Nhà sản xuất pin sạc nào cũng tự hào về sức cạnh tranh sản phẩm của công ty mình về kiểu dáng, giá cả cũng như thời gian sạc. Nhưng họ không ngờ rằng phát minh gần đây của một nữ học sinh Mỹ có thể sẽ đánh bật các sản phẩm từ trước đến nay, khiến họ phải "đứng ngồi không yên". Nữ học viên đến từ California đã chế tạo ra một siêu tụ điện có thể sạc pin chỉ trong khoảng từ 20 đến 30 giây.
Siêu tụ điện là thiết bị lưu trữ năng lượng có vòng đời dài và có khả năng lưu trữ rất nhiều năng lượng trên một đơn vị thể tích. Nghe có vẻ "hoành tráng" nhưng thực sự điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Eesha Khare 18 tuổi đến từ Saratoga, California bắt tay vào cải tiến cho thiết bị này và đã thành công. Thiết bị sạc với tốc độ "chóng mặt", có thể kéo dài 10.000 chu kỳ gấp 10 lần chu kỳ của pin.
Trong cuộc phỏng vấn tại Hội chợ Khoa học và Công nghệ thế giới 2013 diễn ra vào tuần trước, Khare cho biết: "Các siêu tụ điện mà tôi phát triển sử dụng cấu trúc nano đặc biệt, cho phép lưu trữ rất nhiều năng lượng trong mỗi đơn vị thể tích". Trong hội chợ công nghệ lớn nhất thế giới này, có khoảng 1.600 thí sinh đến từ các trường trung học phổ thông trên toàn thế giới tham dự tranh giải, tổng trị giá lên tới hơn 4 triệu USD. Và Khare đã chiến thắng giải thưởng của Quỹ Intel dành cho Nhà khoa học trẻ với trị giá 50.000 USD. Với thành tích này Khare sẽ sở hữu "tấm vé" bước chân vào trường Đại học Harvard lừng danh do Google trao tặng.
Với sự hiện diện của công nghệ mới này, pin truyền thống có khả năng bị thay thế là khá cao. Không chỉ áp dụng cho điện thoại, thiết bị do Khare sáng chế hoàn toàn có thể sử dụng được với máy tính xách tay, xe điện và một số thiết bị điện tử khác khác. Vấn đề chỉ còn là thời gian.