Điều gì sẽ xảy ra sau khi MobiFone ‘tự do’?
Quyền lực của các sếp VNPT và 80% lợi nhuận của tập đoàn này sẽ ra sao là chủ đề được quan tâm nhất. Tuy nhiên, đó không phải là bức tranh toàn cảnh về sự “tự do” của MobiFone.
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) phân tích, việc dự đoán VNPT sẽ “sập” khi tách MobiFone do thiếu thông tin về đề án tái cơ cấu. “Một tập đoàn mạnh của Nhà nước, sau khi thay đổi lớn phải tạo ra những đơn vị lành mạnh hơn và trong đó cũng có những đánh đổi để tránh những cú sốc về tài chính”, ông này tiết lộ.
Nguồn tin này cho biết, nếu tách riêng MobiFone, khoản lợi nhuận hàng năm gần 80% của VNPT sẽ đi theo mạng di động. Thế nhưng, việc ra “ở riêng” (MobiFone sẽ trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) cũng kèm theo hàng loạt doanh nghiệp đang làm ăn kém hiệu quả với số lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng như khoản đánh đổi.
“Trên thực tế, sau khi ‘tự do’, lợi nhuận của MobiFone năm đầu tiên sẽ phải cân đối thêm khoản lỗ của những doanh nghiệp đi cùng nên sẽ khó tăng trưởng hoặc có thể giảm. Trong khi đó, VNPT – nhờ trút bớt được gánh nặng của doanh nghiệp lỗ, sẽ mạnh khỏe và có khả năng sinh lợi tốt hơn. Tuy nhiên, cộng lợi nhuận của VNPT và MobiFone mới sẽ cao hơn nhiều so với tập đoàn cũ”, vị lãnh đạo này dự báo.
MobiFone tách ra sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách tại VNPT. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo phân tích của một chuyên gia cấp cao cũng VNPT, lợi nhuận của tập đoàn sau khi tách riêng MobiFone cũng có thể gần tương đương với “con gà đẻ trứng vàng” bởi 2 lý do. Thứ nhất, khoản lỗ hàng nghìn tỷ trước đây đã được đẩy sang Tổng công ty MobiFone. Thứ hai, sau khi mất “cỗ máy kiếm tiền”, các đơn vị của VNPT sẽ phải cải tổ mạnh mẽ hơn nhiều chứ không còn khả năng dựa dẫm nên khả năng sinh lời sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông này thừa nhận: “Cái mất ở đây là quyền lực của những lãnh đạo tập đoàn”. Trước đây, Chủ tịch – Tổng giám đốc VNPT sẽ chỉ đạo cả MobiFone – VinaPhone (quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng); sau khi tách “gà đẻ trứng vàng”, quy mô quản lý giảm mạnh và chỗ dựa tài chính vững chắc không còn nữa.
Trong khi đó, ông Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) lại băn khoăn về vấn đề cơ sở hạ tầng khi MobiFone tách riêng. “Cả 3 mạng lớn là MobiFone, VinaPhone, Viettel đều của Nhà nước. Nếu MobiFone tách ra, rồi lại làm đường trục riêng chứ không dùng của VNPT nữa thì sẽ chồng chéo. Trong vấn đề này, nếu Nhà nước không vững tay trong vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng sẽ rất lãng phí”, ông Trực nói.
Người từng làm Tổng giám đốc VNPT cho rằng, phương án tốt nhất là 2 công ty sẽ thuộc sở hữu Nhà nước, còn lại MobiFone cổ phần hóa và cho các thành phần kinh tế khác tham gia nhiều hơn, để tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường viễn thông.
Ông Nguyễn Trung Chính, CEO Công ty CMC: “Cổ phần hóa MobiFone sẽ đem lại tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp tư nhân làm viễn thông”. Ảnh: Hiệp Đức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính – Tổng giám đốc Công ty cổ phần CMC chia sẻ: “Nếu MobiFone được tách ra, rồi cổ phần hóa, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ là một tin rất vui với các công ty tư nhân kinh doanh viễn thông như chúng tôi. Nếu cứ mãi là 3 công ty thông tin di động nhà nước thì CMC cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác sẽ không có cơ hội và thị trường chưa có cạnh tranh đúng nghĩa”.
Bình luận về việc tách MobiFone khỏi VNPT, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói, việc tách MobiFone khỏi VNPT sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa không chỉ ở doanh nghiệp này mà còn cả tiến trình với các công ty nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa gắn liền với tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ tăng sức cạnh tranh cho MobiFone, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông Việt Nam nói chung. “Ở đây, tốc độ là quan trọng vì nó thể hiện sự cam kết với đổi mới của Chính phủ Việt Nam với tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước”, ông Thành nhận định.
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn viễn thông Quân đội cho rằng, nếu cho phép MobiFone độc lập và có thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ là một cú huých lớn đối với ngành viễn thông Việt Nam. “Hiện nay, thị trường viễn thông đặc biệt là thông tin di động đang tăng trưởng ì ạch và thiếu động lực để bứt phá. Nếu MobiFone có nhà đầu tư ngoại hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, đổi mới công nghệ thì các nhà mạng khác như Viettel, VinaPhone sẽ phải tăng tốc cải cách. Điều này có lợi trước tiên là người tiêu dùng Việt Nam, sau đó đến các doanh nghiệp viễn thông và cả nền kinh tế”.
Nguồn: phuthobay.pro