[Truyện ngắn] Oan hồn trả thù

Cùng chia sẻ những bài thơ, mẩu chuyện hay

Các điều hành viên: Admin, Mod, SMod

[Truyện ngắn] Oan hồn trả thù

Gửi bàigửi bởi nghiammo1992 » 11/05/2013 22:30

Rời tiệm uốn tóc mà Ngọc Hà phải giữ chặt chiếc nón trên đầu, tuy không có gió nhưng cô vẫn không dám buông tay ra, chỉ bởi... mái tóc trên đầu bây giờ nếu ai nhìn thấy thì chắc là Hà sẽ... tự tử!

Một tai nạn từ trên trời rơi xuống ngày hôm qua đã khiến cho Ngọc Hà bị nguyên một thùng sơn rơi từ mấy người thợ sửa nhà xuống đã giội trọn lên đầu, và Hà chỉ còn biết đau khổ lãnh trọn phần sơn đó lên mái tóc dài và mượt mà xưa nay là niềm tự hào của cô!

Sau khi cật lực dùng dầu hôi và nhiều cách, Ngọc Hà không dám nhìn mặt mình trong gương, bởi mái tóc bây giờ chỉ còn lại là mớ bòng bong xù xì, xơ xác. Đến nỗi sáng nay Hà phải trùm nón và tìm tới tiệm uốn tóc gần nhà để nhờ cứu! Tuy nhiên, sau gần hai giờ cố gắng, người thợ chính của tiệm cũng chỉ làm được một phần. Tóc gốc được cứu, nhưng phải cắt ngắn từng mảng, nham nhở chẳng khác miếng ruộng bị cày xới vô tội vạ!

- Ủa, con Hà đây mà! Con đi đâu đến giờ này trời tối rồi mà vẫn còn đội nón sùm sụp vậy con?

Nhìn lại thấy bà dì Hai em họ của mẹ, Ngọc Hà thở phào, bởi cô chỉ ngại gặp phải người lạ.

- Dạ... con đi uốn tóc...

Bà dì Hai xuýt xoa:

- Tóc con đẹp nhất làng này mà sao còn đi uốn chi cho uổng vậy.

Thấy Hà ấp úng, dì Hai chợt nhớ ra:

- À, có phải vụ đổ sơn hồi sáng không? Dì quên...

Rồi bà hỏi nhanh:

- Con có muốn đội tóc giả không?

Ngọc Hà nhìn sững dì mình:

- Tóc giả mua ngoài tiệm hả?

Bà Hại Dung kéo tay Hà:

- Con ghé qua dì, tao có tóc đẹp lắm!

Ngọc Hà miễn cưỡng đi theo bà dì. Khi vào nhà, bà Dung chạy vào buồng lấy ra một cái hộp giấy tuy đã cũ nhưng còn sạch sẽ, đưa cho Hà:

- Hồi dì còn trẻ, có lần ham muốn tóc dài nên đã ước có được một đầu tóc mượn, và dì được như ý khi người yêu của dì là một thầy giáo dạy tiếng Pháp đã đem tặng cho dì cái đầu tóc này. Đây là đầu tóc giả của tiệm làm tóc lớn của người Tây, nên không sợ tóc xấu, tóc bệnh của người mình... Nhưng rồi sau đó dì lấy chồng, không cần đến nó, nên từ ấy đến nay dì rất trong tủ luôn, chưa dùng lần nào!

Ngọc Hà vốn không thích dùng tóc giả, nhất là tóc của người khác, nhưng bây giờ, trong tình cảnh này, cô đành phải lấy hộp tóc ra xem thử. Vừa nhìn thấy mái tóc dài chẳng thua gì tóc cũ của mình, cô reo lên:

- Đẹp quá!

Dì Dung thật tình:

- Dì cho con, cứ đội lên trong khi cho tóc ra trở lại!

Dì còn trấn an:

- Đây là tóc mua mắc tiền, lại của tiệm lớn nên con yên tâm, không phải tóc của người chết đâu!

Bà còn moi phía dưới chiếc hộp, lấy ra một tờ giấy đưa cho Hà:

- Đây là tờ giấy cam kết của tiệm uốn tóc, họ nói rõ tóc này là của một cô gái hai mươi tuổi, sau khi lấy chồng, ở nhà chồng không thích tóc dài nên cô ấy đã nhờ tiệm cắt ngắn giùm và tặng luôn cho tiệm.

Hà đọc sơ qua tờ giấy rồi có vẻ hài lòng, cô nói:

- Dì cho con...

Dì Dung phấn khởi:

- Có được người dùng thứ mà dì thích là điều dì rất vui. Vậy con có cần mang nó liền bây giờ không, dì biết kết tóc giả, để dì làm giùm cho!

Hà gật đầu ngay:

- Dạ, con nhờ dì!

Dì Dung là người khéo tay nên sau nửa giờ, mớ tóc giả đã được kết nối một cách hài hòa với số tóc nham nhở còn lại trên đầu. Khi nhìn vào gương, chính Hà cũng quá đỗi ngạc nhiên:

- Giống y như thật dì Hai ơi!

Nhìn cháu gái mình, dì Dung cũng rất hài lòng:

- Đúng là của này dành riêng cho con rồi!

Buổi tối đó về nhà, bà Tú Lệ, mẹ của Hà cũng ngạc nhiên về sự tươi vui của con gái, khác với khi mái tóc bị nạn. Sau khi xem mái tóc giả, bà đã phải kêu lên:

- Nhìn con như một công chúa!

Ngọc Hà cảm động ôm vai mẹ, cô nói rất khẽ:

- Như vậy không phải hoãn đám cưới hả má?

Bà Lệ phấn khởi:

- Nó đã giải tỏa được nỗi lo của má từ sáng đến giờ! Cũng may là má chưa báo cho bên kia biết chuyện xin hoãn ngày cưới. Thôi được rồi, sáng mai đích thân mẹ con mình qua bên nhà thằng Tuấn bàn thêm về chuyện đám cưới.

Nỗi lo sợ Tuấn nhìn thấy cô đầu nham nhở của mình giờ đã tan biến, nên đêm hôm đó Ngọc Hà đã ngủ một giấc thật say đến nửa đêm. Trước khi ngủ, Hà phải gỡ đầu tóc giả ra, mắc cẩn thận trên cao, nên lúc thức giấc Hà phải bước xuống giường nhìn thăm chừng. Sau khi nhìn xong, khi trở lại giường ngủ tiếp, Hà không dám nhìn mặt mình trong gương, bởi cô biết giờ mà nhìn thì chắc chắn cô sẽ phải thất vọng lắm. Nhưng chỉ nằm được trên giường khoảng nửa giờ thì Hà lại bật dậy. Nhìn đồng hồ theo tường thấy mới có hai giờ sáng. Hà không muốn ngủ tiếp, cô mày mò đầu tóc giả rồi bắt chước theo dì Dung, cô tự trùm lên và tỉ mỉ gắn, kết. Tuy có lâu hơn dì mình nhưng cuối cùng Hà cũng hoàn thành được. Điều đó giúp cho cô từ nay sẽ không phải làm phiền dì Dung nữa.

- Ít ra cũng phải như vậy.

Ngọc Hà định để nguyên đầu tóc như vậy chờ sáng. Tuy nhiên chỉ được hơn mười phút thì hai mí mắt cô nặng trĩu, cơn buồn ngủ khiến Hà không tài nào cưỡng được, mặc dù lúc ấy đã hơn ba giờ...

- Hà ơi! Trưa rồi con, dậy để còn đi...

Nghe tiếng mẹ gọi đến hai lần Hà mới choàng dậy được, cô giật mình khi nhìn thấy đồng hồ chỉ 9 giờ!

- Sao má không kêu con sớm!

Bà Lệ ở ngoài nói vọng vào:

- Kêu rát cổ họng mà cô nương có nghe đâu! Mai mốt về nhà chồng mà ngủ kiểu đó mẹ chồng họ chửi cho!

Hà bước lại gương trang điểm, cô vừa nhìn vào trong gương đã kêu thét lên:

- Trời ơi!

Bà Lệ từ bên ngoài chạy vào, hốt hoảng:

- Chuyện gì vậy con?

Rồi chính bà cũng phải thét lên:

- Trời ơi!

Trước mặt bà, đứa con gái yêu của mình đang có bộ mặt như quỷ. Da mặt xanh dờn, mái tóc dài dựng đứng như cây chổi sể!

- Con... con sao vậy Hà?

Bà Lệ vừa hỏi vừa ước lùi ra:

- Có phải là con không Hà?

- Con... con...

Bà Lệ run đến muốn ngã, trong khi Ngọc Hà thì gần như bị tê liệt, cô lắp bắp không thành lời:

- Chuyện... chuyện gì vậy... chuyện gì...

