[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

ID Topic: 31291 • Có 1,696 lượt xem
Hình đại diện của thành viên
#1 - @387873
01/05/2015 14:31
[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

✰Part 1: Review chung
[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

♋Giới thiệu:

Fate/Stay Night có tổng cộng 3 cốt truyện chia làm 3 route ( Fate, Unlimited Blade Work, Heaven's Feel ). Anime Fate/Stay Night (2006) làm theo cốt truyện của route Fate với Shirou yêu Saber, tập trung khai thác vào Shirou và quá khứ của Saber. Hai route còn lại tôi sẽ viết bài khác vì hai route này có cốt truyện khác, trong Fate/Stay Night (2006) không sảy ra.

[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

Nhắc đến Fate/Stay Night (FSN), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một Anime rất thành công. Đúng vậy, từ khi Series này ra mắt công chúng vào năm 2006, cái tên Fate/Stay Night đã trở nên quen thuộc với các fan hâm mộ, bất kể giới tính và tuổi tác. Thế nhưng, điểm nhấn và cũng là phần tinh túy nhất ở "route Fate" (phần được chuyển thể) lại không nằm ở Anime, mà chứa đựng trong Visual Novel (hay còn được gọi là một dạng Game). Nếu một người xem Anime và hiểu tường tận toàn bộ nội dung của nó, bạn chỉ có thể biết được khoảng 15% câu chuyện thực sự mà thôi. Vì vậy phải xem hết cả 3 route thì 100% câu truyênh mới sáng tỏ. Bản thân tôi cũng là một fan bắt nguồn từ Anime, nhưng thứ hấp dẫn tôi ngay từ ban đầu lại là nội dung sâu sắc mà Visual Novel (VN) Fate đem đến. Những ấn tượng và sự đa dạng trong VN vẫn khiến tôi thích thú và bất ngờ.

Ví dụ: Thân phận của Archer/Lancer không được tiết lộ trong route Fate (họ là vị Anh Linh nào trong truyền thuyết) mà được nêu ra trong 2 route còn lại, vv

[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

Giới thiệu sơ qua cho các bạn hiểu nôm na:

FSN là một Eroge Game/Visual Novel của Type-Moon, phát hành vào 30/1/2004 trên hệ PC, và được chuyển thể thành Series phim hoạt hình (Anime) bởi Studio Deen, phát sóng từ 6/1/2006 đến 16/6/2006.
Vào 26/6/2005, Anime FSN chính thức được công bố qua 1 đoạn trailer tại Rondo Robe 2005 "-Gate to Date-" ở Nhật Bản, sau đó một bộ DVD đã ra đời trong tháng 11/2005.

Ngoài ra, một phiên bản dành cho mọi lứa tuổi của trò chơi mang tựa Fate/Stay Night Resalta Nua được phát hành trên hệ máy Playstation 2 vào 19/4/2007, được các Seiyuu (diễn viên lồng tiếng) trong Anime lồng tiếng cho những nhân vật trong Game. Series cũng được chuyển thể sang thể loại Manga, xuất bản hằng tháng trên tạp chí Shounen Ace.

[V-AF] [Anime Reviews] Fate/Stay Night (Part 1. Review chung)

------------------------------

♋Thông tin:

Tên: Fate/Stay Night
Số tập: 24
Thể loại: Action - Fantasy - Magic - Romance - Supernatural - Shounen
Nhà sản xuất: Geneon Universal EntertainmentL - Studio Deen - Frontier Works - TBS - Sentai FilmworksL - Notes

------------------------------

♋Cốt truyện:

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Emiya Shirou khi cậu vô tình , cũng không hẳn là cố ý, tham gia vào Holy Grail War (Cuộc chiến giành Chén Thánh) – một trận quyết chiến giữa các pháp sư để đoạt lấy điều ước từ báu vật linh thiêng trong truyền thuyết. Qua một chuỗi các sự kiện trong cuộc chiến, Shirou khám phá bí mật của Holy Grail War, số phận của cậu trong cả quá khứ và tương lai, đồng thời tìm ra tình yêu cũng như lý tưởng của mình. Bảy pháp sư (Master) cùng triệu hồi bảy "Anh Linh" (Servant) là các anh hùng trong truyền thuyết được chia làm bảy trường phái (class) theo thế mạnh của họ về cùng chiến đấu giành chén thánh. Với 3 mạch truyện (còn gọi là các route) và nhiều kết thúc khác nhau (ở đây chúng ta đi sâu vào route Fate), bật mí là mỗi route anh main nhà ta yêu một cô nên khỏi phải phân bì là tại sao yêu cô này bỏ cô kia này nọ.

------------------------------

♋Holy Grail War – Nguồn gốc và luật lệ:

✧ Tiểu sử:

Holy Grail War diễn ra mỗi 60 năm 1 lần (HGW trong FSN là lần thứ 5 trong lịch sử và cũng là một ngoại lệ, chỉ 10 năm sau khi cuộc chiến lần thứ 4 kết thúc vì không có ai chiến thắng trong cuộc chiến lần 4 ) . Đây là lần thứ 5 nó được tổ chức tại thành phố Fuyuki. Lần đầu diễn ra vào năm 1800 với cuộc chiến giữa Tohsaka Nagato, Makiri Zouken và Lizleihi Justicia von Einsbern, lần thứ 2 khoảng giữa 1860 và 1880, lần thứ 3 vào năm 1940, lần thứ 4 năm 1992 và lần thứ 5 từ lúc chiều tối ngày 2/2/2002 cho đến rạng sáng 15/2/2002.

