Kinh nghiệm luyện thi Đại Học khối A
Sau đây xin giới thiệu cho các bạn một số phương án ôn luyện thi của các thí sinh đạt điểm cao trong những năm trước
- Để có điểm cao trong kỳ thi đại học 2014 bạn cần chú ý tới việc phân bổ thời gian học của mình sao cho phù hợp, không nên chạy đua theo công việc học thêm, tuy rằng việc học thêm là cần thiết của học sinh cuối cấp, bạn cần có thời gian để học tập và nghiên cứu phương thức học tập của mình và có thể tiếp thu được các kiến thức mà minh đã học. việc học thêm quá nhiều khiến cho bạn không thể có thời gian để tiếp thu, ghi nhận kiến thức và nhanh chóng xảy ra tình trạng học trước quên sau.
- Việc tập trung ôn luyện đề thi đại học cần chuyên sâu, không nên chạy theo số lượng mà bạn cần tập trung vào chính những bài của bạn, những đề thi đã làm, cần phải làm nhuần nhuyễn các dạng toán đó, sau khi làm xong kiểm tra lại bài của mình xem những chỗ sai và tìm cách sửa lỗi, tránh lập lại lỗi cũ khi làm bài
- Cách chọn đề thi làm bài : ưu tiên các mẫu đề thi của Bộ giáo dục, những đề thi đại học của các năm. các đề thi đại học hay thpt của các trường tuy có danh tiếng nhưng vẫn mắc phải nhiều lỗi
Mẹo làm đề thi trắc nghiệm. Đề thi trắc nghiệm của bộ giáo dục và đào tạo ra luôn luôn có đáp án là : 25% đáp án A, 25% đáp án B, 25% đáp án C, 25% đáp án D. Nghĩa là môn Lý và Hóa có 60 câu ( Nhưng bạn chỉ có thể được đánh 50 câu, vì 10 câu là câu lựa chọn ) sẽ có 15 câu đáp án A, 15 câu đáp án B, 15 câu đáp án C, 15 câu đáp án D. Cái này mã đề nào cũng thế nên bạn có thể căn cứ vào đó để đánh bừa và ước lượng đáp án. Ví dụ lúc cuối muốn đánh bừa thì bạn thấy số đáp án nào ít nhất thì đánh bừa hết đáp án đó. Nếu bạn nào thi tiếng anh thì rất dễ, vì tiếng anh có 80 câu và bạn được khoanh hết cả 80 câu đó, và sẽ có 20 câu đáp án A, 20 câu đáp án B, 20 câu đáp án C, 20 câu đáp án D. Nên nhớ là quy luật này luôn đúng đối với các đề được bộ giáo dục ra nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
Sau đây mình xin đi vào từng môn cụ thể
1.Kinh nghiệm luyện thi đại học môn Toán
Tài liệu : về bộ môn này thì ý kiến cho rằng chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, sách bài tập thôi là hoàn toàn đúng. Thực tế bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập có rất nhiều bài khó, nhưng hay bị người ta coi thường, hoặc đã xem rồi những quên mất. Vấn đề của người học lại được lặp lại là hay quên. Chính vì vậy đối với bộ môn toán, nếu chỉ cần được 8 điểm thì bạn chỉ cần làm đi làm lại những chuyên đề hay thi ( đồ thị hàm số, giải phương trình, tích phân,… ) trong sách giáo khoa và sách bài tập, làm đi làm lại cho tới khi nào không quên thì thôi, như thế là ok. Bạn không cần quá nhiều sách tham khảo ( lưu ý là điều này không đúng đối với 2 bộ môn Lý và Hóa )
Luyện đề : Môn Toán này có đặc điểm khác với những môn trắc nghiệm nên việc các bạn luyện nhiều đề cũng sẽ không có nhiều tác dụng bằng việc các bạn nên phân tích đề thi của bộ giáo dục vào chia thành từng chuyên đề một để ôn. Việc học theo từng chuyên đề sẽ có tác dụng rất quan trọng. Việc tập giải đề đơn giản chỉ là để làm quen với cấu trúc đề thôi. Về cấu trúc đề thi môn toán hay ra vào phần nào thì các bạn sẽ được tham khảo ở bài viết sau
2.Kinh nghiệm luyện thi đại học môn Lý
Bạn nên nhớ một điều rằng môn Vật Lý thi trắc nghiệm với thi tự luận sẽ rất khác nhau. Thi trắc nghiệm sẽ không thể có những bài tập khó, những bài biến đổi lằng nhằng mà chỉ có những bài tập đơn thuần, không quá khó, công thức biến đổi cũng không quá phức tạp. Nhiều người cứ bảo ôn trắc nghiệm trên cơ sở nắm chắc tự luận, cái đó là không đúng trong môn Lý.
