P II - Chương 15
Cuối năm học, hắn quay về Menasset. Hắn quanh quẩn mãi trong nhà với thái độ chàn chường. Mẹ hắn cố gắng tìm cách dẹp bỏ vẻ ủ rũ của hắn và sau đó bà trách mắng hắn. Hai mẹ con tranh cãi nhau một trận dữ dội. Để bứt ra khỏi nhà, hắn nhận việc tại cửa hàng bán đồ lót đàn ông. Từ chín giờ sáng đến năm giờ ba mươi chiều, hắn đứng sau cửa kính quầy hàng mà không một lần nhìn đến những sợi dây đồng viền quanh quầy. Vào một ngày tháng bảy, hắn lấy từ trong tủ áo quần ra một chiếc hộp bằng sắt. Hắn để trên bàn rồi mở hộp lấy ra những mẩu báo viết về vụ Dorothy tự tử, xé nhỏ thành những mảnh vụn và vất vào sọt rác. Hắn vứt luôn những bài viết về Ellen và Powell. Sau đấy hắn lôi quyển sách nói về công ty Kingship mà hắn đã viết thư xin lần thứ hai khi hắn bắt đầu quen Ellen. Tay vừa xé quyển sách, hắn chợt nghĩ đến Dorothy và Ellen, môi mỉm nụ cười buồn thảm. Hình như hắn vừa nghĩ đến những tờ Trung thành Hy vọng và một từ vừa mới nảy sinh trong đầu hắn: Nhân đạo, cho cân xứng với ba tên: Dorothy, Ellen… Marion. Hắn cười thầm và định xé mấy quyển sách kia. Nhưng bỗng nhận ra là không nên làm như thế, hắn chầm chậm để mấy quyển sách nhỏ lên bàn, đưa tay vuốt thẳng những nếp gấp một cách máy móc. Hắn đẩy cái hộp và những quyển sách vào trong hộc bàn, ngồi xuống và lấy một mảnh giấy, ghi ở trên đó chữ “Marion”, rồi vạch một đường chia làm hai cột, một cột đề chữ “thuận”, cột kia chữ “chống”. Hắn ghi dày đặc ở cột “thuận”: những lần nói chuyện với Dorothy, với Ellen, những vấn đề liên quan đến Marion, sở thích của Marion, những điều nàng không ưa thích, quan điểm, quá khức của Marion. Hắn biết Marion thích đọc loại sách nào mặc dù chưa từng gặp nàng. Hắn biết cả sự cô độc, nỗi cay đắng, cách sống tách biệt của nàng… Cột này được ghi khác đầy đủ và hoàn hảo. Tình cảm của hắn cũng ghi ở cột “thuận”. “Thử thời vận một lần nữa xem sao – Hắn nghĩ – Hai lần trước xôi hỏng bỏng không. Lần thứ ba là con số may mắn…”. Lần thứ ba may mắn, trong chuyện cổ tích thời thơ ấu đầy rẫy sự thử thách lần thứ ba, lời ước thứ ba, người cầu hôn thứ ba… Hắn nhận thấy chẳng có vấn đề gì để ghi ở cột “chống” cả. Đêm đó hắn xé bỏ mảnh giấy ghi “thuận-chống” và làm lại một bảng khác ghi những đặc tính của Marion, những quan niệm, những sở thích và những điều không ưa thích của nàng. Hắn luôn ghi chú thêm vào và trong những tuần kế tiếp hắn cứ đều đặn thêm vào những chi tiết mới về Marion. Vào những giây phút rảnh rỗi, hắn lại thả hồn lần về những buổi nói chuyện với Dorothy và Ellen trong những buổi ăn trưa, giữa các tiết học, trong những lúc đi dạo, khiêu vũ, lần mò từng từ, từng nhóm từ, từng câu trong ký ức của hắn. Đôi khi hắn dành trọn một buổi dài để nằm dài ra miên man suy nghĩ, nhớ lại những chi tiết nhỏ nhặt nhất liên quan đến Marion. Khi bản kê khai đã dày đặc, người hắn phấn chấn hẳn lên. Đôi lúc hắn mở chiếc hộp sắt, lấy bản ghi ấy ra nhìn để tự thán phục mình: sự tinh vi, kế hoạch chặt chẽ, giống như những gì hắn đã tính toán, đã hành động đối với Dorothy và Ellen. - Mày là một thằng điên – Một ngày kia hắn bỗng thốt lên như thế khi nhìn bảng ghi kia – Mày là một thằng gàn dỡ – Hắn nói lộ vẻ thích thú. Thực ra không bao giờ hắn tự gán cho mình là một thằng điên cả. Hắn nghĩ hắn là một người thông minh, gan dạ, anh hùng và liều lĩnh. - Con sẽ không đi học nữa – Một ngày vào tháng tám, hắn nói với mẹ hắn như vậy. - Cái gì? – Bà mẹ dáng người nhỏ, ốm yếu, đứng ở cửa phòng hắn, tay vuốt mái tóc bạc, hỏi lại. - Vài tuần nữa con sẽ lên New York. - Con chưa tốt nghiệp kia mà! – Bà than vãn. Hắn im lặng – Con sẽ làm gì, làm cái nghề ngỗng gì ở đó chứ? - Con không biết, nhưng con sẽ có nghề. Con có ý định tiếp tục làm việc. Đó là dự định, đại loại là như thế mạ ạ. - Nhưng con phải tốt nghiệp, Bud! – Bà do dự nói. - Con không có phải gì hết – Hắn xẳng giọng. Im lặng – Nếu ý định của con lần này bị thất bại, điều đó con không nghĩ đến đâu, thì con có thể thi tốt nghiệp vào năm đến. Bà mẹ lấy mép áo lau trán, vẻ căng thẳng, phiền muộn. - Nhưng con đã trên hai mươi lăm tuổi rồi còn gì. Con phải… phải tốt nghiệp và tạo cho mình một chỗ đứng. Con không thể cứ mãi… - Xem kìa! Mẹ phải cho con sống cuộc đời của con chứ. Bà mẹ trừng mắt nhìn hắn: - Cha mày cũng thường nói với tao như thế! Bà im lặng bỏ đi. Hắn đứng cạnh bàn học một lúc, nghe tiếng lầm rầm giận dữ vang lên trong nhà bếp. Hắn lấy báo đọc, làm như không quan tâm đến những gì xảy ra. Vài phút sau hắn đi vào nhà bếp. Mẹ hắn đang đứng trước chậu rửa chén, lưng xoay về phía hắn. - Mạ à – Hắn năn nỉ – Mẹ biết là con cũng lo lắng như mẹ. Con cũng muốn có một chỗ đứng nào đấy – Bà mẹ cũng không quay lại – Mẹ nên hiểu là con sẽ không bỏ học nếu ý định này không quan trọng như thế – Hắn đi đến gần bàn, ngồi xuống ngay sau lưng mẹ hắn – Nếu công việc không thành, năm tới con sẽ thi tốt nghiệp, con xin hứa với mẹ như vậy. Bất đắc dĩ bà quay lại. - Dự định gì thế? – Bà chậm rãi hỏi – Một phát minh chăng? - Không phải. Con không thể nói cho mẹ nghe được – Hắn nói một cách ân hận – Chỉ là… mới phác họa thôi mẹ ạ. Con xin lỗi… Bà mẹ thở dài, lấy khăn lau tay. - Con thử đợi đến năm tới rồi thực hiện không được hay sao? Đến lúc nào con mới đỗ đạt? - Chậm nhất là sang năm, mẹ à. Bà bỏ khăn xuống. - Mẹ mong con nói cho mẹ biết mọi chuyện. - Không được, mẹ ạ. Con cũng muốn nói cho mẹ nghe lắm. Nhưng thú thật, việc này con không sao giải thích với mẹ được. Bà xoay hẳn người lại, đặt tay lên vai hăn. Bà đứng như thế rất lâu, nhìn xuống gương mặt lo âu của hắn đang ngẩng lên nhìn bà. - Thôi được – Bà nói – Mẹ mong đó là một ý định tốt! Hắn nhìn mẹ, mỉm cười sung sướng.
P III - Chương 1
Khi Marion tốt nghiệp đại học, ông bố vội vàng đề nghị ông giám đốc phụ trách phòng quảng cáo cho công ty Kingship Copper lưu ý đến trường hợp của nàng. Do đó người ta định giao cho nàng công việc viết quảng cáo. Mặc dù rất thích công việc này, nhưng Marion từ chối lời đề nghị trên. Cuối cùng nàng tự xoay sở tìm cho mình một chỗ làm ở một chi nhánh không lớn lắm. Ở đó người ta cho phép nàng viết quảng cáo cho những cơ sở nhỏ với điều kiện việc ấy không ảnh hưởng đến công việc hành ngày của nàng. Một năm sau, khi Dorothy theo Ellen làm cổ động viên cho những trận đấu bóng và bắt đầu có những buổi hẹn hò, trao đổi những nụ hôn với bạn trai, Marion vẫn sống thui thủi trong tòa nhà rộng lớn với ông bố. Nhưng hai cha con sống như hình với bóng, thầm lặng đi bên nhau. Dù ông bố phản đối quyết liệt, Marion vẫn quyết định ra ở riêng. Nàng đến thuê một căn nhà có hai phòng ở tầng trên của một gia đình khá giả ở khu đông. Nàng sửa soạn, trang trí căn phòng rất cẩn thận. Bởi vì hai phòng quá nhỏ, không rộng lớn như nhà ông bố, nàng không thể mang hết đồ dùng đ theo. Do đó Marion phải cân nhắc, chọn lựa kỹ lưỡng những vật gì nàng thích nhất, có ý nghĩa với nàng nhất. Việc này phải làm một cách chính xác mới được. Nhưng khi treo những bức tranh lên, khi sắp xếp sách lên giá sách, nàng mới thấy nàng trình bày không phải cho cảm quan của mình mà cho thị hiếu, ý thích của bất cứ ai tình cờ đến viếng thăm nàng, dù người khách đó là nam hay nữ. Mỗi đồ vật đều phản ánh tâm tư, tình cảm của nàng, từ cái gạt tàn thuốc đến tranh ảnh, đĩa nhạc, sách, mỗi đồ dùng đều được nàng chọn lựa tỉ mỉ. Với nàng, sách là một vật phản ánh rõ nét nhất bản chất của người đọc, do đó nàng đã đầu tư nhiều thời gian trong việc chọn sách. Có thể nói căn phòng của nàng là một thư viện thu nhỏ lại, một phòng triển lãm bỏ túi. Tranh của Charles Demuth, nhạc của Brahms, Grieg, Rachmanioff, và Stravinski…, sách của Proust… Tuy nhiên, nhìn chung sự bày biện ấy càng cho thấy nỗi lẻ loi cô độc của nàng. Nếu là một họa sĩ, hẳn Marion có thể phác họa chân dung của mình một cách chính xác. Vì qua sự trình bày trong phòng, một ngày nào đó sẽ có một người khách đọc được, đoán được những tâm tư tình cảm thầm kín của nàng, phát hiện ra con người sâu lắng của nàng và sẽ thấy thật khó giao cảm với nàng. Những công việc quan trọng trong tuần của nàng là vào tối thứ tư nàng dùng cơm tối với ông bố, ngày thứ bảy dọn dẹp, lau chùi căn phòng. Việc đầu tiên là vì bổn phận, việc thứ hai là vì yêu thích lao động. Nàng đánh bóng và chùi sạch kính, phủi bụi, xếp đặt lại đồ dùng một cách cẩn thận đến ngạc nhiên. Nàng vẫn có khách đấy chứ. Đó là hai cô em gái, Ellen và Dorothy, mỗi dịp nghỉ hè đều về thăm nàng và đôi lúc cả hai người đều thấy ganh tị với chị, vì quả thật Marion là một phụ nữ khéo léo, đảm đang. Ông bố cũng đến thăm và khi lên hết cầu thang thì ông mệt lử, ngao ngán nhìn căn phòng ngủ tù túng và cái bếp chật hẹp. Thỉnh thoảng một vài cô bạn gái ở cơ quan đến chơi, đánh bài, khiến cho căn phòng ồn ào náo nhiệt cả lên, ta có cảm tưởng nơi đây đạo và đời đang diễn ra một cách gay gắt. Một lần có chàng thanh niên thông minh, đẹp trai, học ngành tư pháp đến thăm nàng, nhưng đôi mắt anh ta cứ chăm bẳm nhìn chiếc đivăng trong phòng. Khi Dorothy tự tử, Marion về ở với bố được hai tuần. Khi Ellen chết, nàng về ở hơn một tháng. Nhưng không vì thế mà hai bố con gần gũi nhau thêm dù cả hai người đã cố tìm cách. Đến cuối tháng, ông bố, chưa bao giờ cảm thấy lúng túng và khó khăn đến thế, đề nghị Marion dọn về ở với ông. Marion từ chối. Ý nghĩ phải rời khỏi căn nhà đang thuê là điều nàng không hề nghĩ đến, như thể nàng đã tự nhốt kín mình ở nơi đó vậy. Tuy nhiên sau thời gian ấy, nàng thường về ăn tối với ông bố mỗi tuần va lần thay vì một lần như trước kia. Cứ vào những ngày thư bảy, nàng chùi nhà, và mỗi tháng một lần nàng lại mở tất cả các quyển sách ra để bìa khỏi rít lại. Vào khoảng tháng chín, một buổi sáng thư bảy, chuông điện thoại vang lên. Marion lúc đó đang quì gối khom người chùi mặt dưới chiếc bàn lót kính, ngước nhìn về phía điện thoại hy vọng người ta gọi nhầm số. Chuông điện thoại lại reo. Miễn cưỡng, Marion đứng dậy đi về phía điện thoại, tay vẫn cầm giẻ lau nhà. - Alô. Ai gọi đó? – Giọng nàng hời hợt. - Có phải cô Kingship không ạ? – Giọng xa lạ của một người đàn ông, - Vâng, chính tôi. - Cô không biết tôi. Tôi là bạn của Ellen – Bỗng nhiên nàng cảm thấy lúng túng – “Bạn Ellen, một người đẹp trai, ăn nói hoạt bát… nhưng bên trong là một người trầm buốn, âu sầu…” – Marion nhớ lại những gì Ellen đã kể cho nàng nghe. Tuy nhiên Marion chẳng bận tâm đến. Nàng trở lại bình thường… - Tôi là… - Giọng người đó tiếp tục – Burton Corliss… Bud Corliss. - Ồ, vâng vâng, tôi có nghe Ellen nói về anh… - “Em rất yêu anh ấy”, Ellen nhắc mãi đến điều đó khi đến thăm Marion lần cuối cùng, “Anh ấy cũng yêu em lắm”. Marion mừng cho em, nhưng đêm về, lòng nàng thấy buồn buồn thế nào ấy. - Tôi có thể gặp cô được không? – Hắn nói – Tôi có một vài vật Ellen để lại. Trong số đó có quyển sách Ellen đã cho tôi mượn trước khi nàng đi Blue River. Tôi nghĩ là cô muốn lấy lại quyển sách đó. “Thứ sách ba ba xu chứ gì?” Marion nghĩ thầm nhưng rồi tự trách tính nhỏ nhặt ấy của mình, nàng vội nói: - Ồ cám ơn. Thế thì tốt quá. Đầu dây bên kia im lặng một chốc, rồi giọng người ấy lại vang lên. - Tôi sẽ đem lại ngay. Tôi ở cùng ven đô gần đây. - Ồ không không, tôi phải đi bây giờ! – Nàng nói nhanh. - Thôi mai vậy. - Ngày mai tôi cũng không có ở nhà đâu – Nàng thấy hổ thẹn vì đã nói dối, vì chẳng muốn hắn có mặt trong căn phòng này. “Có thể hắn không đến nỗi nào”, Marion nghĩ – Hắn đã yêu Ellen và giờ đây Ellen đã chết, hắn muốn trả lại những gì của Ellen. Chẳng có gì phải ngại, nghĩ thế nên nàng nói: - Chiều nay ta gặp nhau ở đâu đấy cũng được. - Vậy thì hay quá – Hắn đáp. - Tôi sẽ đến đại lộ Năm. - Ta sẽ gặp nhau trước tượng đồng ngay trung tâm Pockefeller, chỗ mà ngày xưa Atlas đã dựng lên thế giới. - Vâng, tôi sẽ đến đó. - Vào lúc ba giờ được không? - Được. Cám ơn anh đã gọi điện. - Có gì đâu – Hắn nói – Chào Marion nhé! – Im lặng – Tôi gọi thế được chứ? Ellen hay kể về Marion lắm. - Cũng chẳng sao – Marion lại bối rối, không biết nên gọi hắn là Bud hay là cậu Corliss – Xin chào. - Chào Marion – Hắn đáp lại. Nàng gác máy, đứng nhìn máy điện thoại một lúc, rồi quay lại bàn tiếp tục lau chùi. Chưa bao giờ nàng nôn nóng đến thế bởi vì trọn buổi chiều nay xem như không làm gì được rồi. Johannes Brahms: (1833 – 1897) nhạc sĩ người Đức. Edw ard Grieg: (1843 – 1907) nhạc sĩ người Na Uy. Rachmaninoff: (1873 – 1943) nhạc sĩ người Nga. Proust: (1871 – 1922) nhà văn người Pháp (ND). Stranvinski: nhạc sĩ người Nga.