✧ Luật lệ:

Bảy pháp sư (Master) được chọn và không thể rút lui khỏi cuộc chiến trừ khi cuộc chiến kết thúc hoặc đời họ kết thúc. Mỗi người nhận một Epic Spirit (được gọi là Servant - Anh Linh) và chiến đấu giành lấy Holy Grail (chén thánh) - phần thưởng tối thượng sẽ ban cho kẻ thắng cuộc 1 điều ước. Ngoài ra còn có 1 người nhận nhiệm vụ giám sát cuộc chiến. Ông ta sống trong nhà thờ dòng họ Kotomine. Luật giám sát được đưa ra trong HGW lần thứ 3 bởi Hiệp hội Pháp sư, vì các Master không tuân thủ luật lệ và gây ra thiệt hại lớn chỉ vì mục đích cá nhân của riêng mình (cái này thì nhà Einsbern có công đầu vì đã nêu ra ý kiến hay này để cuộc chiến công bằng hơn ). Giám sát đầu tiên là cha của Kirei Kotomine (Linh mục nhà thờ - Thầy của Rin).

Các Servant là những linh hồn anh hùng trong truyền thuyết được tái sinh nhờ sức mạnh của Holy Grail. Thông thường, họ hộ tống Master của mình dưới dạng tâm linh vô hình, nhưng khi cần, họ có thể chuyển hóa thành những sinh thể vật chất để chiến đấu.

Master chiến thắng trận chiến - thường là người cuối cùng sống sót có thể biến ước nguyện của mình thành hiện thực.
Cũng cần biết thêm là Holy Grail tự chọn chủ nhân cho mình, do đó nó sẽ thử thách các Master bằng cách đưa họ vào các cuộc chiến đẫm máu. Vì vậy chỉ có 1 Master chiến thắng trong cuộc chơi này. Nhưng điều này không nhắc đến việc Master phải chạm vào Holy Grail. Holy Grail thực chất cũng là 1 linh thể và chỉ có những linh thể tương đồng như các Servant mới có thể chạm vào nó. Do vậy luôn luôn phải có 1 Servant sống sót, và Holy Grail sẽ hiện ra trước Servant đó. Nếu 1 Servant chạm vào Holy Grail, Anh Linh này sẽ được hưởng 1 cuộc đời thứ 2 tại thời đại hiện tại, không phải tan biến vào hư vô hoặc về lại thời đại của họ. Master khó có thể tiêu diệt Servant, vì Servant sở hữu những khả năng siêu phàm và được trang bị những vũ khí hay năng lực phi thường (còn được biết đến như Noble Phantasm - kĩ năng đặc biệt) . Ví lý do này, sẽ dễ dàng hơn khi tiêu diệt các Master khác để chiến thắng.

Tuy vậy, 1 Anh Linh mất đi chủ nhân không biến mất ngay lập tức. Một Master khác vẫn còn reijuu (vật chứng nhận mình là người tham gia HGW hay còn gọi là dấu ấn mệnh lệnh) có thể lập 1 khế ước với Servant đó. Do đó 1 Master đã mất Servant của mình trong cuộc chiến, vẫn có thể tìm 1 Servant khác và tiếp tục cuộc chơi. Nếu Master không còn reijuu , Servant của người đó sẽ được giải phóng khỏi khế ước và đi tìm 1 chủ nhân mới.

Reijuu là một dấu hiệu thường nằm trên cánh tay của Master. Nó gồm 3 phần, tượng trưng cho 3 quyền tuyệt đối mà 1 Master có thể sử dụng lên Servant của mình, và Servant đó không thể trái lệnh bất kể Servant có muốn làm điều đó hay không. Reijuu còn có 1 chức năng khác là triệu hồi Servant của mình trong những trường hợp khẩn cấp (như Shirou đã gọi Saber trong tập 11 của Anime )

Nếu 1 Master không còn quyền tuyệt đối nào, anh ta bị rút khỏi cuộc chơi và có thể đến nhà thờ Kotomine để lánh nạn. Đơn giản chỉ vì luật lệ của HGW rất hà khắc, bất cứ ai chứng kiến cuộc chiến mà không phải là người trong cuộc (ám chỉ người thường) đều phải bị trừ khử.

Chén thánh không quan tâm loại người nào sẽ chiến thắng HGW. Tốt hay xấu, Hiệp hội pháp sư sẽ không can thiệp. Nhiệm vụ của họ là tuân thủ luật lệ của cuộc chơi.

Servant là một linh thể, họ cần năng lực ma thuật để tồn tại và trở nên mạnh mẽ. Cách tốt nhất là hút nguồn Mana sẵn có trong linh hồn con người, tuy nhiên 1 số Servant ngọai lệ như Saber không thể hại người bình thường vì sẽ phản lại lời thề hiệp sĩ (đa phần còn lại không chê nguồn năng lượng dồi dào này, do đó là cách tốt nhất để có được sức mạnh ) -> ý là hút sự sống của người thường để tăng sức mạnh cho Anh Linh.
Một Master với tính cách hào hiệp sẽ nhận được 1 Servant với tính cách tương ứng. Một Master với đầu óc bệnh họan sẽ tạo ra 1 Servant ác độc, khát máu. Class Caster có quyền triệu hồi 1 Servant cho mình, ngay cả khi Caster là Servant của một người khác. Mặc dù triệu hồi Anh Linh đó nhưng chưa chắc Caster có thể điều khiển được vì Caster cũng là Anh Linh và không có dấu ấn mệnh lệnh.( Ở FSN route Fate Caster triệu hồi Assasin là một điển hình ).

