TÊN ĂN TRỘM
Tác giả: Xuân Võ
Cũng từ sau đêm hôm đó, tôi lặng lẽ đi theo chị làm người canh chừng đầy nhiệt tình mà chưa từng vặn vẹo, lý do lý tứ thêm một lần nào nữa. Tôi là tên ăn trộm.
***
“Cướp!... Cướp!...”
Tôi thả phịch bó rau xuống đất, lách nhanh giữa đám đông đang dáo dác bởi tiếng la cảnh báo đột giữa chợ, lao nhanh theo tên móc túi. Chợ đông, chen chúc bao kẻ mua, người bán làm bước chân tôi cứ líu quíu, luýnh quýnh cả lên. Người đuổi đã khổ, kẻ chạy cũng không mấy suôn sẻ, coi bộ chỉ chực ngã dúi dùi xuống đất.
Cuối cùng, tôi cũng tóm được thủ phạm với đầy đủ tang vật trong tay. Một cậu nhóc độ hơn mười tuổi, gầy tọp run rẩy trước mặt tôi chừng co rúm lại. Ánh mắt hãy còn trong veo ngước nhìn khổ chủ như van lơn.
đứa trẻ đáng thương
Vài người đi chợ dừng lại lớn tiếng chửi mắng “Đồ con nít mới mở mũi mà đã biết ăn trợm rồi đó nợ, kiểu ni khi lớn lên có mà thành quân cướp của giết người mất”, “Đánh cho hắn trận cho hắn chừa cái thói trợm cướp”, “Tống đầu hắn vô tù cho chừa”, “Báo công an chưa?”,…Chưa đầy một phút, cả góc chợ huyên náo hẳn lên, hàng trăm hàng nghìn ánh nhìn đều đổ dồn cả về phía tôi và cậu bé. Bao nhiêu sự đồng cảm với tôi thì có gấp bấy nhiêu chục lần sự sĩ vả, lăng mạ đổ lên đầu cậu bé mà tuổi mới lấp kín mấy đầu ngón tay trên đôi bàn tay của mỗi người. Có bà béo phị thản nhiên hắt lên đầu tên trộm oắt con ly trà uống dỡ.
Tôi chao đảo nhìn đám đông vây quanh mình đang lớn dần lên rồi nhìn cậu bé móc túi và một ý nghĩ lờ mờ không rõ ràng lờn vờn trong đầu. Hình như mình vừa làm gì đó không đúng thì phải. Một tay, tôi ôm chặt lấy vai thằng bé, tay kia nhọc nhằn tách vội lối đi vấp váp luồng ra khỏi đám đông.
Đối tượng để bao con người to lớn trút lên đó cơn bực dọc vì vừa bị mua hớ mớ hàng, lỡ mối “mi xưa” hay chỉ đơn giản là trò hề miễn phí giữa chợ của một ngày đẹp trời bất ngờ được chính kẻ níu nó lại giải thoát làm họ ngớ đi hết mấy giây. Dăm người cụt hứng bỏ đi cùng cái cười mai mĩa nhưng cũng lắm bộ não còn tò mò lần theo xem sao.
Hai tên đào tẩu mà trong đó tôi là bất đắt dĩ, vòng qua cổng chợ, men theo con hẽm nhỏ thoát ra ngoài đường lớn, đáp chân tại quán nước mía lụp xụp bên vỉa hè. Thằng bé hổn hển nốc cạn ly nước mát lạnh rồi thở phù mệt nhọc ngước mắt nhìn tôi “Con đói quá cô ơi!” Tôi lật đật chạy sang bên kia đường bê về tô bún còn nghi ngút khói thơm lừng rồi ngồi nhìn thằng bé ăn ngon lành mà nghe dòng ký ức rần rần ùa về trong tim. Chẳng phải, tôi đã từng là tên ăn trộm như cậu bé này hay sao. Trước mặt tôi, hình như đang hiện hữu một cô bé Lan của hơn hai mươi năm về trước.