Rồi trước mắt Hà tối sầm lại, cô ngã nhoài tới trước...

° ° °

Nhà lúc ấy không có ai ngoài hai mẹ con, nên khi cả hai tỉnh dậy đã ngơ ngác nhìn nhau, rồi Hà hỏi:

- Con bị sao vậy má?

Bà Lệ nhìn con gái mình và mừng rỡ:

- Ủa, con đâu có gì?

Gương mặt của Hà giờ đã trở lại bình thường, khi nhìn vào gương chính cô cũng ngạc nhiên:

- Mặt con đâu có gì hả má?

Bà Lệ vẫn chưa hết run:

- Lúc nãy... mà nó lẽ mình hoa mắt...

Hà cũng nói:

- Có lẽ con mất ngủ và lo lắng...

Nhớ lại gương mặt quỷ tối qua, Hà vẫn còn hoài nghi, nên săm soi mặt mình trong gương khá lâu, cho đến khi bà Lệ nhắc:

- Tuy trễ, nhưng mình đã ngắn qua bên đó rồi, phải đi ngay thôi con à!

Ngọc Hà trang điểm hơn kỹ, bởi cô sợ nét hốc hác lộ ra trước mặt người yêu. Nhất là cô vẫn còn bị ám ảnh về bộ mặt như quỷ của mình! Ra tới đường rồi mà Hà còn khẽ hỏi mẹ mình:

- Má coi trên mặt con có gì bất thường không?

Bà Lệ cười tươi:

- Còn đủ sức hớp hồn thằng Tuấn được mà!

Vuốt mái tóc giả của con, bà lại khen:

- Nó còn mượt mà hơn là tóc cũ của con nữa!

Họ sang nhà Tuấn, trong lúc anh chàng đi ra chợ chưa về thì bà Sương, mẹ Tuấn đã kể liền câu chuyện mà lúc đó vẫn còn chưa lấy lại bình tĩnh:

- Tối qua nhà này có ma chị ơi!

Bà Lệ ngạc nhiên:

- Ma thế nào?

- Thằng Tuấn gặp ma mới kỳ lạ chứ! Tôi đang ngủ nửa đêm thì nghe nó la hoảng lên. Khi tôi chạy qua gọi nó dậy thì nó chỉ tay ra phía cửa sổ vừa la lớn, tôi hỏi nó thấy gì, nó nói có cô nào đó cứ đòi nó phải đi với cô ta!

Rồi bà hạ thấp giọng:

- Nghe thằng Tuấn kể thì cô gái đó có mái tóc dài, nhưng gương mặt khi thì đẹp như tiên nga, lúc lại như quỷ dạ xoa. Từ sáng tới giờ nó vẫn còn chưa hoàn hồn, nên phải đi bác sĩ lấy thuốc uống giờ vẫn chưa về!

Vừa nghe tới đó bỗng Ngọc Hà hơi run, cô hỏi lại:

- Anh Tuấn thấy ác mộng đó lúc mấy giờ?

- Quá nửa đêm, hình như là hơn ba giờ sáng gì đó...

Bà Lệ chợt kêu lên:

- Đúng giờ đó!

Bà Sương ngạc nhiên:

- Chị nói đúng giờ là sao?

Ngọc Hà buột miệng nói thay mẹ:

- Giờ đó con cũng gặp chuyện lạ!

Bà Sương vừa nhìn sang Hà định hỏi thì lúc ấy Tuấn từ ngoài bước vào.

Anh chàng khựng lại ngay và nhìn trân trối vào Ngọc Hà, với vẻ bàng hoàng:

- Chẳng lẽ lại là... em?

Mọi người chưng hửng, trong lúc Hà kinh ngạc:

- Anh... nói em?

Tuấn không rời mắt khỏi Hà, anh lắp bắp:

- Đúng... đúng là...

Rồi anh vùng la to:

- Chính là em...

Rồi anh bước tới gần hơn, chụp lấy vai Hà lắc mạnh:

- Em vào phòng anh đêm qua phải không?

Lúc này bà Lệ không nhịn được, bà la lên:

- Nè, nó là con gái tôi, không cho phép ai nói xấu nó! Cậu nhìn thấy quỷ ma gì là chuyện của cậu, chứ còn con gái tôi suốt đêm qua ở nhà với tôi, và mới qua đây nãy giờ!

Bà Sương cũng chen vào:

- Con đừng trông gà hóa cuốc. Hãy bình tĩnh lại con...

Tuấn vẫn nhìn Hà như nhìn một người lạ, phải mất một lúc anh mới kéo ghế ngồi xuống và bình tâm lại:

- Con xin lỗi má, xin lỗi Hà. Chỉ vì đêm qua là một cơn ác mộng mà lần đầu con gặp phải?

Rồi Tuấn quay sang nhẹ giọng với Hà:

- Nửa đêm tự dưng anh có cảm giác như có người gọi tên mình, khi anh mở mắt ra thì thấy một dáng người giống hệt như em đang đứng ngay cửa sổ. Anh vừa định cất tiếng gọi thì bỗng người ấy quay lại nhìn, và anh... muốn đứng tim bởi bộ mặt quỷ của cô ta! Anh chưa từng nhìn thấy một gương mặt như vậy nên nhất thời gần như á khẩu không kêu lên được tiếng nào. Cho đến khi anh lấy lại thần hồn, vừa tính mở miệng ra kêu thì chợt người ấy nhìn anh cười và... gương mặt lại trở nên hiền hòa, đẹp như một thiên thần! Có lúc cô ta đẹp y như em, lại có nét của em...

Tuấn siết chặt tay Hà:

- Cho anh xin lỗi.

Ngọc Hà vụt nói:

- Em cũng thấy gần giống như anh vậy! Cũng một bộ mặt như quỷ...

Cô kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vừa nghe xong, bà Sương kêu lên:

- Như vậy là cả hai đứa đều thấy một lượt!

Bà Lệ cũng nói:

- Chính mắt tôi cũng nhìn thấy đúng như vậy.

Tuấn kể lại chuyện mình đi khám thầy thuốc:

- Ông bác sĩ này giỏi lắm, chuyên trị bệnh tâm thần. Sau khi nghe anh kể, ông ấy bắt mạch, rồi khi nhìn vào mắt anh, ông nói rằng anh đang bị một cái gì đó ám!

Ngọc Hà ngạc nhiên:

- Bác sĩ tây y đâu có tin chuyện quỷ ma, sao có chuyện quỷ ám ở đây?

- Ông bác sĩ này còn kiêm luôn nghiên cứu về tâm linh học, nên ông nói không thể bỏ qua yếu tố duy tâm này. Ông ấy còn dặn anh nếu có người yêu thì nên dẫn tới để ông coi sắc diện, ông có thể kết hợp tây y và tâm linh để tìm ra manh mối chuyện kỳ lạ này.

Ngọc Hà tuy lo ngại, nhưng cô vẫn muốn được nghe chính ông bác sĩ nói, nên cô nói nhỏ với Tuấn:

- Lát nữa nếu được thì anh dẫn em tới đó với!

Tuấn biết nếu đồng ý thì sẽ gặp sự phản đối của hai bà mẹ, nên anh chỉ ngầm nhận lời với Hà. Lát sau khi xong giờ cơm, anh tìm cách rủ Hà ra ngoài:

- Má cho phép con dẫn Hà đi coi mấy thứ nữ trang một chút.

Hai bà mẹ ưng thuận ngay và còn dặn:

- Đi đâu cũng được, miễn là nhớ về trước trời tối để còn về bên nhà cho kịp.

Vị bác sĩ tiếp Hà với sự có mặt của Tuấn. Khi bắt mạch xong, ông bảo Hà nhìn vào mắt ông và bất chợt ông kêu lên:

- Nhãn quan cô còn đáng lo ngại hơn cậu Tuấn nữa!

- Đây là vợ sắp cưới của con, bác sĩ xem kỹ giùm con!

- Mạch không ổn định, nhưng đáng ngại hơn là ánh mắt thiếu thần, như vừa trải qua một chuyện gì đó dữ lắm! Cô nói thật lòng, cô vừa bị gì?

Hà không giấu:

- Dạ, đêm qua con cũng thấy ác mộng như anh Tuấn. Chỉ có điều hình ảnh quỷ quái lại ở chính... gương mặt con.

Vị bác sĩ trầm ngâm một lúc rồi giở một quyển sách bằng tiếng Pháp, lật ra một đoạn được ông đánh dấu bằng bút đỏ, ông nói:

- Trường hợp của cô cậu gần giống với trong này, ở châu Âu đã từng xảy ra những hiện tượng như vậy, người ta gọi đó là bị ma ám, mà dân ta gọi nôm na là ma nhập!