Còn một khả năng khác để khiến chén thánh hiện ra mà không cần vượt qua trận các chiến sinh tử đó là tập trung nguồn năng lượng ma thuật cực kỳ lớn, có thể tích trữ qua việc hút sinh mệnh con người. Điều này ngụ ý rất nhiều sự hy sinh, khá giống với Philosopher's stone trong Fullmetal Alchemist.

Sử dụng Noble Phantasm (kĩ năng đặc biệt của Anh Linh) giúp ích rất nhiều trong chiến trận, nhưng nó cũng làm tiêu hao 1 lượng không nhỏ Mana của Servant, thứ rất cần thiết để họ tồn tại. Nếu sử dụng hết Mana của mình, Servant sẽ tan biến vào hư vô. Cách tốt nhất để hồi phục vết thương là ngủ . Khi ngủ Servant có thể thấy giấc mơ của chủ nhân vì tính tương thông tâm linh giữa họ, Master cũng sẽ liên tục mơ về truyền thuyết của Servant, tuy vậy bản thân Servant không hề mơ. Ngoài ra Servant cần rất nhiều Mana từ chủ nhân mới có thể sống sót trong cuộc chiến khốc liệt này.

✧ Bạn có biết?

Holy Grail War được 3 dòng họ lớn ban đầu hỗ trợ, đồng thời cũng đề cử người chơi cho cuộc chiến - nhà Einzbern (Illya) chịu trách nhiệm tạo ra cánh cổng để các Servant bại trận quay về thế giới tâm linh, nhà Makiri (Shinji, Sakura) tạo ra hệ thống Master và Servant, cuối cùng là nhà Tohsaka (Rin) cung cấp chiến trường mà sau này là thành phố Fuyuki.

------------------------------

♋The Holy Grail – Chén Thánh:

✧ Trong Thực tế:

Truyền thuyết về Chén Thánh được bao phủ bởi màn sương bí ẩn và không ai có thể biết chính xác nó bắt nguồn từ đâu. Từ "Grail" lấy trong tiếng Latin thời trung cổ - cratella hàm nghĩa chiếc bình, tương truyền rằng có khả năng bùng nổ ma thuật, là thứ mà các Hiệp sĩ Bàn Tròn từng tranh giành để có được nó. Xuất hiện lần đầu tiên trong văn tự của những tín đồ Cơ Đốc Giáo ở thế kỷ XII, sau được chép lại bởi Wolfram nhà Eschenbach khoảng năm 1205 - nguồn gốc của câu chuyện vẫn còn nằm trong bí mật.
Theo một số người, viên ngọc rớt ra từ đầu của quỷ Lucifer khi hắn bị rớt xuống vực thẳm trong trận chiến với thiên thần Michael đã rơi vào Khu vườn Cấm. Adam và Eve - người tìm được nó nhưng chỉ xem là món đồ vô dụng và đã mang nó theo khi bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, viên đá rơi vào tay Pontius Pilate - người đã gọt đẽo nó thành hình ngọc lục bảo (viên đá tượng trưng cho Kiến Thức) và đem tặng bạn mình là Joseph d' Arimathie, một trong những tông đồ của Chúa Jesus. Vật này có thể đã nhận được máu thánh từ vết thương của Người khi chịu đóng đinh trên thập giá: vết thương do Cây Thương Định Mệnh (Spear of Destiny) đâm và sau đó được biết đến như Chén Thánh - Holy Grail. Gần 300 năm sau, một hiệp sĩ bàn tròn (Knight of the Round Table) tên là Galahad xác nhận đã nhìn thấy thứ bên trong Chén Thánh - vật mà các tông đồ nắm giữ. Và một cuộc chiến đã xảy ra chỉ để giành được vật này.
Từ bao đời nay, Chén Thánh bị tranh giành vì được xem như có sức mạnh của thần thánh và là thứ con người không thể với tới , theo như lời Galahad đã nói, trừ phi là ông ta bịa đặt . Vậy thì Chén Thánh để làm gì??? Người ta cho rằng nó có khả năng mang lại sự trường sinh bất tử cho người nắm giữ. Chỉ vì những điều khó tin này mà bao nhiêu công sức đã đổ ra chỉ để tìm kiếm một vật "không ai thấy, không ai biết"

✧ Trong Series Fate/Stay Night:

Các nhân vật chiến đấu để trở thành người đầu tiên lấy thứ mà người ta gọi là "Món quà của Thượng Đế" đó. Grail trong Game có khả năng ban cho bất cứ điều ước nào dù tốt hay xấu. Trong các tác phẩm của Kinoko Nasu về Fate Series, ông không đề cập đây là Chén Thánh đã đựng máu Chúa, mà chỉ là một vật có thể thực hiện mọi ước nguyện. Giống như khi Kirei miêu tả nó cho Shirou trong lần gặp đầu tiên tại nhà thờ Kotomine, đó là cái Grail tạo ra bởi những kẻ dị giáo (tức không theo đạo giáo chính thống )
200 năm trước, ba dòng tộc pháp sư Makiri, Einsbern và Tohsaka đã hợp tác để khám phá ra bí mật của "Phép Thuật Thứ 3" - có khả năng làm cho quả tim trở nên bất tử (đương nhiên các thứ khác cũng bất tử theo nhưng trên hết vẫn là quả tim - người viết ) . Khi họ tạo ra được một vật có thể chứa đựng phép thuật này, một cuộc tranh cãi xảy ra. Zelretch -vị pháp sư vĩ đại được cho là bất tử- đến và dàn xếp cho họ một thỏa thuận, qua đó sẽ có một trận chiến để chứng tỏ ai là pháp sư xứng đáng. Cuộc thi này trở thành trận chiến ở thành phố Fuyuki mà chúng ta biết. Chén Thánh là một linh thể, do vậy nó chỉ có thể được một linh thể chạm vào. Đây là lý do mà các pháp sư muốn có nó phải triệu hồi lên các Servant.

Theo như câu truyện thì đã có 4 cuộc chiến xảy ra trước khi vào FSN, tuần tự sau mỗi 60 năm. Trận thứ 3 là một thảm họa khiến cho một linh thể tội lỗi làm vấy bẩn Holy Grail. Trận thứ 4 xảy ra 10 năm trước và kết thúc với một ngọn lửa thiêu rụi cả 1 góc thành phố.

------------------------------

♋Nhận xét chung:

✧ Nội dung:
Anime Fate/ Stay Night có một lợi thế rất lớn , đó là được thừa hưởng một cốt truyện tuyệt hay từ tiểu thuyết ( Light Novel) Fate /Stay Night của nhà văn Kinoko Nasu . Một lợi thế nữa : đây là Anime dài tập , không phải lo việc đốt cháy giai đoạn để nhét vào vài giờ phim ngắn ngủi như những trường hợp thường gặp đối với OVA hay Movie . Nhưng Anime cũng vấp phải hai bất lợi lớn , một là bản thân Novel gốc được dàn dựng theo kiểu Visual Novel ( tiểu thuyết điện tử ) với nhiều kết thúc khác nhau . Mỗi kết thúc chứa đựng những mắt xích , bí mật khác nhau trong tổng thể câu chuyện . Đơn giản dễ hiểu , nếu Anime chỉ làm theo đúng nội dung của 1 route , thì chỉ biết được 1/3 nội dung thực sự của tiểu thuyết mà thôi . VÌ vậy FSN (2006) chỉ chuyển thể mỗi route Fate ,muốn thể hiện hết toàn bộ nội dung chứa đựng trong VN chỉ có 2 cách :
-Cách một : Anime ghép nội dung cả 3 route của Novel gốc làm một . Điều này là cực kỳ khó khăn , bởi VN nhiều kết thúc khác nhau luôn thể hiện theo kiểu 3 thế giới song song cùng tồn tại. Chưa kể mạch truyện của cả 3 route rất chặt chẽ , liền mạch , khó có thể cắt từ route này một chút , cắt từ route kia một chỗ rồi ráp vào để tạo ra một cốt truyện mới cho Anime như một trò chơi ghép hình được .
Cách hai : làm Anime lần lượt về ... cả 3 route trong Novel . Cách này xưa nay rất hiếm Anime ăn theo VN nào dám làm ( trừ Higurashi , thực hiện luôn cả 8 route , kết thúc xong route này lại tiếp tục đến route kia , coi như họ đã làm 1 Anime mang nội dung của cả 8 cuốn tiểu thuyết tiếp nối nhau ) . Làm như thế với Fate/ Stay Night đồng nghĩa với việc , số tập của Fate / Stay Night sẽ đội lên đến mức khủng khiếp : 24 tập cho một route ( 3 route = 72 tập phim ). Studio DEEN phụ trách làm phim vốn là một hãng nhỏ , không thể đủ khả năng để bảo đảm chất lượng cũng như số lượng tập phim nhiều đến thế .

