Bộ lịch Maya cổ
Trong video mới được công bố, các chuyên gia của Phòng Thí nghiệm động phản lực học thuộc NASA (NASA/JPL) giải thích tường tận những nghi ngờ lâu nay bằng thực tế quan sát được từ không gian. Từ đó, họ rút ra kết luận rằng sẽ chẳng có sự kiện hủy diệt trái đất nào giống như các tin đồn về khả năng tận thế như suy đoán từ lịch cổ của người Maya, theo Space.com.
Khi đề cập đến bộ lịch cổ trên, với ngày kết thúc đột ngột vào 21.12.2012, Don Yeomans, người đứng đầu chương trình Các vật thể gần trái đất của NASA/JPL, giải thích lịch của người Maya không ám chỉ rằng thế giới chấm hết vào ngày đó, mà đơn giản là chấm dứt một chu kỳ thời gian. “Giống như lịch hiện đại chấm dứt 1 năm vào ngày 31.12 và chu kỳ mới sẽ tiếp nối ngay vào ngày 1.1”, Yeomans ví dụ cụ thể.
[center]
Bão mặt trời còn lâu mới hủy diệt được nhân loại trên trái đất - Ảnh: Sarchi [/center]
Hành tinh sát thủ
Yeomans cũng xóa tan những nỗi lo sợ về khả năng một hành tinh có tên là Nibaru di chuyển chớp nhoáng xuyên qua Hệ mặt trời vào đúng thời điểm định mệnh chỉ để đâm vào trái đất đúng dịp tháng 12. “Hành tinh tưởng tượng trên được cho là đang tiến thẳng về địa cầu (theo người tin vào ngày tận thế), nhưng nếu nó đang đến thì chúng ta đã phải thấy nó từ lâu chứ. Và cứ cho là nó vô hình dưới một dạng nào đó, chúng ta ắt hẳn phải cảm thấy ảnh hưởng (trọng lực) của thiên thể này đối với các hành tinh láng giềng. Hàng ngàn nhà thiên văn học dõi mắt lên bầu trời mỗi đêm, làm sao lại không phát hiện ra sự lảng vảng của một hành tinh nào gần trái đất được?”, chuyên gia Yeomans nói. Khả năng hành tinh Nibairu xuất hiện cũng thấp ngang với chuyện từ trường trái đất đảo cực, nếu có ai nghĩ đến vấn đề này.
Bão mặt trời
Trong trường hợp những người đa nghi cho rằng các nhà khoa học như tại NASA cố tình che đậy vụ việc để ngăn chặn cơn hỗn loạn trên thế giới, ông Yeomans vặn lại rằng bầu trời không chỉ thuộc về giới khoa học của các chính phủ, mà những người không chuyên hoặc các chuyên gia độc lập vẫn theo dõi tất cả diễn biến. Về các cơn bão mặt trời, nhà khoa học NASA giải thích đúng là bão bùng ngoài không gian đang đổ xuống trái đất, nhưng đây chỉ là một phần chu kỳ hoạt động bình thường của mặt trời. Bức xạ từ các vết lóa trong khí quyển mặt trời có thể phá hủy vệ tinh, nhưng từ trường trái đất sẽ điều chỉnh nhằm bảo vệ cư dân địa cầu trước những đợt tấn công của tia vũ trụ, và những vết lóa này không gây hại đến sức khỏe con người, theo Yeomans.
Các hành tinh thẳng hàng
Một số người theo thuyết tận thế cũng cho rằng các hành tinh khác và mặt trời sẽ sắp thẳng hàng với trái đất vào tháng 12, như tình tiết trong phim Kẻ cướp mộ (Tomb Raider) do minh tinh Angelina Jolie thủ vai Lara Croft. Theo những người này, sự thẳng hàng của các hành tinh sẽ gây nên những hiệu ứng thảm khốc về triều cường, có thể nhấn chìm bề mặt trái đất bằng cơn đại hồng thủy, hoặc xé toạc các đại dương, gây động đất/sóng thần. Giả thuyết này nghe qua cũng có lý, nhất là khi một số nhà khoa học vừa đưa ra khả năng chính sự thẳng hàng của mặt trời, mặt trăng và trái đất, cùng với hiện tượng siêu trăng đã nhấn chìm con tàu Titanic cách đây tròn 100 năm. Chuyên gia Yeomans khẳng định đầu tiên là chẳng có hiện tượng thẳng hàng nào sẽ diễn ra trong tháng 12 tới. Thứ hai, chỉ có 2 thiên thể tác động được đến trái đất trong Hệ mặt trời là mặt trăng và mặt trời, nhưng chuyện thẳng hàng giữa chúng là quá đỗi bình thường, và hậu quả chỉ là khiến thủy triều trên địa cầu cao hơn thường lệ mỗi tháng.
Để tăng thêm phần trọng lượng cho những lời giải thích trên, chuyên gia Yeomans cho hay kể từ buổi bình minh của lịch sử loài người, không dưới hàng trăm ngàn giả thuyết được đưa ra từng dự đoán về sự lụi tàn của trái đất. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm, con người vẫn sống khỏe cho đến tận bây giờ để tiếp tục bàn chuyện về… ngày tận thế.