Tuấn hỏi:

- Nhưng sao ma lại nhập cùng lúc cả hai chúng tôi?

- Không có gì lạ cả. Khi một cái vong hiện về thì nó tìm đúng cái mà ta gọi là vía hạp với nó nhất để cho vía đó thấy. Vong hồn không phải là vật thể hiện hữu, nên việc cùng lúc cho cả hai người ở hai nơi xa cách nhau nhìn thấy là điều có thể xảy ra. Giữa vong hồn và vía người sống giao lưu với nhau qua thế giới tâm linh chứ không phải hiện thực!

Ông trấn an:

- Tuy nhiên cô cậu cũng chớ quá lo lắng. Sẽ không có việc gì nữa, miễn là đừng nghĩ về nó nữa.

Thật ra trong đầu của hai người có nghĩ gì về ai đó đang làm cho họ bị ám ảnh đâu? Thậm chí Ngọc Hà còn chưa hiểu tại sao mình bị như vậy? Cô dò hỏi Tuấn:

- Anh có gặp hay bị ám ảnh gì về cô gái nào đó không?

Tuấn lắc đầu rất dứt khoát:

- Không hề có!

Họ trở về nhà thì trời hơi tối, bà Sương bàn:

- Tối rối, mà đường từ đây về bên nhà cũng khó đi, hay là chị sui với Ngọc Hà cứ ở lại ngủ rồi sáng mai thằng Tuấn nó đưa về sớm.

Bà Lệ muốn đồng ý, nhưng Hà lại tỏ ra bồn chồn:

- Có lẽ con xin phép về. Đây về bên đó cũng không xa, chỉ đi chừng nửa tiếng là tới, mà trời cũng chưa tối lắm. Con xin phép.

Thấy vậy, bà Lệ cũng nói:

- Thôi, để mẹ con tôi về. Sáng mai con Hà còn phải đi đo áo cưới nữa. Chỉ còn một tuần nữa thôi chứ mấy!

Bà Sương bảo Tuấn:

- Vậy con lấy ghe chạy theo, đưa chị sui và Hà về. Con kêu đứa nào đó cùng đi, để lượt về nó chèo cho con.

Tuấn cười:

- Con đi một mình được chứ bộ. Đưa vợ về mà cũng cần vệ sĩ nữa sao má!

Lúc qua, mẹ con bà Lệ đi bằng xe lôi, bây giờ đi bằng ghe an toàn hơn, nên bà nói với Tuấn:

- Con chèo chậm thôi, lâu lắm má không đi ghe nên muốn nhìn sông nước một chút.

Tuấn chỉ cái máy đuôi tôm:

- Ghe chạy bằng máy, nhưng con sẽ chạy chậm để má đủ thời gian ngắm cảnh.

Ngọc Hà chen vào:

- Chỉ má ngắm thôi, còn vợ bỏ đâu?

- Ừ, thì vợ cũng ngắm. Vợ lo ngắm cảnh mà quên cả chồng phải lái ghe!

Thấy hai đứa đùa vui với nhau mà Lệ hài lòng, bà nhìn chúng với ánh mắt yêu thương. Nhờ vậy suốt quãng đường năm cây số qua mau. Đến nơi, bà bảo Tuấn:

- Con lên nhà uống nước, nghỉ một lát rồi hãy về.

Tuấn vội nói:

- Con phải về kẻo má con trông.

Anh đưa bà mẹ vợ lên tận nhà, sau đó mới quay xuống ghe đi về. Lúc sửa soạn lui ghe, anh ngạc nhiên khi không thấy Ngọc Hà ra tiễn. Nghĩ có lẽ cô nàng bận việc gì đó nên sau mấy giây tần ngần, Tuấn lui ghe ra giữa dòng, nổ máy chạy nhanh vì trời đã bắt đầu tối.

Gió hơi mạnh nên Tuấn cho ghe chạy cặp sát bờ, mặt trời vừa khuất sau ngọn tre nên Tuấn phải căng mắt ra mà chạy, không để ý đến một vật đang cử động nhè nhẹ ở phía giữa ghe. Cho đến khi một chuỗi cười khúc khích vang lên khiến cho Tuấn giật mình:

- Ủa, ai vậy?

- Mỹ nhân đây! Cho thiếp quá giang một đoạn, thiếp bị lạnh!

Tuấn định tắt máy cho ghe ngừng lại thì đã bị giọng cô gái ra lệnh:

- Đang chạy nước ngược mà tắt máy cho ghe trôi sao! Cứ chạy đi!

Lúc này giọng nói nghe đã rõ ràng hơn, Tuấn kêu lên:

- Hà! Sao em lại ở đây? Hồi nãy anh thấy em lên rồi, và sau đó anh tìm để từ giã về mà không thấy...

Nàng lại cười khúc khích:

- Người ta trốn dưới ghe mà không biết, chắc là tưởng người đẹp nào khác phải không?

- Trời tối rồi để cho anh về, làm thế này anh phải đưa em trở lại chắc tới khuya mới về tới nhà quá!

Nàng nũng nịu:

- Muốn đuổi người ta lên phải hôn? Được người ta nhảy xuống lội vào bờ cho coi!

Tuấn hốt hoảng:

- Đừng! Để anh quay ghe lại.

Ngọc Hà lúc này mới nói nghiêm túc:

- Không cần đâu, em đã xin phép má rồi, em có việc cần ở ngoài chợ tối nay nên em phải ra đó, rồi sáng mai đi đo áo cưới luôn!

- Ủa, lúc nãy anh đâu có nghe má cho phép như vậy?

Hà nheo mắt:

- Em chỉ cần rỉ tai là má chịu liền! Nhất là khi có anh đi cùng...

- Nhưng... anh còn phải về nhà mà. Đâu có theo em ra chợ được. Mà anh cũng đâu có nghe em nói có nhà quen ngoài chợ bao giờ đâu?

Giọng của Tuấn đầy vẻ hoài nghi, đáng lý Hà phải giải thích, đằng này cô lại cố nói:

- Đâu phải người quen nào cũng phải nói ra hết. Anh không tin em có nhà quen ngoài chợ phải không? Nếu vậy... anh có dám cùng với em tới đó ở qua đêm không?

Tuấn đâu ngờ cô vợ sắp cưới của mình ăn nói bạo miệng như vậy, nên trố mắt ngạc nhiên:

- Em nói gì vậy Hà?

- Thì em nói điều em đang nghĩ trong đầu. Anh không chịu thì thôi, em sẽ đi một mình!

Hà giận dỗi bò ra mũi ghe ngồi một mình. Tuấn không thể bỏ tay lái ghe nên đành phải xuống nước:

- Thôi, anh chịu. Để lát bữa anh ghé nhà báo cho má biết, rồi cùng đi với em.

Hà vẫn còn giận:

- Không cần đâu! Nếu về nhà báo thì đời nào bà già cho anh đi, và như thế em sẽ biến thành đứa con gái hư hỏng bỏ nhà đi qua đêm với trai!

- Nhưng... anh là chồng sắp cưới của em chứ phải trai nào đâu!

Tuy có ngạc nhiên về thái độ, cách ăn nói bạo miệng hơn thường khi, nhưng sợ nàng giận, nên cuối cùng Tuấn cũng chấp nhận cùng đi với Ngọc Hà.

Họ gửi ghe ở một nơi tại bến chợ, rồi dắt nhau tới một phòng trọ...

° ° °

Sáng ra khi tỉnh giấc, Tuấn ngơ ngác tìm quanh thì không thấy Ngọc Hà. Anh gọi liền mấy tiếng không nghe trả lời nên vội chạy ra ngoài tìm. Lúc đó người chủ nhà trọ ngạc nhiên hỏi Tuấn:

- Tối qua cậu làm gì uống say dữ vậy?

Tuấn ngơ ngác:

- Tôi say hồi nào? Sáng nay ông có thấy cô gái đi chung với tôi không?

Đến lượt ông chủ ngạc nhiên:

- Cô nào?

- Thì cô đi với tôi tối qua?

- Làm gì có ai. Chính tôi đã tìm thấy cậu say bí tỉ nằm ở trước cửa nhà trọ này. Tôi đã phải vất vả lắm mới kéo cậu vào phòng được, rồi cậu nghỉ mê man tới giờ này...

Nghĩ tới sự an nguy của Hà, Tuấn hốt hoảng:

- Chẳng biết nàng ra sao rồi? Rõ ràng lúc tới đây tôi với nàng cùng đi, nàng mặc bộ quần áo màu xanh, giống như màu tấm màn cửa kia kìa!

Anh đưa tay chỉ thì ông chủ trọ lắc đầu:

- Tôi đã nói là cậu tới đây chỉ một mình, nằm say khướt ở ngoài kia kìa.