Trước tình thế đó , Studio Deen đã quyết định chọn cách một theo kiểu nửa vời : dựa trên route Fate làm nền chính , bỏ thêm vài tình tiết của 2 route còn lại vào . Nhờ đó , trong Anime bạn sẽ thấy có nhiều tình tiết bí ẩn , mơ hồ mà Anime không hề lý giải . Như Archer thực sự là ai ? Caster là ai ? Rider là ai ? (Họ thực sự là anh hùng nào?) .Điều gì đã xảy ra cho Rin và Sakura lúc bé ? Người đàn ông ngồi trong xem trong đoạn hồi ức của Rin – Sakura là ai ? Quá khứ của Illya và Berserker là như thế nào ? Anime nhắc đến những chuyện đó theo kiểu ám chỉ rất mơ hồ . Điều này vô tình tạo cho Anime nhiều khúc mắc bí ẩn không lời đáp , kích thích tính tò mò của một bộ phận khán giả . Đây có lẽ là một lợi thế , nhưng gọi là tác dụng phụ thì đúng hơn vì Studio DEEN không hề cố ý thể hiện nó như một thủ pháp nghệ thuật mà chẳng qua chỉ do họ không thể giải thích điều đó trong Anime Fate/Stay Night lấy route Fate làm nền , trong khi những sự kiện , khúc mắc nêu trên diễn ra ở 2 route còn lại . Nếu một sự việc trong route này diễn ra thì đồng nghĩa với việc một sự kiện trong route kia sẽ không thể diễn ra . Ví dụ như thân phận của Archer , làm sao họ có thể giải thích Archer là ai khi bản thân anh đã chết ở tập 14 theo đúng diễn biến của route Fate ?
Nhưng ở Route Unlimited Blade Work , Archer lại không chết, vv
DEEN chỉ còn một cách duy nhất là “ chữa cháy “ bằng cách thêm vào vài chi tiết ám chỉ mơ hồ để khơi lên những tình tiết mà họ không thể đề cập đến trong Anime . Từ đó xuất hiện rải đều trong suốt Anime là vô số câu hỏi không lời đáp mà đôi khi nếu chưa từng đọc qua Novel , có lẽ bạn sẽ phải băn khoăn tự hỏi .( VD : “ Shinji bảo Sakura không liên quan gì đến cuộc chiến này , nhưng tại sao lại có hình ảnh Sakura buồn bã nhìn qua cửa sổ hướng về nơi Rider và Saber đang giao chiến là ý gì ? “ ) . Đó là nói về những chi tiết họ chỉ có thể nhắc đến mơ hồ , còn những chi tiết từ các route khác được chính thức thêm vào họ cũng không thể hiện thành công được mà tiêu biểu nhất là đoạn phim về Unlimited Blade Works của Archer khi giao chiến với Berserker ( khó có thể nói thể hiện như thế là thành công hay thất bại vì nó tuy hoành tráng nhưng vẫn chưa thể hiện được uy lực thực sự từ Unlimited Blade Works của Archer trong Novel )

Chi tiết rõ ràng nhất của sự yếu kém này là ở chi tiết Dark Sakura ( được đem vào từ route Heaven's Feel chứ route Fate không có) , Không biết bao nhiêu fan của nữ nhân vật này phải ôm mặt khóc ròng vì phải chứng kiến một Dark Sakura với sức mạnh không bằng 1/10 Dark Sakura thực sự . Chi tiết Dark Sakura cầm dao găm ( Dark Sakura mà cầm dao găm đấy ) đâm Rin vừa kịch vừa làm mất đi khí thế hoành tráng của sự kiện này được thể hiện trong Novel (Lúc Sakura bị Caster bắt)

Nhưng may mắn thay , những sự kiện trong route Fate , route được Studio DEEN chọn làm cốt truyện chính cho Anime đã được thể hiện khá tốt , dù còn những chỗ từ Novel họ không thể hiện được do sự khác biệt giữa phim và tiểu thuyết ( làm sao có thể thể hiện trong phim những đoạn đối thoại nội tâm dài tương đương hàng trang giấy trong tiểu thuyết ? ) . Nhưng nhìn tổng thể , về việc thể hiện route Fate , họ đã thành công , nhất là việc miêu tả tình yêu giữa Saber – Shirou . Đó có lẽ là một cứu cánh giúp Anime không bị thất bại . Tuy vậy , cũng có một bức xúc từ các fan route Fate là việc thay thế những đoạn “ nhạy cảm “ trong novel ( đây cũng là một khó khăn thứ hai của Studio khi làm phim , vì Fate / Stay Night bị xếp vào thể loại ở Việt Nam gọi là “ văn hóa phẫm đồi trụy “ ) . Sự thực tuy nghe qua ai cũng nghĩ đây là khó khăn gì to tát , nhưng thực chất không khủng khiếp đến vậy . Fate / Stay Night không hướng cốt truyện vào việc cố tình tạo ra những tình tiết để đưa đẩy đến những cảnh “ nhạy cảm ” ấy như những bộ hent*i rẻ tiền khác . Mà những cảnh nhạy cảm trong Novel gốc cũng rất ít so với tổng thể toàn câu chuyện và hoàn toàn dễ dàng cắt bỏ , thay thế , hoặc đề cập lướt qua . Tuy vậy , cái việc thay cảnh ân ái của Shirou và Saber trong căn nhà bỏ hoang bằng giấc mơ Shirou bị con rồng xé đứt một cánh tay thì dù là người đã từng xem Novel hay chưa cũng phải đều lắc đầu than rằn. Tóm lại chuyển thể thành công route Fate nhưng những chi tiết thêm vào từ 2 route còn lại ( Unlimited Blade Works và Heaven Feel) hơi thất vọng một chút nhưng cũng k đáng chê trách gì.

✧ Hình ảnh:

Nói về phim ảnh mà không nhắc đến vấn đề hình ảnh thì quả thật là một thiếu sót . Cốt truyện , hình ảnh , âm thanh , đó là ba người bạn đồng hành song song cùng làm nên thành công cho một Anime . Trong khi “ người bạn “ cốt truyện xem ra không được suôn sẻ trong việc thể hiện mình , vấn đề hình ảnh có khá hơn . Thiết kế nhân vật so với bản gốc trong VN không có khác biệt đáng kể , nhân vật đẹp , sinh động . Nhìn qua các nhân vật , bạn dễ dàng nhận ra nét sắc sảo của Rin , nét lạnh lùng của Saber , nét kiêu hùng của Archer , và nét ... cù lần của Shirou ,... Mỗi nhân vật được thiết kế mang những nét rất riêng không lẫn vào đâu được .