P III - Chương 2
Hắn, trong bộ quần áo trắng tinh, tay cắp một gói hàng được bao giấy cẩn thận, đang đứng trong bóng che của bức tượng đồng, quay mặt ra đại lộ Năm. Người qua lại đông đúc. Những dòng xe buýt, xe tắc xi nối đuôi nhau chạy như mắc cửi trên đường. Hắn chăm chú nhìn các bà, các cô áo quần hợp thời trang, khăn quàng cổ đủ màu sắc, đầu ngẩng cao như thể các ông phó nhòm đã đứng sẵn đâu dưới kia vậy. Hắn vừa đưa mắt nhìn, vừa nhớ lại tấm hình Dorothy đã đưa cho hắn xem trước kia. “Chị Marion khá đẹp, chỉ vì chị rẽ tóc kiểu này…”. Hắn cười, nhớ nét cau mày của Dorothy lúc nàng hất ngược mái tóc ra sau khi nói thế. Hắn mân mê tờ giấy bao phía ngoài, mơ màng. Marion từ phía bắc đang đi đến. Hắn nhận ra nàng khi nàng còn cách hắn một trăm thước. Nàng cao lớn, hơi gầy, trang phục giống như các phụ nữ khác quanh nàng. Bộ áo quần nâu, khăn quàng cổ màu vàng, vai đeo xách tay lủng lẳng, trông nàng có vẻ ngượng nghịu như thể có ai đang ngắm nghía, đánh giá nàng. Tóc nâu, đôi mắt to cũng màu nâu giống như đôi mắt của Dorothy, nhưng khôn mặt lớn, gò má hơi cao nên trông nàng đẹp hơn hai cô em gái. Khi đến gần, nàng mới nhìn thấy hắn. Nàng tiến lại, miệng mỉm cười ngại ngùng như thầm hỏi và cảm thấy lúng túng trước cái nhìn soi mói của hắn. Hắn để ý thấy sáp môi của nàng màu hồng nhạt, hắn vẫn nghĩ đó là biểu hiện bản chất e thẹn của tuổi mới trưởng thành. - Marion? - Vâng – Nàng ngại ngùng đưa tay ra – Chào anh- Nàng nói, mỉm cười nhìn xuống. Bàn tay có những ngón tay thon dài, lành lạnh. - Chào Marion – Hắn nói – Mong được gặp cô quá. Nàng và hắn vào một quán giải khát gần góc đại lộ. - Tôi không thể ở lâu được – Marion nói, ngồi thẳng người nơi mép ghế, hai tay nắm chặt ly nước ngọt. - Những người đàm bà đẹp luôn luôn chạy đi đâu vậy? – Hắn cười gạn hỏi, nhưng ngay tức khắc hắn nhận thấy thân mật như thế là sai lầm. Nàng cười, vẻ khó chịu. Hắn băn khoăn nhìn Marion, đợi cho câu nói của hắn lắng xuống, rồi hỏi – Cô làm ở chi nhánh quảng cáo phải không? - Vâng – Nàng trả lời – Anh vẫn theo học ở Caldwell? - Không. - Sao Ellen nói anh còn một năm nữa? - Đúng thế nhưng tôi phải thôi học. – Hắn uống một hớp rượu ngọt – Bố tôi mất. Tôi không muốn mạ tôi phải làm lụng nữa. - Ồ xin lỗi anh… - Có lẽ năm đến tôi mới thi ra trường. Hoặc đi học lớp đêm. Cô học đại học nào? - Đại học Columbia. Anh ở New York đến? - Không, ở Massachusetts. Cứ mỗi lần hắn cố bắt chuyện về đời tư nàng thì nàng lại hướng câu chuyện về chính hắn, về thời tiết, hoặc về điều gì đấy. Cuối cùng nàng hỏi: - Quyển sách đâu? - Có đây, Dinner at Antoine’s (Bữa cơm tối tại gia đình Antoine), Ellen muốn đọc quyển này. Nàng có ghi chú cảm nghĩ của mình nơi tờ giấy rời, tôi nghĩ là Marion sẽ thích thú lắm. – Hắn trao cái gói cho Marion – Riêng tôi – Hắn nói tiếp – quyển sách đó không có ý nghĩa gì lắm. Marion đứng lên. - Tôi phải đi đây. Xin lỗi anh. - Nhưng cô chưa uống hết ly nước kia mà. - Rất tiếc – Nàng nói nhanh, nhìn xuống cái gói đang cầm ở tay – Tôi có hẹn về công việc. Không thể trễ được. - Tuy nhiên… - Hắn đứng dậy. - Xin lỗi – Nàng nhìn hắn, lúng túng. Hắn để tiền lên bàn. Họ đi trở lại đại lộ. Đến góc đường, nàng đưa tay ra bắt. Bàn tay vẫn lạnh ngắt. - Rất hân hạnh được gặp anh. Cám ơn anh đã đãi tôi uống và cám ơn về quyển sách. Thành thật… - Nàng quay đi, nhập vào đám đông. Lạc lõng, hắn đứng đó một chốc, rồi mím môi rảo bước đi theo, cách nàng một khoảng khá xa. Nàng đi ngược lên đường 49, băng qua đại lộ, thẳng hướng về phía đông. Hắn biết nàng đi đâu rồi. Hắn nhớ lại địa chỉ ghi trên cuốn danh bạ. Marion băng qua công viên, bước vào ngôi nhà nàng ở. Hắn đứng ở góc đường, nhìn theo cho đến khi nàng bước hẳn vào trong nhà. “Hẹn công việc” – Hắn lẩm bẩm. Hắn đứng đợi một lúc. Hắn cũng chẳng hiểu hắn đợi cái gì nữa, rồi chầm chậm quay trở lại đại lộ Năm.
P III - Chương 3
Trưa chủ nhật, Marion đến viện Bảo tàng Nghệ thuật. Trên tầng chín vẫn còn trưng bày chiếc xe trước đây nàng đã thấy và chẳng còn lưu tâm đến nữa. Tầng hai không đông người như mọi khi. Nàng đến cầu thang lên tầng ba, đi thơ thẩn giữa những bức tranh và những tác phẩm điêu khắc quen thuộc, vui mắt: những đường nét mềm mại của bức “GIRL WASHING HER HAIR”, và chất thơ lai láng nơi tác phẩm “BIRD IN SPACE…” (1). Có hai người đang ngắm những tác phẩm điêu khắc của Lehmbruck nhưng khi Marion bước vào, họ đi ngay để một mình nàng với hình khối lạnh lùng của hai bức tượng, một nam một nữ, tượng nam đứng, tượng nữ quỳ gối, thân hình đôi nam nữ thon dài toát ra một vẻ đẹp man mác buồn. Cái nét mong manh đó khiến cho bức tượng như thoát khỏi cuộc sống, mông lung trông giống như một tác phẩm tôn giáo đến nỗi Marion có thể nhín ngắm mãi mà không một ý nghĩ xấu xa nào gợn lên trong tâm hồn như những lần nàng ngắm nhìn những bức tranh, bức tượng khỏa thân khác. Nàng đi quanh tượng điêu khắc người trai trẻ trung ấy. - Xin chào! – Một giọng nói đầyy vẻ ngạc nhiên và thích thú vang lên phía sau lưng nàng. “Ai chào mình thế – Nàng nghĩ – Vì có ai ở đây ngoài mình ra đâu”. Nàng quay người lại. Bud Corliss đang đứng ở cửa ra vào. - Chào anh – Marion cười bối rối. - Thế giới nhỏ thật – Hắn nói rồi đến gần nàng – Tôi đi ngay sau lưng cô ở tầng dưới, nhưng không dám chắc là cô. Mạnh khỏe chứ? - Cám ơn anh, rất khỏe – Một thoáng im lặng ngượng ngùng – Còn anh thế nào? – Nàng hỏi. - Mạnh như trâu, cám ơn Marion. Cà hai quay lại bức tượng. “Tại sao trông mình có vẻ lố bịch, lúng túng thế? Có phải vì hắn đẹp trai? Vì hắn là người yêu của Ellen, đã từng đi xem bóng đá, hôn nhau và làm tình?”. - Cô thường đến đây chứ? – Hắn hỏi. - Vâng. - Tôi cũng thường đến đây. Bức tượng bây giờ khiến nàng ngường ngượng vì có Bud Corliss đứng bên cạnh. Nàng đi về phía người nữ đang quỳ. Hắn theo sát bên nàng. - Hôm đó cô đến đúng hẹn chứ? - Vâng, đúng hẹn – Nàng trả lời. “Cái gì đưa đẩy hắn đến đây? Người ta có thể nghĩ hắn đang dong chơi với Ellen ngày nào đó trong công viên”. Cả hai nhìn bức tượng. Lát sau hắn nói: - Thú thật, khi ở dưới lầu, tôi không ngờ lại là cô. - Tại sao? - Ellen không phải là người yêu thích chốn này. - Có phải chị em thì phải luôn luôn giống nhau đâu! - Đúng, tôi cũng nghĩ thế – Hắn bắt đầu đi vòng quanh bức tượng – Phòng Nghệ thuật ở Caldwell là một viện bảo tàng rất nhỏ – Hắn nói – Hầu hết là những tác phẩm được phục chế lại và những bản mô phỏng. Đôi ba lần, tôi có kéo Ellen đến đấy. Tôi có ý muốn Ellen cảm thụ thêm về Nghệ thuật – Hắn lắc đầu tỏ vẻ bất lực – Nhưng không gặp may lắm! - Ellen không để tâm đến nghệ thuật lắm. - Vâng, quả thế. Thật buồn cười khi ta muốn người khác cũng có cùng sở thích như ta. Marion nhìn hắn đứng phía bên kia bức tượng. - Có một lần tôi đưa Ellen và Dorothy đến đây, Dorothy là em út của tôi… - Tôi biết… - Tôi đưa chúng đến đây khi chúng mới lên mười. Trông hai đứa có vẻ không thích thú lắm. Tôi nghĩ có lẽ chúng còn nhỏ quá, chưa biết thưởng thức. - Tôi không rõ – Hắn nói, rồi vòng đến bên nàng – Vào tuổi đó, gái như ở thành phố tôi sống cũng có một viện bảo tàng như thế này… Cô đến đây lúc mười hai hay mười ba tuổi? - Vào độ tuổi ấy. - Lúc đó cô hiểu chứ? – Hắn nói, nụ cười của hắn như muốn nói rằng trong nhóm người hắn quen biết không thể nào có tên Dorothy và Ellen được. Đôi vợ chồng nào đó và hai đứa con đang cười như nắc nẻ đi vào phòng. - Ta đi thôi – Hắn đề nghị, vẫn đứng sát bên Marion. - Tôi… - Hôm nay chủ nhật – Hắn nói – Chẳng có hẹn hò công việc gì cả, phải không Marion? – Hắn nhìn nàng, cười, nụ cười thật duyên dáng, hiền lành, thoải mái – Tôi lẻ loi, cô cũng một thân một mình. – Hắn nhẹ nắm lấy khuỷu tay nàng – Nào ta đi – Hắn nói, nụ cười đầy vẻ thuyết phục. Cả hai đi hết tầng ba, xuống nửa tầng hai, vừa đi vừa phê bình, nhận xét những tác phẩm. Họ cùng xuống tầng dưới, đi ngang qua những chiếc xe cũ kỹ lỗi thời ở giữa phòng và ra cửa kính đi vào ngôi vườn phía sau viện bảo tàng. Họ đi chầm chậm từ tượng này sang khác, dừng lại trước mỗi bức tượng. Họ đến bức tượng người đàn bà của Maillol, bức tượng toàn thân, mạnh bạo. – Người cuối cùng của loài có vú – Hắn nói, Marion cười: - Tôi có thể nói với anh điều này. Tôi luôn thấy ngượng ngùng khi nhìn bức tượng như thế này. - Nó cũng làm tôi ngượng chín cả người đấy – Hắn mỉm cười – Không phải khỏa thân, nhưng lõa lồ. Cả hai bật cười lớn. Sau khi đã xem xong những bức tượng, họ ngồi xuống chiếc ghế ở sau vườn và châm thuốc hút. - Anh và Ellen gắn bó với nhau lắm phải không? - Chưa đúng lắm. - Tôi nghĩ… - Chưa chính thức, tôi muốn nói thế. Dẫu sao gắn bó ở trường cũng khác gắn bó ở ngoài đời. Marion hút thuốc, không nói gì, - Chúng tôi có nhiều cái chung với nhau nhưng đó chỉ là bề ngoài: học cùng lớp, cùng quen một số bạn bè, cùng quan tâm đến những gì liên quan đến đại học Caldwell. Tuy đã một thời tôi và Ellen sống với nhau ở trường đại học, nhưng tôi không nghĩ là… chúng tôi sẽ cưới nhau – Hắn nhìn chằm chằm điếu thuốc trên tay hắn – Tôi rất thích Ellen. Tôi mến nàng hơn bất cứ cô gái nào tôi đã từng quen biết. Tôi vô cùng khổ tâm khi Ellen chết. Nhưng… tôi không biết… nàng không phải là người sâu sắc – Hắn ngừng – Tôi mong sẽ không làm cô phật lòng. Marion lắc đầu, nhìn hắn. - Mọi chuyện giống như câu chuyện về viện bảo tàng vậy. Tôi nghĩ ít ra cũng có thể khiến Ellen quan tâm đến những nghệ sĩ bình thường, chẳng hạn như Hopper hay Wood. Nhưng không thành công! Ellen chẳng bận tâm đến cái gì cả. Đến sách, chính trị cũng thế. Bất cứ điều gì có vẻ nghiêm túc nàng đều không thích. Nàng luôn luôn muốn làm một điều gì đó. - Ellen có một cuộc sống riêng biệt trong gia đình. Có lẽ Ellen muốn xây dựng cuộc sống như thế. - Đúng. Hơn nữa nàng nhỏ hơn tôi đến bốn tuổi – Hắn dập tắt điếu thuốc – Dẫu sao Ellen vẫn là cô gái tuyệt vời nhất mà tôi biết được. Không gian trầm xuống, không một tiếng động. - Ta không bao giờ tìm thấy những gì mà ta đã bỏ công sức ra làm – Hắn nói một cách bi quan. - Đâu phải dễ dàng… Họ ngồi, không nói năng gì với nhau một lúc. Sau đó họ lại tiếp tục chuyện trò về những việc lý thú để làm ở New York, về viện bảo tàng, về cuộc triển lãm của Matiss (2) sắp đến. - Cô biết tôi thích nghệ sĩ nào không? – Hắn hỏi. - Ai thế? - Tôi không biết cô có quen thuộc những tác phẩm của ông ta không. Đó là nghệ sĩ Chales Demuth. (1) Girl Washing Her Hair: điêu khắc của Maillol (1861- 1944). Bird in space: điêu khắc của Brancusi (ND). (2) Matiss(1982 – 1942) Họa sĩ người Mỹ.
