Đó dường như là câu cửa miệng của hầu hết các teen bây giờ.
"Vãi" lung ta lung tung
"Vãi" là khẩu ngữ đã quá quen thuộc với teen Việt nhà mình. Ở bất cứ đâu từ ngoài phố, trong nhà đến trường học, khi nói về bất cứ cái gì… teen cũng có thể vung"vãi".
Teens rất thích thú khi dùng từ này và nhiều người dùng đến mức các bạn còn lập cả một page "Vãi" với hơn 3000 thành viên trên facebook làm sân chơi riêng cho mình. Và thế là, có bất cứ chuyện gì muốn "chém" trên net, các teen đều vào đây và "vãi" lung tung.
Page của những fan cuồng "vãi" trên facebook.
Từ chuyện tự dưng dậy sớm cho đến chuyện thời tiết nóng quá hay lạnh quá cũng… "vãi", chuyện ốm đau thì "mệt vãi", cho đến chuyện khỏi ốm có thể đi đá bóng cũng… "sướng vãi". Thậm chí cả những điều liên quan đến chuyện tình yêu, teen cũng có thể tung "vãi".
Vậy "vãi" nghĩa là gì?Theo admind của page"Vãi" thì: "Ngày nay, khi các bạn cực kỳ ngạc nhiên vì điều gì hay gọi chung là "không đỡ được", 90% các bạn sẽ nói rằng… vãi".
Còn ngoài đời, teen nói gì về "vãi": "Ừ thì bình thường mọi người muốn khen một cô nàng xinh xắn, ăn mặ cmát mẻ, thay bằng xuýt xoa: xinh quá, ngon quá… Bọn tớ sẽ không nói thế mà dùng"vãi hàng". Như vậy có phải nhanh hơn không. Mà không phải người trong cuộc thì chẳng hiểu mình nói gì để mà chê trách", Minh(1995) hào hứng nói.
"Thật sự thì hồi đầu mình cũng không nói đâu vì ở nhà bố mẹ mình nghiêm lắm. Mình cũng thấy con gái mà phát ngôn thế thì cứ thế nào ấy. Nhưng ở lớp, đứa nào cũng"vãi", mình không nói thì bị bảo là quê. Và cũng chẳng hiểu từ lúcnào, tớ mở miệng là"vãi" nữa", Ngọc Anh, THPT Lê Quý Đôn tâm sự.
Tác hại khó lường của "bệnh vãi"
Teen nói "vãi" chủ yếu cho sướng miệng. Nhưng, sướng miệng mà nhiều khi vạ đến thân. Những câu chuyện của các bạn dưới đây chính là một phần trong rất nhiều tác hại của bệnh 'vãi" lung tung này.
Phương Anh, THPT Việt Đức, nhớ lại: "Đó là lần đầu tiên tớ đến nhà bạn trai chơi. Sau bữa cơm vui vẻ, chúng tớ cùng mẹ bạn ấy ngồi xem phim. Khi xem đến đoạn sướt mướt nhất, tớ ngán ngẩm vung “chuối vãi”. Mẹ bạn ấy bất ngờ quay sang “cái gì vãi cơ cháu?” làm tớ đỏ mặt ngượng vì “lỗi miệng”.Từ dạo đó đến giờ, tớ chưa dám hó hé sang nhà chàng chơi nữa".
Thành (1996) kể: "Hôm đó thằng bạn ngồi cạnh tớ bị cô giáo kiểm điểm vì tội hay ngủ trong lớp, không chép bài. Cô giáo quát nó rất nhiều và chốt lại bằng loạt hình phạt oái oăm như: chép bài ra giấy hàng chục lần, dọn vệ sinh, mời phụ huynh lên gặp… Tớ ngồi cạnh xót xa cho thằng bạn mà thốt lên"vãi" ngay khi cô vừa"chốt hạ" hình phạt. Nói xong tớ biết mình"dại miệng" rồi nhưng không thể rút lại nữa. Cô giáo đã kịp nghe thấy. Mặt cô đỏ gay gắt. Và thế là… cái miệng làm vạ cái thân, tớ cũng phải lĩnh án phạt cùng thằng bạn".
“Vãi” trở thành hội chứng lây truyền rộng rãi và có sức ảnh hưởng lớn đến teen ngày nay. Nếu chỉ dừng lại ở những chỗ vui đùa trong cộng đồng teen thì không sao. Nhưng thật khó để mà kiểm soát khi cách dùng từ này trở thành thói quen, ăn vào máu bạn. Ở những nơi văn minh, lịch sự, trước mặt cha mẹ,"vãi" là một từ gây phản cảm đến vô cùng.Teen hãy cân nhắc và kiềm chế hết sức khi phát ngôn để đừng làm mất đi sự văn mình của mình trước chốn đông người.