Bên cạnh đó , màu sắc , hình ảnh các trận chiến được thiết kế tốt , tuy có cảm giác phối màu đôi khi hơi quá đậm , đôi lúc người ta có cảm giác lòe loẹt ( có lẽ chỉ là ý nghĩ bản thân tôi thôi , nhưng với tôi nó chưa thể lòe loẹt bằng Black Cat đâu , yên tâm) . Hiệu ứng ánh sáng làm tốt , ánh hoàng hôn , ánh sáng đèn , ánh trăng ,.... được thể hiện rất đẹp , được chăm chút nhất theo bản thân tôi là những đoạn phim hồi tưởng về quá khứ của Arthur king . Trong những đoạn phim đó , bạn sẽ được chiêm ngưỡng ánh hào quang chói lọi của thanh Xcalibur khi vừa được rút ra khỏi đá , ánh hoàng hôn màu đỏ hoang tàn và bi thương của chiến trường , ánh nắng tuyệt đẹp nên thơ trong khu rừng vắng tô điễm cho cho vua Arthur trong những phút cuối cùng của cuộc đời . Qua đó , càng làm cho hình ảnh Saber – Arthur king trong anime thêm nổi bật.

Nhưng hình ảnh trong Anime vẫn thể hiện rõ những mặt yếu kém trong khâu đầu tư hình ảnh . Nếu chú ý , bạn sẽ nhận ra một điều : chất lượng hình ảnh của Anime rất tốt trong những tập đầu , bắt đầu xuống dốc trong những tập giữa ( thấy rõ nhất là tập 15 và 18 ), rồi lại tốt trở lại trong những tập cuối . Tuy sự tụt dốc này không tệ hại đến mức quá lộ liễu và dễ nhận ra , nhưng với những khán giả khó tính thì như thế đã quá đủ . Ở tập 15 , bạn nhận ra rõ ràng Studio đang ... rip phim cảnh Saber đánh nhau với Berserker . Hình ảnh con rồng trong giấc mơ của Shirou ( thiết kế bằng 3D chứ không phải 2D) vô cùng đáng thất vọng . Hình ảnh Saber – Shirou cùng vung kiếm (một hình ảnh tuyệt đẹp trong game ) lại cực kỳ xấu qua bản Anime thể hiện . Còn ở tập 18 , việc dùng hình ảnh Dark Sakura thật đáng thất vọng ( còn bộ đồ của Dark Sakura trong Anime tôi thật không nghĩ ra lý do nào khác ngoài mục đích câu khách để Studio DEEN mặc nó cho Sakura ) Đây là một biểu hiện rõ ràng nhất của việc đuối sức trong quá trình làm Anime. Vì face hạn chế nên không có hình, Dark Sakura trong VN ngầu như một sát thủ truyền kiếp với bộ tóc bị hóa trắng và cặp mắt lạnh quyến rũ chứ không như con đù trong Anime.

Tuy vậy , Studio DEEN cũng đã cố hết sức trong khả năng của mình để khắc phục các khuyết điểm về hình ảnh của . Ví dụ như việc thể hiện kỹ năng Trace của Archer trong tập 2 ( một vòng lửa xuất hiện ở bàn tay rồi biến thành vũ khí ) đã được DEEN thay thế bằng một cách thể hiện khác đẹp hơn về sau (Lóe sáng từng tia sắc hồng).

Tóm lại kết luận về hình ảnh của Anime : “ khen cũng có mà chê cũng có “
✧ Âm thanh:

So với cốt truyện và hình ảnh , khâu âm thanh khá hơn nhiều , nghĩa là “ không quá hay cũng không quá dở “ . Khâu tiếng động trong Game , chủ yếu là tiếng binh khí va chạm nhau , được thực hiện tốt và không có gì phải phàn nàn . Khâu lồng tiếng tốt , đội ngũ lồng tiếng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và không để xảy ra trục trặc gì cả , họ đã thực sự chuyển tải được cảm xúc của nhân vật qua lời nói . Trong đó , suất sắc nhất có lẽ là Kawasumi Ayako cho khâu lồng tiếng Saber . Cô thực sự đã thể hiện được xúc cảm của một Saber vừa lạnh lùng vừa chất chứa những yếu đuối và mặc cảm trong lòng . Kế đó là Shitaya Noriko cho phần lồng tiếng Sakura Matou đã khiến không biết bao nhiêu khán giả phải ngất xỉu vì giọng nói cực kỳ tuyệt vời ( đáng yêu không tưởng tượng nổi ) .
-Về phần âm nhạc , bài OP 1 : This Illusion ( “ Ảo tưởng này “ ) được đem từ VN vào nên không có gì phải bàn , mới đầu có cảm giác hơi khó nghe , khi quen rồi bạn sẽ cảm thấy nó rất hợp với không khí của câu chuyện trong Anime . Nhưng có một điều là giọng hát của ca sĩ trình bày bài này trong Anime không hay bằng ca sĩ đã hát bài này trong VN .

- Trong khi đó , bài Op 2 : Kirameku Namida wa Hoshi ni ( tạm dịch là “ những giọt nước mắt thay đổi cả vì sao “ ) thì đúng là một bước lùi so với OP 1.