Nhà tôi lúc đó nghèo lắm, ba má quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn thiếu trước hụt sau. Anh em tôi vì thế mà chẳng mấy đủ đầy, đến cơm trắng còn thèm đau thèm đớn còn không đủ ăn cho no, cho thỏa thích thì lấy đâu mơ đến kẹo bánh, quà vặt. Vốn là đứa dễ nuôi, thỉnh thoảng má lại gởi tôi về bên ngoại để con được no cơm. Dần quen, tôi hết ở nhà này đôi bữa lại sang nhà kia, miễn sao được ăn cơm, được ngủ và không bị đuổi là ổn.
Trong dãy dãy ký ức đi ở lang của tôi, có một góc nhỏ dành riêng cho bao ngày tạm cư cùng chị (người mà tôi vẫn quen xem như chị Hai của mình) trong ngôi nhà tình nghĩa của nội để lại bên sông. Chị là đứa con lớn và duy nhất của cô tôi. Cô, dượng theo đoàn dân công vào núi và vĩnh viễn không quay về. Chị lớn lên cùng con nước lớn nước ròng, cùng đôi rãnh khoai sau vườn mà vị đất quánh đặt mùi nước lợ.
Nội tôi mất khi chị mới lên mười. Chị vẫn côi cút bên sông cùng hai chú của tôi, những gã trai còn mê chơi hơn cả về nhà. Ngày qua ngày, ngoài một buổi đến lớp, chị bám sông, bám ruộng phụ cậu kiếm cơm vào nồi, góp tiền học phí. Đôi bữa, má gởi thêm cho chị lon gạo, lít dầu, túm khoai khô, vài quyển vở, mấy đồng bạc nhốm mồ hôi.
Mấy hôm, chị ghé qua ngang chở tôi về chơi với chị. Tôi mừng hú, cuốn vội bộ áo quần cắp nách chạy theo. Ngôi nhà bên sông lồng lộng gió, tiếng lá dừa nước lạo xạo như hát ru cả ngày. Nhưng tôi mê nhất là được đi nò cùng chị mỗi nhá nhem.
Chiều, chị lôi xô đèn trong góc nhà ra húy hoáy lau chùi. Tôi tò mò chống gối đứng nhìn. Mớ đèn được làm từ mấy cái chai thủy tinh bị cắt bỏ phần cổ nhỏ bên trên trông hay phải biết mà tôi tha hồ xách chạy lơn tơn ra ngoài gió vẫn không sợ tắt. Thứ đèn sẽ thức suốt đêm trên sông đánh lừa lũ tôm cá tự chui đầu vào nò để mắc kẹt luôn ở đó.
Khi tất cả đèn được thắp lên là lúc tôi lật đật hạ tấm liếp cửa, vác cây dầm con con chạy nhanh ra bến. Tôi được ngồi đằng mũi, thọc cây dầm xuống nước khuấy liên hồi. Hai nhìn tôi cười tươi roi rói “Bơi chị lạ rứa nàng, nhìn chị bơi mà bơi theo nì.”
Bơi chán, tôi thả dầm, quay lưng để cả người lọt gọn lỏn trong khoang mũi, hai chân buông vắt vẻo ngoài be ghe. Mặt đối mặt với Hai, tôi hát nghêu ngao. Chị cũng hát, tiếng hát của cô gái mười lăm trong veo, thanh thoát trôi dài một khúc sông. Phía sau dãy núi xa tít, mặt trời đỏ ối như mai rạm nướng chìm dần, chìm dần.
Thấp thoáng, một vài ngọn đèn đã được treo lên như những con mắt ti hí ngầu đỏ của loài thủy tộc ăn đêm trong câu chuyện ngoại kể hôm nào. Trời tối nhanh phủ lên mặt sông màn đêm lấp loáng. Dăm câu hò, vài điệu ba lý hay tiếng í ới gọi nhau trò chuyện đánh thức cả dòng chảy êm ả.
Chị hì hụi cắm hết cái nò này lại lần sang que nò khác kiên nhẫn, tỉ mẩn. Khi tất cả nò được cắm xuống, đèn treo lên lay lắt, chị quay nhìn tôi hỏi nhỏ “Đi chở nước với chị nhe?” “Trời! đi chở nước mà phải bí mất rứa à?” Chị cười bí hiểm “Muốn đi thì phải im lặng, không được nói lớn, đi khẽ, đặc biệt chặp nữa phải đứng canh cho Hai, hễ có người đến là kêu chị liền rồi chạy nhanh xuống ghe, rõ chưa!”
