10. Kê Khang (嵇康)
Kê Khang, tên chữ là Thúc Dạ (叔夜), người huyện Chí (銍), quận Tiêu (譙) (nay là huyện Túc tỉnh An Huy), là nhân vật lãnh tụ trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” (竹林七賢). Kê Khang chính là một nhà tư tưởng, một thi sĩ và một nhạc sĩ nổi tiếng của thời Nguỵ mạt (thời kỳ Tam quốc), đây còn là một nhân vật đại diện cho trường phái huyền học đương thời. Kê Khang mồ côi cha từ bé, nhưng nhân cách đáng kính hơn người: lòng thẳng thắn cương trực, cần mẫn học hành và có chí hướng của chim hồng chim hộc. Sau Kê Khang cưới cháu của Tào Tháo (con gái của Tào Lâm) làm vợ. Khi họ Tào vẫn đang nắm quyền thì Kê Khang đã làm quan đến chức Trung tán đại phu.
Kê Khang là một tác gia rất hiếm thấy của Trung Quốc cổ đại, vừa tinh thông văn học, huyền học và âm nhạc, lại vừa anh tuấn, phong độ. Người ta đã hình dung về Kê Khang như sau: “uy phong như con rồng, tư thái như con phượng, thiên chất rất tự nhiên” (龍章鳳姿,天質自然:Long chương phụng tư, thiên chất tự nhiên). Sử chép rằng, Kê Khang “thân cao bảy thước tám tấc, phong thái cao nhã, những người gặp chàng đều khen rằng: phong độ tự nhiên, sảng khoái rất mực, cử chỉ thanh thoát. Hoặc bảo rằng: Phong độ như ngọn gió dưới tàn thông, thanh cao mà từ tốn”. Để minh chứng cho nhận định này là một câu chuyện sau: một lần Kê Khang vào rừng sâu hái thuốc, có một tiều phu trông thấy bèn ngờ chàng là thần tiên hạ phàm, chỉ vì phong thái của Kê Khang quả thực chẳng thể nào nhầm lẫn với người thường được.
Kê Khang rất yêu thích âm nhạc, trong bài tựa “Cầm phú” (琴賦), chàng nói rằng: “Từ nhỏ ta đã yêu thích âm nhạc rồi, khi lớn lên thì tìm tòi học tập, bởi lẽ rằng vật có lúc thịnh lúc suy nhưng riêng âm nhạc thì không hề thay đổi; mùi vị có thể ngấy nhưng âm nhạc thì không chán” (余少好音聲,長而習之,以為物有盛衰而此無變。滋味有厭Br />??而此不倦:Dư thiếu háo âm thanh, trưởng nhi tập chi, dĩ vi vật hữu thịnh suy nhi thử vô biến. Tư vị hữu yếm nhi thử bất quyện). Đối với đàn và nhạc truyền thống lẫn đương đại, Kê Khang đều rất quen thuộc, điều này có thể thấy được trong bài “Cầm phú” của chàng.
Theo ghi chép của Lưu Tịch trong “Cầm nghị” (琴議) thì, Kê Khang đã học được “Quảng Lăng Tán” (廣陵散) từ con trai của Đỗ Quỳ (杜夔) là Đỗ Mãnh (杜猛). Kê Khang rất thích nên thường xuyên đàn khúc nhạc này, đến nỗi có rất nhiều người đến xin học nhưng chàng nhất quyết không truyền lại. Sau khi dòng họ Tư Mã lên nắm chính quyền, chàng không muốn hợp tác vớI kẻ thống trị mới này, bèn cùng Nguyễn Tịch (阮藉), Hướng Tú (向秀), Sơn Đào (山濤), Lưu Linh (劉伶), Nguyễn Hàm (阮咸), Vương Nhung (王戎) kết làm “Trúc lâm thất hiền”, đối kháng với dòng họ Tư Mã. Sau bị họ Tư Mã sát hại, khi mất chỉ mới bốn mươi tuổi. Trước khi hành hình chàng, có đến ba ngàn thái học sinh đến cầu xin cho chàng nhưng cuối cùng cũng không có kết quả. Trước khi chết, chàng gảy lại khúc nhạc này, đồng thời thở dài và bảo rằng: “Quảng Lăng tán nay đành mất rồi”. Ngày nay, khi khai quật mộ phía nam của cầu Tây Thiện, Nam Kinh, người ta tìm thấy bức gạch có vẽ hình Kê Khang, trong đó khắc hoạ hình ảnh của một Kê Khang đang ngồi khảy đàn, cốt cách hiên ngang mà thanh thoát.
Kê Khang lại là người có đường nhân duyên rất tốt. Vương Nhung bảo rằng, kết giao với chàng trong suốt hai mươi năm mà chưa từng lúc nào thấy chàng tỏ vẻ khó chịu ra mặt, chính vì thế mà người đương thời truyền với nhau về chàng bằng một cái mỹ danh: “ý tứ xa xôi, tâm tính khoáng đạt” (意趣疏遠,心性放達:Ý thú sơ viễn, tâm tính phóng đạt). Nhưng Kê Khang lại có “lòng dạ cương trực, căm ghét cái xấu, thẳng thắn ngạo nghễ, hễ gặp chuyện thì bộc phát” (剛腸疾惡,輕肆直言,遇事便發:cương trường tật ác, khinh tứ trực ngôn, ngộ sự tiện phát). Bài văn nổi tiếng “Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên” (與山巨源絕交書) cùng với niềm đam mê đối với khúc Quảng Lăng tán của chàng chính là sự thể hiện một tính cách căm ghét thói đời, ngạo nghễ bất khuất của chàng. Cũng chính vì thế mà chàng khinh thường Tư Mã Chiêu (司馬昭), khiến chàng phải gặp hoạ sát thân, đây cũng chính là một ví dụ điển hình của tính cương trực, không a dua, xu nịnh kẻ nắm quyền.