Tài liệu : Bạn nên ôn luôn dựa theo đề thi nhưng chủ yếu là đề thi các năm. Sưu tập đề và cả đáp án giải chi tiết nữa, có nhiều cuốn sách có đáp án giải chi tiết của những đề thi, đặc biệt là giải chi tiết những đề thi của những năm trước. Bạn học xong chương nào thì lấy đề ra tìm những câu chương đó giải luôn, không làm được thì xem đáp án rồi suy ra dần. Nên nhớ là cứ ôn theo đề và làm đi làm lại. Làm một đề nào đó, một thời gian sau lại lấy ra làm lại.
Nên nhớ rằng bạn không nên ôn bài tập tự luận. Chỉ nên ôn theo các đề như mình nói ở trên, nhưng nhớ phải có đáp án giải chi tiết đấy nhé. Đặc điểm của môn Lý là phần lý thuyết nhiều khi hỏi hơi khó chịu, nghĩa là ngòai việc bắt người học phải hiểu ra, nhiều câu lý thuyết nó còn bắt bẻ câu chữ nữa. Nên khi học nếu có thời gian thì mình học thuộc sách giáo khoa cũng được. Còn phần bài tập thì rải rác các chương nhưng chủ yếu là tập trung vào phần giao động và phần hạt nhân là nhiều nhất
3.Kinh nghiệm luyện thi đại học môn Hóa
Với môn Hóa thì lại khác, thi tự luận và thi trắc nghiệm sẽ không khác nhau là mấy. Có nghĩa là thời gian đầu bạn nên ôn tự luận trước để hiểu rõ, nắm chắc kiến thức.
Bạn nên mua một số quyển bài tập tự luận, hoặc những đề thi tự luận nào đó để luyện tập làm. Không làm được thì xem giải. Đặc điểm của bộ môn hóa là người học chỉ cần chăm là học được không cần IQ phải cao. Bởi vì môn hóa bài tập lặp đi lặp lại khá nhiều. Bạn chịu khó kiên trì luyện bài tập tự luận một thời gian chắc chắn bạn sẽ thấy kiến thức rất chắc chắn. Chỉ cần làm theo công thức làm, không làm được thì xem giải rồi làm tiếp. Cứ kiên trì như vậy là ok
Sau quãng thời gian luyện tự luận sẽ là quá trình giải đề, tất nhiên là giải càng nhiều càng tốt, tuy nhiên vẫn nên nhớ hai điều là nên bám sát vào đề thi đại học những năm trước hơn là các đề thi thử và nên làm đi làm lại đề thay vì làm quá nhiều
Kinh nghiệm luyện thi đại học khối B
Để đạt kết quả thi tốt khối B: (toán, hóa, sinh); các thầy cô ở trung tâm luyện thi đại học Tân Việt lưu ý thí sinh không nên chú tâm vào những bài khó mà nên làm trước các bài cơ bản.
MônToán: Tuân thủ phương pháp làm bài “dễ trước, khó sau”
(Thầy Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng)
Trước khi làm bài thi môn toán, thí sinh cần đọc kỹ đề, xác định làm bài trên barem điểm theo năng lực của mình (điểm 10, điểm 9, điểm 8…). Trên barem điểm đã chọn, sắp xếp lại thứ tự từ câu dễ, câu trung bình và câu khó. Thí sinh nên tuân thủ chiến lược làm bài này bởi câu dễ làm sai, không đạt được điểm tối đa thì khả năng trượt ĐH rất lớn.
Với toán tích phân, thầy Phương cho rằng, đề thi chủ yếu ra theo dạng đổi biến số của lượng giác; tích phân từng phần; ứng dụng tích phân để tính diện tích, thể tích. Thí sinh cần nắm vững các đặc trưng của nó như: đổi biến số thì phải đổi cận, đổi vi phân, đổi hàm số. Tích phân từng phần thì nắm vững công thức, ứng dụng thì phải biết kỹ năng vẽ hình và ứng dụng công thức hợp lý.