Tuấn chạy trở vào phòng, anh chợt nhìn thấy nguyên một đầu tóc giả còn nằm trên giường thì cầm lên xem và la lớn:

- Tóc của Hà đây mà!

Anh cầm chạy trở ra và hỏi với giọng đầy kích động:

- Ai đã làm gì vợ tôi?

Lão chủ nhà ngơ ngác:

- Làm gì là sao? Tóc này của ai vậy?

Tuấn hét lớn:

- Mấy người làm gì vợ tôi mà cắt nguyên đầu tóc của cô ấy bỏ lại đây? Mấy người giết cô ấy rồi phải không?

Thấy Tuấn lồng lộn, ông chủ điềm tĩnh nói:

- Cậu không nên nóng nảy nói bừa như vậy! Tôi nghĩ là cậu nên về nhà tìm lại xem, có thể bây giờ vợ cậu cũng đang tìm cậu đó!

Tuấn quên cả cám ơn ông ta, vội chạy bay về nhà. Bà Sương nhìn thấy con về thì mừng lắm:

- Trời ơi, con đi đâu mà suốt đêm rồi má kiếm khắp nơi? Cứ tưởng con chạy ghe bị tai nạn, nên má cho người qua bên nhà con Ngọc Hà tìm, thì bên nó cũng ngạc nhiên nói con đã về đây ngay từ chiều tối!

Tuấn hỏi liền:

- Ngọc Hà đang ở đâu?

Bà Sương chỉ tay ra ngoài nói:

- Kìa, má con nó qua tới kìa!

Tuấn nhìn ra thì thấy Ngọc Hà đang tất tả đi bên mẹ bước vào nhà. Anh hỏi lớn:

- Từ đêm đến giờ em đi đâu?

Hà ngơ ngác:

- Em ở nhà với má chứ đi đâu?

Tuấn gay gắt:

- Sao em bỏ anh mà không nói lời nào hết, làm sáng ra anh lo hết sức!

Bà Lệ phải chen vào, lên tiếng:

- Con nói cái gì vậy Ngọc Hà nó ở nhà, ngủ với má từ lúc con chèo ghe về tới sáng. Khi nãy nghe tin con mất tích nó còn giục má qua đây gấp, mà bây giờ con ăn nói gì vậy?

Tuấn vẫn quả quyết:

- Tối qua Hà xuống ghe với con, bảo phải ra chợ ngủ để sáng đi đo áo cưới, con sợ Hà ở một mình nên mới đi theo...

Hà kêu lên:

- Anh Tuấn điên rồi má ơi! Má coi anh ấy ăn nói như người cõi trên vậy.

Bà Sương cũng nói:

- Hồi sáng mấy đứa nó qua nhà báo tin thì còn thấy Ngọc Hà ở bên nhà, con nói gì vậy?

Tuấn sững sờ hết nhìn Hà rồi nhìn lại mình. Bà Sương bắt đầu hoảng:

- Từ hôm qua tới nay con toàn làm cho má sợ, sao vậy Tuấn? Trong đầu con có chuyện gì không?

Tuấn ngồi bệt xuống sàn nhà, thẫn thờ như người mất hồn. Trong lúc giọng bà Lệ vẫn đều đều:

- Đêm qua tôi sợ nên không cho con Hà ngủ một mình, mà cũng may, nhờ vậy mà chuyện thằng Tuấn nói tôi không nghi ngờ con gái tôi được. Tôi nghĩ, cần phải đưa nó đi khám bệnh lại, không chừng có gì đó không bình thường!

Ngọc Hà bước tới bên Tuấn, nhẹ giọng nói:

- Chắc là có chuyện gì đó, anh hãy bình tĩnh nhớ lại xem.

Tuấn hỏi lại:

- Có đúng là không phải em không?

Hà phải khéo léo lắm mới khơi cho Tuấn kể lại đầu đuôi. Khi anh bảo là còn có cái đầu tóc giả ở chỗ nhà trọ thì Hà giật mình:

- Đầu tóc đó ra sao?

Cô đưa tay lên sờ tóc mình rồi ái ngại bước lùi một chút, sợ Tuấn sờ lên đầu. Tuấn vụt nói:

- Để anh đi lấy cái đầu tóc của em về!

Bà Sương về nói:

- Tóc nó còn đây mà con nói gì vậy?

Tuấn khựng lại, nhưng anh vẫn lẩm bẩm:

- Rõ ràng mình thấy...

Hà bỗng nói:

- Cho em đi tìm chỗ đó với!

Cả hai bà mẹ đều không cho, nên cuối cùng chỉ một mình Tuấn gọi xe lôi đi. Lát sau trở về, trên mặt của Tuấn còn nguyên nét thất vọng:

- Không có...

Hà hỏi:

- Anh nói không có là sao?

Tuấn bực dọc kể:

- Rõ ràng lúc nãy anh cầm cái đầu tóc giả ấy trên tay, xem rất kỹ, vậy mà khi trở lại thì chẳng thấy đâu! Lão chủ nhà trọ cũng phủ nhận, nói là không thấy gì.

Cứ nghe Tuấn nhắc tới tóc giả là Ngọc Hà cảm thấy như mình bị soi mói, cô quay mặt đi, cố tránh ánh mắt nhìn của mọi người. Nhưng thật ra lúc ấy họ nào để ý đến cô...

Bà Sương bảo con:

- Con đừng làm má sợ nữa, hãy đi nghỉ đi!

Khi ra về, chính Hà đã bất ngờ nói với mẹ:

- Anh Tuấn gặp chuyện gì đó thật, chứ không phải anh ấy bịa chuyện đâu.

Bà Lệ thắc mắc:

- Nhưng là chuyện gì? Má thấy thằng này càng lúc càng giống như người cõi trên chứ không phải bình thường. Có khi nào nó bị... ma nhập không? Hay là... nó đi chơi với gái rồi sợ nên bịa chuyện?

Hà lắc đầu:

- Con không tin như vậy. Con nghĩ...

Thấy con gái cứ ngập ngừng hoài, bà Lệ buột miệng:

- Hay tụi bay có điều gì giấu tao?

- Làm gì có, má...

Hà cứ thẫn thờ mãi về chuyện của Tuấn. Những lời nói của vị bác sĩ hôm qua khiến cho Hà càng suy nghĩ nhiều hơn. Cô liên tưởng mọi chuyện xảy ra từ mấy hôm nay, cuối cùng cô nói với mẹ:

- Con muốn hoãn đám cưới!

Bà Lệ sửng sốt nhìn con:

- Con điên rồi hay sao vậy?

Hà nói thật:

- Chính con cũng có cảm giác kỳ lắm... nhất là mỗi khi con nhớ tới chuyện cái mặt quỷ của con đêm hôm trước. Hình như...

Cô sờ lên tóc của mình, lúc đó bà Lệ mới chợt nhớ tới chuyện cái đầu tóc giả mà Tuấn nói:

- Cái đầu tóc mà nó nói là sao má không hiểu? Chẳng lẽ cũng có người xài tóc giả y như con hay sao? Hay là... nó nghi ngờ gì về con?

Hà lắc đầu:

- Không phải vậy đâu. Con nghĩ là Tuấn gặp ai đó thật. Thí dụ như gặp một cô gái giống y như con chẳng hạn...

Bà Lệ la lên:

- Nó gặp ma sao chứ?

Hà hạ thấp giọng:

- Cũng không chừng...

Bà Lệ rùng mình:

- Con đừng nói làm má sợ! Mà sao con biết?

- Má không nghe anh ấy kể rành rọt đó sao? Không phải ma thì làm sao có một người giống con như đúc xuất hiện trên ghe khi con còn ở nhà với má?

Bà Lệ gật đầu:

- Ờ há, hồi nãy nó kể chuyện mà vì mải mê lo hỏi nó chuyện khác nên mình quên không nghĩ đó là ma. Đúng rồi, chỉ có ma mới như vậy!

Hà trầm ngâm một lúc, bất chợt cô bảo mẹ:

- Con phải đi gặp dì Dung thôi!

Bà Lệ ngạc nhiên:

- Dì Dung con thì dính gì tới chuyện này?

Hà chỉ lên tóc mình rồi nói:

- Chính dì ấy cho con mái tóc giả này!

- Nhưng... đó chỉ là tóc, nó có gì liên quan đâu?

- Có! Con nghĩ ra rồi, kể từ khi con mang tóc này tới nay đã xảy ra bao nhiêu chuyện rồi.

Hà quay sang người đạp xe lôi:

- Anh cho xe chạy về ấp 4, chỗ nhà máy xay lúa Hiệp Thành.

Bà Lệ hoang mang lắm, nhưng vẫn đi theo con gái...