- 3 bài Ending : Anata ga Ita ( “ khu rừng nơi em ở đó “ ), Hikari ( “ ánh sáng “ ) và Kimi To No Asu ( “ Ngày mai bên anh “ ) lại khá hơn so với OP . Trong đó bài Hikari được xem là bài hát hay nhất của cả bộ Anime ( được sáng tác riêng cho Archer ) vừa du dương vừa mạnh mẽ , lời hát như tổng kết lại sự tiếp nối con đường lý tưởng của Archer và Shirou (route Unlimited Blade Works sẽ hiểu rõ hơn) , qua đó làm quá khứ của Archer thêm sáng tỏ phần nào ( nhưng vẫn còn rất mù mờ ) . Hai bài Ending còn lại cũng xếp vào hàng “ không tệ “ . Nhạc nền trong Anime thì khá mờ nhạt và không gây ấn tượng nhiều ( không phải là không có , những đoạn nhạc nền trong những cảnh quyết đấu và những đoạn hồi ức rất mãnh liệt hoặc da diết . Nhưng nếu trừ những đoạn đó ra thì ... không còn gì cả ) .

Nói chung nhạc nền của Anime dừng ở mức chấp nhận được , nhưng nếu so sánh với những bản nhạc nền du dương da diết đầy ấn tượng và hoài niệm của Anime Tsukihime ngày trước thì thật đáng buồn bởi nó không khác gì đem từ “ tốt “ ra so với từ “ xuất sắc “ . Dù có những khiếm khuyết như vậy , cũng không thể phủ nhận sự thành công ở một mức độ nào đó về khâu âm thanh của Anime .

Phần âm nhạc chỉ mang tính chất tham khảo , mỗi người có sở thích âm nhạc riêng , bản thân tôi không thích nhạc kiểu sôi động mà mang tính rock ( như nhạc của Full Metal Alchemist tôi chỉ thích độc một bài Ending 2 ) nên tôi nói OP 2 tệ hơn OP 1 cũng chỉ là ý kiến cá nhân thôi . Bạn hãy tự đắm mình vào âm nhạc và tự rút ra ý kiến riêng của mình .

Tổng kết lại toàn bộ Anime Fate/ Stay Night (2006) , thật đúng với câu “ khen hay chê , đều được cả “ , hoặc một câu bình dân và gần gũi với chúng ta hơn : “ tiền nào của đó “ . Một cốt truyện tuyệt vời + Một sự đầu tư chưa tương xứng + Một sự nỗ lực hết sức có thể , thế là bạn được một Anime khá kỳ quặc . Có những ưu điễm đủ kéo nó bay vút lên cao , nhưng cũng có những nhược điễm đủ để nắm chân nó lôi xuống mặt đất . Tóm lại , nội dung của Anime có thể tóm gọn là “ tạm thành công trong việc thể hiện 1/3 nội dung trong tác phẩm gốc “ còn nói dài dòng hơn thì là “ là một Anime tốt khi nói về route Fate, đồng thời kiêm vai trò một trailer giới thiệu 2 route còn lại “ . Một Anime đứng giữa lưng chừng ranh giới “ cực hay “ và “ cực dở “ . Có lẽ chúng ta phải chấp nhận một thực tế là Type Moon chưa đủ khả năng để đầu tư nghiêm túc vào một dự án chuyển thể các bộ Visual Novel của mình sang Anime thực sự kỹ càng và nghiêm túc . Bản thân tôi như bao fan Type Moon khác , chỉ có thể hy vọng rằng trong tương lai , Type Moon sẽ có khả năng nhờ những Studio danh tiếng hơn , đầu tư tốt hơn việc chuyển thể sang Anime những tác phẫm của mình . Để những tuyệt tác của Nasu được phổ biến rộng rãi hơn trên màn ảnh .

------------------------------

♋Đánh giá so với Visual Novel:

Được đảm nhận phần diễn hoạt hình ảnh bởi Studio Deen, một hãng sản xuất Anime từng thành công với Fruit Basket, Maison Ikkoku và Rave. Anime Fate/Stay Night gây nhiều tranh cãi trong các fan vì những thay đổi có phần gượng ép cũng như việc nó không thể bao quát toàn bộ nội dung khổng lồ của Visual Novel. Quả thật, nếu từng chơi qua VN Fate/Stay Night bạn sẽ thất vọng vì cách thể hiện những cao trào được chuyển từ Game sang Anime rất sơ sài, mất khá nhiều chi tiết quan trọng. Ngay cả việc lấy nội dung chính từ route Fate cũng khiến nhiều người không hài lòng.

Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận những thành công của Anime. Xét cho cùng, route Fate rất thích hợp với một Anime dành cho mọi lứa tuổi, và các phán xét nêu trên cũng chỉ từ những người đã biết đến route Fate qua VN. Dù còn khiếm khuyết, phải công nhận rằng Anime FSN đã góp phần không nhỏ khi giúp Series này được biết đến rộng rãi. Hơn nữa, cách lồng ghép các mạch truyện cũng khá hợp lý, những khúc mắc trong Anime đều có thể được giải thích rõ ràng.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa Anime và VN chính là nét vẽ, đặc biệt là với nhân vật Archer, tuy nhiên đây không phải là chi tiết quan trọng hay có ảnh hưởng nhiều lắm.

✧ Megumi Ishihara (Moonlight Lady) là người đảm nhiệm thiết kế hình tượng nhân vật trong Anime.

Điều thú vị của Anime là chúng ta được nghe giọng nói của các nhân vật, và các đoạn phim cảnh chiến đấu cũng không tệ.