Về phương trình lượng giác, thí sinh nên chú ý sử dụng công thức hạ bậc, góc nhân đôi, góc nhân ba, biến đổi tích thành tổng, biến đổi tổng thành tích để đặt thừa số chung. Kinh nghiệm về mặt ra đề thi cho thấy, người sáng tác đề thi đều lấy các biểu thức lượng giác bậc thấp nhân với nhau, rồi khai triển để làm biến đổi hình thức ban đầu.
Nhiều thí sinh bỏ qua các câu hỏi phụ vì cho rằng rất “lạ”. Thầy Phương cho biết, các câu hỏi phụ đòi hỏi vận dụng nhiều kiến thức hơn, có thể thí sinh không hiểu đầu bài, hoặc không chuyển được ngôn ngữ của đề bài sang các mệnh đề toán học. Đó là khâu yếu của học sinh.
Môn Hóa: Nắm chắc lý thuyết
(Thầy Lê Anh Lực, giáo viên Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Sài Gòn tri thức)
Nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là các em phải nắm chắc được phần lý thuyết trong sách giáo khoa. Khi nhận được đề thi, các em nên đọc lướt qua đề và làm những câu hỏi trong khả năng của mình trước, tuyệt đối không nên làm lần lượt từ trên xuống.
Đề thi ĐH, CĐ môn hóa học thường chia đều số lượng câu hỏi lý thuyết và câu hỏi tính toán. Đối với loại câu hỏi lý thuyết, các em cần đọc kỹ đề bài và lướt qua phần đáp án A, B, C, D. Nếu có kiến thức về câu hỏi đó, chắc chắn các em sẽ loại trừ được 1-2 đáp án sai. Đối với loại câu hỏi tính toán, cần đọc kỹ đề, nhận định đúng dạng bài tập và phương pháp giải dạng bài tập đó. Các định luật (định luật bảo toàn electron, bảo toàn điện tích, bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố…) và các quy tắc (quy tắc đường chéo, quy tắc…) giúp ích rất nhiều cho các em đối với loại câu hỏi này. Cần lưu ý viết và cân bằng phản ứng chính xác.
Các em cần lập một chiến lược làm bài thi cho riêng mình (phụ thuộc vào kỳ vọng đạt bao nhiêu điểm của mỗi em). Ví dụ, muốn đạt 6 điểm thì nên tập trung vào những câu hỏi lý thuyết, những câu hỏi tính toán đơn giản. Không nên quá sa đà vào những câu hỏi phức tạp, chỉ nên quan tâm tới những câu hỏi này khi còn thời gian.
Trắc nghiệm môn Sinh: Chú ý các câu “cài bẫy”
Ths. Võ Quốc Hiển (Giảng viên khoa Công nghệ sinh học trường ĐH Phương Đông - Hà Nội)
Môn này thi theo hình thức trắc nghiệm nên TS cần ghi nhớ các quy định khi làm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, cần đọc kỹ để xác định đúng câu hỏi, gạch chân các từ "đúng", "sai", "không"... vì có rất nhiều "bẫy" trong phần này. Nếu đọc không kỹ chắc chắn sẽ dễ "sập bẫy".
Với câu hỏi yêu cầu tìm phương án "đúng", khi chưa xác định được chắc chắn câu trả lời, TS nên dùng phép loại trừ các câu sai để chọn đáp án chính xác và ngược lại, loại trừ các câu "đúng" để tìm một câu "sai" phù hợp với đề.
Với những câu vận dụng tính toán, giải bài tập thì làm nháp nhanh và không cần qua các bước như bài tự luận. Chú ý học thuộc một số công thức cơ bản để giải nhanh và chính xác.
Khi chuyển các câu đã làm từ đề thi sang phiếu thi, phải hết sức cẩn thận để tránh nhầm lẫn, tô kín ô tròn (để máy quét không bỏ sót). Các câu còn lại nếu không kịp thời gian xác định đáp án thì tốt hơn cả nên áp dụng xác suất theo linh cảm đúng của mình.
Trên đây là những ý kiến, kinh nghiệm được tổng hợp từ trong việc ôn thi đại học khối A. Chúng tôi rất mong bài viết này sẽ đóng góp một phần nào đó trong việc giúp các sỹ tử ôn thi thành công