Làng game Việt hiện nay có vẻ như đang khá nhốn nháo khi nhiều nhà phát hành đang sử dụng thành ngữ “núp bóng quan lớn” như một kim chỉ nam nhằm có thể đạt được mục đích của mình.
Với bất cứ tựa game nào chuẩn bị được ra mắt , nhà phát hành cũng sẽ phải tìm mọi cách để quảng bá, câu kéo người chơi. Nếu trước đây, trào lưu “sexy và scandals” được coi là thời thượng khi sử dụng những cô nàng PG, hotgirl khoe da khoe thịt thì dường như phương pháp sử dụng “hàng nhái, hàng giả” đánh lừa game thủ đang được ưa chuộng hơn trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay.
Đáng chú ý là các phương pháp “đánh lận con đen” được sử dụng từ những nhà phát hành “private” cho đến cả những thương hiệu lớn. Mới đây thì MCCorp, nhà phát hành game rất có uy tín ở phân khúc gMO (Game Online trên di động) đã bị cộng đồng lên án kịch liệt khi đem game sắp phát hành của mình ra “nhái” hoàn toàn từ icon, trailer, teaser cho đến tên gọi với Liên Minh Huyền Thoại. Ngay cả cái tên Liên Minh Huyền Bí cũng được đặt nhằm mục đích tạo cảm giác đây là một game “anh em” với GO đang là thành công nhất ở Việt Nam.
Cũng nhân sự kiện “gạch đá đang được ném ầm ầm cho MCCorp”, chúng tôi sẽ điểm lại những vụ scandal “hàng nhái” gây tranh cãi nhất tại Việt Nam trong thời gian qua.
1) Gunbound, Gunny, iGà, Teen Teen và… câu chuyện của những cái tên
Thuở làng game Việt còn ở giai đoạn sơ khai, Gunbound chính là một trong những GO được coi là kinh điển bậc nhất với rất nhiều kỷ niệm in sâu trong tâm trí game thủ. Theo thời gian, tựa game này cũng đã thoái trào và ra đi lặng lẽ.
VNG đã từng phải khởi đăng thông cáo báo chí yêu cầu Soha Game hạ tất cả thông tin so sánh giữa iGà và Gunny
Xuất hiện sau nhưng không thể phủ nhận Gunny cũng đã giúp đưa thể loại game bắn súng tọa độ lên một tầm cao mới với thế mạnh lớn từ nền tảng webgame.
Dẫu có thành công rực rỡ nhưng không thể phủ nhận biểu tượng “Gà Vàng” dễ thương luôn gắn với Gunny cũng là hình ảnh đã từng gắn bó với những newbie của Gunbound và điều này cũng phần nào gián tiếp mang đến thành công cho tựa game này.
Xuất hiện sau trên điện thoại, sản phẩm iGà của Soha Game lập tức nhận đây là sản phẩm có cấu trúc, lối chơi, hình ảnh tương tự so với Gunny và tạo mọi cách để khiến game thủ liên tưởng càng nhiều càng tốt. Chính điều này đã làm cho VNG phải lên tiếng đề nghị Soha Game phải tháo gỡ mọi hình ảnh liên quan.
iGà thành công thì đến lượt… Teen Teen “ăn theo”
Vòng quay luẩn quẩn lại tiếp diễn khi iGà cũng khá thành công và thế là Teen Teen của NPH VTC Online cũng nhảy vào với việc mượn danh iGà khi mà trên cổng Google Play, người dùng tải game iGà nhưng lại được hô biến trở thành… Teen Teen.
2) Chuyện anh em “cùng cha khác… ông nội” Tam Quốc Truyền Kỳ
Chắc hẳn cộng đồng game thủ Việt chưa thể quên những sự cố “dở khóc dở cười” với Tam Quốc Truyền Kỳ – SLG Game khá thành công tại thị trường Việt vào năm 2011.
Tam Quốc Truyền Kỳ II đã biến mất khỏi làng game Việt
Vào đầu tháng 03/2012, trên một số trang mạng và diễn đàn chuyên game Việt Nam bỗng xuất hiện thông tin webgame Tam Quốc Truyền Kỳ II cập bến Việt Nam. Tựa game này được quảng cáo là phiên bản thứ hai của Tam Quốc Truyền Kỳ. Không những thế, Tam Quốc Truyền Kỳ II còn sử dụng logo nhận diện thương hiệu và tên miền ăn theo Tam Quốc Truyền Kỳ nữa.
Tuy nhiên, thực tế thì nội dung hai trò chơi này lại hoàn toàn không có liên quan gì với nhau hết. Tam Quốc Truyền Kỳ 2 có tên gốc là Bát Tiên Phong Thần Truyện do công ty Thượng Ngoạn Gia (Trung Quốc) phát triển. Còn Tam Quốc Truyền Kỳ được phát triển bởi công ty Dovogame với tên gốc là WarFlow. Hai trò chơi này hoàn toàn không có liên hệ nào với nhau và thông tin này đã được đại diện đơn vị phát hành Tam Quốc Truyền Kỳ tại Việt Nam xác nhận điều này.
Mặc dù thương hiệu Tam Quốc Truyền Kỳ bị xâm hại nhưng đơn vị vận hành phiên bản Việt Nam của trò chơi này cũng đành phải “bó tay”. Nguyên nhân đơn giản bởi cả Tam Quốc Truyền Kỳ lẫn Tam Quốc Truyền Kỳ II đều được phát hành dưới dạng “Game quốc tế phiên bản Việt” vì chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam.
Scandal này sau khi lan rộng đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến cả hai tựa game, đặc biệt là anh chàng “Tam Quốc Truyền Kỳ” chính chủ. Anh chàng “hàng nhái” thì ôm được một ít khách hàng, kiếm được “một mớ” rồi cũng “cao chạy xa bay” và chưa thấy trở lại với bất cứ một phiên bản “người nhái” nào khác.
Còn nữa. . .