P III - Chương 4
Leo Kingship đang ngồi chống khuỷu tay lên bàn, những ngón tay đan vào nhau quanh ly sữa đá, ông chăm chăm nhìn một lý rượu màu vui mắt. - Con thường gặp cậu ta phải không? – Ông hỏi làm như không có gì quan trọng lắm. Cẩn thận, Marion đặt ly cà phê xuống cái đĩa màu xanh kẻ vàng, nhìn bố, nhìn khuôn mặt đỏ au hiền lành và đôi mắt nhấp nhóa vì ánh đèn phản chiếu sau kính mắt của ông. - Gặp Bud, hả ba? – Nàng hỏi, dù biết bố muốn hỏi đến hắn. Leo Kingship gật đầu. - Vâng, con hay gặp anh ấy – Nàng nói thẳng thắn và ngừng lại một thoáng rồi nói tiếp – Tối nay anh ấy đến thăm con, khoảng mười lăm phút nữa… Nàng nhìn xem bố có phản ứng gì không, vừa hy vọng sẽ không có cuộc tranh luận nào xảy ra, bởi vì nó sẽ làm vẩn đục cả buổi tối nay, nhưng cũng hy vọng sẽ có một cuộc tranh luận như thế, để xem sức mạnh ở Bud có thể thuết phục được bố không. - Nghề nghiệp của cậu ta? – Ông bố bỏ ly sữa xuống, hỏi – Hướng đi ra sao? Sau một giây im lặng, Marion trả lời: - Anh ấy đang học ở trường bồi dưỡng nghiệp vụ – Nàng ngừng lại – Vài tháng nữa anh ấy sẽ ở trong ban giám đốc. Ba hỏi làm gì vậy? – Nàng khẽ mỉm cười. Leo Kingship xoay xoay cái ly. Aùnh mắt ông lúng túng nhìn khuôn mặt lạnh lùng của Marion. - Con đã dẫn cậu ta đến ăn cơm tối, một việc chưa bao giờ con làm như thế trước đây, phải không Marion? Ba không có quyền hỏi như vậy à? - Anh ấy đang ở trọ. Khi không ăn cơm tối với con thì anh ấy ăn một mình. Do đó, một tối kia con đã mời anh ấy đi ăn. - Những tối con không ăn ở đây, con đi ăn với cậu ta? - Dạ, hầu như thế. Tại sao hai đứa con cứ phải thui thủi ăn một mình mãi, trong khi cơ quan tụi con cách nhau có năm dãy nhà – Nàng tự hỏi tại sao mình có vẻ lẩn trốn như thế khi có gì sai quấy đâu – Tụi con ăn chung với nhau vì thấy ăn như thế thật vui – Nàng nói dứt khoát – Tụi con yêu nhau. - Vậy thì ba có quyền đặt câu hỏi phải không? – Ông nói, giọng trầm tĩnh. - Anh ấy là người con yêu, không phải là người xin vào làm việc cho công ty Kingship Copper. - Marion… Nàng lấy điếu thuốc trong hộp bằng bạc và châm thuốc hút. - Ba không thích anh ấy, phải không ba? - Ba không nói thế! - Bởi vì anh ấy nghèo – Giọng nàng chua cay. - Không phải vậy, con à. Con biết rõ điều ấy. Một thoáng im lặng. - Thôi được – Ông nói – Cậu ta nghèo. Cậu ta đã đau khổ phải nói điều đó đến ba lần và cậu ta lải nhải mãi về người đàn bà – mẹ cậu ta – phải may vá thuê. - Có gì là xấu, nếu mẹ anh ấy phải đi may vá thuê hả ba? - Không, không có gì xấu cả. Cậu ta nói điều đó một cách bình thường thôi. Con có biết cậu ta làm ba liên tưởng đến ai không? Đến một người ở câu lạc bộ, chân bị tật, đi hơi khập khiễng. Mỗi khi bọn ba đánh “gôn”, ông ta thường hay nói: “Các vị đi trước lão đi, lạo thọt đi sau vậy”. Thế là mọi người đi hết sức chậm và nếu muốn đánh bại ông ta thì mọi người đều ao ước tại sao ông ta không có thêm cái gót chân vào. - Con nghĩ sự so sánh ấy chẳng đúng chút nào – Marion nói, rồi đứng lên khỏi bàn, đi về phía phòng khách, mặc cho bố vuốt mái tóc bạc một cách thất vọng. Cửa sổ phòng khách nhìn ra con sông phía đông. Marion đứng ở cửa sổ, một tay nắm bức màn cửa. Nàng nghe tiếng chân người bố đi vào phòng phía sau lưng nàng. - Marion à, con hãy tin ba. Ba chỉ mong con được hạnh phúc – Ông nói một cách khó nhọc – Ba biết chưa lúc nào ba lại quan tâm đến như thế, mặc dù sau cái chết của Dorothy và Ellen, ba vẫn chưa làm gì tốt hơn cả. - Con biết – Marion miễn cưỡng chấp nhận. Ngón tay nàng nhịp nhịp trên bức màn cửa sổ – Nhưng thực tế con đã gần hai mươi lăm tuổi rồi… một phụ nữ đang trưởng thành. Ba không thể đối xử với con như vậy… - Ba chỉ mong con chớ hấp tấp quyết định một việc gì đấy thôi, Marion à. - Ba đừng lo – Nàng ôn tồn nói. - Ba chỉ mong có thế. Marion nhìn trừng trừng ra ngoài cửa sổ. - Tại sao ba không ưa anh ấy? - Ba không thích cậu ta. Ba cũng chẳng rõ, ba… - Có phải ba sợ con sẽ bỏ ba một mình? – Nàng hỏi một cách chậm rãi như thể ý tưởng đó vừa mới hiện ra trong đầu nàng. - Con luôn luôn sống cách xa ba, phải không? Vì con sống ở căn nhà kia! Nàng quay lưng lại cửa sổ, nhìn bố đang đứng phía bên kia. - Ba biết đấy, con rất mang ơn Bud. Con sẽ kể cho ba nghe. Con chẳng muốn đưa anh ấy về đây ăn cơm đâu. Khi con gợi ý đó, con đã ân hận. Nhưng Bud nằng nặc hối thúc con mãi: “Đó là bố của em, chớ ai xa lạ đâu” – Anh ấy nói thế, “Em phải nghĩ đến tình cảm của bố chứ”. Ba thấy đó, tình cảm gia đình trong anh rất mạnh, con đâu được thế. Vì vậy ba phải biết ơn Bud, chứ không nên thù địch anh ấy. Bởi vì Bud có làm gì chăng nữa cũng là để bố con mình gần gũi nhau thêm, ba à – Nàng quay lại nhìn ra cửa sổ. - Thôi được – Leo Kingship nói – Có thể cậu ta là một người tuyệt vời. Ba chỉ muốn xem con có lầm lẫn gì không? - Ba nói gì thế? – Nàng quay phắt lại nhìn bố, toàn thân như tê dại. - Ba không muốn con lầm lỡ, thế thôi – Ông ngần ngừ nói. - Ba còn hỏi gì về anh ấy nữa không? Hay sẽ hỏi những người khác? Ba đã cho ai đi điều tra về anh ấy chưa? - Không. - Giống như ba đã xử sự với Ellen? - Lúc đó Ellen mới mười bảy tuổi. Và ba đúng phải không? Thắng đó có gì tốt không? - Con bây giờ đã hai lăm tuổi và con biết con muốn gì. Nếu cho người đi điều tra Bud… - Ba không hề có ý nghĩa đó! Aùnh mắt Marion nhìn sững người bố. - Con yêu Bud – Nàng nói, giọng chắc nịch – Con yêu anh ấy vô cùng. Ba có biết điều ấy có ý nghĩa như thế nào không? Cuối cùng, con đã tìm được người yêu thương… - Marion, ba… - Nếu ba làm bất cứ điều gì, bất kể chuyện gì, để anh ấy thấy là mình bị bạc đãi, bị khinh rẻ, để anh ấy cảm thấy không xứng đáng với con… thì con sẽ không nhân nhượng ba nữa. Con thề với trời đất là sẽ không bao giờ nói chuyện với ba cho đến khi con chết mới thôi. Marion lại quay lưng, nhìn ra cửa sổ. - Ba chưa bao giờ có ý tưởng đó, Marion à. Ba thề… Ông lén nhìn tấm lưng bất động của con gái rồi thở dài, ngồi xuống, dựa lưng vào ghế nệm. Vài phút sau, chuông ở cửa trước reo vang. Marion rời cửa sổ, băng qua phòng đi về cánh cửa lớn dẫn ra phòng ngoài. - Marion… - Người bố đứng lên. Nàng đứng lại, quay lui nhìn ông. Từ phòng ngoài có tiếng mở cửa và tiếng nói chuyện thì thầm. - Mời cậu ta ở lại một chốc… uống trà với ba – Kingship nói. Một phút trôi qua. - Vâng – Nàng trả lời. Đến ngưỡng cửa, nàng do dự một giây – Con xin lỗi vì đã nói với ba như thế. – Nàng đi ra. Ông bố nhìn theo đứa con, rồi quay nhìn lò sưởi. Ông nhích lui một bước, ngắm mình trong gương. Ông nhìn người đàn ông béo tốt trong bộ áo quần đắt tiền, ba trăm bốn chục đô la, đang ở trong ngôi nhà mà tiền trả thuế mỗi tháng là bảy trăm đô la. Sau đó ông đứng thẳng người lên, cố tạo một nụ cười trên môi, xoay người đi về phía cửa, đưa tay ra: - Chào cậu Bud – ông nói.
