng vậy, tôi nhìn các con chữ một hồi thì con chữ không còn là con chữ nữa mà thay vào đóvô số hình ảnh không biết từ đâu hiện ra lấp đầy tâm trí tôi.
Nhiều năm về sau, tôi tình cờ đọc được bài thơ Những nguyên âm của Rimbaud mới biết ông cũng từng bị óc tưởng tượng của mình cầm tù:
A đen, E trắng, I đỏ, O xanh - những nguyên âm.
................
Rimbaud không chỉ nhìn ra màu sắc của các nguyên âm. Ông còn nhìn thấy ở chữ A chiếc yếm đen của bầy ruồi, chữ E là những đỉnh núi nhọn phủ đầy tuyết, và những cánh đồng cỏ rải rác gia súc đứng gặm cỏ bình yên trong chữ U.
Nhưng tuyệt nhất là ông còn nghe được âm thanh của các con chữ: tiếng kèn đồng với những nốt cao vút trong chữ O hay tiếng cười bậtra từ cơn phẫn nộ hay trong cơn say nơi chữ I...
Ngay vào lúc tôi chưa đọc nhiều Rimbaud, chỉ làm quen với mỗi bàithơ Những nguyên âm thôi, ông lập tức đã là thi sĩ lớn nhất và gần gũi nhất trong mắt tôi.
Tôi tin rằng khi viết bài thơ này, tâm tính ông chắc vẫn còn bồng bột trẻ con, hay nghĩ ngợi lung tung và vì cái tật này tôi đoán hồi bé ông cũng nghịch phá và bị nhiều điểm kém trong tập không thua gì tôi.
Ôi, tôi lại lạc đề mất rồi.
Thực ra tất cả những lời con cà con kê nãy giờ chỉ đơn giản muốn nói rằng hồi tám tuổi tôi đã la một đứa bé đầu óc luộm thuộm, luôn mất tập trung.
Và tôi đang muốn nói tiếp rằng đến một ngày, tôi quyết bắt cái đầu óc mất tập trung đó tập trung cao độ, chỉ để tự chứng minh một điều: muốn làm ba mẹ hài lòng là điều vô cùng đơn giản mà bất cứ đứa trẻ nào nếu muốn cũng đều làm được.
Tôi đã học bài như điên, tôi vùi đầu vào tập không cả ăn cả chơi, mặc kệ tiếng réo gọi tuyệt vọng của thằng Hải cò, con Tủn và con Tí sún không ngừng đập vào cửa sổ.
Tôi học như thể ngày mai tôi sẽ chết.
Tôi ngốn ngấu những con chữ như ngốn mì gói.
Tôi tụng bài đến rã họng và thuộc nhoay nhoáy.
Trước giờ cơm chiều, tôi không còn gì để mà học nữa. Hầu như tôiđã nuốt cả đống sách vở vào bụng.
Nghe tôi trả bài vanh vách, ba tôi dụi mắt năm sáu cái liền, nức nở khen, nếu không giỏi kềm chế có lẽ ông đã ôm chầm lấy tôi và nhấc bổng tôi lên:
- Thật không thể tưởng tượng được!
Ông nói giọng sụt sịt và hình như ông rơm rớm nước mắt.
Mẹ tôi sợ quá:
- Con có bị sao không hả con?
Bà sờ tay lên trán tôi, lo lắng:
- Chắc con phải đi bác sĩ thôi!
------------------------