Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi một nhóm hoạt động môi trường phi lợi nhuận - Center For Environmental Health - tiết lộ báo cáo vào ngày 4-7, cho biết PepsiCo tiếp tục bán sản phẩm soda có chứa chất hóa học 4-methylimidazole, còn gọi là 4-MEI, sau khi bang California đưa ra luật cấm.
Năm ngoái, chính quyền bang California đã kết luận đây là hợp chất gây ung thư.
Theo nhóm nghiên cứu, các sản phẩm Pepsi bán trong tiểu bang này đã được điều chỉnh về thành phần cho phù hợp với luật pháp địa phương, nhưng đồ uống bán ngoài bang California vẫn chứa 4-MEI hàm lượng cao - chất giúp tạo màu soda cho sản phẩm.
4-MEI thực chất là gì?
Đó là một hợp chất được hình thành trong quá trình sản xuất một số chất tạo màu caramel (màu nâu đường), được tìm thấy trong nước soda, bia, sữa đậu nành, bánh mì và cà phê, theo Văn phòng Lượng định nguy hiểm môi trường tiểu bang California (California Office of Environmental Health Hazard Assessment).
Dự luật 65 của bang quy định các nhà sản xuất phải gọi tên các chất độc hại và 4-MEI được liệt vào danh sách này vào năm 2012, sau khi "các nghiên cứu năm 2007 của Chương trình phòng chống độc học quốc gia của Mỹ cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với chất 4-MEI sẽ dẫn đến tăng nguy cơ ung thư phổi, được thí nghiệm trên chuột đực và cái".
Nhóm này cũng cho biết họ tìm được một lượng 4-MEI rất nhỏ (hoặc không có) trong nước ngọt Coca-Cola - hãng đã điều chỉnh chuyển sang sử dụng chất tạo màu caramel khác.
PepsiCo cho biết thêm các sản phẩm giảm nồng độ chất hóa học của họ sẽ bán ra trên toàn nước Mỹ bắt đầu từ tháng 2-2014.
Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều 5-7, PepsiCo phản bác: "Chúng tôi kiên quyết bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào về tất cả sản phẩm của PepsiCo được tiêu thụ ở mọi nơi là không an toàn. Tính an toàn của sản phẩm là điều ưu tiên hàng đầu của PepsiCo và chúng tôi tuân thủ mọi điều luật quy định ở bất cứ nơi nào mà chúng tôi hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi đáp ứng các nguyên tắc nghiêm ngặt của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khi các yêu cầu về pháp luật có thay đổi trong bang California, PepsiCo ngay lập tức thay đổi để thích ứng với quy định mới và để duy trì chuỗi cung ứng hài hòa, cũng như cam kết thay đổi trên toàn nước Mỹ và trong thị trường toàn cầu của mình".
Ngoài soda, Trung tâm Sức khỏe môi trường không tìm thấy nồng độ cao 4-MEI trong bất kỳ sản phẩm khác. Người phát ngôn Charles Margulis của nhóm lý giải một phần vì mọi người thường uống nhiều nước ngọt hơn sữa đậu nành hay các sản phẩm từ đậu nành khác như nước tương.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý liên bang vẫn chưa nghe gì về cảnh báo chất 4-MEI. Trong một email tuyên bố, FDA giải thích sự chênh lệch giữa luật của tiểu bang California với luật chung Hoa Kỳ về vấn đề này: "Dựa trên các thông tin sẵn có, FDA không có cơ sở để tin rằng đang tồn tại những mối hiểm họa tức thời hay ngắn hạn do 4-MEI nồng độ cao chứa trong thực phẩm gây ra, xuất phát từ việc sử dụng chất làm màu caramel".
Năm ngoái, người phát ngôn FDA Douglas Karas nói một người phải uống nhiều hơn 1.000 lon soda/ngày mới có thể mắc các hội chứng liên quan đến ung thư trong các loài động vật gặm nhấm. Cũng trong thời điểm đó, Hiệp hội Đồ uống Mỹ (The American Beverage Association) đã lên tiếng phủ nhận tác hại của 4-MEI.
Đến hôm nay, FDA cho biết hiện cơ quan này đang xem xét các tài liệu hóa học và mối liên quan đến căn bệnh ung thư để xác định "các điều luật điều chỉnh (nếu có) dành cho hợp chất này".
_________________ Facebook của Hưng
|