P III - Chương 5
Sinh nhật của Maron nhằm vào ngày thứ bảy tháng mười một. Sáng sớm nàng đã lo lau chùi nhà cửa. Lúc một giờ, nàng đến một quán ăn nhỏ trong một khu yên tĩnh ở đại lộ gần công viên, trên cánh cửa ngôi nhà có gắn một miếng kim loại cho biết nhà đã có người ở. Bên trong cánh cửa sơn màu trắng, Leo Kingship, ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bọc nệm thời vua Louis XV, đang đọc tạo chí Gourmet. Ông đặt tờ báo xuống, đứng lên, hôn lên má Marion, chúc mừng sinh nhật nàng. Người chủ tiệm hai tay xoa xoa vào nhau, hướng dẫn họ đến bàn ăn đã dành trước cách biệt với những bàn ăn khác. Với thái độ xun xoe hiếm thấy nơi ông, ông chủ quán mời hai người ngồi vào bàn trên đó có một bình hoa hồng. Trước mặt Marion có một chiếc hộp nhỏ bọc giấy màu trắng buộc dây nơ kim tuyến màu vàng. Leo Kingship làm như không để ý đến chiếc hộp đó. Trong lúc ông xem bản thực đơn, ghi tên các loại rượu và thức ăn ( - Thưa ngài, ngài nên uống…) thì Marion mở gói quà, đôi má nàng ửng hồng, ánh mắt ngời sáng. Giữa lớp bông gòn là một sợi dây chuyền vàng gắn những hạt ngọc nhỏ bé lấp lánh. Marion khẽ kêu lên, kinh ngạc, mừng rỡ và khi chủ quán rời khỏi bàn, Marion rối rít cảm ơn bố, siết nhẹ bàn tay của ông như thể bàn tay ấy tình cờ để cạnh tay nàng. Sợi dây chuyền chưa hẳn hợp với sở thích của nàng vì không phải do nàng tự chọn mua nhưng nỗi vui mừng của nàng thật chính đáng, thành thật, không phải vì giá trị của món quà nhưng cách tặng của ông bố đã thực sự làm nàng hạnh phúc. Những lần trước, nhân sinh nhật của các con ông Leo Kingship thường tặng họ một tấm ngân phiếu một trăm đô la ký gửi ở ngân hàng trên đại lộ Năm và mọi thủ tục do người thư ký của ông chu toàn. Khi chia tay với ông bố, Marion đến thẩm mĩ viện, sau đó về nhà trọ. Xế chiều, có tiếng chuông reo. Nàng bấm nút cho cửa dưới lầu mở ra. Vài giây sau, một người đưa tin xuất hiện trước cửa phòng nàng, thở hổn hển như thể đang xách một vật gì nặng lắm. Tiền trà nước đã giúp anh ta điều hòa trở lại. Trong hộp, dưới lớp giấy sáp màu xanh lục, một nhánh hoa phong lan trắng với tấm danh thiếp vỏn vẹn một chữ “Bud”. Đứng trước gương, Marion thử ướm đóa hoa trên mái tóc, trên khuỷu tay, trên vai. Rồi nàng đi vào nhà bếp, đặt đóa hoa vào lại trong hộp và để nó vào tầng trên của tủ lạnh, trước đó nàng đã nhỏ vài giọt nước lên cánh cửa. Hắn đến vào khoảng sáu giờ, bấm chuông hai lần, đứng đợi trong lối đi ẩm thấp, cởi găng tay để lấy sợi vải dính trên ve áo khoác hải quân. Lát sau có tiếng bước chân vang nhẹ trêm cầu thang. Cánh cửa có màn che mở ra và Marion xuất hiện, rực rỡ, cành hoa phong lan trắng nổi bật trên chiếc áo ngoài màu đen của nàng. Họ bắt tay nhau. Hắn chúc nàng một ngày sinh nhật hạnh phúc và hôn đôi má nàng tô son đậm hơn ngày đầu tiên hắn gặp nàng. Hai người đến một quán trên đường 52 và ăn món cá nướng. Giá tiền trên thực đơn đối với Marion chẳng có gì là quá đáng so với những buổi ăn của nàng, nhưng lần này đọc trong ánh mắt hắn, nàng thấy hình như giá tiền quá cao. Nàng đề nghị Bud tự chọn thức ăn. Họ ăn súp hành cá nướng và dùng rượu Champange – Mừng sinh nhật Marion. Cuối bữa ăn, lúc đặt mười tám đô la trên khay của người hầu bàn, bắt gặp cái nhíu mày của Marion, hắn mỉm cười, vui vẻ. - Ồ, hôm nay là sinh nhật của em, phải không? Từ quán ăn, họ đi tắc xi đến rạp hát xem vở kịch Saint Joan. Họ ngồi trong phòng nhạc, hàng thứ sáu ngay ở giữa. Trong lúc giải lao, Marion trở nên nhí nhảnh khác mọi khi, mắt nàng long lanh khi nói về Shaw (1), về nghệ thuật diễn kịch, về một người nổi tiếng đang ngồi ở dãy phía trước họ. Suốt buổi diễn, tay nắm tay, họ ngây ngất trong hạnh phúc. Sau đó nàng đề nghị về nhà nàng, bởi vì nàng nghĩ tối nay Bud đã tiêu quá nhiều tiền rồi. - Anh thích như một người đi hành hương, cuối cùng được phép vào nơi thánh địa – Hắn nói và tra khóa vào cửa. Hắn vặn khóa đồng thời vặn nắm cửa luôn. - Anh nói gì nghe mà khiếp thế – Marion nói, giọng nàng liến thoắng – Thật đấy anh ạ. Nhà thì hẹp, bếp thì chật chội. Hắn đẩy cửa, rút chìa khóa trao lại cho Marion. Nàng bước vào, đưa tay bấm công tắc đèn trên tường cạnh cửa lớn. Aùnh sáng chan hòa cả căn phòng. Hắn bước theo vào, đóng cửa sau lưng. Marion quay lại nhìn hắn. Hắn lướt mắt nhìn các bức tường sẫm màu, những màn cửa kẻ sọc trắng và xanh, các đồ dùng bằng gỗ sồi. Hắn thì thầm đánh giá. - Chật quá phải không anh ? - Nhưng rất xinh xắn. Đẹp ! - Cám ơn anh đã khen – Nàng quay đi, gỡ hoa phong lan ra khỏi áo, bỗng nhiên nàng thấy ngượng nghịu như lần đầu mới gặp nhau. Nàng để nhánh hoa trên tủ trà, cởi áo choàng. Hắn đưa tay đỡ áo cho Marion. - Trình bày khéo thật – Hắn nói qua vai nàng. Nàng treo áo vào tủ một cách máy móc, rồi soi mình trong gương. Những ngón tay nàng lóng ngóng gắn hoa lên vai áo màu rượu chát, nhìn ảnh nàng chồng lên hình ảnh Bud trong gương. Hắn đi đến giữa phòng. Đứng trước cái bàn nhỏ, hắn cầm cái đĩa hình vuông bằng đồng lên xem. Nhìn nghiêng, mặt hắn không hề đổi sắc, chẳng biết là hắn thích hay không thích cái đĩa đó. Marion cảm thấy toàn thân nàng cũng bất động. - À, à – Cuối cùng hắn nói – Anh cuộc đây là quà của bố em. - Không phải – Marion nói, nhìn trong gương – Ellen tặng em đấy. - Ồ thế à – Hắn nhìn cái đĩa một lúc rồi bỏ xuống. Tay mân mê cổ áo, nàng quay lại nhìn hắn vừa lúc hắn đi ngang qua phòng một cách ung dung thoải mái. Hắn đứng trước kệ sách không cao lắm, nhìn bức tranh treo trên tường phía trên kệ. Marion dõi mắt nhìn theo. - Tác phẩm lâu đời của Demuth – Hắn nói, liếc mắt nhìn nàng, mỉm cười. Nàng cười lại. Hắn ngắm bức tranh một lần nữa. Lúc sau, Marion đi đến bên hắn. - Anh không hiểu và không nghĩ ra vì sao ông ta gọi bức tranh này là: “Máy hút lúa” là “My Egypt” – Bud nói. - Em cũng chịu thôi. - Tuy nhiên đấy là bức tranh đẹp – Hắn quay lại nhìn Marion – Chuyện gì thế? Mũi anh bị bẩn hay có gì mới lạ nơi anh, hả em? - Em không hiểu. - Em đang nhìn… - Ồ, có gì đâu. Anh uống gì chứ? - À ha. - Không có gì cả ngoài rượu. - Tuyệt! Marion đi về phía nhà bếp. - Trước khi em đi… - Hắn lấy trong túi ra một chiếc hộp nhỏ – Anh mừng sinh nhật em. - Ồ, anh Bud, anh khách sáo quá! Hắn nhại lại nàng: - Anh khách sáo quá! Nhưng em có thích anh tặng em như thế không? Quà tặng là một đôi bông tai bằng bạc, ba cánh sáng ngời, trông thật đơn giản. - Ôi cám ơn anh. Xinh quá, anh à – Marion thốt lên một cách thích thú và ôm hôn hắn. Nàng vội đến trước gương, đeo vào thử. Hắn đến sau lưng, nhìn nàng trong gương. Khi nàng đeo xong, hắn xoay người nàng lại. - Đúng là đẹp thật. Khi đôi môi rời nhau, hắn nói: - Nào, rượu mời anh đâu? Marion từ trong nhà bếp đi ra, hai tay cầm cái khay trên đó có chai rượu Bardolino và hai cái ly. Bud đã cởi bỏ áo vét, đang ngồi xếp bằng trên sàn nhà trước kệ sách, một quyển sách mở ra ở trên đùi hắn. - Anh không biết em lại thích proust đến thế – Hắn nói. - Thích lắm anh à! – Nàng để khay trên bàn. - Để khay chỗ này em – Hắn nói, lấy tay chỉ kệ sách. Marion chuyển cái khay từ bàn qua. Nàng rót đầy hai ly và đưa mời hắn. Một tay cầm ly, tay kia tháo giày, nàng ngồi xuống cạnh hắn. hắn lật từng trang sách rồi nói: - Anh sẽ chỉ cho em xem chương mà anh thích muốn điên lên được – Hắn nói. Hắn ấn nút. Cánh tay hắn vung vẩy chậm rãi theo điệu nhạc giống như cái đầu rắn đang lắc lư ngẩng lên cao. Đậy nắp máy hát, hắn trở lại chỗ, ngồi xuống cạnh Marion trên tấm thảm màu xanh. Những nốt nhạc trầm bổng của đàn dương cầm vang lên. Bài giao hưởng thứ hai của Rachmanioff. - Đúng là đĩa nhạc đó – Marion nói. Dựa lưng vào tường, Bud lượng tính căn phòng trong ánh sáng dìu dịu của những ngọn đèn mờ ảo. - Nơi đây mọi vật thật tuyệt vời. Sao trước đây em không mời anh về nhỉ? – Hắn nói nho nhỏ. Tay mâm mê hàng nút áo, Marion khẽ nói: - Em không biết… em tưởng anh không thích thế… - Anh mà không thích ư? Những ngón tay hắn bắt đầu chạy trên hàng nút áo của nàng. Bàn tay nàng nóng bỏng úp trên bàn tay hắn, giữa đôi vú nàng. - Anh Bud, em chưa bao giờ… trước đây em chưa bao giờ. Bud! Bud! - Anh biết, em yêu. Em đừng nói với anh điều ấy. - Trước đây, em chưa bao giờ yêu một ai. - Anh cũng vậy. Chưa bao giờ yêu ai. Mãi đến khi gặp em. - Anh muốn nói chuyện đó phải không? Phải không anh? - Chỉ yêu em, một mình em! - Ngay cả Ellen, anh cũng không yêu? - Chỉ có em thôi, anh thề. Hắn lại hôn nàng. Nàng bỏ tay hắn ra, đưa hai tay ôm lấy đôi má hắn. (1) Bernard Shaw (1856 – 1950) nhà viết kịch, người Aùi Nhĩ Lan. (2) My Egypt: Ai Cập của tôi (ND).
P III - Chương 6
New York Times, thứ hai ngày 24 tháng 12 năm 19… Marion J. Kingship làm Lễ Thành hôn vào ngày thứ bảy. Cô Marion Joyce Kingship, trưởng nữ của ông Leo Kingship ở Manhattan và người vợ quá cố, bà Phyllis Hatcher, sẽ làm lễ thành hôn với cậu Burton Corliss, trưởng nam của bà Joseph Corliss ở Menasset, Mass, và người chồng quá cố, ông Corliss, vào trưa thứ bảy, 29 tháng 12 tại nhà riêng của thân sinh cô. Cô Kingship tốt nghiệp trường trung học Spence ở New York và nguyên là sinh viên đại học Columbia. Hiện nay là nhân viên của chi nhánh quảng cáo Camdens và Galbraith. Chú rể tương lai, đã phục vụ trong quân đội vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đã theo học đại học Caldwell ở Caldwell, Wis, là nhân viên mới tuyển dụng của công ty Kingship Copper.
