Điện thoại thông minh, máy tính bảng đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với sự phát triển công nghệ mạnh mẽ, điện thoại ngày càng thông minh nhưng pin vẫn luôn là vấn đề làm “đau đầu” người sử dụng.
Trong khi đợi những cải tiến thời lượng pin từ các nhà sản xuất, người dùng có thể tự tối ưu hóa pin với các lưu ý dưới đây:
Trước đây, pin trên thiết bị di động có thành phần chính là Niken. Người dùng thường được khuyến cáo nên dùng cạn pin trước khi tiếp tục sạc đầy. Giờ là lúc cần thay đổi thói quen này khi smartphone chủ yếu sử dụng pin Lithium-ion. Nên giữ pin trên điện thoại ở mức trên 50%. Nếu cẩn thận hơn và kéo dài tuổi thọ, người dùng có thể xả pin khoảng một tháng một lần.
Sạc qua đêm cũng là vấn đề cần chú ý. Về mặt kỹ thuật, hầu hết các bộ sạc đều có mạch ngắt khi smartphone đã được sạc đầy. Tuy nhiên, cũng không nên kéo dài thời gian cắm sạc không cần thiết và cũng không cần phải sạc để pin đạt 100%. Nên giữ cho pin điện thoại luôn ở mức 40% đến 80%
Pin Lithium-ion có khi bị kiệt pin hoặc bất ngờ sụt pin về 0% và tắt máy. Tình trạng này không xảy ra thường xuyên nhưng có thể khiến người dùng lo lắng, bực mình. Tuy nhiên, đây chính là cách các nhà sản xuất bảo vệ khách hàng. Trên smartphone thường trang bị mạch tự ngắt khi có sự thay đổi điện thế nhằm đảm bảo pin không bị phát nổ.
Mặc dù được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn tuy nhiên smartphone cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và nguyên nhân thường do sử dụng không đúng cách. Tránh đặt thiết bị nơi có nhiệt độ cao, độ ẩm quá cao… Khi máy quá nóng, pin trên điện thoại có thể hết nhanh hơn thậm chí là phát nổ.
Sạc không dây đang là xu hướng trên các thiết bị điện tử hiện nay. Việc sạc pin không dây trở nên đơn giản, dễ dàng nhưng cũng đi kèm những nhược điểm. Ứng dụng hiện tượng cảm ứng từ, sạc không dây gây lãng phí điện năng và sinh nhiệt. Do đó sạc theo cách truyền thống vẫn là lựa chọn an toàn và tối ưu nhất. Ngoài ra dùng dây cắm trực tiếp cũng giúp sạc thiết bị nhanh hơn.
Theo Soha