2. Lan Lăng vương (蘭陵王)
Lan Lăng Vương tên là Cao Trường Cung (高長恭), lại có tên là Cao Hiếu Quán (高孝瓘), là cháu của Cao Hoan (高歡) – một vị đại thừa tướng phong lưu anh hùng khởi nghiệp từ bàn tay trắng, một vị đại thần của Đông Nguỵ. Sau khi ông mất, trưởng tử của ông là Cao Trừng (高澄) tiếp tục lên làm quyền thần thời Đông Nguỵ. Cao Trừng rất sáng suốt trên mảng chính trị, nhưng vào năm 29 tuổi thì lại chết trong tay của bọn nô lệ, để lại sáu đứa con nheo nhóc; trong đó, người con thứ tư đã trở thành Lan Lăng vương được truyền danh ngàn đời nay.
Cao Trường Cung rất kiêu dũng thiện chiến. Tương truyền rằng, vì chàng có vẻ ngoài rất dịu dàng đẹp đẽ, không đủ làm cho kẻ địch khiếp sợ, nên mỗi lần ra trận đều phải đeo chiếc mặt nạ dữ tợn vào. Đời sau có một câu chuyện nổi tiếng kể lại rằng: một lần đi cứu viện Lạc Dương, chàng lãnh suất năm trăm kỵ sĩ, xông qua vòng vây của quân Chu, đột nhập vào thành Lạc Dương. Các binh lính trên thành không nhận ra là ai đã đến, cứ chần chừ vì hoài nghi đó là mưu kế của quân địch. Lan Lăng Vương bèn cởi bỏ khôi giáp (chú ý: đây là chiếc mũ trụ lớn che phần mặt mà không phải là mặt nạ; điển cố “Lang Lăng Vương đeo mặt nạ” có lẽ là do người đời sau thêm thắt vào) để cho binh lính nhìn thấy rõ diện mạo của mình, binh lính trên thành lòng bỗng rúng động vì trông thấy tôn dung, bèn có hơn trăm cung thủ bước đến nghênh đón. Thế là quân Chu nhanh chóng bị đuổi chạy. Để chức mừng thắng lợi, các binh lính đã sáng tác ra Lan Lăng Vương nhập trận khúc (蘭陵王入陣曲), rồi đeo mặt nạ vào và vừa múa vừa hát. Sử sách ghi chép rằng: “Trường Cung dung mạo dịu dàng nhưng lòng mạnh mẽ, quả thực tài mạo song toàn. Hết lòng yêu thương tướng sĩ, mỗi khi được cái gì thì cũng đều chia sẻ cùng tướng sĩ, dù là chỉ một vài quả dưa”(長恭貌柔心壯,音容兼美。為將躬勤細事,每得甘美,
雖一瓜數果,必與將士共之:Trường Cung mạo nhu tâm tráng, âm dung kiêm mỹ. Vị tướng cung cần tế sự, mỗi đắc cam mỹ, tuy nhất qua sổ quả, tất dữ tướng sĩ cộng chi).
Sau này, không biết vì sao mà Cao Trường Cung lại mắc phải một cái tật: tham tiền tài, của hối lộ ra vào tấp nập, khiến cho nhân dân bán tán xôn xao. Thuộc hạ của chàng là Uất (Uý) Tương Nguyện (尉相愿) hỏi rằng: “Bổng lộc của ngài cao như thế, hà tất phải tham lam như thế?”. Trường Cung không biết trả lời thế nào. Tương Nguyện bảo: “Có phải ngài sợ mình có công lao quá lớn, chúa thượng có điều e dè nên ngài cố ý bôi một tý tiếng xấu lên mặt mình?”. Trường Cung mới thốt rằng: “Chính phải”. Tương Nguyện nói: “Nếu triều đình đã tỏ lòng e dè ngài mà ngài làm như thế thì chẳng phải là tự mình thòi chóp ra cho người ta nắm hay sao? Ngài muốn cầu phúc nhưng lại rước lấy hoạ đấy”. Trường Cung ứa nước mắt, quỳ mọp xuống, xin anh ta hiến cho cách để được yên thân. Tương Nguyện nói: “Uy danh của ngài quá lớn, tốt nhất là nên ở nhà dưỡng bệnh, đừng có can dự vào chính sự nữa làm gì”. Trường Cung nghe lời khuyên can xong, bèn giả bệnh, nhưng lòng lại nghĩ nếu gác bỏ tất cả thì không cam tâm. Một nam tử hán đang tuổi hoa niên, ai lại muốn thoái lui? Huống chi chàng lại chẳng có một tính cách của một ẩn sĩ.
Hoàng đế Cao Vỹ (高纬) của cuối thời đại Bắc Tề một ngày nọ nghe Lan Lăng Vương nhập trận khúc bèn nói với Cao Trường Cung rằng: “Nhập trận quá sâu, chắc chắn nguy hiểm, nếu nhỡ thất bại, hối hận không kịp”. Trường Cung vô ý buột miệng: “Việc nhà đau đáu, thần đâu thể làm ngơ” (家事親切,不覺遂然:Gia sự thân thiết, bất giác toại nhiên). Cao Vỹ nghe thấy hai chữ “việc nhà”, trong lòng nảy sinh hiềm nghi, bèn sai người mang đến cho chàng một chung độc dược. Thế là, hoàng đế giết người mà hoàn toàn không có một lý do nào. Năm Cao Trường Cung mất không được ghi lại trong sách sử, chỉ ước đoán rằng lúc ấy chàng khoảng ba mươi tuổi. Chàng mất đi để lại Trịnh phi goá phụ sớm hôm sống trong đau khổ cùng cực, nàng bèn quy y nơi cửa Phật và sống hết đời của mình tại đấy. Bốn năm sau, nước Bắc Tề do đã mất đi rường cột nên không còn vững mạnh, bị Vũ Văn thị tiêu diệt, con cháu của họ Cao (dòng hoàng thất) toàn bộ đều bị giết sạch.