P III - Chương 7
Ngồi ở bàn làm việc, Richardson duỗi thẳng cánh tay phải trong một bộ điệu rất duyên dáng; liếc nhìn chiếc vòng vàng ôm khít cổ tay tròn trịa của mình. Đeo chiếc vòng trông quá trẻ, không hợp với mẹ được. “Mình phải tìm chiếc khác cho mẹ thôi – Nàng nghĩ – và giữ chiếc này lại cho mình”. Cánh tay nàng bỗng nổi bật lên trên một cái nền xanh thẫm với những đường sọc trắng. Nàng vội ngước mắt nhìn, định mỉm cười nhưng lại thôi khi nhìn thấy anh chàng quấy rối đó. - Chào cô – Anh nói vui vẻ. Richardson mở ngăn kéo, làm ra vẻ bận rộn với giấy tờ phải đánh máy. - Ông Kingship vẫn còn ăn cơm trưa – Nàng nói một cách hờ hững. - Thưa cô kính mến, ông ấy đã dùng cơm từ lúc mười hai giờ trưa, bây giờ là ba giờ chiều. Ông ấy là cái gì thế, con tê giác chắc? - Nếu anh muốn hẹn gặp tuần đến… - Tôi muốn là con chiên độc nhất của đức giáo hoàng trưa nay thôi, cô thân mến ạ. Richardson đóng ngăn kéo lại, lộ vẻ bực mình. - Ngày mai lễ Giáng sinh – Nàng nói – Ông Kingship sẽ nghỉ bốn ngày, kể từ hôm nay. Trừ phi quá bề bộn công việc thì ông mới không nghỉ. Ông đã ra lệnh cho tôi là không được quấy rầy ông, dù cho có việc gì đi nữa. - Vậy thì đâu phải là ông ấy đang dùng cơm trưa. - Ông đã nghiêm khắc ra lệnh cho tôi… Người đàn ông thở dài. Vắt chiếc áo khoát, đã được gấp lại, lên vai, anh rút một tờ giấy trong tập giấy cạnh máy điện thoại trên bàn của Richardson. - Xin phép cô nhé – Anh nói khi đã rút tờ giấy ra. Kê giấy lên quyển sách màu xanh nãy giờ kẹp dưới nách, anh lấy cây bút trong hộp đựng bút và bắt đầu viết. - Tôi sẽ không chuyển thư đâu. Đừng hòng – Richardson nói lớn – Tôi nói thật đấy, không đùa đâu. Viết xong, anh để bút vào lại chỗ cũ, rồi thổi thổi tờ giấy. Anh xếp tờ giấy làm tư một cách cẩn thận, đưa cho Richardson: - Cô hãy trao thư này cho ông Kingship, luồn vào dưới cửa cũng được, nếu cần phải làm thế. Cô thư ký trừng trừng nhìn anh, mở thư ra đọc. Cô nhìn lên bối rối: - Dorothy và Ellen?… Mặt anh không đổi sắc. Richardson cựa quậy nơi ghế. - Ông chủ bảo là không được quấy rầy ông, cho dù có việc gì đi nữa. Nàng lặp lại câu ấy một cách nhỏ nhẹ như thể chờ đợi Gant mách nước cho nàng xử sự thế nào đây cho phải – Anh tên gì? - Cô chỉ có việc đưa lá thư như thể cô là một thiên sứ xuống đưa tin. - Thì anh hãy… Anh nhìn cô thư ký với vẻ trách móch dù giọng nói của anh vẫn ôn tồn, định xông thẳng vào, Richardson khẽ nhíu mày, liếc nhìn lá thư lần nữa, rồi gấp lại như cũ. Nàng đứng dậy, đi về phía cánh cửa đang đóng kín. - Thôi được – Nàng nói với vẻ bực tức – Rồi anh sẽ thấy. Ông ấy đã dặn tôi. Nàng nhẹ gõ cửa. Cửa mở. Nàng lướt vào, lá thư trên tay. Mấy phút sau nàng đi ra, vẻ mặt đầu hàng. - Anh vào đi – Nàng nói giọng hờn dỗi. Anh nhanh nhẹn đi qua mặt nàng, áo vắt trên vai, sách kẹp dưới nách. Tiếng cửa khép lại nhè nhẹ. Leo Kingship ngước mắt nhìn lên, mảnh giấy còn trên tay. Ông đứng sau bàn làm việc, tay áo xắn lên cao, chiếc áo vét vắt ngang qua phía sau ghế. Kéo đôi kính lên trán, ông băn khoăn nhìn người đàn ông đang tiến về phía ông. - À – Khi người đàn ông đến gần, bóng che khuất nắng mặt trời, ông đã nhận ra khuôn mặt đó – Thì ra là cậu. Ông nhìn xuống mảnh giấy và vò nát, vẻ lo âu biến mất, nhường cho sự bực mình khó chịu. - Kính chào bác Kingship – Anh nói, đưa tay ra. Ông bắt tay người thanh niên đó không niềm nở lắm. - Cậu không nói tên cho Richardson cũng phải. Vừa mỉm cười, anh ngồi xuống ghế, để áo choàng vá sách trên đùi. - Gant? Không biết có đúng tên cậu không? – Ông hỏi. - Vâng, Gant – Anh rung rung đôi chân đang vắt chéo, nét mặt thỏa mãn – Gordon Gant, thưa bác. Leo Kingship vẫn đứng. - Tôi rất bận, cậu Gant à – Ông nói giọng dứt khoát, tay chỉ chồng giấy để trên bàn – Nếu là những nguồn tin về Dorothy và Ellen… - Ông đưa mảnh giấy vò nát trong tay lên – như những giả thuyết cậu đã đưa ra ở Blue River… - Chỉ một phần thôi, thưa bác – Gant nói. - Xin lỗi, tôi chẳng muốn nghe đâu. - Cháu biết bác không thích nghe vì cháu không phải là ca sĩ số một hiện nay. - Cậu muốn nói là tôi không thích cậu chứ gì? Không phải thế đâu. Chẳng hề có chuyện đó. Tôi chấp nhận những chứng cứ cậu ra đều hay, cậu rất giống con Ellen nhà tôi, cậu có sự nhiệt tình của tuổi trẻ… nhưng không đúng hướng, đi lệch đường, cách cậu xử sự khiến tôi đau đớn thêm. Xâm nhập vào khách sạn gặp tôi sau khi Ellen chết… Lúc ấy cậu còn nhắc lại làm gì chuyện quá khứ nữa chứ… - Cậu tưởng tôi muốn tin rằng Dorothy thực sự không tự tử chăng? - Dorothy không tự tử! - Thế còn lá thư? – Ông nhấn mạnh – Lá thư kia thì sao? - Một vài câu viết mơ hồ cần phải đối chiếu, thamkhảo với hàng chục dữ kiện khác bên cạnh việc tự tử. Biết đâu nàng đánh lừa để rồi viết như thế – Gant chồm người về phía trước – Dorothy đến tòa Hành chính để làm lễ thành hôn. Lý luận của Ellen rất chính xác. Sự kiện Ellen bị giết đã chứng minh điều đó. - Không thể có việc như thế – Leo Kingship bắt bẻ – Hai sự việc chẳng liên hệ gì đến nhau cả. Cậu có nghe cảnh sát nói… - Tên phá cửa vào nhà? - Chớ còn ai khác nữa! Tại sao lại không phải là tên đó chứ? - Bởi vì cháu không tin vào những sự trùng hợp kỳ dị ấy. Ngữ đó không phải… - Một dấu hiệu thiếu chín chắn cậu Gant ạ! Gant im lặng, sau đấy anh nói: - Cả hai lần đều là tên đó! Kingship mệt mỏi chống tay lên bàn, nhìn xuống mảnh giấy. - Tại sao cậu muốn làm sống lại toàn bộ câu chuyện này? – Ông thở dài – Xen vào công việc của người khác làm gì hả cậu Gant? Cậu nghĩ tôi sẽ có cảm tưởng như thế nào… - Ông đẩy kính xuống sống mũi, ngón tay vuốt thẳng mảnh giấy – Cậu hãy đi đi… Gant chẳng tỏ vẻ gì là muốn đi cả. Anh vẫn ngồi thế. - Cháu về quê nghỉ hè. Quê cháu ở White Plains. Không phải cháu đến đây để hâm nóng lại những gì mà người ta đã nói trong tháng ba vừa qua… - Thế thì chuyện gì? – Leo Kingship nói lớn. - Một bài viết trên báo TIMES phát hành buổi sáng, ở trang xã hội. - Chuyện về con gái tôi? Gant gật đầu. Anh lấy gói thuốc trong túi ra. - Bác biết gì về Bud Corliss? – Anh thình lình đặt câu hỏi. Kingship im lặng, đưa mắt nhìn Gant, rồi chậm rãi nói: - Biết gì về cậu ta à? Cậu ấy sắp là con rể của tôi. Anh ám chỉ gì khi hỏi tôi biết gì về Bud Corliss? - Bác hẳn đã rõ hắn và Ellen có một thời yêu nhau? - Biết chứ! – Leo Kingship đứng thẳng người lên – Cậu đang định lái qua chuyện gì vậy? - Chuỵên dài lắm, thưa bác – Gant nói, đôi mắt màu xanh dưới đôi lông mày rậm ánh lên vẻ sắc sảo và cương quyết. Anh làm một cử chỉ hướng về chiếc ghế của Leo Kingship – Sự trình bày của cháu chắc chắn sẽ gây trở ngại, nếu bác cứ đứng trước mặt cháu như thế này. Ông ngồi xuống, nhưng bàn tay vẫn đặt nơi mép bàn trước mặt như thể ông sẵn sàng đứng dậy bất cứ lúc nào. Gant châm thuốc hút. Anh ngồi im lặng một lúc, mắt nhìn điếu thuốc ra chiều nghĩ ngợi, răng cắn môi dưới như đang chờ một hiệu lệnh. Sau đó anh nói một cách thông suốt và tự nhiên. - Khi rời khỏi Caldwell, Ellen có viết một lá thư cho Bud Corliss. Tình cờ cháu đọc được lá thư đó ngay sau khi Ellen đến Blue River. Bức thư ấy đã gây cho cháu một ấn tượng sâu sắc, vì đã mô tả hình dáng tên bị tình nghi giết người gần như là ám chỉ vào cháu vậy – Anh cười – Cháu đọc bức thư đến hai lần, đọc rất cẩn thận, bác có thể hình dung ra được việc ấy. Vào đêm Ellen bị giết, Eldon Chesser, cái lão cảnh sát trưởng lười suy nghĩ kia hỏi cháu: “Ellen có phải là người yêu của cậu không?”. Có lẽ đó là lần suy nghĩ duy nhất trong suốt cuộc đời thám tử của lão. Nhưng điều đó khiến cháu nghĩ đến Bud Corliss. Một phần vì cháu lo lắng cho Ellen, vì không biết nàng đang ở đâu với tên mang vũ khí đó – Chỉ có trời mới biết được – một phần vì cháu yêu Ellen và muốn biết người yêu của Ellen thuộc hạng người nào, nên cháu chợt nghĩ đến lá thư mà lời lẽ vẫn còn in rành rành trong đầu óc cháu, và đó là nguồn tin tức độc đáo nhất cho biết về “tình địch” của cháu: Bud Corliss. Gant ngừng lại một lúc rồi nói tiếp: - Một là: Hình như lá thư không chứa đựng điều gì cả ngoài cái tên: “Anh Bud thân mến”. Rồi địa chỉ trên bì thư “Bud Corliss, đường Roosevelt hay đường gì đó, Caldwell bang Wisconsin”. Không một đầu mối nào khác. Nhưng suy nghĩ kỹ, cháu phát hiện được một vài điều qua lá thư của Ellen, và cháu kết hợp thành một lượng thông tin khá lớn về Bud. Tuy nhiên cũng chưa có ý nghĩa gì lắm, chỉ là một số dữ kiện bề ngoài, chứ chưa cho thấy những đặc điểm về con người của hắn, điều mà cháu quyết tâm tìm cho bằng được. Và dữ kiện vẫn còn ám ảnh mãi ở cháu, nhưng đến hôm nay thì nó đã rõ ràng. - Cậu cứ nói – Leo Kingship giục anh khi anh dừng lại để hít một hơi thuốc. Gant ngả người ra sau ghế. - Trước hết, Ellen đã viết thư cho Bud nói rằng nàng sẽ không bỏ dở việc học ở Caldwell trong thời gian nàng không có mặt ở đó bởi vì Bud sẽ gửi thư thường xuyên cho nàng. Bấy giờ Ellen là sinh viên năm thứ tư, có nghĩa là nàng học trên hắn. Trong trường đại học, lớp học năm thứ tư thường sát cạnh lớp học năm thứ nhất và năm thứ hai. Nếu Bud gánh dùm cho Ellen những tiết học – Có thể cả hai có một chương trình học chung – thì hắn phải là sinh viên năm thứ hai, nhưng cũng có khả năng là sinh viên năm thứ tư hoặc năm thứ ba. Hai là: Có một chi tiết trong thư của Ellen nói về lối sống của nàng trong ba năm đầu tiên ở đại học Caldwell, lối sống hình như đã đổi khác sau cái chết của Dorothy. Nàng đã mô tả nàng đã sống buông thả như thế nào – “Anh sẽ không sao nhận ra em được”. – Cháu còn nhớ chính xác những gì Ellen viết trong thư. Điều đó có nghĩa là và chắc chắn là Bud đã không quen biết Ellen trong