Dì Dung lắng nghe kỹ những lời kể của Hà. Nghe xong, bà mất hẳn sự tự tin như thường lệ, và chợt kêu lên:

- Vậy là đúng rồi!

Bà Lệ ngạc nhiên:

- Dì nói đúng chuyện gì?

Quay sang Hà, dì nói mà giọng còn hơi run:

- Đêm qua và mấy đêm trước, đêm nào dì cũng chiêm bao thấy có một đứa con gái với cái đầu trọc lóc, cứ gào khóc, đòi dì phải trả lại tóc cho nó!

Ngọc Hà tái mặt:

- Tóc gì?

- Dì cũng đâu có biết. Chỉ thấy con nhỏ đẹp lắm, nhưng da mặt xanh xao, cái đầu không có tóc lại nham nhở còn hơn cái đầu con bữa trước! Lần nào trong mơ nó cũng khóc và đòi lại tóc, mà dì đâu nhớ ra có thể là mớ tóc mà dì đã cho con!

- Sao bữa trước dì nói đây là tóc mua từ tiệm, có giấy chứng nhận?

- Thì đó, dì đã cho con coi giấy chứng nhận hẳn hoi. Mà cái này là của ông hiệu trưởng trường Tây cho dì...

Nói tới đây, bỗng bà kêu lên:

- Đúng rồi, ông ta!

- Dì nói ông nào?

- Ông Henri, hiệu trưởng...

- Người cho dì mớ tóc?

Dì Dung hơi ngại khi nói ra:

- Ông ấy nghỉ hưu lâu rồi, hiện sống ở Sài Gòn... Vừa rồi dì nghe tin ông ấy bị tố cáo một chuyện động trời lắm, dì không tin, nhưng người ta lại quả quyết chuyện ấy có thật!

Hà tò mò:

- Chuyện gì vậy dì?

- Cưỡng bức một cô gái nhỏ hơn ông ta trên mười tuổi!

Cả bà Lệ và Ngọc Hà đều kêu lên:

- Trời ơi!

Hà còn hỏi:

- Mới đây hả dì?

Bà Dung lắc đầu:

- Chuyện cũ chứ không phải mới đây. Chuyện hồi ông ấy còn làm hiệu trưởng. Nghe nói cô gái là một nữ sinh lớp lớn...

Bà Lệ tắc lưỡi:

- Mấy ông Tây già thường sinh tật lắm!

Dì Dung kể thêm:

- Mà không chỉ cưỡng hiếp thôi đâu. Ông ta còn còn nhẫn tâm đẩy cô gái ấy vào chỗ quẫn trí rồi đi tìm cái chết nữa!

Ngọc Hà không thể ngồi yên:

- Có chuyện đó nữa sao dì?

Dì Dung nhìn Hà, bà hơi mất tự tin:

- Nghe câu chuyện đó dì lo. Nhất là mớ tóc này...

Hà ngơ ngác:

- Dì nói mớ tóc của con?

- Ừ... dì sợ e...

Bà quay sang bà Lệ:

- Chị không dời đám cưới lại ít tháng được sao? Thí dụ như mình nại lý do con Hà phải né ngày tháng kỵ của ông bà gì đó... Đợi cho tóc nó mọc dài dài một chút... Chứ chị tưởng tượng xem, lỡ trong đêm tân hôn mà thằng chồng con Hà phát hiện vợ mình đội tóc giả thì biết ăn nói ra sao?

Hà không lo chuyện đó bằng chuyện của ông hiệu trưởng trường Tây. Cô hỏi tới:

- Dì biết nhà ông ấy không?

- Chi vậy con?

- Tự dưng con muốn tìm hiểu chuyện ông ấy bị tố cáo!

Bà Lệ rầy:

- Con lo chuyện bao đồng chi cho mệt. Ông ta làm gì thì mặc ông ấy, hơi sức đâu...

Hà không cãi mẹ, nhưng cô vẫn không thôi suy nghĩ về chuyện ấy. Mãi cho tới chiều hôm đó khi đã trở về nhà rồi mà Hà vẫn còn thắc mắc, cô hỏi mẹ:

- Mấy người bị chết oan nghe nói linh lắm phải không má?

- Thì đã chết oan mà, hồn phách đâu siêu thoát được nên linh hiển thôi.

- Như nạn nhân của ông đốc Tây đó có phải là oan hồn không?

Sợ con hỏi linh tinh nên bà Lệ gạt ngang:

- Con quan tâm đến chuyện ấy làm gì?

Bà giục Hà đi ngủ sớm, cô nghe lời. Nhưng đến sáng hôm sau thì Hà biến mất!

Bà Lệ hốt hoảng chạy đi tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng bà bắt gặp một phong thư của Hà để lại. Đại khái cô báo cho mẹ biết là có việc phải đi Sài Gòn gấp, xin bà cứ yên tâm, đừng đi tìm và lo lắng!

Đã biết như vậy rồi, nhưng bà Lệ vẫn như ngồi trên lửa. Bà linh tính chuyện này ắt có liên quan tới vụ ông đốc Tây.

Cuối cũng vẫn không yên tâm. Bà Lệ tức tốc đi tìm con.

Rủ cả dì Dung cùng đi, bởi bà Lệ nghi Ngọc Hà sẽ tới chỗ ông đốc Tây nghỉ hưu. Và quả đúng như vậy. Khi hai bà tới nơi thì gặp lúc Hà đang tiếp xúc với chị người làm của ông Henri. Bà Tám Ni, một người giúp việc trung thực, rất bức xúc chuyện đó. Bà kể lại nhà giọng vẫn còn bị kích động:

- Chuyện xảy ra đã lâu rồi, ai cũng tưởng nó đã chìm vào quên lãng, bỗng gần đây nó lại sống dậy và khiến cho ông Tây ăn ngủ không yên. Mà chính tôi cũng tận mắt...

Bà hạ thấp giọng như sợ có người nghe:

- Cách đây không lâu, tôi còn nhìn thấy một cô gái có cái đầu trọc lóc đứng giữa nhà gào khóc! Nhìn kỹ lại tôi nhận ra chính là... nó.

Hà hỏi lại:

- Nó là ai?

- Là đứa con gái, cô ấy là nạn nhân! Cô này là cô thư ký riêng của ông Henri. Ngày đó tôi còn nhớ, cô ấy đẹp lắm và cũng hiền lắm... Bỗng một hôm tôi nghe tin cô ấy mất tích. Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy yêu ai đó rồi bỏ nhà đi xây tổ ấm. Nhưng hai tháng sau thì một tin động trời đã nổ ra: Cô thư ký Mỹ Dung đó được phát hiện treo cổ chết phía sau ngôi chùa lớn gần nhà ông Henri! Mà chết trong tình trạng thương tâm lắm, ngoài nhan sắc tiều tụy ra, cô ấy còn có cái đầu nhẵn thín, không còn sợi tóc nào!

Bà Lệ ngơ ngác:

- Sao vậy?

Ngọc Hà cũng sững sờ:

- Ai đã làm gì cô ấy?

Tám Ni nói như sắp khóc:

- Cô ấy đã xuống tóc xin quy y cửa Phật trước khi chết.

Hà bị sốc dữ dội:

- Trời ơi, đã quy y rồi sao còn tìm cái chết!

- Đó là điều Làm cho ông Henri hối hận và đau khổ vô cùng!

Hà buột miệng:

- Phải chăng ông ta biết trước sự việc mà không ngăn cản được?

Tám Ni gật đầu:

- Cô nói đúng. Khi sự việc về mối quan hệ giữa ông ấy và cô Mỹ Dung xảy ra, chính ông ấy đã dàn xếp để cô ấy bỏ việc, lánh đi. Họ thuê một căn nhà để ở và dự tính chờ sau khi ông Henri làm thủ tục ly dị xong với bà vợ đầm xong sẽ chính thức cưới cô Mỹ Dung, thì đùng một cái, chẳng biết có ai tiết lộ, nên bà vợ già của ông Henri đã tìm tới tận nơi và quậy tung lên, làm nhục cô Mỹ Dung, đến nỗi cô ấy phải chạy vào chùa xin tá túc. Rồi đêm hôm đó sau khi xin quy y, cạo mái tóc dài quá lưng của mình, gói nó lại, nhờ nhà chùa gửi lại cho người yêu và sau đó cô lẻn ra ngoài phía sau chùa treo cổ tự tử!

Ngọc Hà bỗng kêu lên:

- Mái tóc này!

Rồi cô quay sang dì Dung:

- Dì nói chính ông Henri đã tặng cho dì đầu tóc này?

Dì Dung gật đầu:

- Đúng vậy. Nhưng ông ấy nó là mua ở một tiệm lớn...

Tám Ni ngạc nhiên:

- Tóc gì?

Hà vuốt lên tóc của mình và nói:

- Tóc tôi đang mang!

