Truy tìm tung tích Tôn Ngộ Không có thật trong lịch sử.
Nguồn: Kenh14.vn
Việt Anh
Từ một Tôn Ngộ Không trong con mắt của Ngô Thừa Ân đến những tranh cãi lịch sử về một Tôn Ngộ Không có thật...
Bộ phim Tây Du Kýtừ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của rất nhiều người chúng ta. Và hình ảnh một Tôn Ngộ Không - Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung giúp Đường Tăng đi lấy kinh đã hằn sâu vào tâm thức của không biết bao nhiêu em nhỏ.
Vậy Tôn Ngộ Không là ai, liệu Tôn Hành Giả đi Tây Trúc thỉnh kinh có thật trong lịch sử hay không? Hãy cùng truy tìm tung tích của nhân vật này qua bài viết dưới đây.
Từ một Tôn Ngộ Không trong con mắt của Ngô Thừa Ân…
Nhiều người trong chúng ta thường cho rằng, Tôn Ngộ Không chỉ là một nhân vật giả tưởng do Ngô Thừa Ân sáng tạo ra. Trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng, Tôn Ngộ Không được khắc họa với hình hài của một con khỉ đá trường sinh bất tử, sở hữu những khả năng phi thường.
Cụ thể, Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một tảng đá ma thuật hấp thụ tinh hoa của vũ trụ, trời đất. Khi sinh ra, Tôn Ngộ Không thông minh lanh lợi, sớm trở thành Mĩ Hầu Vương của Hoa Quả Sơn.
Sau đó, Mĩ Hầu Vương theo học phép thuật của Bồ Đề Tổ sư, học được hầu quyền và 72 phép biến hóa, tự do bay lượn trên mây, lộn một vòng đi xa tới 10 vạn 8 ngàn dặm (khoảng 54 ngàn km).
Tôn Ngộ Không sau khi có võ nghệ cao cường đã từng lên trời làm quan chăn ngựa (Bật Mã Ôn) và được phong Tề Thiên Đại Thánh. Nhưng khi không được mời tới hội bàn đào và chức quan của mình quá nhỏ đã tức giận bỏ về Hoa Quả Sơn.
Mĩ Hầu Vương thậm chí sau đó còn đại náo thiên cung, ăn trộm đào tiên và linh đan trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân. Kết thúc nửa phần đầu của cuộc đời, Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ Như Lai trừng phạt vì sự ngông cuồng của mình khi nhốt dưới núi trong 500 năm.
Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung
... đánh đổ lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân.
Tề Thiên Đại Thánh được Đường Tăng giác ngộ, trở thành đại đệ tử của ông đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. Tôn Ngộ Không từ đó dốc lòng bảo vệ sư phụ, tiễn trừ yêu quái và cuối cùng đã thành công, được phong là Đấu Chiến Thắng Phật.
… tới một Tôn Ngộ Không trên phim truyền hình…
Với sự nổi tiếng của mình, hình ảnh của Tôn Ngộ Không nhanh chóng được khai thác trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Tại quê hương Trung Quốc, vai diễn Tôn Ngộ Không đã trở thành một phần không thể thiếu trên các sân khấu kịch, các bộ phim truyền hình. Về cơ bản, hình ảnh Tôn Ngộ Không thường chỉ mô tả lại một phần cuộc đời và dựa nhiều vào Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.
Hình ảnh Tôn Ngộ Không đã làm khuynh đảo màn ảnh nhỏ.
Trong đó, nhà họ Chương với 3 huyền thoại: cha Lục Linh Đồng (Chương Tông Nghĩa), hai con là Tiểu Lục Linh Đồng (Chương Kim Tinh) và Lục Tiểu Linh Đồng (Chương Kim Lai) được mệnh danh là gia tộc “Tôn Ngộ Không”.
Kể từ thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, những vai diễn Tôn Ngộ Không do 3 cha con này đảm nhiệm đã đưa tên tuổi của Tề Thiên Đại Thánh vang khắp thế giới. Tuy nhiên, mới đây, người thổi hồn đầu tiên vào Tôn Ngộ Không là nghệ sĩ Lục Linh Đồng đã qua đời ở tuổi 90, khiến gia tộc này chỉ còn huyền thoại là Lục Tiểu Linh Đồng.
Chân dung Lục Tiểu Linh Đồng - diễn viên huyền thoại với vai diễn Tôn Ngộ Không.
Lục Tiểu Linh Đồng chụp cùng cha: cố nghệ sĩ Lục Linh Đồng
... và những dấu tích lịch sử về một Tôn Ngộ Không có thật
Tôn Ngộ Không là sáng tạo nghệ thuật của Ngô Thừa Ân song thực tế, nhân vật này có gốc gác từ đâu vẫn luôn là một dấu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Một số học giả cho rằng, hình ảnh Tôn Ngộ Không thực chất được phỏng theo “thần khỉ” trong Ấn Độ giáo, có tên là Hanuman.
Căn cứ được đưa ra chính là những ghi chép có thật của pháp sư Huyền Trang - nhân vật lịch sử có thật của Đường Tam Tạng trong Tây Du Ký. Theo đó, Hanuman là vua khỉ, một anh hùng vô cùng trung thành với Rama và là biểu tượng của lòng dũng cảm.