Bằng những âm mưu và công cụ của mình, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện thành công chiến lược “triệt tiêu Google, thủ tiêu Facebook”, đồng thời đưa internet nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của họ.
Với người sử dụng internet tại Việt Nam và trên thế giới, các dịch vụ được cung cấp bởi những công ty công nghệ hàng đầu như Google hay Facebook đã dần trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân vào bên trong biên giới Trung Quốc, sẽ không còn có sự tồn tại của Google, Youtube hay Facebook. Nếu có một ngày tình cờ đặt chân vào quốc gia này, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên để rồi tự hỏi phải chăng internet trên thế giới này đang gặp vấn đề?
Bức tường thành vĩ đại
Bất đáo Trường thành phi hảo hán” – Chưa từng ghé qua Trường thành chưa thể xem là anh hùng hảo hán, người Trung Quốc luôn tự hào vì có một Vạn Lý Trường Thành vĩ đại, công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ của loài người. Vậy nhưng ít ai biết rằng, Trung Quốc còn có một công trình vĩ đại khác, công trình này được gọi là Great Wall Firewall, hay Vạn lý trường thành trên mạng.
Great Wall Firewall là một thuật ngữ được giới công nghệ và các nước phương tây ám chỉ về hệ thống kiểm duyệt internet của Bắc Kinh. “Vạn lý trường thành trên mạng” được tạo bởi những bức tường lửa chuẩn trên các server proxy, những bức tường này chặn việc truy nhập tới nội dung bằng cách chặn vào địa chỉ IP Router được chỉ định. Với hệ thống này, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm và ngăn chặn các nguồn thông tin mà họ nghĩ rằng sẽ reo rắc những tư tưởng không tốt cho người dân và đem đến sự bất lợi cho chính phủ.
Bên cạnh Great Wall Firewall, Trung quốc còn phát triển một dự án với tên gọi Lá chắn vàng hay Golden Shield. Dự án này là một phần của Great Wall Firewall. Golden Shield ra đời vào năm 1993 và được hoàn thành vào năm 2006. Khác với công việc chính của Great Wall Firewall là ngăn chặn, Golden Shield nhấn mạnh vào việc giám sát và kiểm duyệt người dùng. Hệ thống này được vận hành bởi Cục An ninh công cộng (PSB) và lực lượng cảnh sát quốc gia Trung Quốc.
Khi những nội dung với các thông tin nhạy cảm được gửi qua email hoặc đăng tải trên internet và bị phát hiện bởi Golden Shield, một vài lực lượng đặc biệt có thể được cử đến điều tra hoặc tiến hành bắt bớ. Có thể nói rằng, với sự xuất hiện của Great Wall Firewall, chính phủ Trung Quốc đang có trong tay một công cụ đắc lực để vận hành internet theo cách riêng của họ.
Triệt tiêu Google, thủ tiêu Facebook
Để có thể hoàn thành kế hoạch khống chế và kiểm duyệt internet của mình, hàng loạt các công ty công nghệ lớn của thế giới đã bị Trung Quốc cho vào tầm ngắm.
Vậy Google và Facebook đã làm gì nên tội? Cái sai của Google nằm ở chỗ hệ thống này vận hành quá tốt nhưng lại không tuân theo quy luật của giới cầm quyền.
Google bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc kể từ năm 2006 với sự xuất hiện của trang tìm kiếm Google.cn. Vậy nhưng, trong suốt quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp này liên tục gặp những rắc rối từ phía chính phủ.
Đầu tiên là những rắc rối xoay quanh vị trí phụ trách quan hệ chính phủ. Người đầu tiên đảm nhận vai trò này là một người phụ nữ từng giữ chức phó chủ tịch tập đoàn Sina. Tuy nhiên không lâu sau khi ngồi vào vị trí này, bà ta đã bị cho thôi việc bởi những rắc rối liên quan đến tài chính.
Cái sai của Google nằm ở chỗ hệ thống này vận hành quá tốt nhưng lại không tuân theo quy luật của giới cầm quyền.
