Con trai đẹp nhờ nét, Con gái đẹp nhờ đường”
『男由輪廓而都,女由線條而美』(Nam do luân quách nhi đô, nữ do tuyến điều nhi mỹ)
Du đại phu đời Minh mạt là một vị quan rất thích nam sắc, ông từng bảo rằng:“Nói về sắc đẹp trong thiên hạ thì nữ không đuổi kịp nam. Ở các loài có lông vũ từ chim phượng hoàng, khổng tước cho đến con gà, con trĩ, màu sắc rực rỡ đều thuộc về con trống; sắc lông của loài chó, ngựa cũng đều như thế”(天下之色,皆男勝女。羽族自鳳凰、孔雀以及雞雉之屬,文弢r />??並屬属于雄,犬馬之毛澤亦然:Thiên hạ chi sắc, giai nam thắng nữ. Vũ tộc tự phụng hoàng, khổng tước cập kê trĩ chi thuộc, văn thái tính thuộc vu hùng, khuyển mã chi mao trạch diệc nhiên) [情史•情外類Tình sử: Tình ngoại loại]. Cách quan sát của mấy trăm năm trước này quả thật là rất độc đáo, người ta đã nhận định chung rằng: trong loài chim chóc của nhóm động vật thì quả thực con trống có ngoại hình rất đẹp, và ngược lại, con mái thì thấp bé và có màu sắc nhạt nhẽo, đen đúa. Các nhà nghiên cứu khi đi tìm về nguyên nhân này đã nhận định, đấy chính là kết quả của việc chọn lựa trong quan hệ tính dục. Con trống do muốn tranh giành con mái nên giữa chúng phải tiến hành một cuộc so sánh về ngoại hình, cuộc cạnh tranh này đã mặc định vẻ đẹp của con trống là vẻ đẹp của sự hào hoa và cường tráng.
Xét về nhân loại, ngay từ thời kỳ cổ đại, giữa hai giới tính của con người trong xã hội luôn có một khoảng cách rất lớn: phần lớn nam giới đều là người nắm giữ quyền lực và của cải, có một địa vị rất cao và có khả năng chi phối người phụ nữ. Kết quả là người phụ nữ nào muốn có được một cuộc sống an nhàn, vui sướng thì phải chăm chút đến dung nhan của mình (女為悅己者容:nữ vị duyệt kỷ giả dung), từ đó, phụ nữ trở thành đối tượng chủ yếu để người khác ngắm nhìn, đồng thời, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng trở thành trọng tâm của cái đẹp trong thế giới loài người. Nhưng không hoàn toàn vì thế mà có thể nói rằng nam giới không đẹp bằng phụ nữ, chỉ là, cái đẹp của nam giới tương đối bị xem nhẹ một chút. Kinh Thi có câu thơ hình dung về một mỹ nam như sau:“Chao ôi phương phi sao, Chàng cao lớn làm sao. Chao ôi tươi tắn sao, Thanh cao dịu dàng sao”(猗嗟昌兮,頎而長兮。猗嗟娈兮,清揚婉兮:Y giai xương hề, Kỳ nhi trường hề. Y giai loan hề, thanh dương uyển hề) [Kinh Thi, chương Y Giai]. Cổ từ cũng nói rằng:“Đá kết như ngọc quý, thân tùng như ngọc xanh. Vẻ tươi riêng một cõi, thiên hạ chẳng người tranh”(積石如玉,列松如翠。郎艷獨絕,世無其匹:Tích thạch như ngọc, liệt tùng như thuý. Lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ thất) [Nhạc phủ thi tập, quyển 47].
Nếu so sánh với các mỹ nữ, thì các mỹ nam được gới thiệu ở đây cũng sẽ là những người được lựa chọn, cân nhắc theo những tiêu chí như diện mạo, hình thể, sức hấp dẫn, tài nghệ, trí tuệ… Một điều cần nhắc đến ở đây là, cũng giống như thập đại mỹ nữ Trung Quốc cổ đại, thập đại mỹ nam Trung Quốc cổ đại cũng không hẳn phải là người đẹp nhất, mà thường là những nhân vật có liên quan và có những đóng góp nhất định đến nền chính trị, xã hội đương thời, được sách sử (bao gồm cả dã sử, huyền sử) hay tác phẩm văn học (văn học dân gian, văn học bác học) ghi chép lại. Tương đối phù hợp với những tiêu chí đó là mười mỹ nam sau đây:
1. Phan An (潘安)
Phan Nhạc (潘岳) - một tên khác của Phan An, là người Hà Nam sống vào thời Tây Tấn, tên chữ là An Nhân (安仁), biệt hiệu là Đàn Nô (檀奴). Đây là một kỳ nhân của lịch sử Trung Quốc cổ đại, sở hữu một tư dung đã tốt, tinh thần thêm đẹp (姿容既好,神情亦佳:tư dung ký hảo, tinh thần diệc giai), vì thế trong dân gian có câu: “mặt tựa Phan An” (貌比潘安:mạo tỷ Phan An). Thời trẻ, Phan Nhạc có lần cưỡi xe ra ngoài thành Lạc Dương chơi, lúc ấy có rất nhiều phụ nữ luống tuổi sau khi gặp đều bất giác quay đầu lại nhìn, thậm chí có người si mê đã chạy đuổi theo. Do vậy, Phan An sợ đến mức thường không dám ra ngoài cửa. Có nhiều cô gái đang tuổi hoa niên cảm thấy khó có cơ hội được gần gũi, bèn ném quả vào xe của chàng, cứ mỗi lần trở về thì xe của chàng cũng đầy những quả chín, vì vậy mà trong dân gian thường nói “ném quả đầy xe”. Sau này, biệt hiệu “Đàn Nô” (檀奴) hay “Đàn Lang” (檀郎) sử dụng trong văn học cũng đã trở thành từ ngữ dùng để gọi một chàng trai nào đó được xem là tuấn tú. Có một người có dung mạo cực kỳ xấu xí tên là Trương Mạnh Dương (張孟陽) cũng bắt chước dáng điệu Phan Nhạc và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần ra khỏi cửa thì các chị em đều nhổ nước bọt, ném đá vào xe của anh ta, thế là, xe của anh ta cũng chất đầy đá mà trở về. Đây quả thực là một phiên bản khác của câu chuyện Đông Thi hiệu tần (Đông Thi bắt chước dáng điệu nhăn mặt của Tây Thi)!
Không những là một người có diện mạo đẹp như gấm thêu, mà Phan Nhạc còn là một người viết ra những áng văn chương cũng đẹp như hoa như gấm: từ nhỏ đã lộ rõ tài năng văn chương thiên phú, được người trong làng gọi là kỳ đồng.