Nhìn kỹ rồi chị ta kêu lên:

- Đúng rồi! Hồi trước cô Mỹ Dung có mái tóc giống y như thế này!

Rồi chị tiết lộ:

- Tôi nhớ ra rồi, hồi đó có một hôm ông Henri nhờ tôi đem số tóc dài của cô Mỹ Dung ra một tiệm uốn tóc nhờ họ kết lại, rồi cho vào hộp, ông ấy nói để dành kỷ niệm...

Hà nói mà cảm giác lạnh cả người:

- Đúng rồi!

Cô nhìn sang dì Dung, run run giọng:

- Làm sao bây giờ hả dì?

Bà Lệ cũng lo sợ:

- Phải mau lột đầu tóc ra đi!

Lúc này Tám Ni mới rõ mọi việc, chị nói:

- Cô đây nếu sợ thì tôi có cách. Ở tiệm uốn tóc gần đây họ có nhiều kiểu tóc giả khác, chi bằng cô tới đó để họ thay, lấy đầu tóc này trả lại cho ông Henri.

Dì Dung cũng đồng tình:

- Hay là con làm vậy đi Hà...

Ngọc Hà đi với Tám Ni tới tiệm uốn tóc, và thật bất ngờ, người chủ tiệm khi vừa thấy Hà bước vào đã nói liền:

- Có người tới đây nhắn cô Ngọc Hà, rằng nếu cô muốn trả lại tóc thì hãy về ngay nhà chồng, có người đang đợi cô ở đó!

Hà hỏi lại:

- Người thân tôi là ai vậy?

Người chủ tiệm lấy ra một mảnh giấy nhỏ trên đó có ghi mấy chữ. Hà đọc đủ cho mấy người chung quanh cùng nghe:

- "Mỹ Dung"!

Tám Ni kêu lên sửng sốt:

- Cô ấy đây mà!

Hà lặng người đi trong nỗi sợ hãi...

Tuy nhiên cô vẫn phải thay tóc khác, bởi cô không tài nào dám mang lại mớ tóc dài mà cô rất thích kia.

Tuy vẫn còn muốn ở lại, nhưng nhớ đến lời trong mảnh giấy, Hà giục mẹ đi về.

Hà cùng với mẹ lên xe đò trở về nhà ngay, nhưng xui cho họ, chiếc xe họ đi lại gặp tai nạn, trên xe có đến gần chục người bị thương, trong số đó có Hà và mẹ. Hà lại bị thương ở vùng đầu, nên hôn mê đến hai ngày hai đêm, đến khi tỉnh lại thì cô hoảng sợ vô cùng khi thấy tóc trên đầu mình không còn sợi nào!

- Trời ơi!

Cô y tá chăm sóc cô giải thích:

- Vết thương của cô nặng lắm, nếu không vào kịp bệnh viện thì có thể đã nguy tới tính mạng! Các bác sĩ đã phải làm hết sức mình. Bây giờ thì cô hết nguy hiểm rồi, nhưng phải nằm lại bệnh viện vài tuần để theo dõi.

Hà chợt nhớ tới mẹ, liền hỏi:

- Má tôi đâu?

Cô y tá đáp:

- Bà không sao, nhưng cũng bị gãy chân, đang nằm ở một phòng khác.

Và cô ý tá thắc mắc:

- Theo địa chỉ của má cô cho, bệnh viện đã cho người đi đánh điện tín về nhà, vậy mà đã hai ngày rồi chẳng thấy ai lên nuôi bệnh hết! Kể cả nhà bên chồng cô nữa...

Hà hoảng hồn:

- Sao cho bên chồng tôi hay làm gì! Cái đầu tôi...

Cô đưa tay sờ lên tóc, e ngại. Bỗng cô y tá nói:

- Khi điều trị vết thương cần phải cạo tóc để dễ phẫu thuật, lúc ấy tụi này mới biết là cô mang tóc giả. Chính tôi đã gở búi tóc của cô, đặt ở đầu giường này, nhưng sáng hôm sau thì chẳng hiểu sao lại biến mất!

Hà sững sờ một lúc lâu, cho đến khi cô y tá hỏi:

- Cô có tính làm lại tóc giả không? Nếu cần thì vừa rồi có người đem vào tặng cho cô một hộp tóc giả, tôi để ở đầu giường kìa...

Chị ta vừa nói vừa lấy chiếc hộp giấy lại. Vừa định mở ra thì Hà đã kêu thét lên:

- Đừng!

Trong hộp chứa một đầu tóc giả mà thoạt trông Hà đã nhận ra ngay, chính là đầu tóc mà cô đã gửi lại cho Tám Ni giao cho ông Henri!

- Sao nó lại ở đây?

Cô y tá nói:

- Tôi nghĩ có lẽ ai đó biết cô mất đầu tóc nên đem cho tóc mới.

- Người mang hộp này tới là ai vậy?

Cô y tá lắc đầu:

- Tôi cũng không biết, chỉ thấy nó nằm sẵn ở phòng trực, trên hộp có ghi nhờ chuyển cho bệnh nhân tên Ngọc Hà ở phòng số 3, nên tôi biết là gửi cho cô.

Hà sợ sệt:

- Chị làm ơn đem nó ra ngoài giùm, tôi không cần!

Chợt cô y tá nhìn thấy một mảnh giấy dưới đáy hộp, cô lấy ra đưa cho Hà, có mấy chữ: "Đừng từ chối, hãy mang nó vào khi xuất viện. Không có tóc sẽ mất luôn chồng!".

Ngọc Hà bàng hoàng, cô lẩm bẩm:

- Ai vậy?

Nhìn kỹ lần nữa thì rõ ràng đúng là tóc mình đã mang thời gian gần đây.

Hà còn đang lưỡng lự thì cô y tá giục:

- Cô nên nhận rồi bỏ vào tủ kia khóa lại, để ngoài coi chừng mất nữa!

Không còn cách nào khác nên Hà đành phải chấp nhận như vậy và một lần nữa cô lại phải canh cánh bên lòng về cái tên Mỹ Dung.

Nằm bệnh viện đến mười ngày mà vẫn không thấy ai bên nhà chồng, kể cả Tuấn lên thăm. Chính bà Lệ cũng ngạc nhiên:

- Má đã nhờ người đi đánh hai lần điện tín rồi mà sao họ vẫn không lên thăm?

Qua ngày thứ mười hai thì má con bà Lệ được xuất viện. Ngọc Hà ở thế bắt buộc nên lại phải đeo bộ tóc giả... của Mỹ Dung. Bà Lệ lo lắng khi nhớ đã qua ngày đám cưới, bà nói:

- Không liên lạc được với nhà chồng con, chẳng biết dưới đó họ tính sao, tự nhiên má thấy lo...

Hà cũng bồn chồn:

- Linh tính cho con hay hình như có chuyện gì đó...

Và điều gì đó đã xảy ra!

Khi họ về tới gì nghe người nhà báo tin:

- Đám cưới đã diễn ra rồi. Anh Tuấn đã lấy vợ, đám cưới đúng ngày quy định mà sao nhà gái mình không có má, chỉ có tụi con được rước qua bên đó cùng với chị Hà. Mà má nữa, sao ngày hôm đó má không về, để chị Hà một mình, chị ấy buồn lắm!

Bà Lệ ngơ ngác:

- Sao có vụ đó? Tao với con Hà bị tai nạn tưởng chết, nằm bệnh viện bữa nay mới về, vậy đám cưới với ai?

Ngọc Liên, em Hà, cũng ngơ ngác:

- Bữa đám cưới con thấy chị Hà mặc bộ đồ cưới lộng lẫy, con nghĩ chắc chỉ đi Sài Gòn mua về, chị Hà còn đưa tay vẫy con nữa, má nói gì kỳ vậy? Bên nhà đó còn nói do má đi đâu không biết mà lâu quá, sợ lỡ việc nên họ cử hành lễ cưới luôn. Khi nào má về sẽ tính sau!

Bà Lệ tức giận quát nên:

- Đồ quân tráo trở, bạc tình! Lợi dụng lúc người ta bị tai nạn lại đi cưới vợ khác!

Nhưng đứa em của Hà lại nói:

- Con thấy đó là chị Hà, chứ có ai khác đâu?

Hà vùng đứng dậy, cô nói giọng nghiêm trọng:

- Vụ này không đơn giản nữa rồi! Nó dính tới việc an nguy của con nữa, má để con đi qua bên đó!

Cô nói xong đi liền, bà Lệ không kịp cản, nên phải giục Ngọc Liên cùng bà đi theo sau. Khi họ qua tới nơi thì thấy nhà sạp che làm đám cưới vẫn còn đó, trong nhà tuy bớt rộn ràng, nhưng vẫn còn đông. Mọi người vừa thấy Hà bước vào đã ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, mợ Ba mới đi hưởng tuần trăng mật sao về nhanh vậy?