Sự việc có vẻ như khá oan ức khi bà này dùng tiền công ty tặng những chiếc iPod cho các quan chức Trung Quốc để bôi trơn, thế nhưng văn hóa của Google và văn hóa người Mỹ không chấp nhận điều đó. Và với những người kế tiếp sau, do không thể chấp nhận văn hóa làm tiền theo kiểu người Hoa, quan hệ của hãng này với chính phủ Trung Quốc ngày một xấu đi trông thấy. Đỉnh điểm là vào Olympic Bắc Kinh 2008, khi mà Google gạt đi những yêu cầu kiểm duyệt thông tin của chính phủ nước này.
Việc yếu kém trong vấn đề quan hệ chỉ là một trong những yếu tố đẩy Google ra khỏi cuộc chơi. Yếu tố cốt yếu nằm ở việc Google không tuân theo luật lệ của chính phủ Trung Quốc. Giới cầm quyền Trung Quốc luôn dị ứng với các kết quả tìm kiếm liên quan đến vấn đề lãnh thổ, sự độc lập của các vùng đất tự trị, vấn đề Đài Loan hay những rắc rối xoay quanh các phong trào đàn áp trong nước và vấn đề người Hoa kiều ở hải ngoại. Bắc Kinh yêu cầu Google tiến hành lọc các từ khóa đó, thế nhưng Google đã từ chối.
Kết quả tìm kiếm có sự khác biệt hoàn toàn giữa Google và Baidu khi cùng sử dụng từ khóa “Tiananmen” hay “Thiên An Môn”, tên gọi của quảng trường Thiên An Môn và cũng là tên một sự kiện mà chính phủ muốn xóa đi trong lịch sử Trung Quốc.
Gã khổng lồ tìm kiếm tự tin về việc người Trung Quốc cần mình, họ là một doanh nghiệp lớn với doanh thu hàng tỷ đô la, và chính phủ Trung Quốc sẽ không thể bỏ rơi họ. Vậy nhưng, Google đã nhầm. Việc loại bỏ Google đã nằm trong toan tính của người Trung Quốc từ lâu. Các doanh nghiệp công nghệ nội địa đã được đầu tư và chuẩn bị từ trước để cạnh tranh trực tiếp với Google, và việc Google chính thức rút lui khỏi Trung Quốc vào năm 2010 là thời cơ quá tốt để thực hiện điều đó.
Ở vào thời điểm năm 2012, 2 năm sau ngày Google chính thức rời khỏi thị trường và chuyển hướng tìm kiếm tiếng Hoa của mình về máy chủ đặt tại Hồng Kông (Google.hk.com), các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng đạt được những thành tựu trông thấy.
Với 80% thị phần tìm kiếm, 3 tên tuổi lớn trong làng công nghệ Trung Quốc là Baidu (Baidu.com – 35%), Tencent (Sogou.com – 23%) và Easou (Easou.com – 22%) đã chia nhau làm bá chủ thị trường. Tất nhiên, các doanh nghiệp này đều được đỡ đầu bởi các cơ quan của chính phủ và đổi trả lại là kết quả thu được từ các mạng tìm kiếm nói trên hoàn toàn bị kiểm duyệt bởi chính quyền Trung Hoa.
Vậy là với việc “đá ***” Google, chính phủ Trung Quốc đã đạt được 2 thành tựu lớn. Thứ nhất, họ đã phát triển được các tập đoàn công nghệ khổng lồ với giá trị hàng tỷ đô la và từ đó vươn vòi bạch tuộc ra thế giới. Còn điều thứ hai, giới cầm quyền đã thành công trong việc cho người dân đọc được các thông tin theo ý muốn của mình.
Với các dịch vụ internet mà chúng ta sử dụng hàng ngày khác như Facebook hay Youtube, mọi việc cũng diễn ra đúng như vậy. Thay thế cho các trang này đã có Weibo, Youku hay Tudou cùng hàng loạt các công ty công nghệ của người Trung Quốc khác.
Và như thế, toàn bộ hệ thống internet của đất nước này đã lọt vào trong tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh.
Tham khảo thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ki%E1%BB%83m_duy%E1%BB%87t_Internet_%E1%BB%9F_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_Nh%C3%A2n_d%C3%A2n_Trung_Hoa