thời gian ba năm đầu tại đại học Caldwell. Nếu là một trường đại học cỡ đại học Stoddard, chuyện đó còn chấp nhận được, nhưng chúng ta hãy nói đến điểm thứ ba. Ba là: Cladwell là một trường đại học rất nhỏ, chỉ bằng một phần mười trường đại học Stoddard thôi, Ellen viết: “Em phỏng chừng như thế, chứ không dám nói là chính xác”. Sáng hôm sau, cháu lật quyển niên giám ra xem thì thấy đại học Stoddard có trên mười hai ngàn sinh viên, trong lúc đại học Caldwell vỏn vẹn chỉ có tám ngàn sinh viên. Hơn nữa Ellen còn nêu trong thư chuyện nàng không cho Dorothy theo học ở đại học Caldwell là vì nơi đây mọi hành vi, mọi cử động của mình đều dễ dàng bị mọi người hay biết. Giờ chúng ta hãy kết nối ba việc trên lại với nhau: Bud Corliss là một sinh viên chuyển trường, hắn chuyển về đại học Cladwell vào tháng chín năm đó, lúc Ellen mới bắt đầu học vào năm thứ tư và sau khi Dorothy chết. Leo Kingship nhíu mày: - Tôi không thấy… - Giờ hãy nói đến ngày hôm nay, ngày 24 tháng 12 – Gant nói, dập tắt điếu thuốc trong cái gạt tàn – Khi mẹ cháu miệng lâm râm cầu xin Chúa phù hộ lúc bà đem điểm tâm cho thằng con lãng tử đang nằm trên giường, bà có mang theo tờ New York Times buổi sáng nữa. Trên trang xã hội có đăng tên Kingship. Cô MARION KINGSHIP SẼ KẾT HÔN VỚI CẬU BURTON CORLISS. Bác hãy tưởng tượng sự kinh ngạc của cháu như thế nào. Bấy giờ, ngoài việc óc tò mò chưa được thỏa mãn, với một đầu óc thích phân tích, cháu lại còn nghĩ lung tung. Tên hội viên mới trong gia đình bác chưa đủ tư cách là một hội viên vì hắn là một kẻ tham lam muốn vơ trọn cả công ty Kingship Copper vào tay hắn… - Này cậu Gant… - Cháu thật không sao hiểu nổi – Gant nói tiếp – Mặt mũi nào hắn lại có thể tán tỉnh người chị ngay sau khi người em vừa chết. Hết là người yêu của em, rồi lại là người em của chị. Hai người trên ba, con số cũng không đến nỗi tệ. Sau đấy cũng vì đầu óc ưa phân tích và hay nghĩ bậy bạ, cháu tiến xa hơn một chút. Đối với tên Bud Corliss, hắn có ý đồ chuyển về đại học Caldwell vào tháng chín năm đó thì con số ba mới là con số hắn mơ tưởng. Leo Kingship bật đứng lên, nhìn Gant trừng trừng. - Ý nghĩ thật quái gỡ không sao tưởng tượng nổi phải không bác? – Gnat vẫn bình tĩnh nói – Để đáng tan sự nghi ngờ này cũng không lấy gì làm khó khăn cho lắm. Bác chỉ cần làm một việc rất đơn giản là rời khỏi bàn, đi lại kệ sách và lấy quyển THA STODDARD FLAME (Ngọn lửa Stoddard) bác sẽ rõ ngay. Gant chìa ra quyển sách lớn bìa bằng da màu xanh da trời có in dòng chữ màu trắng “Khóa học năm thứ hai”. Gant nói: - Trong này có một số hình ảnh khá lý thú. Một tấm ảnh của Dorothy và một của Powell, thật tiếc, cháu mất cơ hội lưu danh hậu thế. Nhưng vẫn có nhiều sinh viên năm thứ nhất được lưu danh, trong đó có… - Anh mở sách đến trang có kẹp sẵn miếng giấy làm dấu, rồi xoay quyển sách lại và để xuống trên bàn, lấy ngón tay chỉ vào tấm hình, đọc dòng chữ ghi phía dưới tấm ảnh – Corliss (Burton), tên thường gọi: Bud ở Menasset, Masschusetts – khoa học nhân văn. Leo Kingship lại ngồi xuống, nhìn tấm ảnh nhỏ bằng con tem thư, rồi lại nhìn Gant. Gant chồm người ra trước, lật vài trang nữa và chỉ một tấm ảnh khác. Aûnh của Dorothy Kingship. Leo Kingship nhìn sững tấm hình, sau đó ngước mắt nhìn lên. Gant nói: - Cháu cũng đã ngạc nhiên như thế. Cháu nghĩ là bác phải biết việc này. - Tại sao – Ông hỏi một cách thản nhiên – Việc này dẫn đến đâu? - Trước khi trả lời câu hỏi của bác, xin phép được hỏi bác một câu. - Hỏi đi. - Hắn không bao giờ nói cho bác biết là hắn đã học ở đại học Stoddard phải không? - Không. Chúng tôi chưa hề nói đến những điều như thế – Ông vội giải thích – Chắc chắn hắn có nói cho Marion biết. - Cháu nghĩ cô ấy cũng không biết. - Tại sao lại không – Ông gặng hỏi. - Trên tờ báo Times đấy. Có phải Marion đưa tin cho bác? Cô dâu nào cũng làm như vậy cả. - Sao nữa? - Chẳng nói gì đến đại học Stoddard. Trong những dịp báo hỉ, thành hôn và đám hỏi, người ta thường nêu tên những trường lớp mà người ta đã theo học. - Có thể Marion áy náy sợ làm phiền đến họ nhiều. - Cũng có thể như thế. Hoặc cô ấy không biết. Ngay cả Ellen cũng có thể không biết nữa. - Thôi được, cậu còn gì để nói nữa không? - Bác đừng có giận cháu, bác Kingship. Sự thật là sự thật, cháu đâu có phịa ra hay là dựng đứng câu chuyện – Gant gấp quyển sách lại và để trên đùi – Có hai khả năng – Anh nói tiếp – Hoặc là Corliss đã nói với Marion là hắn có học ở Stoddard, có thể là một sự trùng hợp tình cờ hắn học ở đó rồi chuyển về Cladwell và chẳng biết gì về Dorothy, cũng như chẳng biết gì về cháu cả. Hoặc là hắn không đá động tí xíu nào cả về việc đó. - Điều đó có nghĩa gì? – Leo Kingship nói với giọng thách thức. - Điều ấy có nghĩa là chắc chắn hắn có dính líu đến vụ Dorothy. Còn có lý do nào khác để hắn phải giấu giếm chuyện kia chứ? Gant nhìn xuống quyển sách trên đùi mình: - Chỉ có một người muốn loại trừ Dorothy, bởi vì hắn là tác giả của cái bầu ấy. Leo Kingship nhìn Gant: - Cậu lại quay về chuyện đó nữa. Có người giết Dorothy, rồi lại giết Ellen… Cậu bị ám ảnh bởi chuyện này – câu chuyện mang tính chất xinê lệch lạc – và cậu không muốn chấp nhận… - Gant không nói gì cả, anh ngồi im lặng – Cậu không muốn chấp nhận Bud phải không? – Ông hỏi đầy vẻ nghi ngờ, ngả người ra sau ghế, lắc đầu, mỉm cười thương hại – Nào, nói đi chứ! – Ông giục Gant – Thật điên rồ, ngu xuẩn – Ông tiếp tục lắc đầu – Cậu nghĩ gì về hắn? Một tên cuồng dâm? – Ông lại cười – Cậu có một ý tưởng thật lạ đời. - Vâng, đúng thế. Lạ đời thật – Gant nói – Thời gian sẽ chứng minh. Tuy nhiên nếu hắn không đề cập gì đến việc hắn học ở Stoddard thì dứt khoát hắn đã dính líu vào Dorothy, không cách này thì cũng cách khác thôi. Và nếu hắn đã liên hệ với Dorothy, rồi đến Ellen và bây giờ lại với Marion thì rõ ràng là hắn đã quyết tâm phải chiếm đoạt một trong ba cô gái của bác. Cô nào cũng được hết. Nụ cười biến mất trên khuôn mặt Leo Kingship. Sắc mặt nhợt nhạt, ông để tay lên bàn. - Nghe rất hợp lý, tôi sẽ xem xét lại. Ông chớp chớp đối mắt, sửa soạn lại đôi kính và ngồi thẳng lên: - Tôi sẽ nói chuyện này với Marion – Ông nói. Gant đưa mắt nhìn máy điện thoại. - Không được – Leo Kingship nói như mất hồn – Điện thoại của nó đã cắt rồi. Nó sẽ trả nhà để về ở với tôi cho đến ngày cưới – Giọng ông lạc hẳn đi – Sau tuần trăng mật hai đứa sẽ dọn về căn nhà căn nhà tôi đã mua cho chúng ở Sutton Terrace… Thoạt tiên Marion không nhận, nhưng hắn đã thuyết phục con bé phải nhận. Hắn rất tốt đối với con tôi… Hắn giúp hai cha con tôi gần gũi, thân mật với nhau – Ông và Gant nhìn nhau một thoáng, ánh mắt của Gant cương quyết, thách đố. Leo Kingship có vẻ nhân nhượng. Ông đứng lên: - Bác biết cô ấy ở đâu chứ? – Gant ngần ngừ hỏi. - Tại nhà nó… đang thu dọn đồ đạc – Ông mặc áo vét vào – Chắc chắn thằng đó đã nói cho con bé biết chuyện học hành của hắn tại Stoddard… Khi hai người ra khỏi văn phòng, Richardson rời mắt khỏi tờ tạo chí, ngước mắt nhìn lên. - Hôm nay thế là được rồi, cô Richardson. Cô có thể dọn dẹp bàn ghế của tôi. Cô thư ký khẽ cau mày, ngạc nhiên: - Vâng, thưa ông Kingship. Chúc ông một mùa Giáng sinh vui vẻ. - Cám ơn cô. Chúc cô một mùa Giáng sinh hạnh phúc. Leo Kingship và Gant đi dọc theo hành lang đến phòng thang máy. Trong lúc chờ thang máy, Leo Kingship nói: - Tôi tin là hắn đã nói với Marion về chuyện đó rồi.
P III - Chương 8
- Gordon Gant? – Marion vừa bắt tay anh vừa lặp lại tên anh, mường tượng đã nghe tên đó ở đâu đấy – Hình như tôi chưa hân hạnh được quen anh thì phải? – Nàng nắm tay ông bố dẫn vào phòng, miệng nở nụ cười, tay kia đưa lên cổ áo mân mê chiếc vòng lấp lánh những hạt ngọc. - Cậu ấy ở Blue River – Giọng Leo Kingship ngượng ngịu khi giới thiệu, mắt không nhìn Marion – Hình như ba đã nói với con về cậu Gant. - Dạ vâng. Anh quen Ellen, phải không? - Vâng – Gant nói. Anh đưa tay xuống gáy sách đang kẹp bên người, chỗ bìa da không ẩm ướt và nghĩ rằng mình đã không uổng công theo Leo Kingship đến đây. Bức hình trên báo TIMES không cho thấy đôi mắt trong sáng và đôi má ửng hồng của Marion, cái vẻ rạng rỡ của người-sắp-làm-đám-cưới-vào-ngày-thứ-bảy-đến tỏa ra khắp người nàng. Marion làm điệu bộ thất vọng khi chỉ căn phòng của nàng. - Tôi sợ không có chỗ nào cho quý vị ngồi cả. Nàng đi đến cái ghế đầy ắp đồ đạc và giầy dép để trên đó. - Con đừng bận tâm – Leo Kingship nói – Ba và cậu Gant ghé lại một chốc thôi. Ba có rất nhiều việc đang cần phải làm tại công ty. - Nhưng không phải là đêm nay chứ ba? – Marion hỏi – Ba đợi tụi con lúc bảy giờ ba nghe. Mạ anh ấy đến lúc năm giờ và bác ấy muốn đến khách sạn trước đã – Nàng quay sang Gant – Bà mẹ chồng tương lai của tôi anh à! – Nàng nói một cách có ngụ ý. Trời đất, Gant nghĩ thầm, mình có nhiệm vụ phải nói: “Cô sắp thành hôn à?”. “Vâng, vào ngày thứ bảy đến”. “Xin chúc mừng cô, chúc cô may mắn, xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất”. Anh mỉm cười một cách thẫn thờ, không nói gì cả. Không ai nói một lời nào hết! - Tôi rất hân hạnh được biết mục đích của cuộc viếng thăm này! – Nàng gặng hỏi, giọng khách sáo. Gant đưa mắt nhìn Leo Kingship, đợi ông mở lại. Marion nhìn cả hai người, hỏi: - Có chuyện gì quan trọng à? Một lúc sau, Gant lên tiếng: - Tôi cũng có quen biết cả Dorothy nữa. Quen sơ thôi. - Thế à! – Marion nhìn xuống đôi tay mình. - Dorothy có giờ học chung với tôi. Tôi học ở đại học Stoddard. Tuy nhiên Bud, Bud hình như không có giờ… - Anh Bud hả? – Marion nhìn lên. - Vâng, Bud Corliss, người chồng sắp cưới… Marion lắc đầu cười. - Anh ấy chưa từng học ở đại học Stoddard – Nàng chỉnh Gant. - Bud đã học ở đó, thưa cô Kingship. - Không!