Ngọc Hà trố mắt:

- Tuần trăng mật của ai?

- Thì của mợ...

Vừa lúc ấy bà Sương bước ra, bà chau mày hỏi:

- Sao con về, còn thằng Tuấn đâu?

Hà vốn đã bực tức về việc Tuấn làm đám cưới mà cô dâu không phải là cô, nên xẵng giọng:

- Má còn hỏi được sao? Tuấn đi đâu hẳn má biết rõ hơn ai hết mà?

Bà Sương ngạc nhiên:

- Kìa, con sao vậy Hà?

Hà xổ ra bao nhiêu uất ức:

- Con không ngờ má là người lớn mà lại xử sự như vậy. Sao chưa hỏi rõ đầu đuôi, trong lúc con vắng nhà có mấy ngày mà má đã đi cưới vợ cho anh Tuấn! Má biết mấy bữa nay con bị tai nạn thập tử nhất sinh, suýt nữa đã không trở về được rồi không!

Bà Sương ngơ ngác:

- Con nói gì má không hiểu? Cái gì mà tai nạn, rồi cái gì là má đi cưới vợ khác cho thằng Tuấn? Vậy cho đứa nào làm cô dâu rồi cùng thằng Tuấn đi hưởng tuần trăng mật?

Ngọc Liên cùng với mẹ chạy vừa tới, cô lên tiếng liền:

- Chị Hà con nói không phải chị là người trong đám cưới! Chị ấy với má con nằm bệnh viện hơn mười ngày mới về tới đây!

Bà Sương như từ trên trời rơi xuống, bà lắp bắp:

- Chuyện... chuyện đó... có chuyện đó sao?

Rồi bà quay vào nhà hỏi mấy người giúp việc:

- Tụi bay biết thằng Tuấn đưa vợ nó đi đâu không?

Một người nói:

- Dạ, nghe cậu Ba nói đưa mợ Ba đi Sài Gòn ở một tuần! Đây, cậu Ba có để lại địa chỉ, nói đây là nhà quen của mợ Ba.

Hà chụp lấy mảnh giấy ghi địa chỉ, cô hốt hoảng:

- Đường Hai Mươi, má có nhớ ngôi chùa Phước Hòa cũng ở đường này không? Nơi đó... cô Mỹ Dung treo cổ tự tử!

Cả mấy mẹ con đều sững sờ. Sau đó Hà vụt chạy đi trong hoảng loạn, vừa gào lên:

- Không xong rồi, anh Tuấn...

Hà chạy ra bến xe đò...

Cũng may là còn chuyến xe đêm, nên Hà không phải đợi qua sáng hôm sau.

Chuyến xe tốc hành đó đưa Hà trở lại Sài Gòn rất sớm. Vừa tới bến xe, Hà đã gọi chiếc xe kéo về đường Hai Mươi. Sợ không nhớ chỗ, Hà hỏi người phu xe:

- Chú biết chùa Phước Hòa ở đường Hai Mươi không?

Người kéo xe tỏ ra am hiểu:

- Ngôi chùa có cô gái tự tử chứ gì! Ở đây ai mà không biết chùa đó. Nhất là gần đây thiên hạ lại càng biết nó nhiều hơn, bởi cái hồn ma đêm nào cũng hiện ra nhát người qua lại, khiến ai nấy điếng hồn, thót tim luôn.

Hà tò mò:

- Chuyện đó có thật sao chú?

Người kéo xe rùng mình:

- Chuyện ma quỷ đâu phải chuyện giỡn đâu mà nói chơi! Mới hôm qua đây thôi, chính mắt tôi đây khi chở khách ngang qua đó còn nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc như một chú rể, chạy từ bên ngoài vào sân chùa, rồi từ đó bò lê ra phía sau chùa, là nơi mà trước đây nghe nói có cô gái treo cổ tự tử! Tôi không dám chạy vào coi, nhưng nghe người ta đồn là hễ đàn ông nào mà chạy vào đó thì coi như đi nạp mạng cho oan hồn con ma thắt cổ ấy! Tội nghiệp cho người đàn ông nào đó...

Hà hốt hoảng:

- Sao chú không giúp cho người ta?

Cô xuống xe trước chùa và đầu óc nghĩ tới Tuấn đang gặp nguy!

Chạy thẳng vào chùa, chẳng nhìn thấy ai, Hà đi luôn ra phía sau chùa. Ở gốc cây cổ thụ, rõ ràng là Tuấn đang quỳ gối một mình!

Hà bước tới, vừa định lên tiếng gọi thì chợt nhìn thấy trước mặt Tuấn, thòng từ cành cây xuống là thi thể của một người nữ. Nhìn kỹ hơn, Hà phát hiện người đang treo lơ lửng kia có cái đầu hầu như không có sợi tóc nào!

Tuấn thì như đang ngây dại, đôi mắt nhìn về phía thi thể kia mà như đang nhìn vào một nơi xa xăm nào đó... Thậm chí anh chẳng hề nghe tiếng bước chân rất gần của Hà. Cho đến khi Hà lên tiếng gọi:

- Anh Tuấn!

Vẫn như pho tượng gỗ, qua hai lần Hà gọi mà Tuấn chẳng có phản ứng gì. Bỗng nhiên anh ngã chúi về phía trước khi Hà gọi lần thứ ba! Tuấn vừa ngã xong thì thi thể kia cũng từ trên cây rơi xuống đất.

Hà chưa kịp có phản ứng gì thì trước mắt cô tối sầm lại, người cô lảo đảo...

° ° °

Một người Pháp già nói tiếng Việt rất trôi chảy, reo lên khi thấy Hà và Tuấn tỉnh lại:

- May quá!

Tuấn ngơ ngác nhìn ông ta, trong khi Hà thì bật ngồi dậy liền:

- Ông là...

Giọng nói quen thuộc của Tám Ni:

- Đây là ông Henri mà lần trước tôi đã kể. Ông ấy được vong hồn cô Mỹ Dung về báo nên kịp tới đây cứu hai cô cậu đó!

Hà nhìn ông ta đang ôm khư khư một cái túi thì nghi ngờ:

- Ông này là thủ phạm gây ra cái chết cho cô Mỹ Dung, thì làm sao hồn ma cô ấy lại để cho ông ấy cứu người được?

Tám Ni chỉ tay vào chiếc túi ông Henri đang ôm bên mình nói:

- Ông ấy đã tới kịp và ôm cái xác của cô Mỹ Dung vào trong túi kia, để cô ấy không còn quấy phá ai nữa!

Chính ông Henri lên tiếng:

- Mỹ Dung là hồn ma, nhưng không phải lúc nào cô ấy cũng ác hay hại người. Bằng chứng là mới rồi, chính cái hồn thiện trong cô ấy đã không để cho anh này bị chết!

Hà gay gắt:

- Nhưng chính cô ta đã giả đóng vai tôi để gạt chồng tôi làm đám cưới với cô ấy và đưa chồng tôi về đây. Nếu tôi tới không kịp thì có phải chồng tôi đã bị cô ấy hại rồi không!

Giọng ông Henri vẫn nhẹ nhàng:

- Đúng là cô ấy có làm việc đó. Nhưng đó là cái hồn ác trong Mỹ Dung đã làm. Còn khi đã dẫn cậu này về đây rồi thì chính cái hồn thiện trong cô đã thắng được mặt ác nhờ vậy mà chồng cô mới thoát được chết, chứ nếu không thì anh ấy sẽ là người phải treo cổ trên cành cây, thay cho cô Mỹ Dung.

Hà nghe lạ, nhưng không thể tin được ngay, cô còn đang tính hỏi lại thì chợt nghe một giọng nói cũng khá quen thuộc vang lên sau lưng:

- Điều đó là đúng hoàn toàn!

Quay lại nhìn, cả hai Hà và Tuấn đều kêu lên:

- Bác sĩ!

Bác sĩ Thuần khoa tâm thần, người đã điều trị cho Tuấn vừa xuất hiện.

Ông hướng về Hà giải thích:

- Cô khó mà tin được lời ông Henri nói, nhưng đó là sự thật. Tôi nghiên cứu sách vở về tâm linh đã có biết những chuyện như ông Henri vừa nói. Trong hồn phách người chết có hai trạng thái, lúc hiện về hay nhập vào ai đó. Có lúc thiện, lúc ác!