✧ Yuji Tamaguchi (Strawberry Eggs, Angel Links) là người nhận trọng trách chỉ đạo việc lồng tiếng cho Anime. Ông cũng tham gia vào kịch bản cùng với 3 người khác. Là tác giả tạo nên các bản nhạc cuốn hút cho Series:
Kenji Kawai (từng viết nhạc cho Ghost in the Shell, Ranma ½ và Maison Ikkoku) cũng tham gia viết nhạc trong phim và remix lại 4 bản nhạc nền trong VN sang Anime.

Về phần lồng tiếng cho các nhân vật phải nói là một dàn diễn viên có kinh nghiệm sẽ được đề cập ở dưới phần giới thiệu nhân vật.

Ca sĩ trẻ Sachi Tainaka trình bày ca khúc từng có trong VN là Disillusion và bài OP2 Kirameku Namida wa Hoshi ni, cùng với ED kết thúc phim Kimi no Ashita.

Jyukai, từng biết đến với ca khúc ED trong Busou Renkin, thể hiện 2 bài ED Anata ga Ita Mori và Hiraki.

Phần theme song THIS ILLUSION trong game thì được NUMBER 201 phụ trách.

Trong game FSN Resalta Nua xuất hiện 1 bài OP nữa là Ougon no Kagayaki do MAKI của nhóm này thể hiện.

✧ Ta có thể thấy đội ngũ thực hiện Anime hầu hết đều có kinh nghiệm chuyên môn, và đã làm việc rất tốt, không có gì phải chê trách so với cả Series.

♋Các phái (Class) của Anh Linh (Servant):
(Theo thứ tự xếp hạng bá đạo và có khả năng chiến thắng cao)

✧ Nội tại: là kĩ năng bẩm sinh của Class đó khi được chén thánh triệu hồi ban cho.

1. Saber (Kiếm sĩ)
Nội tại: Khả năng kháng phép
Class Hiệp sĩ mạnh nhất, công thủ toàn diện.

2. Lancer (Thương chủ):
Nội tại: Khả năng kháng phép.
Class Hiệp sĩ khác với lượng sát thương cao hơn Saber nhưng phòng thủ yếu hơn. Nếu solo thì Lancer ngang hàng Saber , tùy vào vị Anh Linh sẽ phân định thắng thua.

3. Berserker (Quái thú):
Nội tại: Bộc phát sức mạnh.
Class điên loạn như tên gọi Quái thú. Không sợ một class cân chiến nào với khả năng mỗi dodn đánh có tỉ lệ tăng thêm sát thương. Chỉ xếp hạng 3 thôi vì loạn quá đôi lúc cũng tự hại thân.

4. Rider (Chiến xa):
Nội tại: Khả năng kháng phép.
Dù không phải class hiệp sĩ nhưng vẫn được chén thánh ưu ái tăng kháng phép, class này luôn có trang bị hỗ trợ việc di chuyển => di chuyển nhanh.

5. Caster (Phù thủy):
Nội tại: Triệu hồi linh hồn.
Class chuyên phép duy nhất, với những phép thuật kinh hồn, nhưng vẫn rất e ngại khi giao chiến trực diện với các class kháng phép cao.

6. Assasin (Sát thủ):
Nội tại: Ẩn thân
Class phế vật nhất, mặc dù có kĩ năng kết liễu địch thủ nhanh gọn lẹ, nhưng gặp các class Hiệp sĩ cũng hơi e ngại.

7. Archer (Cung thủ):
Nội tại: Hành động độc lập.
Class Hiệp sĩ có sát thương cao nhất và ngang ngửa Assasin nhưng vì đặc điểm mạnh đánh xa + nội tại không phối hợp được gì nên được xếp cuối bảng. Coi thường Archer là coi chừng.


Nguồn: Anime Review
(Android)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
Sửa lần cuối: zYuruhiz 26/08/2016 15:23
------------
Những người đã like zYuruhiz bởi bài viết có ích này (Tổng: 4):
KuuhakuhjepvipokSoulTShamanking
_______________
HLouis Fansub
Trang chủ: https://hlouisfansub.blogspot.com/
Hình đại diện của thành viên
#2 - @387877
01/05/2015 14:54
Bang chủ đã trở lại và...ăn hại hơi xưa. :))
(Nokia c2-03)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
_______________
¤๖Tự kỷ thành thánh๖¤
o0oHoang tưởng thành thầno0o
♥ Thanh Xuân Bất Diệt ♥ Chấp Mê Bất Hối ♥
Tác phẩm của mình:
Pokemon-Hành trình của tôi
Hình đại diện của thành viên
#3 - @387878
01/05/2015 14:55
Trở lại với việc viết review. ^^
(Android)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
_______________
HLouis Fansub
Trang chủ: https://hlouisfansub.blogspot.com/
Hình đại diện của thành viên
#4 - @387898
01/05/2015 20:04
Quay về rồi à :))
(Android)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
_______________
Ngực to đập tan âu lo =))
Hình đại diện của thành viên
#5 - @387933
02/05/2015 13:32
Update Part 4
(Android)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
_______________
HLouis Fansub
Trang chủ: https://hlouisfansub.blogspot.com/
Hình đại diện của thành viên
#6 - @450007
26/08/2016 15:23
Sửa lại nhé!
(Android)
PM | Trích dẫn | Like bài viết | Sửa | Xóa | Báo cáo | Cảnh cáo
_______________
HLouis Fansub
Trang chủ: https://hlouisfansub.blogspot.com/
Trả lời nhanh

Chủ đề tương tự