-Nàng nhấn mạnh một cách vui vẻ –Anh ấy học ở Caldwell. - Ở Stoddard rồi chuyển về Caldwell. Marion cười có vẻ châm biếm và nhìn Leo Kingship như đợi ông bố nói vài lời giải thích cái vẻ lì lợm của người theo ông đến đây. - Bud đã theo học ở Stoddard, con ạ – Leo Kingship nói một cách khó nhọc – Cậu hãy đưa sách cho con gái tôi xem. Gant mở quyển lưu niệm của đại học Stoddard đưa cho Marion và chỉ cho nàng thấy tấm ảnh của Bud Corliss. - Chúa ơi, tôi phải xin lỗi vậy – Nàng nói – Tôi không biết… - Nàng liếc nhìn bìa sách: năm một ngàn chín trăm… - Trước quyển này cũng có ảnh của Bud nữa – Gant nói – học ở Stoddard một năm rồi chuyển về Caldwell. - Lạy Chúa. Anh không đùa đấy chứ? Có lẽ anh ấy quen biết Dorothy. Trông nàng có vẻ thích thú lắm như thể điều đó làm tăng thêm sự gần gũi giữa nàng và vị hôn phu của nàng. – Nàng đưa mắt nhìn lại tấm ảnh. - Bud không nói với cô về việc này? – Gant hỏi, mặc dù Leo Kingship lắc đầu ra hiệu anh đừng hỏi. - Ồ, anh ấy chẳng hề nói… Từ từ nàng rời mắt khỏi quyển sách, nhìn lên, lần đầu tiên nàng nhận ra vẻ căng thẳng và lúng túng của hai người. - Chuyện gì vậy? – Nàng tò mò hỏi. - Không có chuyện gì cả – Leo Kingship trả lời và đưa mắt nhìn Gant, chờ sự đồng tình của anh. - Thế tại sao hai người lại đứng đó như là… - Nàng bỏ lửng câu nói, nhìn quyển sách rồi lại nhìn bố. Cổ họng như bị nghẹn lại – Có phải hai người đến đây chỉ nói về việc này? - Chúng tôi chỉ muốn xem cô có biết việc này không, thế thôi – Gant lúng túng nói. - Để làm gì mới được chứ? - Chỉ thắc mắc vậy mà. Nàng nhìn thẳng vào mắt Gant: - Lý do? - Vì sao Bud giấu giếm chuyện này – Gant nói – Trừ phi… - Cậu Gant! – Leo Kingship kêu to lên. - Giấu giếm chuyện này? – Marion ngạc nhiên – Aên nói gì mà lạ thế. Anh ấy có che giấu gì đâu. Chúng tôi không muốn nói nhiều đến việc học hành, lý do vì Ellen. có gì đâu mà giấu với giếm. - Tại sao người con gái anh ta sắp cưới lại không hay biết rằng anh ta đã học ở Stoddard hai năm? – Gant lặp lại câu nói một câu không nhân nhượng – Trừ phi anh ta có dính líu đến Dorothy. - Dính líu à? Dính líu đến Dorothy? – Mắt nàng trợn tròn, nghi ngờ nhìn sững vào mặt Gant, rồi quay sang ông bố, mắt nheo lại – Cái gì vậy, ba? Leo Kingship nhăn mặt khó chịu như bị hạt bụi bay vào mắt. - Ba trả cho anh ta bao nhiêu vậy? – Marion lạnh lùng hỏi ông bố. - Trả tiền cho cậu ấy? – Leo Kingship ngạc nhiên. - Vì đã chõ mồm vào công việc của người khác! – Nàng nổi giận – Vì đã bới móc chuyện bẩn thỉu, vì đã bịa ra những chuyện nhớp nhúa. - Cậu Gant tự ý đến với ba, Marion à – Ông bố giải thích. - Ồ vâng, vâng, anh ta chỉ tình cờ vác mặt đến thôi. - Tôi đọc bài trên tờ báo TIMES – Gant chống đỡ. Marion trừng trừng nhìn bố. - Ba thề sẽ không làm điều đó – Nàng nói một cách cay đắng – Thề thốt! “Ba không hề nghĩ đến việc điều tra, sẽ không đối xử với hắn như một tên tội phạm đâu”. Ôi, ôi còn gì nữa. - Ba chưa từng đặt một câu hỏi nào cả – Leo Kingship phản đối. Marion quay lưng lại. - Con cứ ngỡ ba đã thay đổi, thật tình con tưởng thế thật. Con nghĩ là ba thương anh Bud và thương con. Nhưng ba không thể nào… - Marion… - Không. Trừ phi ba không xử sự như thế này thì căn nhà, nghề nghiệp và tất cả những gì đấy con sẽ nhận nhưng… - Không có gì xảy ra cả, Marion. Ba xin thề… - Không có gì à? Con sẽ nói cho ba nghe một cách chính xác điều gì đã xảy ra – Nàng quay lại nhìn thẳng vào mặt ông bố – Ba tưởng con không biết sao? Bud “dính líu” với Dorothy có nghĩa là anh ấy phải là người chịu trách nhiệm đã gây ra sự buồn phiền của Dorothy. Anh ấy cũng “dan díu” với Ellen, giờ lại đến con – Tất cả cũng vì tiền, vì những đồng tiền quý giá của ba. Đó là những gì đang diễn ra trong đầu óc của ba! Nàng ném mạnh quyển sách vào tay ông bố. - Cô lầm rồi, cô Marion à – Gant nói – Đó là những gì đang xảy ra trong đầu tôi, chứ không phải là bố cô. - Con thấy không? – Kingship nói – Cậu Gant đã tự ý đến, ba có nhờ gì cậu ấy đâu. Marion quắc mắt nhìn Gant một cách dữ tợn. - Anh là ai? Tại sao anh lại xen vào việc này? - Tôi quen Ellen. - Tôi biết – Nàng xẳng giọng – Anh cũng quen Bud? - Tôi chưa được hân hạnh như thế. - Vậy thì xin anh vui lòng giải thích anh đến đây để làm gì? Tại sao anh lại đưa ra những lời buộc tội để chống lại anh ấy, khi anh ấy không có mặt? - Câu chuyện… - Thôi đủ rồi, cậu Gant – Leo Kingship can thiệp. Marion mỉa mai: - Anh ghen tức với Bud, đúng không? Bởi vì Ellen yêu anh ấy hơn là yêu anh. - Đúng vậy – Gant nói cộc lốc – Lòng ghen tuông đã đốt cháy con người tôi. - Và chắc anh cũng nghe người ta nói đến điều luật trừng trị những kẻ vu cáo? – Nàng gặng hỏi. Leo Kingship đi về phía cửa, đưa mắt ngầm ra hiệu cho Gant. – Đúng đấy, tốt hơn hết là anh nên đi đi – Marion nói. Nhưng khi Gant mở cửa, nàng gọi giạt lại – Hãy đợi một chút. Cấm anh không được đề cập đến chuyện này nữa. Phải chấm dứt ngay! - Có chuyện gì đâu mà phải chấm dứt, hả con? – Leo Kingship giờ mới lên tiếng. - Cho dù ai đứng sau lưng câu chuyện này chăng nữa – Marion nói, nhìn vào mặt Gant – Con đề nghị cũng nên ngừng luôn. Chúng tôi đã không đề cập đến việc học hành, thế thôi. Nhưng tại sao chúng tôi phải nói đến mới được chứ? Vì Ellen à? Không vì gì cả! - Thôi được rồi, Marion – Leo Kingship nhân nhượng. Ông theo Gant đi ra và quay lại đóng cửa. - Phải chấm dứt hẳn chuyện này! –Maion nói lần cuối. - Được, được – Giọng người bố ngập ngừng – nhưng tối nay con vẫn đến chỗ ba, phải không con? Nàng bậm môi, suy nghĩ. - Con sẽ đến vì con không muốn làm thương tổn đến tình cảm của mẹ anh Bud. Leo Kingship đóng cửa lại. Gant và Leo Kingship đến một quán giải khát. Gant gọi cho ông một ly sữa, cho anh một ly cà phê và đĩa bánh ngọt. - Cho đến bây giờ mọi việc xem như êm đẹp – Gant mở đầu. Leo Kingship đang nhìn chiếc khăn trên tay. - Cậu muốn nói đến cái gì chứ? - Ít ra chúng ta cũng biết được chúng ta đang dứng ở đâu. Hắn đã không nói cho Marion biết chuyện hắn học ở đại học Stoddard. Điều đó cho chúng ta thấy một cách chắc chắn là… - Cậu không nghe Marion nói gì sao? Hai đứa hắn không đề cập đến là vì Ellen đấy thôi. Gant nhìn ông khẽ nhíu mày, nói chậm rãi: - Cũng có thể vì Marion muốn như thế, nàng không muốn khơi lại những gì đã qua và đang yêu hắn đắm đuối. Nhưng một người đàn ông không nói cho vị hôn thê của mình biết mình học ở đâu… - Đấy đâu phải là nói dối – Leo phản đối. Gant nói có vẻ châm biếm. - Gì cũng nói cho nhau nghe cả, chỉ trừ việc đó! - Xét đến hoàn cảnh, việc ấy cũng dễ hiểu thôi. - Tất nhiên. Hoàn cảnh đó là hắn đã liên can đến Dorothy. - Cậu chưa có đủ bằng chứng để khẳng định suy luận của cậu là đúng. Gant khuấy ly cà phê và nhấp một hớp. Anh thêm một ít đường, rồi chầm chậm khuấy một lần nữa. - Bác sợ con gái bác, phải không? - Tôi sợ Marion? Cậu đùa đấy à, cậu Gant? – Ông dằn mạnh ly sữa xuống bàn – Khi chưa có chứng cứ, hắn vẫn là người vô tội. - Vậy thì chúng ta sẽ tìm bằng chứng, phải không bác? - Cậy thấy không? Cậu cũng chấp nhận là cậu đang đoán mò. - Không, cháu đang xác nhận một điều là chúng ta có vô số bằng chứng khác nữa – Gant nói, bỏ một miếng bánh vào miệng. Nuốt xong miếng bánh, anh nói tiếp – Bác định sẽ làm gì, bác Kingship? - Không làm gì hết – Leo Kingship nhìn chiếc khăn lau miệng, nói một cách uể oải. - Bác vẫn tiến hành đám cưới cho họ sao? - Tôi không thể làm gì khác hơn, dù tôi có muốn chăng nữa. Cà hai đứa đều đã trên hai mươi mốt tuổi rồi. - Bác có thể thuê thám tử. Còn đến bốn ngày nữa mới đến ngày cưới. Thám tử có thể phát hiện ra một vài điều mới. - Cũng có khả năng như vậy, nhưng với điều kiện là phải có cái gì đó mới tìm kiếm được chứ. Bằng không Bud sẽ đánh hơi được rồi sẽ nói lại với Marion. Gant cười. - Cháu thật buồn cười cho bác và Marion. Leo Kingship thở dài: - Tôi sẽ kể cho cậu nghe một vài chuyện – Ông nói, không nhìn Gant – Tôi một vợ, ba con, chỉ có ba gái thôi. Hai đứa không còn nữa. Tôi đã xua đuổi vợ tôi và cũng có thể là tôi đã xua đuổi một trong ba đứa con của tôi. Giờ đây tôi chỉ còn lại một đứa độc nhất. Tôi năm mươi bảy tuổi rồi, với một đứa con; dăm ba người bạn để chơi đánh “gôn” và bàn công chuyện làm ăn. Chỉ có vậy thôi. Một lúc sau, ông quay nhìn Gant, nét mặt đanh lại: - Còn cậu thế nào? – Ông gặng hỏi – Tại sao cậu lại quá quan tâm đến chuyện này? Có phải cậu thích thú trong việc thử xem đầu óc phân tích của cậu như thế nào và muốn chứng tỏ cho mọi người thấy cậu thông minh? Lẽ ra cậu không nên hành động lố bịch như thế. Cậu vào văn phòng của tôi, đề cập đến lá thư của Ellen, rồi ném quyển sách trước mặt tôi, phán: “Bud Corliss theo học đại học ở Stoddard”. Rõ ràng cậu muốn vỗ ngực khoe khoang chơi. - Có thể là như thế – Gant vẫn nói với giọng ôn tồn – Có thể cháu nghĩ như thế này nữa kia, là hắn đã giết những cô con gái của bác và cháu muốn hành động như một hiệp sĩ ra tay trừng phạt tên giết người mới hả dạ. Leo Kingship uống hết ly sữa. - Tôi thấy tốt hơn hết là cậu nên về Yonkers vui chơi những ngày nghỉ cho rồi. - Về White Plains chứ? – Gant lấy nĩa ghim miếng bánh còn lại bỏ vào miệng – Bác bị u xơ à? – Gnat hỏi, nhìn ly sữa ông vừa uống hết. Leo Kingship gật đầu. Gant ngả người ra ghế, nhìn người đàn ông bên cạnh anh một cách chăm chú. Ông đứng dậy, đặt một đồng đô la trên quầy. - Chào cậu Gant nhé – Ông nói và bỏ đi. Người chủ quán đến cầm tiền lên, hỏi Gant có cần gì nữa không. Anh lắc đầu. Anh đáp chuyến tàu năm giờ hai mươi về White Plains.