Bây giờ Tuấn mới lên tiếng:

- Tôi đã trải qua với cô ấy vào những giai đoạn như vậy! Lúc cô ấy hiện ra trong vai của Ngọc Hà vợ tôi, thì cô ấy rất dịu dàng để tôi tin đó là sự thật. Nhưng đến khi cần khống chế tôi dẫn đi thì cô ấy đanh đá, dữ dằn đến đỗi tôi không dám cãi lời! Như lúc về đây, cô ấy bắt tôi quỳ dưới gốc cổ thụ này và bảo rằng cô ấy phải trả thù, phải tìm ra người phải chết để thế mạng cho cô ấy đi đầu thai! Đến khi vợ tôi xuất hiện thì bỗng dưng hồn ma lại biến đổi thái độ rất nhanh, chuyển sang là một oan hồn yếu đuối, ngã ra đất bất động như một người ở cõi trần!

Ông Henri vuất nhẹ chiếc túi vải bên mình:

- Nhờ thế mà tôi mới có thể thu hồi hài cốt cô ấy về mai táng lại. Hy vọng từ nay hồn phách cô ấy không còn về quấy phá ai nữa cả.

Ông nói xong đứng lên bắt tay bác sĩ Thuần:

- Cám ơn ông bạn già đã không quản ngại đường xa mà tới đây giúp tôi giải tỏa được gánh nặng này.

Ông ta bước đi xiêu vẹo, ôm cứng chiếc túi như sợ có người giành lấy...

Bác sĩ Thuần chép miệng:

- Tội nghiệp họ! Người ta lên án ông ấy là không công bằng. Thật ra ông ấy yêu cô Mỹ Dung tha thiết, yêu chân thành. Và ngược lại cô ấy cũng yêu ông một cách trong sáng, bằng thứ tình yêu mà mãi đến chết vẫn không nguôi!

Hà chen vào:

- Nhưng chính ông ấy đã khiến cho cô ấy tự tử!

Bác sĩ Thuần lắc đầu:

- Tôi quen ông ta từ lâu, biết rõ mối tình của ông ấy với cô Mỹ Dung. Tôi biết chắc cô Mỹ Dung chết do quá phẫn uất chuyện bị đánh ghen, bị bôi nhọ danh dự nên bồng bột nhất thời mà tìm đến cái chết, chứ thật ra cô ấy vẫn yêu Henri tha thiết, yêu đến bứt không rời, xé không tan! Bằng chứng như chúng ta thấy đó, xác một hồn ma thì làm gì còn, vậy mà vì tình yêu, hồn phách kia đã tích tụ lại còn cho ông lấy được hài cốt kia. Ông ta hy vọng đúng, từ nay hồn phách cô Mỹ Dung sẽ không còn xuất hiện nữa!

Ông quay sang Tuấn và Hà:

- Cô cậu cũng mừng đi, từ nay đã thoát được sự quấy nhiễu rồi. Cô cậu có thể yên ổn mà sống bên nhau.

Tuấn thắc mắc:

- Tôi vẫn chưa hiểu, tại sao giữa chúng tôi và cô ấy chẳng hề có liên quan gì với nhau, thế tại sao hồn cô ấy lại đeo theo quấy phá?

Bác sĩ Thuần nhìn Hà và nói:

- Chính bởi cái đầu tóc giả kia. Tóc này nếu tôi không lầm là của cô Mỹ Dung? Hồn người chết luôn bám theo bất cứ vật gì mà khi chết mình còn để lại dương gian! Đặc biệt là tóc. Bởi tóc có liên quan tới máu của con người. Nó là một phần cơ thể của cô Mỹ Dung khi sống. Nó được cắt ra trước khi cô ấy chết, tức phần sự sống trong tóc đó vẫn còn sống. Đúng hơn là còn cái hồn sống của người đó! Cho nên khi có người khác đeo vào cơ thể họ thì sự giao thoa giữa người sống và người chết lập tức được theo nhau. Có thể gọi đây là hồn của tóc đã giúp cho Mỹ Dung bám theo cô Hà này, và từ cô Hà đã dính đến cậu Tuấn!

Những lời ông nói làm cho cả Hà và Tuấn rùng mình! Họ nhìn nhau rồi cùng siết chặt tay nhau, như sợ bị chia cắt lần nữa!

Tám Ni cũng lạnh người khi nói:

- Vậy còn ai dám dùng tóc giả nữa!

Bác sĩ Thuần lắc đầu bảo:

- Không đúng đâu. Trường hợp xảy ra hiện tượng như tôi vừa kể là khi nào người để lại tóc mà bị chết oan, bị bức tử! Chứ người chết bình thường thì có sao đâu.

Trước khi đi khỏi chỗ đó, vị bác sĩ tâm thần vỗ vai Tuấn nói thêm:

- Là một bác sĩ tây y mà nói chuyện tâm linh, hoang đường, không khéo người ta cười cho! Nhưng tôi còn là một nhà tâm linh học. Tôi nghiên cứu và biết nhiều về linh hồn, về thế giới tâm linh...

Ông ta đi lâu rồi mà Tuấn và Hà vẫn còn đứng yên. Lát sau chợt nhớ ra, Tuấn nhẹ giọng bảo vợ:

- Mình về nhà ngay kẻo má ở nhà lo.

Hà nói rất khẽ:

- Lấy vợ ma rồi bây giờ bắt người ta thế vai phải không!

Tuấn ôm chặt Hà vào lòng:

- Con vợ này tướng tinh còn dữ hơn ma nữa, cho nên hồn ma phải nhường tình yêu lại cho! Bây giờ mời... nương nương!

Họ tay trong tay bước đi mà lòng tràn ngập hạnh phúc. Có lẽ nhờ những gì đã xảy ra mà họ cảm thấy thương yêu nhau hơn...

° ° °

Bà Sương thấy hai con về thì mừng lắm. Có cả bà Lệ và Ngọc Liên ở đó nữa. Họ cùng nói:

- Hai người đi hưởng tuần trăng mật về có khác!

Sau đó, hai bà mẹ dè dặt nói đủ cho Hà và Tuấn nghe:

- Để tránh những rắc rối nữa xảy ra, có lẽ mình phải rước thầy về trừ khử cái vong lâu nay theo quấy phá!

Hà nghiêm giọng nói:

- Không cần đâu má!

Tuấn nói thêm:

- Chẳng những không cần rước thầy bà gì hết, mà trái lại tụi con sẽ lập một cái trang để thờ vong hồn cô ấy. Một con người đáng thương, đáng quý...

Hà cũng đồng tình:

- Con sẽ là người ngày ngày cúng vái cho cô ấy...

Không ai phản đối. Và kể từ hôm ấy, trong phòng riêng của vợ chồng Tuấn có thêm một trang thờ. Họ không có ảnh của Mỹ Dung, nên thay cho ảnh chân dung, Hà đặt lên trang thờ chính lọn tóc mà cô từng mượn một thời gian...

Một năm sau thì Hà sinh đứa con đầu lòng. Vào trước ngày sinh, Hà mơ thấy một cô gái với chiếc đầu trọc, gọi cô và nói:

- Đặt cho đứa con đầu lòng là Mỹ Hạnh, đó là tên đáng lẽ tôi đã có mà chưa kịp.

Thức dậy, Hà nói cho Tuấn nghe, anh gật đầu đồng ý ngay:

- Dẫu sao mình cũng còn nợ cô ấy. Vậy thì nên theo ý cô ấy mà lấy tên Mỹ Hạnh cho đứa bé, nếu nó là con gái.

- Em nghi nó là con gái. Cái bụng nhỏ xíu...

Quả nhiên Hà sinh một bé gái thật xinh. Con bé mang tên Mỹ Hạnh!
..... Hết...
Hình đại diện của thành viên
nghiammo1992
☀️2/30☀️
☀️2/30☀️
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: 08/03/2012 10:56
Đến từ: Hà Giang
Thiết bị: Nokia N96
Số điện thoại: 0367790762

Re: [Truyện ngắn] Oan hồn trả thù

Gửi bàigửi bởi ZzasagazZ » 11/05/2013 22:36

dem khuya mà A N post may cái này :oh xón vl
My LoVe Ml :good
Hình đại diện của thành viên
ZzasagazZ
☀️12/30☀️
☀️12/30☀️
 
Bài viết: 1887
Ngày tham gia: 13/09/2012 12:07
Đến từ: Địa ngục.

Re: [Truyện ngắn] Oan hồn trả thù

Gửi bàigửi bởi MrLuong » 11/05/2013 22:40

Cái này hay hoặc không hay nhưng mình chả biết cái nào
[download=red]Mình Chỉ Là Phần Mềm Do Zingproday lập trình thui[/download]
Hình đại diện của thành viên
MrLuong
☀️6/30☀️
☀️6/30☀️
 
Bài viết: 108
Ngày tham gia: 09/05/2013 18:05
Đến từ: Bến Tre


Quay về Thơ, truyện ngắn

 


  • Chủ đề tương tự
    Trả lời
    Xem
    Bài viết mới nhất

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến181 khách