Tôi răm rắp làm theo lời chị mà chẳng hiểu gì cả. Chiếc ghe sè sẹ tấp vào một bến lạ, tối om om. Chị buộc vội dây ghe vào túm lát rồi bước lên bờ. Tôi lò dò bước theo “Hai ơi! Răng Hai không quảy theo gàu?” “Suỵt! im! Bé đứng ở đây canh chừng nghe không, có người là kêu Hai liền hỉ”. Vừa sợ ma, vừa hồi hộp vì những điều trọng đại bí ẩn sắp diễn ra khiến toàn thân tôi cứ run lên như cầy sấy. Chị lụi bụi chạy sâu vào trong bờ mất một lúc mới trở ra cùng mớ đồ lùng bùng trên tay. “Đi thôi!” Tôi thót lên ghe nhanh chóng. Bơi hết một đoạn khá dài mới nghe tiếng chị thở ra đánh thượt, giọng giòn tưng “Đi chơi dui không nhóc?” “Mô phật! Hai để em đứng một mình, sợ ma muốn chết mà dui dẻ nổi chi ác rứa”. Hai cười rộn rã làm tôi cũng vui lây “Nhỏ biết lúc nãy chị em mình đi mô không? Đi ăn trợm đó nàng ngớ nợ!” “Ăn trợm?” Tôi hốt hoảng lặp lại rồi buông dầm nghe toàn thân bủn rủn. Tôi không nói, chị cũng không hỏi gì thêm mà say sưa hát về tới nhà.
Tôi theo chị ra bếp, ngọn đèn dầu lay lắt chút hơi nóng mỏng manh. Chị hí hửng “xử lí” mớ “chiến lợi phẩm” vừa thu được. Một ít đậu phụng, vài trái thơm vừa già tới, buồng chuối còn xanh ngắt mà mủ chảy dài từ cuống. Tất cả đều được cất gọn gàng vào buồng.
Hôm sau, tôi được chén một bữa đậu hả hê mặc dù phải trốn chui trong bếp.
Cách dăm hôm, chị lại rủ tôi đi nò lần. Nó lần là một sở nò nhỏ, nằm sâu trong hốc. Do đó, việc đặt, đổ nò không nhất thiết phải dùng ghe như nò lớn trên sông. Đêm đó trăng non, chị em tôi quyết định dắt tay nhau tản bộ dọc bờ đê xuống nò. Con đê ngăn sông với đồng mà người dân quê đắp bằng cả mồ hôi, nước mắt hằng bao năm trời. Bên trong đê, ruộng lúa xanh mơn mởn, vài hàng khoai trên mấy thửa ruộng khô sắp đến ngày cho thu hoạch cũng cố vươn lên hứng những giọt sương đêm mát dịu.
“Đứng im đây chờ chị một chút nghe?” Nói rồi, Hai lôi từ trong xô đèn ra một cái bao lát con con, xoắn quần lom khom dò bước về phía mấy hàng khoai. Chị đi ăn trộm, lần này thì tôi đã biết. Tôi dáo dác cặp mắt non tơ ngó hết bên này lại dòm bên kia. Sao hôm nay Hai mần lâu quá chừng lâu làm rôi run muốn xỉu tại chỗ. Cuối cùng, chị cũng ra hiệu cho tôi rút lui, mọi việc đã xong.
Đi độ một đỗi bờ đê, tôi phát hiện có người đi nò muộn. “Hai! Hai!” tôi líu lưỡi “Có, có người”. Chị kéo tôi nằm dài dưới mép đê, thấp thỏm chờ đợi. Bóng người đổ dài trên mặt đê đen ngoàm lướt nhanh trước mặt chị em tôi. Tôi thở phù, nằm bật ngửa trên thảm cỏ mát rười rượi, hướng ánh nhìn lên vầng trăng cong cong như lưỡi liềm “Răng phải đi ăn trợm chi rứa Hai? Ba má nói ăn trợm là không tốt Hai nợ.” Chị trở mình nằm lặng lẽ bên tôi, giọng nghe buồn lắm lắm “Chị biết, nhưng nếu chị không làm ri, ngày mai chị sẽ bị đói, nhà hết gạo rồi mà chị thì không có ba má như em”.
