10 Lý Do Khiến Bạn Chưa Giàu
“Là một nhà tư vấn tài chính, tôi đã dành nhiều năm giúp mọi người vượt qua nhiều loại sai lầm và khiến họ trở nên giàu có. Điều trớ trêu là, có một người khiến tôi thấy khó giúp nhất lại chính là bản thân tôi”, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Jocelyn Black Hodes viết trên tạp chí tài chính cho phụ nữ Daily Worth.
Khái niệm “giàu” có thể khác nhau ở từng người, tuy nhiên Hodes tin rằng giàu có nghĩa là sự tự do về tài chính cho phép bạn đạt được những mục tiêu và sống cuộc đời như bạn mong muốn. “Tôi rất giỏi đưa ra lời khuyên, nhưng lại không phải khi nào cũng giỏi trong việc khuyên chính mình. Cho nên khi giúp khách hàng với câu hỏi tại sao họ chưa giàu, phần dễ nhất là tìm ra nguyên nhân, vì tôi đã quá quen thuộc với chúng. Bất kể chúng ta được nuôi dạy, giáo dục, nghề nghiệp hay phong cách như thế nào, hầu hết chúng ta đều chưa đạt được mong muốn về mặt tài chính. Lý do thì có rất nhiều, hầu hết đều tương tự nhau. Tin tốt là không bao giờ quá muộn để trở nên giàu có, nếu bạn, cũng như tôi, đã sẵn sàng để đối mặt với những lý do khiến bạn chưa giàu”, Hodes nói. .
Dưới đây là 10 lý do mà Hodes chỉ ra:
1. Bạn tiêu tiền như mình đã giàu
Chắc chắn rằng, cảm giác mua những thứ đắt đỏ rất tuyệt, từ một cái xe đẹp, quần áo hàng hiệu, nhà cửa, những chuyến du lịch xa xỉ. Kể cả khi bạn không thường mua những thứ đắt đỏ, chỉ sắm những thứ không thật cần thiết thôi bạn cũng đã tốn một khoản đáng kể nếu ngồi cộng hóa đơn. Tuy nhiên cảm giác phấn khích sau khi đi shopping sẽ tiêu tan nhanh chóng khi hóa đơn thẻ tín dụng đến nhà. Hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy tội lỗi nếu chi tiêu vượt trên nhu cầu và dùng thẻ tín dụng nhiều hơn khuyến cáo. Nếu cứ càng vung tay quá trán, quá trình làm giàu càng trở nên xa vời. Lời khuyên là, hãy chi tiêu như một người nghèo và bạn sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu giàu.
2. Bạn không có kế hoạch
Không có những mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn một cách rõ ràng, việc làm giàu sẽ càng trở thành một viễn cảnh mịt mù. Có một câu mà chúng tôi vẫn thường nói trong ngành tài chính: Những ai trượt trong việc lên kế hoạch, hãy lên kế hoạch bị trượt.
Lên kế hoạch tài chính nghe có vẻ rất to tát và đáng sợ, nhưng trên thực tế không phải vậy. Dù bản kế hoạch của bạn là tự làm hay do chuyên gia tư vấn, quá trình lên kế hoạch đơn giản bắt đầu bằng việc đặt ra những mục tiêu ưu tiên và viết chúng ra. Đặt danh sách ở những chỗ nào dễ thấy hàng ngày. Nhắc nhở trực quan sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc đi đúng đường ray.
3. Bạn không có quỹ khẩn cấp
Có thể bạn đã nghe hàng trăm lần rằng: Cần phải có một quỹ khẩn cấp tương đương ít nhất 6 tháng thu nhập. Tuy nhiên, nói thì dễ làm mới khó. Tôi đã chứng kiến quá nhiều người (bao gồm cả bản thân tôi) gặp cú sốc khi một khoản chi bất ngờ ập đến, từ chi phí xe cộ, sửa nhà, ốm đau hoặc thất nghiệp, tai nạn hoặc đau ốm khiến bạn bị sụt giảm nguồn thu.
Khi những sự cố này xảy đến – thực tế là chúng xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ – nếu không có phương án tài chính dự phòng bạn sẽ rơi vào tình huống rất tệ hại. Nếu buộc phải vay nợ lãi cao, sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần chứ chưa nói đến làm giàu.
4. Bạn khởi đầu muộn
Với mỗi năm hay mỗi tháng trôi qua mà không tích lũy thêm được khoản nào, cơ hội làm giàu của bạn lại giảm đi một chút. Thời gian và lãi suất cộng dồn là hai người bạn đồng hành khi tiết kiệm tiền, do đó nếu lãng phí thời gian đồng nghĩa với mất tiền.
Cũng như rèn luyện thể lực, phần khó nhất của tích lũy là khởi đầu. Dù bạn đang trong đống nợ, kiếm được ít tiền hay có nhiều khoản chi chồng chất, bạn vẫn có thể tích một cái gì đó, dù là những khoản rất nhỏ.
Điểm mấu chốt là bạn càng sớm học thói quen tiết kiệm – bất kể bao nhiêu tiền – thì cơ hội cho bạn tiếp tục và gia tăng khoản tiết kiệm càng trở nên dễ dàng. Tôi thích nghĩ về việc tiết kiệm như là các cơ bắp mà bạn sẽ phải hành động và có được thông qua quá trình rèn luyện.
Dù bạn khởi đầu muộn, bạn vẫn có thể trở nên giàu có vào một lúc nào đó. Vấn đề là bạn phải khởi động, ngay bây giờ.
5. Bạn hay than phiền thay vì cam kết
“Cuộc sống quá đắt đỏ”, “Tôi sẽ không bao giờ thoát nợ”, “Tôi không kiếm đủ tiền”, “Đầu tư là quá mạo hiểm”… Tôi đã nghe đủ mọi loại bao biện cho bản thân về lý do chưa tiết kiệm, chưa đầu tư hay chưa lên bản kế hoạch. Tôi thừa nhận rằng bản thân mình cũng có lúc cũng than phiền như thế. Lười và dung dưỡng những thói quen xấu thì dễ dàng hơn là cam kết và theo đuổi mục tiêu.
6. Bạn sống vì hôm nay thay vì ngày mai
Rất khó để nghĩ về quỹ lương hưu và những viễn cảnh xa xôi khác khi mà chúng ta có những nhu cầu và nhiều khoản chi khác đang hiển hiện trước mắt. Hóa đơn phải trả, con cái phải ăn, đi du lịch và kèm theo đó là phải mua quần áo mới. Vấn đề là thái độ bốc đồng và nuông chiều bản thân thái quá dẫn đến những khoản nợ quá hạn. Để thay đổi, hay thay đổi lối tư duy “mua bây giờ, lo sau” thành “tiết kiệm bây giờ, giàu sau”.