P III - Chương 9
Khi viết thư cho mẹ hắn, hắn nói bóng gió về vấn đề tiền bạc của gia đình Kingship. Một hoặc hai lần, hắn cũng có nhắc qua về công ty Kingship Copper nhưng chỉ nói phớt qua vì hắn biết mẹ hắn không hề có một khái niệm rõ ràng về sự giàu sang, không sao hình dung ra nếp sống sang trọng, xa hoa của gia đình ông giám đốc một công ty đồ sộ như Leo Kingship. Có bao giờ mẹ hắn được sống một phút giây phú quý nào đâu. Do đó hắn náo nức, nôn nóng chờ đợi giây phút giới thiệu Marion và ông bố của nàng với mẹ hắn, và sẽ chỉ cho bà thấy mọi thứ trong gia đình ấy. Hắn hình dung ra đôi mắt tròn xoe đầy ngạc nhiên của bà mẹ trước những bàn tiệc linh đình, những cây đèn chói lọi trong ánh sáng chan hòa của ngày cưới. Nhưng cái đêm đó sao mà thất vọng đến thế! Không phải thất vọng trước những phản ứng của bà mẹ như hắn đã dự đoán. Mẹ hắn đã sửng sốt, kinh ngạc đến nỗi không dám thở mạnh như thể bà đang nhìn thấ một phép màu gì đó vậy. Kìa cái anh chàng quản gia áo quần thẳng nếp, sạch sẽ. Kìa là những tấm thảm mượt mà trải trên sàn nhà, những giấy dán tường đâu phải là giấy mà toàn là vải vóc, lụa là, những quyển sách bọc da gáy mạ vàng, những chiếc đồng hồ vàng trên tường, những cái khay bằng bạc và rượu champagne nữa chứ. Ôi xinh quá, bà cứ thầm thì khẽ thốt lên, mái đầu bạc lắc lắc mỉm cười như thể không bao giờ bà dám mơ tưởng đến. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt của hắn, bà cảm thấy tự hào, tay nhẹ mân mê miếng vải bọc ghế nệm bà đang ngồi. Đâu phải hắn thất vọng vì bà mạ, người đang mê mẩn, hân hoan. Nhưng điều khiến cho buổi tối hôm đó trở nên nặng nề, chính là thái độ của hai cha con Leo Kingship. Hình như hai cha con mới tranh cãi chuyện gì. Marion không nói chuyện với ông bố, trừ những lúc không thể lẩn tránh được. Hắn tin là câu chuyện đụng đến hắn, bởi vì hắn để ý thấy Leo Kingship nói chuyện với hắn nhưng lại không nhìn hắn. Trong khi đó, Marion, nắm chặt tay hắn, mọt điều “Anh của em”, hai điều “Anh yêu ơi”, cử chỉ mà trước đây không bao giờ nàng biểu lộ khi có một người nào trước mặt. Hắn cảm thấy gai gai trong người như có viên sỏi trong giày. Không khí bữa cơm tối tẻ ngắt. Leo Kingship và Marion ngồi ở hai đầu bàn, mẹ hắn và hắn ngồi hai bên bàn. Câu chuyện nhạt nhẽo. Hai cha con không hề trao đổi một lời nào với nhau. Hai mẹ con hắn cũng ngồi im thin thít. Có một cái gì ngăn cách giữa những người trong nhà và những “người chưa phải là người nhà”. Marion gọi hắn là “anh yêu” và kể cho mẹ hắn nghe về căn nhà ở Sutton Terrace. Mẹ hắn nói với Leo Kingship về “lũ trẻ”; Leo thì bảo hắn đưa dùm bánh mì mà chẳng thèm nhìn hắn lấy một giây. Còn hắn thì ngồi câm miệng. Hắn cầm thìa, cầm nĩa lên một cách chậm rãi cốt để mạ hắn nhìn thấy và làm theo. Điều đó chỉ có hai mẹ con hắn ngấm ngầm hiểu với nhau; thỉnh thoảng trao nhau nụ cười thầm kín khi hai cha con Kingship ngoảnh mặt nhìn đâu đó. Cuối bữa ăn, mặc dù trên bàn có một hộp diêm bằng bạc nhưng hắn vẫn cứ đốt thuốc cho Marion bằng hộp diêm riêng của hắn, sau đó làm như vô tình hắn lật mặt hộp diêm có khắc dòng chữ Bud Corliss trên một miếng giấy bạc lên bàn cho bà mẹ nhìn thấy. Tuy nhiên vẫn có một hòn sỏi nào đó trong chiếc giày của hắn. Bởi vì là đêm trước Giáng sinh nên họ phải đi nhà thờ. Làm lễ xong, hắn có ý định đưa bà mẹ trở lại khách sạn bà đang ở, còn Marion sẽ theo ông bố trở về nhà. Nhưng Marion, trước vẻ bối rối của hắn, xun xoe, tíu tít trông thật lạ lùng và cương quyết theo hai mẹ con hắn về khách sạn; do đó Leo Kingship phải lủi thủi về một mình, trong lúc Bud đưa mẹ hắn và Marion lên xe tắc xi. Hắn ngồi giữa bà mẹ và Marion; đọc tên những nơi xe chạy ngang qua cho mẹ hắn nghe. Theo chỉ dẫn của hắn, người tài xế cho xe chạy quanh thàn phố để bà Corliss ngắm thành phố ban đêm vì bà chưa từng lên New York lần nào. Hắn để bà mẹ đứng ở hành lang khách sạn, phía ngoài thang máy. - Mẹ mệt không? – Hắn hỏi. Khi bà mẹ nói là bà cảm thấy mệt mỏi lắm thì hắn lộ vẻ thất vọng – Mẹ khoan đi ngủ, con sẽ đến thăm mẹ – Hắn nói nhỏ nhẹ. Hai mẹ con chào tạm biệt, bà hôn trán hắn, cầm tay như luyến tiếc. Bà Corliss cũng hôn má Marion một cách âu yếm. Trên đường về nhà, Marion ngồi im lặng. - Có chuyện gì vậy em? - Có gì đâu? – Nàng nói, mỉm cười gượng gạo – Sao anh hỏi thế? Hắn nhún vai. Hắn định đưa nàng đến tận cổng rồi ra về, nhưng lo âu ngay ngáy ấy vẫn đeo đẳng đến bây giờ, nên hắn theo nàng vào nhà luôn. Leo Kingship đã đi nghỉ. Hắn và nàng vào phòng khách. Hắn châm thuốc hút, trong khi Marion mở radio. Cả hai ngồi xuống ghế trường kỷ. Marion nói với hắn là nàng rất mến mẹ hắn. Hắn nói rằng lấy làm mừng vô cùng và nói là mẹ hắn cũng mến nàng. Họ nói về tương lai, hắn thấy giọng nói của nàng thiếu nhiệt tình, như có điều gì khiến nàng ấm ức. Hắn duỗi người ra ghế, mắt mở he hé, một tay choàng qua vai Marion, chăm chú lắng nghe (trước đây hắn chưa bao giờ chú tâm nghe cái gì cả), cân nhắc, lượng tính từng chỗ ngắt quãng của nàng, từng chỗ nàng lên hay xuống giọng, run sợ cái giây phút ấy sẽ bùng nổ ra. Có thể chẳng có gì quan trọng. Nhất định chẳng có gì quan trọng đâu! Hẳn là hắn đã xem nhẹ nàng về một việc gì đấy, hoặc là hắn đã thất hứa với nàng điều gì đó, chỉ thế thôi. Có khả năng có chuyện gì khác không? Hắn ngừng lại trước mỗi một câu trả lời, hắn cân nhắc từng ý, từng lời rồi mới nói, suy nghĩ câu trả lời sẽ có hậu quả như thế nào, chẳng khác gì một tay chơi cờ khẽ đụng đến quân cờ trước khi di động. Marion xoay câu chuyện về con cái. - Chỉ hai đứa thôi – Nàng nói. Bàn tay trái hắn đặt trên đầu gối, vuốt vuốt nếp quần. Hắn cười. - Hoặc là ba, hoặc là bốn cũng được – Hắn nói. - Hai thôi – Nàng dứt khoát – Sau đó một đứa theo học đại học Columbia, một đứa ở Caldwell. “Caldwell, à chuyện gì về Caldwell đây” – Hắn nghĩ thầm – “Có phải chuyện Ellen không”? - Có thể cả hai đều theo học ở Michigan hoặc một trường nào đó – Hắn nói. - Hoặc chúng ta chỉ có một đứa – Marion nói – Nó học ở đại học Columbia, sau đó chuyển về Caldwell, hoặc ngược lại. Nàng chồm người về đàng trước, miệng mỉm cười, dập tắt điếu thuốc trong gạt tàn. Hắn để ý thấy nàng dụi tắt điếu thuốc một cách cẩn thận hơn mọi khi. “Chuyển về Caldwell, chuyển về Caldwell…”. Hắn im lặng, chờ đợi. - Không – Marion lại nói – Em không muốn con chuyển đi như thế – Hắn theo dõi từng câu nói mà những rảnh rỗi trước đây nàng chưa thổ lộ – Vì chuyển trường con mình sẽ mất hết số tiền đã đóng toàn năm. Chuyển trường gặp nhiều phiền phức lắm. Cả hai ngồi bên nhau, im lặng. - Không – Hắn bất chợt nói. - Không cái gì hả anh? – Nàng trố mắt hỏi. - Anh đâu mất tiền học đã đóng cho trường – Hắn nói. - Nhưng anh không chuyển trường chứ? – Nàng ngạc nhiên. - Có chứ, sao lại không. Anh đã nói với em. - Anh nói hồi nào? - Có, cưng à! Dứt khoát là anh có nói. Anh học ở Stoddard rồi mới chuyển về Caldwell. - Dorothy học ở đó, anh có biết không? - Bết. Ellen nói cho anh nghe. - Thế sao anh không nói với em, hay là anh có quen với Dorothy? - Có quen đâu. Ellen chỉ đưa ảnh cho anh xem. Anh nhớ mang máng đã gặp Dorothy ở đâu đấy. Anh đã nói với em ngay hôm đầu tiên gặp em ở viện bảo tàng. - Không, anh chẳng hề nói cho em nghe. Em can đoan với anh thế. - Thôi được, anh theo học ở đại học Stoddard hai năm. Anh muốn rằng anh không… Không để hắn nói hết câu, Marion ôm hôn hắn một cách cuồng nhiệt như thể cho hắn thấy là nàng không nghi ngờ gì hắn. Vài phút sau, hắn nhìn đồng hồ tay. - Anh phải về – Hắn nói – Tuần này anh ngủ càng nhiều càng tốt, bởi vì suốt tuần lễ sắp tới anh chẳng có thì giờ ngủ nghê gì được đâu – Hắn cười một cách ý nhị. Hắn nghĩ – Leo Kingship hình như đã nghe phonh phanh chuyện mình học ở Stoddard. Chẳng có gì đáng phải lo lắng cả, chẳng có gì nguy hiểm đáng sợ cả. Tuy nhiên có thể gặp rắc rối chứ chẳng phải đùa đâu vì lão Kingship sẽ hủy bỏ đám cưới mất. Chúa ơi! Không có gì nguy hiểm cả, ngay cả đối với cảnh sát mình cũng không có gì phải lo sợ. Không có điều luật nào ngăn cấm mình theo tán tỉnh con gái nhà giàu. Đúng vậy không? Nhưng tại sao mãi đến hôm nay lão Kingship mới biết việc này? Nếu lão đã cho người điều tra mình thì tại sao lão không cho điều tra sớm hơn? Tại sao lại là ngày hôm nay?… À, có lẽ vì lời báo tin trên tờ báo TIMES. Đúng rồi! Ai đó đọc thấy tin và hẳn là người đó cùng học với mình ở Stoddard. Có thể là con của một trong những người bạn của Leo Kingship – “Thằng con trai của tôi và thằng rể tương lai nhà anh cùng học ở đại học Stoddard”. Thế là lão Leo mới liên kiết hai sự việc lại với nhau. Dorothy-Ellen-Marion và tên đào mỏ. Và sau đó liền nói cho Marion biết, rồi hai cha con nhà lão mới cãi vã nhau. Chó thật, nếu ngay từ đầu mình kể toạc chuyện này thì hay biết bao. Nhưng biết đâu đó lại là một việc nguy hiểm, ngu xuẩn, bỗng nhiên tự mình tố cáo “Thưa ông con ở bụi này”. Ai chứ lão Leo sẽ nghi ngờ tức khắc và bắt buộc Marion phải nghe lời lão. Nhưng vấn đề là tại sao đến bây giờ lão mới nghi ngờ? Mình nghĩ hai cha con nhà lão mới manh nha ý nghi ngờ thôi vì nếu không thì Marion chẳng biểu lộ sự vui mừng đến thế khi mình nói không quen biết Dorothy. Cũng có thể vì lão giấu không cho Marion biết những tin tức kia? Không, lão ta sẽ cố gắng thuết phục nàng, sẽ đưa ra tất cả những dữ kiện lão có trong tay ngay. Như vậy lão Kingship chưa nắm giữ điều gì chắc chắn cả. Lão ta có khả năng biết sự thật không? Bằng cách nào lão biết được? Mấy thằng sinh viên trường đại học Stoddard, nay là năm thứ tư cả, có nhớ ai thường đi chơi với Dorothy không? Cũng có thể lắm! Nhưng thời gian này là mùa Giáng sinh – mùa nghỉ học. Bọn chúng đã tản đi rải rác khắp nơi hết rồi. Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày đám cưới. Lão Leo sẽ không sao khuyên Marion hoãn ngày cưới được nữa. Việc duy nhất mình có thể làm lúc này là hãy ngồi yên, khoanh tay chờ đợi thôi. Thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu… thứ bảy, a-lê-hấp, mọi việc đã đâu vào đó… Cứ cho là tình trạng xấu nhất sẽ xảy ra thì lão Leo chỉ có thể kết tội mình là thằng theo đuổi đồng tiền là cùng. Lão không sao chứng minh cái chết của Dorothy là một vụ mưu sát được. Lão cũng không thể vét cạn sông Mississipi để moi lấy khẩu súng nằm sâu dưới đáy bùn lên. Nếu tình trạng tốt nhất xảy ra thì đám cưới vẫn tiến hành suôn sẻ theo dự định. Sau đấy lão Kingship còn có thể làm gì được nữa chứ, dù mấy thằng sinh viên kia có chính thức tố giác là mình và Dorothy bồ bịch với nhau. Sẽ ly dị chăng? Sẽ hủy bỏ hôn thú? Cách nào cũng thế thôi cho dù Marion bị thúc giục, khuyến khích chọn lựa một trong hai giải pháp ấy chăng nữa. Marion cũng chẳng làm gì được. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Có lẽ lão ta phải ném ra một số tiền để mua chuộc mình… Đấy, đấy, lại ý tưởng này nữa… Lão phải quăng ra bao nhiêu tiền để rứt đứa con gái rượu của mình ra khỏi nanh vuốt của tên đại đào mỏ khốn kiếp? Chắc chắn là một số tiền lớn kinh khủng. Nhưng không thể nhiều bằng một ngày kia mình sẽ có khi làm con rể lão. Được ăn cả, ngã về không? Khi trở lại căn nhà thuê, hắn gọi điện thoại cho mẹ. - Con mong là đã không đánh thức mẹ dậy. Con từ nhà Marion về. - Mọi việc thật tốt đẹp, con ạ. Con bé dễ thương lắm. Rất dịu hiền… Mẹ mừng cho con. - Con xin cám ơn mẹ. - Còn ông Kingship quả là một người đáng mến. Con có để ý đến đôi bàn tay của ông ấy không? - Bàn tay thế nào, mẹ? - Sạch sẽ quá đi mất – Hắn bật cười lớn – Bud con – Giọng bà thấp hẳn xuống – Họ giàu lắm, giàu lắm con ạ. - Con cũng nghĩ thế. Hắn nói cho bè mẹ nghe về ngôi nhà ở Sutton Terrace. - Mẹ đợi mà xem – Hắn nói cho mẹ biết về lò nấu chảy kim loại – Thứ năm ông ta sẽ đưa con đến đấy. Ông muốn con làm quen dần tất cả những cơ sở. Cuối cùng bà mẹ nói: - Này Bud, vì sao con lại nảy ra ý định kia? - Yù định gì hả mẹ? - Việc con không trở lại trường học nữa. - Aø, chuyện đó… con thấy chẳng được ích lợi gì. - Sao…? – Bà tỏ vẻ thất vọng. - Mẹ có biết thứ kem cạo mặt không? Mẹ bấm nút ở đầu thì kem chảy ra khỏi hộp, trông giống như kem được đánh cho nổi váng lên vậy? - Cái gì? - Thôi, mẹ à. Những chuyện đó chỉ khiến con mệt thêm. Người mẹ thở dài ảo não, chán ngán: - Thật xấu hổ… Con không nói cho ai nghe ý định đó cả, phải không con? - Không. Họ chỉ chờ cơ hội quật ngã con thôi, mẹ à. Người mẹ nói, giọng ngao ngán, buồn rầu: - Những việc như vậy, nghĩ thật hổ thẹn quá. Nói chuyện với bà mẹ xong, hắn về phòng, nằm duỗi người trên giường, cảm thấy khỏe khoắn. Mặc xác lão Kingship và những nghi ngờ của lão. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp! Lạy Chúa! Bây giờ còn một việc duy nhất mình phải thực hiện – đưa cho mẹ một số tiền.