Tiếng gà gáy te te ngoài bụi tre, chị đã thức giấc tự bao giờ. Tôi khật khưỡng bước thấp bước cao xuống bếp đã thấy nồi khoai nóng hổi tỏa ra luồng khói thơm nức. Chị gói vội một củ thật to vào tàu lá chuối khô ra ngõ đứng đợi. “Hân! Ăn củ khoai cho ấm bụng rồi đã đi nò, tau mới trồng tối qua đó”. Chị Hân nhìn Hai tôi cười thay lời cảm ơn. Chị Hân là con nuôi của chú thím Hai. Nhà chú thím nghèo chẳng kém gì nhà tôi, lại đông con. Vì vậy, bữa sáng với chị Hân là chuyện hi hữu. Chị lại phải làm quần quật từ sáng đến trưa nên củ khoai nóng trên tay Hai tôi lúc đó thật ý nghĩa.
Cũng từ sau đêm hôm đó, tôi lặng lẽ đi theo chị làm người canh chừng đầy nhiệt tình mà chưa từng vặn vẹo, lý do lý tứ thêm một lần nào nữa. Tôi là tên ăn trộm.
Rồi chị rời bến lên núi sống cùng mấy chú của tôi. Nhà tôi về bên bến giữ gìn, hương khói chút gốc rễ nội để lại. Lòng tôi vẫn nhớ đau đáu những bữa “đi nò” cùng chị. Tôi thèm được làm tên ăn trộm bên chị thêm một lần nữa.
Tôi lớn lên, cuộc sống mưu sinh kéo dài khoảng cách giữa tôi với bến sông quê dào dạt hôm nào. Cả tôi và chị đều đã yên bề gia thất. Con bé “trộm vặt” năm xưa đi vào ký ức, để sáng nay dần dật ùa về trên gương mặt non tơ của cậu bé đang hùm hụp húp sạch tô bún trước mặt tôi lúc này. Cậu bé vừa thò tay móc từ túi tôi ra tờ năm trăm ngàn xanh mướt.
“Con cảm ơn cô! con phải đi đây.” Cậu bé đứng dậy, vội vã quay đi. “Con đi mô bây chừ?” “Con đi tìm mẹ!” “Tìm mẹ?” Thằng bé ngần ngừ một chút ra chiều suy nghĩ. Xem chừng, tôi cũng là người đáng tin, nó ngồi lại ghế, mặt cuối gằm xuống đất “Ba mẹ con li dị lâu rồi. Ba có vợ khác nên không thương con nữa. Ba bận chăm sóc mẹ hai với em Ti. Con trốn nhà đi tìm mẹ, con nhớ mẹ. Con nghe mẹ hai nói mẹ con ở gần đây nhưng con tìm hoài mà không thấy. Con đói quá nên mới làm liều, cô tha lỗi cho con, nghe cô!”
Tôi ngỏ ý đưa thằng bé về nhà. Nó đứng lặng im lâu thật lâu rồi gật đầu đồng ý “Cô đứng nói với ba con đã ăn trộm nghe cô, ba đánh con chết mất”.
Người đàn ông độ ba bảy, ba tám tuổi ra mở cửa. Ngôi nhà hai tầng khang trang, sân vườn đẹp đẽ, chiếc ô tô màu ghi bóng loáng bên thềm. “Cô tìm ai?” Thằng bé lừng khừng bước tới. “À! lại là cái thằng mất nết ni, mi lại gây họa nữa rồi chứ chi”. Bàn tay giơ lên chực vụt vào đôi má non tơ của đứa trẻ. Tôi ngăn vội “Không! Thằng bé con anh ngoan lắm. Nhờ cháu mà em mới tìm lại được cái ví bị đánh rơi trong chợ. Em đưa cháu về nhà để trực tiếp cảm ơn gia đình đã nuôi dạy cháu bé tốt thế này.”
Tôi quay về mà lòng buồn não nuột. Ngày xưa, tôi và chị ăn trộm vì thiếu đói, vì bố mẹ không thể lo nổi bữa cơm cho con. Bây giờ, cậu bé đang sống trong nhung lụa nhưng vẫn phải ra chợ móc túi. Nó đi tìm chút tình thương bị cướp mất.